11 tháng, toàn ngành Hải quan thu ngân sách đạt 104,5% dự toán


Tính đến ngày 26/11, ngành Hải quan đã nỗ lực thu đạt hơn 314.015 tỷ đồng, đạt 104,50% dự toán, bằng 93,82% chỉ tiêu phấn đấu, tăng 13,07% so với cùng kỳ năm 2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thu ngân sách đạt 104,5% dự toán

Để có được thành tích vượt bậc trên, ngành Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo thuận lợi tốt nhất cho hoạt động thương mại đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Tổng cục Hải quan cho biết, kết quả thu ngân sách trong 11 tháng đầu năm khả quan trên, một phần là nhờ vào kim ngạch xuất nhập khẩu tăng cao so với cùng kỳ năm 2018, trong đó kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có số thu lớn tăng mạnh như: máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, dầu thô, ô tô nguyên chiếc; máy móc, thiết bị, phụ tùng...

Cũng theo Tổng cục Hải quan, tính đến tháng 11/2019, đã có 19/35 cục hải quan đạt chỉ tiêu thu thuế, 7/35 cục hải quan thu đạt và vượt cả hai chỉ tiêu của Bộ Tài chính và chỉ tiêu phấn đấu được giao. Điển hình như, tại Cục Hải quan Quảng Ninh khi được giao chỉ tiêu thu NSNN là 7.000 tỷ đồng, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đơn vị đã thu đạt 10.554 tỷ đồng, tăng 14,49% so với năm 2018, đạt 150,78% chỉ tiêu được giao và đạt 105,54% chỉ tiêu phấn đấu. Để đạt được kết quả này, đơn vị chủ động triển khai nhiều cuộc đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp (DN) trong hoạt động xuất nhập khẩu, cùng với phối hợp thu nộp NSNN theo phương thức điện tử với các ngân hàng thương mại.

Theo đại diện Cục Thuế xuất nhập khẩu (Tổng Cục Hải quan), nhằm giảm tình trạng nợ đọng thuế, các đơn vị ngành Hải quan đã xây dựng kế hoạch chi tiết về các giải pháp thu đòi nợ thuế, áp dụng đầy đủ các quy định, trình tự thanh toán để thu hồi hết các khoản nợ có khả năng thu. Trong đó có nhiều địa phương cũng chủ động rà soát các DN đóng trên địa bàn còn nợ phạt, nợ thuế, áp dụng nhiều phương thức tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Qua 11 tháng của năm 2019, cơ quan hải quan đã xây dựng và ban hành các quy trình nghiệp vụ hải quan để phù hợp với quy định mới tại các văn bản quy phạm pháp luật theo hướng minh bạch, cụ thể hóa trách nhiệm của công chức hải quan và phía doanh nghiệp cũng có thể giám sát được việc làm của công chức hải quan khi thực hiện nhiệm vụ.

Đồng thời, toàn ngành Hải quan đã tiến hành sắp xếp, cơ cấu lại tổ chức bộ máy, luân chuyển cán bộ hợp lý phù hợp với quy trình nghiệp vụ hải quan mới, đẩy nhanh thời gian tiếp nhận, xử lý hồ sơ và thông quan hàng­­ hóa; tiếp tục tăng cường áp dụng các biện pháp phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thực thi quản lý nhà nước về hải quan.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan đã tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành thông qua việc mở rộng các thủ tục thực hiện trên hệ thống một cửa quốc gia. Rà soát, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, áp dụng rộng rãi quản lý rủi ro trong kiểm tra và thực hiện công nhận lẫn nhau kết quả kiểm tra chuyên ngành sản phẩm nhập khẩu với các nước.

Đặc biệt, cơ quan hải quan luôn tăng cường mối quan hệ đối tác giữa cơ quan hải quan với DN, đẩy mạnh các hoạt động hợp tác giữa hai bên để cùng thực hiện tốt các quy định về quản lý trong lĩnh vực hải quan.

Đơn giản, minh bạch các thủ tục hành chính về hải quan

Tổng cục Hải quan luôn xác định cải cách thủ tục hành chính là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, được thực hiện thường xuyên, liên tục từ khâu xây dựng thể chế đến tổ chức thực hiện. Công tác cải cách thủ tục hành chính về hải quan trong thời gian qua đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, làm thay đổi căn bản, toàn diện phương thức hoạt động quản lý hải quan.

Cụ thểHệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã được Tổng cục Hải quan chính thức triển khai từ ngày 01/4/2014. Đến nay, sau 5 năm hoạt động, hệ thống này luôn được vận hành ổn định, an ninh, an toàn với sự tham gia của hơn 99,65% DN tại 100% các đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. Việc thực hiện khai báo, xử lý hồ sơ trên Hệ thống VNACCS/VCIS đã rút ngắn thời gian làm thủ tục hải quan cho DN, giảm thiểu giấy tờ và đơn giản hóa hồ sơ hải quan.

Thực hiện Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, Tổng cục Hải quan đã triển khai phối hợp với 42 ngân hàng triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7  từ ngày 23/10/2017. Tính đến nay đã có 29 ngân hàng thương mại tham gia.

Mới đây, Tổng cục Hải quan đã nâng cấp chương trình nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, chính thức triển khai Chương trình nộp thuế điện tử doanh nghiệp nhờ thu từ ngày 26/11/2019 qua 05 ngân hàng, gồm: Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank), Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

Với việc tham gia Chương trình nộp thuế DN nhờ thu và ủy quyền trích nợ với ngân hàng thì khi Doanh nghiệp phát sinh tờ khai, thông tin số tiền thuế, các sắc thuế được cập nhật, xử lý và thanh toán hoàn toàn tự động. DN không phải làm thủ tục lập lệnh thanh toán tiền thuế trên Cổng thông tin của Hải quan hoặc tại ngân hàng, nên hạn chế tất cả các rủi ro khi trao đổi thông tin lập lệnh nộp tiền giữa hải quan/ngân hàng với người lập lệnh.

Bên cạnh đó, nhằm đẩy mạnh công tác quản lý, giám sát hàng hóa tại cảng biển và cảng hàng không, Tổng cục Hải quan đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng, kho, bãi (VASSCM) tại 33/35 Cục Hải quan tỉnh thành phố.

Hệ thống VASSCM đã tăng tính tự động trong việc kết nối giữa Cơ quan hải quan và các DN kinh doanh cảng, kho bãi; hài hòa giữa quy trình giám sát, quản lý của cơ quan hải quan và quy trình vận hành, khai thác của các DN giúp vừa tạo thuận lợi cho DN cảng, kho, bãi, giảm thời gian, chí phí cho DN xuất nhập khẩu trong khi tăng cường hiệu quả giám sát của cơ quan hải quan.

Theo kết quả khảo sát ban đầu tại Cục Hải quan TP. Hải Phòng cho thấy: Việc không phải xuất trình chứng từ giấy tại hải quan giám sát đã giảm tổng thời gian thực hiện thủ tục giám sát từ 1/3 đến 1/2 thời gian so với việc làm thủ tục trước đây, tính trung bình giảm khoảng 2 phút cho 1 tờ khai.

Thực hiện Kế hoạch tổng thể triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN giai đoạn 2016-2020 (ban hành tại Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 14/11/2016 của Thủ tướng Chính phủ). Tính đến ngày 15/11/2019, Cơ chế một cửa quốc gia đã có 188 thủ tục hành chính của 13 Bộ, ngành kết nối, với trên 2,6 triệu hồ sơ của gần 34 nghìn DN.

Từ ngày 01/01/2018, Việt Nam là một trong 5 quốc gia đầu tiên chính thức trao đổi thông tin C/O mẫu D với 4 nước Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Trong năm 2019, Việt Nam kết nối bổ sung thêm với Brunei (từ 01/4/2019) và Campuchia (từ 15/7/2019).

Tính đến 15/11/2019, tổng số C/O Việt Nam nhận từ các nước là: 111.841 C/O; tổng số C/O Việt Nam gửi sang các nước là: 185.026 C/O.

Hiện nay, Tổng cục Hải quan đang phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật (xây dựng thông điệp thử nghiệm, kiểm tra kết nối...) để sẵn sàng trao đổi thông tin tờ khai hải quan ASEAN (đang thí điểm với Indonesia và Thái Lan) và chứng nhận kiểm dịch thực vật (đang thí điểm với Indonesia).

Việc triển khai dịch vụ công trực tuyến đã mang lại nhiều lợi ích cho cơ quan hải quan và DN, góp phần công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan hải quan, giảm được thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho DN...