Nhiều chính sách về thuế, phí nhằm kiểm soát chất lượng môi trường
Nhằm tăng cường quản lý, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường, Quốc hội đã thông qua nhiều luật, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị định quy định về thuế, phí nhằm kiểm soát chất lượng môi trường.
Theo đó, ngày 25/11/2009, Quốc hội đã thông qua Luật Thuế tài nguyên, quy định 8 nhóm tài nguyên khoáng sản chịu thuế, trong đó có các loại than “than an-tra-xít hầm lò; than an-tra-xit lộ thiên, than nâu, than mỡ, than khác”.
Trong đó, khung thuế suất đối với than antraxit hầm lò và than khác là 4 – 20%; đối với than antraxit lộ thiên và than nâu, than mỡ là 6 – 20%. Người nộp thuế tài nguyên là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên thuộc đối tượng chịu thuế tài nguyên.
Căn cứ khung thuế suất, Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định mức thuế suất cụ thể đối với từng loại tài nguyên trong từng thời kỳ bảo đảm các nguyên tắc góp phần quản lý nhà nước đối với tài nguyên, bảo vệ, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm và hiệu quả nguồn tài nguyên, đảm bảo nguồn thu ngân sách nhà nước và bình ổn thị trường.
Về thuế bảo vệ môi trường (BVMT), Quốc hội đã thông qua Luật Thuế BVMT, có hiệu lực từ ngày 1/1/2012. Theo đó, tại Luật Thuế BVMT quy định "than đá" thuộc đối tượng chịu thuế BVMT, không phân biệt than đá sản xuất trong nước và than đá nhập khẩu để tiêu thụ trong nước hoặc nhập khẩu sản xuất để xuất khẩu.
Trường hợp than đá xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở sản xuất kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu thì không phải nộp thuế BVMT. Trường hợp than đá mua để xuất khẩu thì cơ sở sản xuất hàng hóa phải kê khai nộp thuế BVMT khi bán hàng hóa.
Về phí, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2003/NĐ-CP ngày 13/6/2003 về thu phí BVMT đối với nước thải và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2004. Do đó, khung pháp lý về BVMT đối với nước thải đã được xây dựng và thực hiện hơn 15 năm qua.
Theo đó, kể từ ngày 1/1/2017, phí BVMT đối với nước thải được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 154/2016/NĐ-CP ngày 16/11/2016 của Chính phủ, cụ thể: phí BVMT đối với nước thải công nghiệp được quy định dựa trên 06 chất gây ô nhiễm, cụ thể là nhu cầu oxy hóa học (COD), chất rắn lơ lửng (TSS), thủy ngân (Hg), chì (Pb), Arsenic (As) và Cadmium (Cd).
Việc quy định thu phí dựa vào số chất gây ô nhiễm đã đảm bảo nguyên tắc người gây ô nhiễm nhiều hơn phải trả phí nhiều hơn, qua đó góp phần xử lý nước thải hiệu quả hơn.
Ngoài ra, Bộ Xây dựng cũng đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2014/NĐ-CP ngày 6/8/2014 về việc thoát nước và xử lý nước thải đã quy định cụ thể về giá dịch vụ thoát nước và xử lý nước thải, trong đó quy định khung pháp lý để thực thi hiệu quả các tiêu chuẩn xử lý nước hiện hành.
Đối với phí khai thác khoáng sản, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 164/2016/NĐ-CP về phí BVMT đối với khai thác khoáng sản và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2017.
Theo đó, khung mức phí áp dụng đối với khai thác than vẫn giữ nguyên như quy định tại Nghị định số 12/2016/NĐ-CP là 6.000 đồng đến 10.000 đồng/tấn. Mức thu cụ thể giao cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.
Đối với đất đá bốc xúc thải ra trong quá trình khai thác khoáng sản, Nghị định số 12/2016/NĐ-CP và Nghị định số 164/2016/NĐ-CP quy định thu 200 đồng/m3. Riêng khai thác than, chưa thu phí đối với đối tượng này đến hết năm 2017 để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.