PGS., TS. Phạm Quang Huy – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh:

Ngành Tài chính kịp thời đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển

Tuấn Phùng

Trong thời gian qua, Bộ Tài chính đã có nhiều đề xuất, kiến nghị nhằm hỗ trợ và tạo mọi điều kiện để cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, Bộ Tài chính đã kịp thời nghiên cứu, đề xuất trình Chính phủ trình Quốc hội giúp DN vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất. Tạp chí điện tử Tài chính đã cuộc phỏng vấn PGS., TS. Phạm Quang Huy – Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này.

PGS., TS. Phạm Quang Huy Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh
PGS., TS. Phạm Quang Huy
Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh

Phóng viên: Bộ Tài chính khẳng định, việc triển khai đồng bộ các chính sách tài khóa là luôn luôn đặt DN lên vị trí trung tâm. Ông đánh giá như thế nào về quan điểm này và về một số đề xuất mới đây của Bộ Tài chính để hỗ trợ DN?

PGS., TS. Phạm Quang Huy: Trong nhiều năm qua, Bộ Tài chính – với vai trò là cơ quan tham mưu quan trọng của Chính phủ về lĩnh vực tài chính - ngân sách nhà nước đã luôn kịp thời tham mưu cho Chính phủ cũng như ban hành nhiều quy định, chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền để hỗ trợ cộng đồng DN phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

Tôi hoàn toàn thống nhất với quan điểm của Bộ Tài chính rằng các chính sách tài khóa mà Bộ cùng với các cơ quan có liên quan đã và đang triển khai là luôn luôn đặt DN lên vị trí trung tâm bởi do DN được xem là một trong những nhân tố cốt lõi, trọng tâm của nền kinh tế.

Hơn thế nữa, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát hiện nay, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ thì chúng ta đang phải thực hiện đồng thời mục tiêu kép, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phải phát triển kinh tế, đáp ứng cuộc sống ấm no cho người dân. Để thực hiện được điều này thì Bộ Tài chính đã triển khai nhất quán theo tinh thần đó mà trong các đối tượng có tác động quan trọng chính là các DN.

Phóng viên: Trong các chính sách hỗ trợ, chính sách giảm thuế được doanh nghiệp đánh giá là hữu ích nhất. Quan điểm của ông như thế nào về nhận định này, thưa ông?

PGS., TS. Phạm Quang Huy: Đối với các DN thì mục tiêu ổn định và phát triển sản xuất là luôn được đặt vào vị trí quan trọng hàng đầu. Thông qua việc ban hành các chế độ, quy chế, quy định pháp luật, để có tác động đến tiến trình kinh doanh của các DN tại Việt Nam thì công cụ thuế được xem là cần thiết phải có điều chỉnh. Do đó, thông qua các chính sách về thuế cho thấy Bộ Tài chính đã nhận định đúng "điểm thắt" trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN. 

Trong quá trình thực thi sản xuất, kinh doanh của DN, thuế thu nhập DN được xem là có tác động trực tiếp nhất đến các DN. Từ đó, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, rà soát và kiến nghị Chính phủ về các chính sách đối với thuế thu nhập DN như miễn một số loại thuế hoặc giảm thuế phải nộp. Đề xuất này được xem là hiệu quả nhất vì tác động ngay vào chính phần lợi nhuận còn lại của DN theo đúng quy định pháp luật hiện hành. Các DN cứ tính toán các khoản mục thu, chi theo đúng pháp luật và phần còn lại sẽ được hỗ trợ từ phía Nhà nước. Vì thế, có thể khẳng định, biện pháp của Bộ Tài chính hiện nay đối với giảm thuế thu nhập DN là hữu hiệu trong bối cảnh hiện nay.

Trong đợt hỗ trợ DN gặp khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 mà Chính phủ đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ Tài chính cũng tiếp tục đề xuất giảm 30% số thuế thu nhập DN phải nộp của năm 2021 đối với DN, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp và tổ chức khác như đã áp dụng năm 2020. Đó là những đề xuất hết sức cần thiết.

Ngoài ra, còn phải kể đến 03 nhóm chính sách lần đầu tiên được cơ quan quản lý đề xuất kể từ khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam: Giảm 50% số thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế; Giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế giá trị gia tăng đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí...; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 đối với DN, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về đóng góp của ngành Tài chính trong những năm qua về phương diện đồng hành, chia sẻ, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh?

PGS., TS. Phạm Quang Huy: Để trả lời câu hỏi này, trước tiên phải khẳng định thêm rằng, trong những năm qua, đặc biệt sau thời kỳ đổi mới đất nước, ngành Tài chính tiên phong trong cải cách, đổi mới và hội nhập. Tài chính đã thực sự khơi thông huyết mạch của nền kinh tế, thúc đẩy, mở đường cho sự phát triển nhanh, bền vững, từng bước chuyển đổi mô hình tăng trưởng của đất nước từ chiều rộng sang chiều sâu.

Bên cạnh việc thực hiện tốt nhiệm vụ thu ngân sách, ngành Tài chính cũng đã tập trung cho nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần đưa thế và lực của đất nước lên một tầm cao mới. Ngành Tài chính cũng đã tích cực đẩy mạnh hiện đại hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách thủ tục hành chính, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo tinh thần của Chính phủ kiến tạo. Như chúng ta đã thấy ở trên thì Bộ Tài chính luôn dành sự quan tâm đến DN thông qua việc luôn đề ra những chính sách không chỉ riêng cho thuế thu nhập DN mà còn nhiều loại thuế khác trong nền kinh tế.

Hơn thế nữa, ngành Tài chính cũng đã kịp thời đề xuất Chính phủ, Quốc hội nhiều chính sách tài chính, chính sách hỗ trợ DN vượt qua khó khó khăn, ổn định sản xuất, thúc đẩy phát triển đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế. Trong đó, như tôi đã đề cập ở trên, cần phải khẳng định rằng với các chính sách hỗ trợ giảm, giãn về thuế trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát chính là những minh chứng điển hình nhất cho nỗ lực này của ngành Tài chính.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!