Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 3/2021

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế ban đêm. Không nằm ngoài xu thế đó, trong những năm qua, hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam cũng mới chỉ khai thác ở quy mô nhỏ, hoạt động mang tính tự phát riêng lẻ, manh mún tại một số đô thị và trung tâm du lịch lớn...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế ban đêm, do đó, trong thời gian tới cần có định hướng giải pháp để phát triển kinh tế ban đêm nhằm tạo ra những đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế đất nước.

Chất lượng hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam

Việt Nam được đánh giá là  quốc  gia  có  nhiều lợi thế để phát triển kinh tế ban đêm. Với nguồn tài nguyên du lịch phong phú, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến ưa thích của du khách quốc tế.

Theo thống kê, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam ngày càng tăng. Trong 3 năm (2015-2018), lượng khách quốc tế đến Việt Nam đã tăng gấp đôi từ 7,9 triệu lượt năm 2015 lên 15,5 triệu lượt năm 2018. Năm 2019, lượng khách quốc tế đến Việt Nam ước đạt 18 triệu lượt người và thu về 726.000 tỷ đồng (Tổng cục Du lịch, 2020). Năm 2020, lượng khách quốc tế chỉ đạt 3,8 triệu lượt người do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

Báo cáo năng lực cạnh tranh ngành lữ hành và du lịch (Diễn đàn Kinh tế thế giới, 2019), du lịch Việt Nam được xếp hạng thứ 6/10 quốc gia có tốc độ tăng trưởng khách du lịch cao nhất. Mức chi tiêu bình quân ngày của một du khách nước ngoài có xu hướng tăng (năm 2019 tăng 122,7% so với 2017), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mức chi tiêu bình quân du khách tại Thái Lan.

Việt Nam là đất nước có nền chính trị ổn định, chỉ số an ninh con người đang ngày càng được cải thiện, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế ban đêm. Tạp chí Global Finance công bố bảng xếp hạng các quốc gia an toàn và nguy hiểm nhất thế giới trong năm 2019, cho thấy Việt Nam xếp thứ hạng thứ 83/128 quốc gia, trên cả Thái Lan. Mặc dù có nhiều tiềm năng để phát triển, tuy nhiên chất lượng hoạt động kinh tế ban đêm ở Việt Nam được nhận định ở mức trung bình và tồn tại nhiều hạn chế.

Cụ thể:

Một là, mức độ hài lòng với chất lượng dịch vụ kinh   tế ban đêm.

Theo kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu Đại học Quốc gia Hà Nội, khảo sát về chất lượng dịch vụ của Hà Nội tại 3 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ, có 62,5% người đánh giá chất lượng bình thường, số người đánh giá chất lượng dịch vụ ở mức tốt chiếm 31,2% trong khi ở mức rất tốt chỉ chiếm 0,5%, ở mức kém chiếm 3,8% và còn lại là rất kém. Hơn 5% số người được hỏi cảm thấy chất lượng dịch vụ kém và rất kém, thực tế này cho thấy tình trạng dịch vụ cần được cải thiện nhiều, không chỉ về cơ cấu mà còn về chất lượng (Nguyễn Ngọc Sơn và Cộng sự, 2019).

Hai là, mức độ an toàn.

Mặc dù, Việt Nam được đánh giá là điểm đến an toàn, tình hình an ninh, trật tự tương đối ổn định và đảm bảo, tuy nhiên khi cơ chế thông thoáng hơn cũng tạo cơ hội cho các tệ nạn phát triển và hoạt động công khai.

Theo thống kê của Đại học Quốc gia Hà Nội, gần 23% số người tham gia khảo sát cho biết, họ cảm thấy không an toàn vào ban đêm, chỉ 14,5% cho rằng mức độ an ninh tốt và rất tốt, 62% còn lại cho rằng mức độ an ninh bình thường.

Tỷ lệ hài lòng về an ninh thấp và tỷ lệ khiếu nại cao phản ánh thực trạng của các khu kinh tế về đêm ở TP. Hà Nội khi ngân sách cho an ninh còn thấp và nhân lực cho an ninh hạn chế. Bộ phận an ninh của Thành phố không hoạt động liên tục sau 24h đêm, dẫn đến các tình huống trộm cắp, cướp giật, bạo lực… bất ngờ (Nguyễn Ngọc Sơn và Cộng sự, 2019).

Ba là, chất lượng môi trường sinh thái.

Chất lượng không khí đang bị ô nhiễm nặng, do khói bụi (đặc biệt ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh), vấn đề rác thải nhựa tại các khu du lịch là vấn đề chưa được giải quyết, nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng. “Do thiếu giải pháp xử lý nước, quản lý chất thải và tái chế thích hợp, các sông, hồ và bãi biển Việt Nam đều đang bị ô nhiễm. Ngoài những tác động môi trường, việc xả thải hóa chất độc hại ra biển có ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh Việt Nam với vị thế là một điểm đến du lịch. Bên cạnh đó, những quan ngại về vấn đề môi trường tự nhiên ở Vịnh Hạ Long ngày càng trở nên cấp bách, vì vậy cần được bảo tồn để giữ sức hút với du khách quốc tế” (Eurocham, 2020).

Kết quả khảo sát tại địa bàn Hà Nội cũng cho thấy, chỉ có 12,5% số người được hỏi cho rằng, chất lượng môi trường sinh thái của hoạt động kinh tế ban đêm ở TP. Hà Nội là tốt, trong khi 71,5% số người được hỏi cho rằng, chất lượng môi trường sinh thái ở mức bình thường và có tới 17% khẳng định chất lượng môi trường sinh thái xấu. Con số này cho thấy, phát triển kinh tế ban đêm ở TP. Hà Nội hiện chưa đi kèm với nhận thức về tầm quan trọng của các yếu tố môi trường (Nguyễn Ngọc Sơn và Cộng sự, 2019).

Bốn là, ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển kinh tế ban đêm.

Phát triển của kinh tế ban đêm mang lại nhiều   lợi ích, nhưng cũng đem lại không ít những hạn chế. Bởi hoạt động kinh tế ban đêm có thể trở thành môi trường làm gia tăng các loại tội phạm và kéo theo những tệ nạn xã hội phổ biến như mại dâm, ma tuý, cờ bạc... điều này tạo nên nhiều khó khăn cho các nhà quản lý xã hội. Một phương pháp phổ biến tại các nước có kinh tế ban đêm phát triển đang làm là lắp đặt hệ thống camera an ninh ở khắp mọi nơi trong khu vực hoạt động kinh tế ban đêm.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện tại vấn đề hệ thống camera an ninh về tổng thể chưa được lắp đặt và chú trọng trong đảm bảo an ninh, an toàn, mới chỉ dừng lại ở các tổ tuần tra ban đêm là chủ yếu. Chỉ một số thành phố du lịch, thành phố lớn có lắp đặt hệ thống camera an ninh nhưng không phải phục vụ cho hoạt động kinh tế ban đêm.

Năm là, cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế ban đêm.

Thực trạng cơ sở hạ tầng ở các thành phố có hoạt động kinh tế ban đêm tại Việt Nam hiện nay chủ yếu trên cơ sở vận dụng các cơ sở hạ tầng hiện có để tổ chức các hoạt động về đêm. Cơ sở hạ tầng thông tin, mới chỉ dừng lại ở việc cung cấp wifi, tổ chức một số tuyến xe điện hoạt động phục vụ du khách.

Giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế ban đêm ở Việt Nam thời gian tới

Nhằm thúc đẩy kinh tế ban đêm ở Việt Nam, thời gian tới cần chú trọng triển khai một số giải pháp trọng tâm như sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế về kinh tế ban đêm nhằm nâng cao tính minh bạch và khả năng đoán định của môi trường kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia vào kinh tế ban đêm có điều kiện phát triển. Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế về kinh tế, gồm thể chế về tài chính-ngân sách trên cơ sở coi trọng các nguyên tắc của thị trường trong quá trình động viên, phân bổ và sử dụng nguồn lực tài chính trong nền kinh tế.

Việt Nam cần hình thành khung khổ pháp luật để đảm bảo cạnh tranh, tôn trọng quyền tự do kinh doanh, giảm thiểu tối đa các rào cản, chi phí do quy định và thực thi pháp luật gây ra; đảm bảo quyền sở hữu tài sản để bảo vệ các chủ thể tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh, tạo ra của cải vật chất cho nền kinh tế.

Cùng với đó, rà soát việc hoàn thiện thể chế về cạnh tranh, quản lý thị trường, ngăn chặn các hành vi gian lận thương mại. Hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế ban đêm cũng không là ngoại lệ.

Thứ hai, thực hiện hiệu quả vai trò đòn bẩy của chính sách tài chính để kiến tạo, hỗ trợ và tạo ra hệ thống động lực, khơi dậy tiềm năng phát triển của đất nước thông qua khai thác có hiệu quả các kênh huy động vốn cho doanh nghiệp như kênh tín dụng, kênh thị trường vốn; xóa bỏ những rào cản về khởi sự doanh nghiệp, khuyến khích các hộ kinh doanh hoạt động trong các ngành nghề, lĩnh vực dịch vụ vào ban đêm chuyển đổi thành doanh nghiệp, giảm quy mô của khu vực kinh tế phi chính thức trong các hoạt động về đêm.

Thứ ba, đảm bảo những biện pháp can thiệp, hỗ trợ của Nhà nước phải dựa trên nguyên tắc thị trường (cạnh tranh, công khai, minh bạch), sử dụng các công cụ phù hợp với thị trường, cũng như đặc điểm hoạt động của từng nhóm đối tượng. Coi trọng xây dựng một môi trường kinh doanh về đêm lành mạnh, minh bạch, ổn định và đảm bảo an toàn, an ninh hơn là việc chú trọng vào xây dựng các chính sách ưu đãi tài chính cho một nhóm đối tượng.

Thứ tư, cơ chế hỗ trợ về tài chính (nếu triển khai) cho các đối tượng tham gia vào hoạt động kinh tế ban đêm cần phải được xây dựng dựa trên nguyên tắc “thưởng cho người làm tốt“ với các cơ chế, giám sát thực thi phù hợp, không có sự khác biệt so với hoạt động kinh tế ban ngày, đều được đối xử bình đẳng, công bằng, không phân biệt. Các chủ thể đáp ứng đủ điều kiện sẽ nhận được hỗ trợ. Chỉ hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp, các hộ kinh doanh, người lao động tham gia hoạt động kinh tế ban đêm trong những trường hợp đặc biệt, hoặc khi nhận thấy cần tạo ra một đòn bẩy tài chính ban đầu để thúc đẩy nhanh phát triển kinh tế ban đêm.

Thứ năm, tập trung hoàn thiện các cơ chế, chính sách về quản lý đối với hoạt động kinh tế ban đêm để đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, an ninh và phân cấp mạnh cho địa phương trong việc quản lý và phát triển kinh tế ban đêm. Cần có mô hình tổ chức quản lý kinh tế ban đêm tách biệt so với cơ quan chính quyền địa phương hiện hành. Mô hình tổ chức quản lý hoạt động kinh tế ban đêm nên là Hội đồng thành phố đêm hoặc mô hình Ủy ban.

Theo đó, cơ cấu tổ chức gồm Chủ tịch (thành phố đêm), lãnh đạo phụ trách các văn phòng của thành phố đêm (Văn phòng phụ trách về văn hóa, giải trí; Văn phòng phụ trách về truyền thông; Văn phòng phụ trách về phát triển kinh tế; Văn phòng phụ trách về an ninh, trật tự công cộng, thiết kế đô thị...), phụ trách các mảng hoạt động gồm cả dịch vụ công ích, kinh doanh, truyền thông, giao thông và an ninh; phối hợp dưới sự chỉ đạo của người đứng đầu Hội đồng.

Cơ cấu nhân sự theo cơ chế tuyển chọn, có sự tham gia quản lý của đại diện chính quyền địa phương, các hiệp hội (doanh nghiệp, ngành nghề, dân cư...) và lực lượng an ninh, bảo vệ. Trong đó, khuyến khích sự tham gia của tư nhân vào hoạt động quản lý và phát triển kinh tế ban đêm ở địa phương...

Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, bảo đảm khoa học và đồng bộ. Phổ cập hệ thống camera giám sát tới từng nhà dân, các địa điểm công cộng; xây dựng phần mềm quản lý, báo cáo sự cố, điểm nóng trên các thiết bị di động thông minh. Thiết lập lực lượng phản ứng nhanh kết nối với mạng lưới thông tin chung của khu vực nhằm kiểm soát tổng thể, ứng phó khẩn cấp.

Thứ bảy, ở cấp trung ương, cần đưa nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào nội dung quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch ngành. Nội dung phát triển kinh tế ban đêm (đặc biệt là quy hoạch các khu vực, địa điểm phát triển kinh tế ban đêm) cần gắn chặt với quy hoạch phát triển du lịch và các hoạt động dịch vụ, ăn uống, mua sắm. Phát triển mạng lưới các cơ sở dịch vụ gắn với các khu, điểm du lịch. Chú trọng gắn kết công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế ban đêm với bảo vệ tài nguyên và môi trường. Có quy định khung về quy hoạch phân khu phát triển kinh tế ban đêm thành các khu riêng biệt, gắn với quy hoạch kiến trúc, xây dựng hạ tầng, tổ chức giao thông, đảm bảo an ninh, an toàn đô thị, đảm bảo nguồn điện, nước, hệ thống thu gom, xử lý chất thải… Phát triển dịch vụ đêm không thể lẫn lộn với các khu vực gần trường học, nhà dân.

Thứ tám, ở cấp địa phương, cần đưa nội dung phát triển kinh tế ban đêm vào trong nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh/thành phố. Trên cơ sở chiến lược, kế hoạch của từng địa phương, cần quy hoạch rõ các khu vực, địa bàn được tập trung phát triển kinh tế ban đêm, các khu vực trung tâm và các khu vực vệ tinh, các chính sách hỗ trợ, ưu đãi của địa phương để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp, người dân tham gia đầu tư trong các hoạt động và dịch vụ vui chơi, giải trí, mua sắm về đêm.

Thứ chín, tập trung rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính cho phát triển kinh tế ban đêm.

Trên cơ sở Quyết định số 1129/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển kinh tế ban đêm tại Việt Nam, các địa phương cân đối nguồn lực tài chính ngân sách để đưa ra các chính sách đầu tư, khuyến khích đầu tư một cách bài bản, đồng bộ để thu hút các nhà đầu tư từ khu vực tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế ban đêm và đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho nền kinh tế ban đêm.

Đồng thời, sửa đổi các quy định hiện hành còn chưa phù hợp, các vấn đề bất cập, chồng chéo, thiếu thống nhất và bổ sung thêm các quy định trong lĩnh vực tài chính đối với hoạt động kinh tế ban đêm, bao gồm: sửa đổi các quy định liên quan đến hệ thống tài chính đất đai (định giá đất và thuế đất) theo hướng đảm bảo tính độc lập và khách quan, sát với giá thị trường và có thể so sánh được.

Hoàn thiện hệ thống thuế về đất đai để đảm bảo thu đủ, thu hợp lý, bù đắp được các khoản chi ngân sách để đầu tư cho phát triển hạ tầng và dịch vụ công cộng cũng như xây dựng chế tài xử phạt nghiêm, có tính răn đe và quy trách nhiệm đến từng cá nhân khi vi phạm pháp luật tài chính về đất đai. Hoàn thiện các chính sách tài chính thúc đẩy xã hội hóa trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa... tham gia vào kinh tế ban đêm bao gồm các chính sách chi cho giáo dục, chính sách học phí, cơ chế quản lý tài chính, chính sách tín dụng.... Chú trọng hơn đến các chính sách hỗ trợ về tín dụng, rà soát các điều kiện để doanh nghiệp, hộ kinh doanh tham gia vào hoạt động kinh tế ban đêm, đặc biệt trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19.

Tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia nền kinh tế ban đêm có cơ hội được tiếp cận với kênh huy động vốn tiềm năng trong giai đoạn 2021-2030. Do đó, sớm ban hành Chiến lược phát triển thị trường chứng khoán giai đoạn 2021-2030, hoàn thiện cơ sở pháp luật để hình thành sàn chứng khoán dành riêng cho start-up nói chung, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp start-up trong nền kinh tế ban đêm có cơ hội tiếp cận kênh huy động vốn mới.                             

Tài liệu tham khảo:

  1. Quỹ Dân số Liên Hiệp quốc và Viện Nghiên cứu Chiến lược phát triển Việt Nam 2016, “Tác động của biến đổi cơ cấu tuổi dân số đến nền kinh tế Việt Nam và đề xuất chính sách”;
  2. Tổng cục Thống kê (2019), Số liệu dân số, lao động thanh niên 2019;
  3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2020), Đề án Phát triển Kinh tế ban đêm ở Việt Nam;
  4. Nguyễn Minh Phong (2021), Vị thế và cơ đồ kinh tế Việt Nam, Báo Nhân dân Điện tử, https://nhandan.com.vn/nhan-dinh/vi-the-va-co-do-kinh-te-viet- nam-631311/;
  5. Hà Chính (2021), Quy mô kinh tế Việt Nam vượt 1 nghìn tỷ USD theo sức mua tương đương, Báo Chính phủ điện tử, http://baochinhphu.vn/Kinh-te/ Quy-mo-kinh-te-Viet-Nam-vuot-1-nghin-ty-USD-theo-suc-mua-tuong- duong/418480.vgp;
  6. Hoàng Duy (2020), Chính sách phát triển kinh tế ban đêm tại Hà Nội, đề tài nghiên cứu khoa học;
  7. The Conference Board & Niecel (2020), Báo cáo “Vượt qua làn sóng Covid-19 đầu tiên, Việt Nam trở thành quốc gia lạc quan thứ hai thế giới”;
  8. WEF (2019), Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch toàn cầu.