Minh bạch ngân sách tới từng người dân

BD

Báo cáo ngân sách dành cho công dân hướng tới tuyên truyền đến xã hội về ngân sách nhà nước (NSNN). Từ đó, tăng cường công tác giám sát của xã hội nhằm chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí trong quản lý và sử dụng NSNN.

Báo cáo ngân sách được thiết kế dưới dạng tài liệu “bỏ túi”.
Báo cáo ngân sách được thiết kế dưới dạng tài liệu “bỏ túi”.

Thực hiện quy định của Luật NSNN, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí và Luật Phòng chống tham nhũng, để đáp ứng yêu cầu tìm hiểu về NSNN, Bộ Tài chính thực hiện phát hành các báo cáo, tài liệu về công khai số liệu NSNN hàng năm. Theo đó, Bộ Tài chính chú trọng tăng cường việc thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý NSNN như: công khai các chế độ, chính sách ngân sách; Xây dựng quy trình ngân sách minh bạch; Công bố công khai số liệu, tài liệu liên quan đến dự toán và quyết toán ngân sách.

Đặc biệt, từ năm ngân sách 2017, ngoài việc công khai số liệu dự toán, quyết toán NSNN đã được Quốc hội quyết định, phê chuẩn, Bộ Tài chính đã thực hiện công khai dự toán NSNN khi trình Quốc hội. Việc công khai số liệu NSNN được trình bày kèm báo cáo thuyết minh, giải trình nhằm góp phần nâng cao tính minh bạch, tạo điều kiện cho người dân có thể nắm bắt, theo dõi, tham gia ý kiến và giám sát quá trình lập, phân bổ, quản lý và sử dụng NSNN.

“Quy định của Luật NSNN không yêu cầu phải xây dựng báo cáo này, tuy nhiên với nỗ lực của Bộ Tài chính trong việc công khai minh bạch ngân sách theo chuẩn mực quốc tế, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện báo cáo NSNN dành cho công dân từ năm ngân sách 2015. Báo cáo ngân sách dành cho công dân được thiết kế dưới dạng tài liệu “bỏ túi”, ngắn gọn, bắt mắt, chủ yếu bằng bảng, biểu đồ, dễ nhìn, dễ hiểu, dễ so sánh” - ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ Ngân sách nhà nước nhấn mạnh.

Trong quá trình xây dựng báo cáo, Bộ Tài chính đã tham khảo kinh nghiệm của quốc tế, tổ chức hội thảo xin ý kiến các nhà khoa học, đại diện các nhóm người dân… nhằm cung cấp những thông tin cơ bản và dễ hiểu nhất về NSNN. Qua đó, khái quát được những thông tin như: Mục tiêu nhiệm vụ NSNN hàng năm; Các chỉ tiêu kinh tế cơ bản để làm căn cứ xây dựng dự toán NSNN; Dự toán thu, chi, bộ chi NSNN; Cơ cấu các khoản nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia; Các giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ NSNN.

Để việc công khai NSNN trong thời gian tới thực sự đi vào cuộc sống, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều kênh thông tin; đồng thời, tiếp nhận mọi ý kiến đóng góp của xã hội thông qua chuyên mục Hỏi – Đáp trên Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính hoặc trực tiếp tại trụ sở cơ quan Bộ Tài chính.