Bộ Tài chính tăng cường phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu

BD (T/h)

Bộ Tài chính đang dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu nhằm kịp thời ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận trong nhập khẩu phế liệu, kiên quyết không để Việt Nam trở thành bãi rác của thế giới, không đánh đổi lợi ích kinh tế với môi trường.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Thực trạng hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu

Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, hoạt động nhập khẩu, mua bán phế liệu ở nước ta có chiều hướng tăng mạnh, diễn biến phức tạp, nguy cơ gây ô nhiễm ảnh hưởng môi trường sống, gây bức xúc trong dư luận. Trong quá trình theo dõi, kiểm tra, giám sát hàng hóa, điều tra xác minh đã phát hiện doanh nghiệp thực hiện một số phương thức, thủ đoạn gian lận trong nhập khẩu phế liệu như làm giả, tẩy xóa, sửa đổi các văn bản, Giấy xác nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường trong nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất để hợp thức hóa hồ sơ nhập khẩu phế liệu.

Tổng số lượng phế liệu Việt Nam nhập khẩu năm 2018 là 9.254.300 tấn, tăng hơn 1.308.100 tấn so với năm 2017 là 7.946.200 tấn. Do chính sách cấm nhập khẩu của các nước xung quanh khu vực trước đây đứng đầu về danh sách nhập khẩu phế liệu nhiều nhất thế giới có sự thay đổi lớn vào đầu năm 2019 nên có thể dự đoán xu hướng trong năm 2019, phế liệu sẽ tiếp tục dịch chuyển mạnh vào Việt Nam làm gia tăng lượng phế liệu nhập khẩu; đồng thời, xuất hiện các dấu hiệu, thủ đoạn buôn lậu qua đường bộ.

Trước tình hình đó, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cửa khẩu cần triển khai đồng bộ các giải pháp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát phế liệu một cách hiệu quả, ngăn chặn các hành vi buôn lậu, gian lận, tiếp tay cho rác thải vào Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã có một số Quy chế phối hợp song phương với các bộ. Tuy nhiên, các Quy chế này là các Quy chế phối hợp giữa hai bộ, ngành với nhau nên chỉ giải quyết các công việc trong phạm vi giữa hai cơ quan, không mang tính tổng thể, đồng bộ để có thể giải quyết được nội dung mang tính phối hợp liên ngành giữa các bộ: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng, Khoa học và Công nghệ, Ngoại giao và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cửa khẩu trong việc quản lý phế liệu nhập khẩu như hiện nay.

Phương thức tăng cường công tác phối hợp

Từ thực trạng nêu trên, việc ban hành Quy chế phối hợp giữa các bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cửa khẩu kiểm soát phế liệu nhập khẩu là cần thiết. Dự thảo quy định về phối hợp trong trao đổi, cung cấp thông tin giữa các bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có các cửa khẩu. Trong đó, quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, cách thức, thời gian, chế độ báo cáo, bảo mật thông tin, trách nhiệm của các Bộ, ngành trong việc phối hợp.

Cụ thể: Trao đổi tình hình, phương thức thủ đoạn hoạt động của những doanh nghiệp vi phạm trong hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất từ nước ngoài vào Việt Nam tại các cửa khẩu và những bất cập trong quy trình quản lý có nguy cơ bị lợi dụng. Trao đổi thông tin phục vụ công tác xác minh, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm nhập khẩu phế liệu trái phép. Phương thức phối hợp gồm: Gửi công văn, thư điện tử; tổ chức họp trao đổi, lấy ý kiến; trao đổi, phối hợp qua điện thoại, fax.

Dự thảo cũng quy định về phối hợp trong công tác ngăn chặn, kiểm soát việc nhập khẩu phế liệu từ xa; phối hợp trong công tác quản lý các loại chứng từ để được nhập khẩu phế liệu; phối hợp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan đối với phế liệu nhập khẩu; phối hợp trong công tác xử lý hàng tồn đọng; phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát; phối hợp trong công tác xử lý vi phạm. Trong đó, quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, cách thức, thời gian, chế độ báo cáo, bảo mật thông tin, trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc phối hợp.