Sử dụng thuế, phí để giải quyết vấn đề về môi trường
Khuyến khích tăng trưởng xanh là mục tiêu nhiều quốc gia đang hướng đến. Trong đó, các khoản thuế, phí liên quan đến môi trường là một trong những công cụ thị trường chính được các nước xem xét để giải quyết vấn đề về môi trường.
Thuế, phí môi trường chiếm khoảng 5% GDP
Phát triển bền vững là mục tiêu cơ bản, quan trọng và dài hạn đối với mỗi quốc gia. Kinh nghiệm từ nhiều nước trên thế giới cho thấy, tập trung phát triển kinh tế mà không quan tâm tới các vấn đề môi trường sẽ mang lại hiệu quả kinh tế thấp, do chi phí cho các hoạt động xử lý ô nhiễm sẽ cao hơn chi phí đầu tư cho các biện pháp kiểm soát ô nhiễm. Vì thế bảo vệ môi trường (BVMT) đã và đang trở thành một vấn đề then chốt của chiến lược phát triển bền vững.
Tại nhiều quốc gia, việc sử dụng công cụ thuế môi trường - một công cụ dựa vào thị trường để thay đổi ưu tiên của người tiêu dùng - là một phương thức hiệu quả, nhằm kích thích đầu tư theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Chính vì thế, đây là biện pháp được hầu hết các nước trên thế giới áp dụng. Chính sách này một mặt khuyến khích người gây ô nhiễm môi trường giảm lượng chất thải ra môi trường, thông qua việc đưa chi phí sử dụng môi trường vào giá thành sản phẩm theo nguyên tắc: Người gây ô nhiễm phải trả tiền và người sử dụng phải trả tiền.
Mặt khác, biện pháp đó còn góp phần tăng nguồn thu ngân sách nhà nước. Ước tính, thu nhập từ nhóm thuế/phí này trung bình chiếm khoảng 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và dao động từ 3 - 13% GDP tùy thuộc vào từng quốc gia. Đây là cơ sở để các nước có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp cũng như cho các hoạt động nghiên cứu và hỗ trợ khác để BVMT.
Thuế và phí ở nhiều nước đã áp dụng cho đầu vào hoặc đầu ra của quá trình sản xuất gây suy thoái môi trường. Công cụ này phổ biến hơn nhiều so với thuế đối với nguồn ô nhiễm và có xu hướng tập trung vào ngành giao thông. Trung bình khoảng 90% tổng thu thuế BVMT là từ nhiên liệu ô tô và xe có động cơ trong các nước OECD. Đóng góp vào thuế môi trường sau nhiên liệu là phí sử dụng nước, thuế bao bì, thuốc trừ sâu và phân bón...
Ví dụ ở Trung Quốc, Áo, Mỹ, Canada thu thuế đối với việc mua/bán và sử dụng xe cơ giới. Điều này có thể định hướng đến mục đích điều tiết tiêu dùng các loại xe cơ giới và huy động nguồn thu cho ngân sách. Ở Mỹ mức thuế rất khác nhau, dao động từ mức 1.000 - 7.700 USD đối với việc mua bán xe cơ giới không có hiệu quả về năng lượng, dựa trên từng chặng đường mà xe đó có thể đi trên một Ga-lông.
Trong khi đó, tại Trung Quốc, thuế mua xe cơ giới áp dụng đối với các cá nhân, đơn vị mua xe trong nước và mức thuế phải nộp được tính theo giá của xe. Nước này còn đánh thuế đối với tất cả các sản phẩm tài nguyên, đồng thời mở rộng việc đánh thuế trên doanh thu bán dầu thô và khí tự nhiên. Trung bình một thùng dầu thô bán ra với giá 80 USD, thuế tài nguyên là 4 USD/thùng, gấp 6 - 13 lần so với trước đó.
Thuế thu được phải cao hơn chi phí xử lý ô nhiễm môi trường
Thuế BVMT đã tạo cơ hội và điều kiện để nhà sản xuất chuyển chi phí BVMT vào giá thành sản phẩm. Như vậy là chuyển trách nhiệm BVMT gián tiếp vào người tiêu dùng, khuyến khích các nhà sản xuất đầu tư BVMT tương ứng với mức đầu tư phát triển sản xuất; đồng thời thay đổi hành vi của người tiêu dùng đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế.
Qua nghiên cứu cho thấy, việc quy định thu và áp dụng mức thu thuế BVMT cụ thể đối với xăng dầu dẫn đến giá xăng dầu tăng, từ đó kích thích việc sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả hoặc sử dụng nhiên liệu, biện pháp thay thế thân thiện hơn với môi trường, góp phần giảm khí thải nhà kính, BVMT. Nghiên cứu của UNDP năm 2017 cho thấy, việc áp dụng thuế BVMT đối với xăng dầu đã làm giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính từ 5 - 15%.
Tại Việt Nam, tăng trưởng kinh tế cao kèm theo đó là mức độ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, do nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào khai thác tài nguyên thiên nhiên mà chưa dựa vào phát triển ứng dụng công nghệ cao. Thống kê cho thấy, tổn thất do ô nhiễm môi trường lên tới 5,5% GDP.
Vì vậy, để thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, Việt Nam đã và đang thực hiện tái cấu trúc và hoàn thiện thể chế kinh tế, đầu tư và ứng dụng công nghệ tiên tiến nhằm khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải gây hại cho môi trường cũng như giảm tối đa các tác động tiêu cực của hoạt động kinh tế đến môi trường; phòng ngừa, kiểm soát và khắc phục kịp thời ô nhiễm, suy thoái môi trường.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TBTCVN, ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế cũng cho rằng, thu thuế BVMT là một trong những công cụ tài chính để xử lý, khắc phục những tổn hại về môi trường, thông qua chương trình chi tiêu của Chính phủ. Hơn nữa, theo ông Phụng, với việc giảm thuế xuất nhập khẩu, cần phải tăng thuế nội địa, trong đó thuế BVMT là một trong những sắc thuế liên quan đến việc bảo đảm cân đối và cơ cấu lại ngân sách.
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2011 - 2020, Việt Nam xác định yêu cầu xuyên suốt là phát triển nhanh và bền vững, gắn với hoàn thiện thể chế kinh tế theo hướng xanh hóa. Theo Ths. Trần Thị Hà, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính, cần rà soát lại các chính sách tài chính liên quan đến môi trường để đảm bảo sự phù hợp và tác động ngăn ngừa, răn đe.