Sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi
Bộ Tài chính đang dự thảo Thông tư hướng dẫn một số điều tại Nghị định số 24/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ quản lý ngân quỹ nhà nước, trong đó có đề xuất về sử dụng ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi.
Theo dự thảo, ngân quỹ nhà nước tạm thời nhàn rỗi có thể được gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại hoặc mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ.
Đối với gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại, dự thảo đề xuất Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện gửi có kỳ hạn các khoản ngân quỹ nhà nước (NQNN) tạm thời nhàn rỗi tại các ngân hàng thương mại có mức độ an toàn cao theo xếp hạng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định tại Điều 7 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.
Việc gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại được thực hiện theo hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn giữa KBNN và ngân hàng thương mại, phù hợp với các quy định của pháp luật; trong đó, nêu rõ trách nhiệm, quyền hạn của các bên và các nội dung khác có liên quan đến khoản tiền gửi có kỳ hạn.
Mức gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại không vượt quá hạn mức gửi tiền có kỳ hạn được quy định. Thời hạn gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại được thực hiện theo hợp đồng gửi tiền có kỳ hạn giữa KBNN và ngân hàng thương mại, tối đa không quá 03 tháng, kể từ ngày KBNN làm thủ tục chuyển tiền để thực hiện giao dịch.
Tổng Giám đốc KBNN quyết định việc gửi tiền có kỳ hạn tại các ngân hàng thương mại theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.
Đối với mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ, KBNN được thực hiện giao dịch mua bán lại đối với các loại trái phiếu Chính phủ và tín phiếu do KBNN phát hành đang niêm yết tại Sở Giao dịch Chứng khoán.
Hình thức giao dịch: Thỏa thuận điện tử hoặc thỏa thuận thông thường. Kỳ hạn mua lại trái phiếu Chính phủ tối đa không quá 03 tháng, kể từ ngày KBNN làm thủ tục chuyển tiền để thực hiện giao dịch. Tổng Giám đốc KBNN quyết định việc mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ theo quy định tại Khoản 3 Điều 7 Nghị định số 24/2016/NĐ-CP.
Hạn mức sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi
Dự thảo đề xuất hạn mức tạm ứng NQNN tạm thời nhàn rỗi cho NSNN. Đối với ngân sách trung ương: Căn cứ khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi và dư nợ tạm ứng NQNN cho ngân sách trung ương hiện tại, KBNN xác định hạn mức tạm ứng NQNN cho ngân sách trung ương cho phù hợp, tối đa không vượt quá khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong quý.
Đối với ngân sách cấp tỉnh: Hạn mức tạm ứng NQNN cho ngân sách cấp tỉnh tối đa không vượt quá 10% khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong quý; trong đó, đối với từng ngân sách cấp tỉnh đảm bảo tổng số dư nợ tạm ứng NQNN và các khoản dư nợ huy động vốn khác của ngân sách cấp tỉnh đó không vượt quá mức được phép huy động tối đa theo quy định của Luật NSNN.
Hạn mức sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để gửi có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại và mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tối đa không vượt quá 50% khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong quý.
Trong đó, hạn mức sử dụng NQNN tạm thời nhàn rỗi để mua lại có kỳ hạn trái phiếu Chính phủ tối đa không vượt quá 10% khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong quý.