Sự kiện Brexit và một số khuyến nghị đối với doanh nghiệp Việt Nam
Ngày 23/6/2016, với số phiếu ủng hộ Brexit (viết tắt của từ Britain và exit) chiếm 52%, người dân Anh đã quyết định chọn rời Liên minh châu Âu (EU). Sự kiện đưa nước Anh ra khỏi “ngôi nhà chung” EU ngay lập tức đã gây ra những cú sốc liên hoàn trên các thị trường dầu mỏ và tài chính toàn cầu. Quyết định này sẽ có tác động như thế nào đến nền kinh tế Việt Nam và các doanh nghiệp Việt Nam cần phải làm gì sau sự kiện này là những câu hỏi dư luận đang cần có câu trả lời xác đáng.
Những tác động của Brexit đối với nền kinh tế Việt Nam
Mặc dù quá trình Anh rời khỏi EU có thể mất khoảng 2 năm nhưng thị trường toàn cầu đã bị ảnh hưởng ngay lập tức trên các thị trường chứng khoán, vàng và tiền tệ.
Trên thị trường tiền tệ, chỉ một ngày sau khi người dân Anh bỏ phiếu, giá đồng Bảng Anh rớt thẳng đứng khoảng 10% so với đồng USD và giảm hơn 11% so với Yên. Đồng Euro cũng là nạn nhân của cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6, bị giảm từ hơn 1,14 USD/Euro xuống còn hơn 1,09 USD/Euro - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2016.
Giá vàng thế giới tăng mạnh trên 8% (giá vàng ngày 25/6/2016 trên sàn Kitco là 1.315,60 USD/ounce; giá vàng giao tháng 8/2016 trên sàn Comex tăng tới 59,30 USD, tương đương 4,7% và đạt 1.322,40 USD/ounce, mức cao nhất kể từ ngày 11/7/2014).
Thị trường chứng khoán toàn cầu đỏ rực bởi làn sóng bán tháo, tổng cộng mất trên 2 nghìn tỷ USD. Theo Bloomberg, 400 người giàu nhất thế giới đã “bốc hơi” 3,2% tổng giá trị tài sản (tức khoảng 127,4 tỷ USD) chỉ trong 1 ngày thứ Sáu (24/6). Giá dầu thô tại châu Á cũng mất hơn 5%.
Theo tính toán của Chính phủ Anh, nước này đứng trước nguy cơ GDP sẽ sụt khoảng 100 tỷ Bảng Anh (145 tỷ USD) trong năm 2020 và mất khoảng 950.000 việc làm, nâng tỷ lệ thất nghiệp lên 3%; đồng Bảng Anh mất giá tới 12%, lạm phát cao sẽ làm tăng chi phí giá thực phẩm, tiền thuê nhà và chi phí du lịch ở châu Âu.
Còn theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), GDP của Anh cũng sẽ giảm 1,4 - 4,5% vào năm 2021. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp (DN) Anh có thể mất 13,2 tỷ USD tiền thuế nhập khẩu bổ sung mỗi năm. London sẽ đánh mất vị thế là tụ điểm tài chính của châu Âu nói riêng và thế giới nói chung. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Anh có thể sụt giảm mạnh…
Tại Việt Nam, kết quả bỏ phiếu “Brexit” ngày 23/6 cũng khiến các thị trường chứng khoán, ngoại hối va vàng có sự thay đổi ngay lập tức. Giá USD tăng thêm 80 đồng, lên mức 22.380 đồng/USD trên cả thị trường liên ngân hàng, cũng như trên thị trường tự do.
Trong sáng ngày 24/6, giá vàng SJC đạt 35 - 35,3 triệu đồng/lượng vào hồi 11 giờ, cao hơn khi mở cửa tới 1,5 triệu đồng, là giá cao nhất của thị trường vàng trong nước 10 tháng qua và đạt mức kỷ lục tới 65 lần điều chỉnh giá trên bảng điện tử. Thậm chí ngày 6/7/2016 giá vàng đạt xấp xỉ 39,5 triệu đồng/lượng.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 24/6, thị trường chứng khoán trong nước có 51 mã tăng và 206 mã giảm, VN-Index giảm 11,5 điểm (-1,82%) xuống 620,77 điểm. Tuy nhiên, đây chỉ là những phản ứng tức thì của thị trường vì chỉ sau một tuần, chỉ số VN- Index lại tăng trở lại và vượt mức 640 điểm vào ngày 1/7. Còn tỷ giá USD/VND cũng đã giảm so với ngày 24/6.
Có thể thấy cả về logic và thực tế, vẫn còn nhiều tham số đang chuyển động và chưa thực sự rõ ràng, nhất là các nhân tố ảnh hưởng, hệ lụy và tiến độ triển khai quy trình pháp lý liên quan tới việc Anh rời EU. Sự kiện “Brexit” đối với Việt Nam dù những tác động ấy không đến một cách trực tiếp.
Thứ nhất, áp lực lên các DN xuất khẩu.
Triển vọng ảm đạm của nền kinh tế châu Âu sau sự kiện “Brexit” kéo nhu cầu tiêu thụ hàng hóa xuống, qua đó làm giảm nhu cầu hàng hóa nhập khẩu vào EU. Điều này gây áp lực lên các nhà xuất khẩu lớn vào EU, trong đó có Việt Nam.
5 năm qua, Anh đã trở thành thị trường xuất khẩu quan trọng của Việt Nam trong EU, với tốc độ tăng trưởng kim ngạch bình quân là 22,5%/năm. Với 4,65 tỷ USD, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chiếm 2,5% GDP Việt Nam. Trong khi tỷ lệ này tính bình quân các nền kinh tế Đông Á chỉ là 0,7%. Cũng chính vì lý do này, nhiều báo chí kinh tế quốc tế đã cho rằng Việt Nam sẽ bị tác động lớn nhất trong Đông Á từ Brexit.
Tuy giữ đà tăng trưởng, nhưng gần 47% hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh chủ yếu là các mặt hàng gia dụng như điện thoại, máy tính, linh kiện điện tử… Ở nhóm mặt hàng này, Việt Nam lại phụ thuộc phần lớn vào các nhà sản xuất đa quốc gia như Samsung, Sony... hơn là thỏa thuận thương mại trên cương vị quốc gia giữa Việt Nam với Anh. Vì vậy, việc Anh rời khỏi khối EU nếu xem xét một cách đa chiều thì cũng không có ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế của Việt Nam.
Xét ở cấp độ vi mô, việc Anh rời khỏi EU lại có tác động gián tiếp tới các DN Việt Nam có quan hệ thương mại với khu vực EU như DN ngành dệt may, giày dép, cà phê, thủy sản… Thêm vào đó, một vấn đề lo ngại lớn hơn đối với các DN là sự kiện Brexit có thể khuyến khích chủ nghĩa bảo hộ kinh tế, với rất nhiều rào cản kỹ thuật cho hàng hóa vào các quốc gia.
Đây là mối lo lớn với các DN xuất khẩu vì chi phí để vượt qua những rào cản kỹ thuật này trong nhiều trường hợp lớn hơn rất nhiều mức thuế nhập khẩu vào các thị trường. Những yêu cầu khắt khe, như tỷ lệ dư chất kháng sinh trong hàng hóa, kiểm nghiệm mẫu… có thể được áp đặt ngày càng ngặt nghèo.
Ngoài ra, thông thường, nhiều hàng hóa của Việt Nam không xuất khẩu thẳng sang Anh mà phải qua các nước khác, như: Hà Lan, Bỉ, Đức. Bởi, đây là 3 nước đầu mối chính để DN Việt Nam xuất khẩu sang EU chứ không xuất khẩu thẳng sang Anh. Do đó, nếu Anh rời khỏi EU, thì hàng hóa Việt Nam sang Anh qua con đường hiện nay sẽ có thêm trở ngại.
Thứ hai, ảnh hưởng lan tỏa từ việc mất giá của đồng Bảng Anh và đồng Euro.
Cùng với sự kiện Brexit kéo theo đồng Bảng Anh và Euro mất giá, xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực EU sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp cả về suy giảm sức cạnh tranh, tổng giá trị và lợi nhuận từ xuất khẩu, cũng như có thể có nguy cơ sụt giảm số lượng do thu hẹp cầu nhập khẩu từ người dân Anh trước sức ép giảm thu nhập tương lai.
Đồng thời, đồng Bảng Anh và Euro giảm giá sẽ kéo theo quan ngại USD và Yên Nhật tăng giá, tức gia tăng gánh nặng nợ công cho Việt Nam. Bên cạnh nợ công, các DN vay bằng đồng Yên Nhật như DN thuộc ngành điện và xi măng cũng sẽ phải ghi nhận khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lớn.
Nếu đồng Bảng Anh vẫn tiếp tục giảm giá, cùng với đó là sự đi xuống của đồng Euro có thể phá vỡ các mối quan hệ cung ứng hàng hóa, dòng tiền với các nước EU, từ đó tác động gián tiếp đến các DN có quan hệ kinh tế xuất khẩu, tức cung ứng hàng hóa vào Anh. Khi đó, đồng VND sẽ lên giá so với đồng Bảng Anh, Euro... khiến hàng hoá Việt trở nên khó cạnh tranh hơn trên đất Anh, châu Âu do đắt đỏ hơn.
Thứ ba, nỗi lo nhập siêu.
Hiện nay, nhập siêu của Việt Nam chủ yếu đến từ Trung Quốc và lâu nay Việt Nam rất khó khăn để giảm nhập siêu từ thị trường này. Theo Tổng cục Hải quan, đến hết tháng 5/2016, cả nước nhập khẩu xấp xỉ 19 tỷ USD hàng hóa từ Trung Quốc và chỉ xuất khẩu được gần 7,5 tỷ USD sang Trung Quốc, tức nhập siêu 11,5 tỷ USD. Trong khi đó, Trung Quốc hiện đang áp dụng chính sách đồng Nhân dân tệ (NDT) yếu để hỗ trợ xuất khẩu khi kinh tế gặp khó khăn.
Khi Anh rời khỏi EU, đồng Euro và đồng Bảng Anh đều yếu đi sẽ khiến hàng hóa của Trung Quốc khó khăn trong xuất khẩu vào thị trường này và không loại trừ chuyện Trung Quốc tiếp tục phá giá đồng NDT để hỗ trợ xuất khẩu. Khi đồng NDT mất giá, hàng hóa Trung Quốc càng có lợi thế để tràn sang Việt Nam. Việc giải bài toán nhập siêu của Việt Nam càng trở nên nan giải.
Thứ tư, áp lực tỷ giá.
Tháng 8/2015, khi Trung Quốc phá giá đồng NDT đã khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam phải “linh hoạt” điều chỉnh tỷ giá. Việt Nam hiện có điều kiện để giữ tỷ giá ổn định, khi 5 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào khoảng 8 tỷ USD. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc phá giá đồng NDT, VND sẽ chịu áp lực rất lớn. Mặt khác, tỷ giá VND cũng sẽ chịu áp lực nếu ngân hàng Trung ương các nước điều chỉnh hay can thiệp để bảo vệ thị trường nước họ.
Trước những biến động của các đồng tiền ở một số nước, giới đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục cẩn trọng. Họ sẽ có xu hướng chuyển dòng vốn từ các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu sang các tài sản rủi ro thấp hơn như vàng, trái phiếu hay đồng Yên.
Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn đổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu trên toàn cầu khoảng 76 tỷ USD trong khi đó rút ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu khoảng 114 tỷ USD. Như vậy, dòng vốn đầu tư gián tiếp có thể rút ra hoặc giảm vào thị trường chứng khoán Việt Nam và trong một chừng mực nhất định, chuyện này cũng tạo áp lực lên tỷ giá. Chính vì thế, NHNN Việt Nam phải có những thay đổi mạnh mẽ hơn trong điều hành tỷ giá.
Xét tới các yếu tố như tăng trưởng kinh tế, Việt Nam được dự báo sẽ giảm tốc cùng với định hướng duy trì mặt bằng lãi suất thấp để hỗ trợ tăng trưởng, NHNN sẽ không còn nhiều dư địa chính sách để giữ ổn định tỷ giá. Hơn thế nữa, lựa chọn giữ tỷ giá sẽ phải đánh đổi bằng thiệt hại về nguồn lực đặc biệt nguồn dự trữ ngoại hối.
Cuối cùng, thanh khoản của hệ thống ngân hàng dù đang khá dồi dào nhưng có thể sẽ nóng trở lại khi ngân hàng sẽ phải bán ra lượng tiền đồng lớn để mua và củng cố trạng thái ngoại tệ khi các rủi ro từ phía thế giới tăng lên. Như vậy, sau khi được giữ ổn định trong 6 tháng đầu năm, sự kiện Brexit có thể tạo ra những biến động đáng kể về tỷ giá.
Thứ năm, áp lực lên lãi suất.
Tỷ giá, lạm phát, trong kịch bản xấu, nhất định sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất, mà DN là đối tượng phải gánh. Hiện nay, ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước nắm cổ phần chi phối, lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh thông thường ngắn hạn vẫn ở mức 6,8 - 8,5%/năm, trung và dài hạn ở mức 9,3 - 10,3%.
Mặc dù, NHNN đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy việc giảm lãi suất để tháo gỡ khó khăn cho DN, mức lãi suất hiện tại vẫn bị nhiều DN cho là cao so với sức chịu đựng của DN. Nếu VND mất giá, lạm phát tăng thì hy vọng giảm lãi suất của DN xem ra là xa vời.
Các khuyến nghị, đề xuất
Với hiện trạng của DN Việt Nam hiện nay cũng như sự hỗ trợ từ phía cơ quan Nhà nước, các DN cần tính đến kế hoạch dài hơi và đặt ra những bước đi thận trọng để có được sự chủ động thích ứng với những biến động của thị trường.
Thứ nhất, DN cần lường trước sự khó khăn, hợp tác liên kết kinh doanh và tận dụng cơ hội khai thác thị trường mới trong thời kỳ khủng hoảng toàn cầu.
Việc Anh rời khỏi EU sẽ làm cho việc xuất khẩu hàng hóa sang Anh thông qua nước thứ ba sẽ gặp khó khăn. Chính vì vậy, DN phải thiết kế con đường xuất khẩu trực tiếp sang Anh...
Đối với những DN có đơn hàng xuất khẩu lớn vào thị trường này, hoặc quá phụ thuộc vào thị trường này sẽ bị ảnh hưởng nhất định. Vì vậy, các DN không nên quá tập trung vào một thị trường, để hạn chế đến mức tối đa những thiệt hại không cần thiết.
Các DN xuất khẩu Việt Nam cần được dự báo các kịch bản rủi ro để chuẩn bị tốt hơn với hiện tượng Brexit. Ngay từ bây giờ DN cần quan sát kỹ và tính đến phương án điều chỉnh kế hoạch kinh doanh, cũng như lộ trình mở rộng thị trường.
Trong thách thức vẫn có những cơ hội, ngay từ thời điểm này các DN phải cùng hợp tác, liên kết khai thác thế mạnh trên các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Nhật; Đồng thời, nhanh chóng mở rộng, tìm kiếm thị trường mới như: Trung Đông, Ai Cập… Hiện nay, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam như gạo, chè, thủy sản, rau quả, may mặc… đã và đang xâm nhập vào những thị trường này nhưng vẫn còn yếu, các DN cần hướng đến thị trường tiềm năng này.
Thứ hai, các DN Việt Nam quan tâm nhiều hơn tới sự hỗ trợ của người tiêu dùng trong nước.
Do chạy theo lợi nhuận xuất khẩu, thị trường nội địa 90 triệu dân, đầy tiềm năng dường như vẫn chưa được DN quan tâm đúng mức. “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”, sự khích lệ đó khiến người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng đón nhận sản phẩm của mình một cách tự hào. Tuy nhiên, các DN phải có trách nhiệm đảm bảo tốt sản phẩm, tôn trọng người tiêu dùng.
Nhiều chuyên gia cũng đánh giá, dù người Anh ra khỏi EU nhưng cũng phải mất 2-3 năm nữa quyết định này mới có hiệu lực chính thức. Đây sẽ là khoảng thời gian để các DN xuất khẩu Việt Nam cơ cấu lại sản xuất, nâng cao chất lượng, gia tăng tính cạnh tranh cho từng mặt hàng xuất khẩu sang EU, Anh.
Tài liệu tham khảo:
1. imf.org;
2. ec.europa.eu/eurostat;
3. baodautu.vn.