KBNN: Nâng tầm công tác quản lý ngân quỹ nhà nước

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Thực hiện Chiến lược Phát triển đến năm 2020 và tiến tới Kho bạc Nhà nước điện tử trong tương lai, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện cải cách nhiều hoạt động nghiệp vụ, trong đó, việc cải cách quản lý ngân quỹ nhà nước luôn được coi là nhiệm vụ trọng tâm.

Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội.
Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội.

Với việc Chính phủ ban hành Nghị định số 24/2016/NĐ- CP (NĐ 24) quy định chế độ quản lý ngân quỹ chính là cơ sở pháp lý vững chắc cho công tác này và Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã đưa ra lộ trình để thực hiện nghị định.

Kiểm soát và quản lý chặt Ngân quỹ nhà nước

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, công tác quản lý ngân quỹ tại (KBNN) ngày càng đi vào thực chất khi “người gác cổng” ngân sách đã kiểm soát chặt mọi khoản chi để những đồng vốn từ ngân sách luôn luôn được chi đúng mục đích, không bị lãng phí, thất thoát.

Có thể thấy, KBNN không chỉ quản lý tiền, tài sản nhà nước giao đảm bảo tuyệt đối an toàn, mà đơn vị còn cùng với các cơ quan thu trên địa bàn bám sát dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) để tập trung nhanh, kịp thời mọi khoản thu về NSNN. Không những thế, công tác phối hợp thu với các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng được KBNN tiếp tục triển khai với đa dạng hóa các hình thức phối hợp thu như: Thu NSNN qua máy chấp nhận thanh toán thẻ (POS), thu qua ATM, Internet Banking,... góp phần giảm thiểu thời gian cho người nộp thuế, đảm bảo mục tiêu cải cách hành chính trong lĩnh vực thu nộp NSNN.

Trong công tác kiểm soát chi, KBNN cũng luôn triển khai nhiều giải pháp để góp phần thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách. Đặc biệt, KBNN luôn rà soát các văn bản chế độ, chính sách liên quan đến công tác kiểm soát chi để kịp thời tháo gỡ các vướng mắc phát sinh.

Trong công tác kế toán, thanh toán, các đơn vị KBNN cũng tổ chức hạch toán đầy đủ, kịp thời, chính xác các khoản thu, chi NSNN, các loại vốn, quỹ, tài sản nhà nước. Các số liệu kế toán đã góp phần cung cấp thông tin quan trọng trong việc theo dõi, đánh giá tình hình thu chi NSNN, làm căn cứ để các cấp có thẩm quyền ra quyết định phù hợp.

Theo các chuyên gia kinh tế, đây chính là thử thách rất lớn, đòi hỏi KBNN phải xây dựng được hệ thống dự báo luồng tiền, trên cơ sở đó xác định nguồn tiền tạm thời nhàn rỗi hoặc tạm thời thiếu hụt để có những quyết định đúng đắn, kịp thời trong từng thời kỳ.

Lộ trình để thực hiện

Để triển khai nhiệm vụ theo NĐ 24, KBNN đã để ra lộ trình và kế hoạch thực hiện. Theo đó, KBNN tiếp tục triển khai hệ thống thanh toán tập trung hiện đại dựa trên nền tảng của hệ thống Tabmis (hệ thống thông tin quản lý ngân quỹ và kho bạc), giao diện với các hệ thống thông tin khác (hệ thống phối hợp thu NSNN bằng VNĐ và ngoại tệ, hệ thống thanh toán song phương điện tử, hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng,...) nhằm quản lý tập trung ngân quỹ để sử dụng hiệu quả nhất cũng như để nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính của Chính phủ.

Ngoài ra, KBNN sẽ xây dựng và phát triển hệ thống dự báo luồng tiền hiện đại, đảm bảo dự báo tương đối chính xác tình hình thu, chi, thanh toán và tồn ngân quỹ trong ngắn hạn cũng như dài hạn. Trên cơ sở đó, xây dựng phương án quản lý, điều hành ngân quỹ phù hợp. Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm soát và quản lý rủi ro, trong đó phân loại rủi ro, đánh giá mức độ ảnh hưởng từng loại rủi ro đến các quyết định điều hành ngân quỹ để đảm bảo quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả.

Song song với đó, KBNN tiếp tục xây dựng và phát triển hạ tầng công nghệ thông tin để đáp ứng tốt nhất các yêu cầu cải cách quản lý ngân quỹ, đặc biệt là hiện đại hóa hệ thống thanh toán, xây dựng các phần mềm nghiệp vụ như dự báo luồng tiền, đầu tư ngân quỹ…