PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong - Chuyên gia kinh tế:

Những đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Bộ Tài chính là hết sức kịp thời

P.T

Trước diễn biến phức tạp và khó lường của đại dịch COVID-19, với sự khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và lấy ý kiến các cơ quan liên quan của Bộ Tài chính, Chính phủ đã tiếp tục có Tờ trình số 289/TTr-CP trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ DN, người dân chịu tác động bởi dịch COVID-19. Nhân sự kiện này, PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong - Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh đã có những chia sẻ với Tạp chí điện tử Tài chính.

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Chính phủ, trong đó có Bộ Tài chính trong việc đề xuất các chính sách tài chính hỗ trợ DN, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong thời gian qua?

PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong: Bản thân tôi đánh giá cao về các gói giải pháp hỗ trợ cho DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trong năm 2020. Được biết, ước tính tổng số tiền thuế và thu ngân sách đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành năm 2020 đạt khoảng 129 nghìn tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN và người dân, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh, đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong - Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.
PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong - Chuyên gia kinh tế, Trường Đại học Kinh tế - Luật, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp và lan rộng ra hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, năm 2021, Bộ Tài chính đã nhanh chóng rà soát, nghiên cứu và đề xuất thêm nhiều chính sách hỗ trợ mới. Nổi bật là trình Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế TNCN và tiền thuê đất trong năm 2021. Thống kê sơ bộ, tính đến ngày 30/6/2021, tổng số tiền thuế và thu ngân sách thực tế đã gia hạn, miễn, giảm theo các chính sách đã ban hành là khoảng 26,7 nghìn tỷ đồng.

Vừa qua, Bộ Tài chính lại tiếp tục đề xuất, lấy ý kiến thêm một số chính sách hỗ trợ mới và được biết đến ngày 13/8/2021, Chính phủ đã chính thức có Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để cho ý kiến và đề nghị thông qua Nghị quyết theo quy trình một phiên họp. Cụ thể, một số chính sách được Bộ Tài chính đề xuất như: Giảm 50% số thuế TNCN, thuế GTGT và các loại thuế khác phải nộp phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh của các tháng trong quý III và quý IV của năm 2021 đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong mọi lĩnh vực, địa bàn, các hình thức, phương pháp khai thuế, nộp thuế; Giảm 30% mức thuế suất, mức tỷ lệ % thuế GTGT đối với hoạt động kinh doanh trong các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 như du lịch; vận tải; lưu trú; ăn uống; thể thao, vui chơi, giải trí; sáng tác, nghệ thuật; báo chí, truyền hình; thư viện, lưu trữ, bảo tàng và các hoạt động văn hóa khác...; Miễn tiền chậm nộp phát sinh trong năm 2020 và năm 2021 (02 năm ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch COVID-19) đối với doanh nghiệp, tổ chức (bao gồm cả đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh) phát sinh lỗ liên tục trong các năm 2018, năm 2019, năm 2020.

Phóng viên: Theo ông, với diễn biến của đại dịch COVID-19 hiện nay và thực trạng sản xuất kinh doanh của cộng đồng bị ảnh hưởng, thì chính sách tài chính hỗ trợ cộng đồng DN và người dân nên tập trung theo hướng nào?

PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong: Đại dịch COVID-19 làm cả tổng cung và tổng cầu suy giảm, ảnh hưởng lên mọi đối tượng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, tác động tiêu cực và mức độ ảnh hưởng cũng khác nhau ở từng lĩnh vực, nhóm ngành nghề và đối tượng. Điển hình như các ngành về bưu chính, công nghệ thông tin, kinh doanh thương mại điện tử, các hình thức đầu tư, kinh doanh trực tuyến... hầu như ít ảnh hưởng, thậm chí còn tăng trưởng tốt. Do vậy, các chính sách hỗ trợ cũng cần có tính sàng lọc để đảm bảo tính công bằng và hiệu quả của chính sách.

Theo tôi, việc tiếp tục miễn, giảm thuế thu nhập và thuế GTGT như vừa qua là kịp thời, rất cần thiết, nhưng cần xem xét tính ưu tiên và thực tế như sau:

Thứ nhất, thống kê các ngành/lĩnh vực/DN ít hoặc thậm chí là có cơ hội tăng trưởng kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh như tôi đã đề cập ở trên để xem xét giãn thuế hơn là giảm thuế.

Thứ hai, bổ sung các chính sách hỗ trợ miễn, giảm thuế cho các DN sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Thứ ba, chính sách giảm thuế TNDN của các đối tượng có lẽ chưa phù hợp cho phần lớn cơ sở kinh doanh (kể cả DN và cá nhân kinh doanh) vì phần lớn họ bị lỗ (thậm chí nhiều DN đóng cửa, phá sản) do vậy họ không được hưởng lợi từ chính sách này. Đối với nhóm này, Chính phủ và Bộ Tài chính nên cân nhắc sử dụng thêm các gói hỗ trợ khác như: Cho vay ưu đãi, miễn, giảm thuế 1-2 năm sau khi kinh doanh có lãi…

Thứ tư, có lẽ chúng ta cũng nên nghĩ đến kịch bản sau dịch hay khi miễn dịch cộng đồng, DN phục hồi sản xuất thì vấn đề giải quyết công ăn việc làm trở lại là rất cấp bách. Do vậy, Chính phủ và trực tiếp là Bộ Tài chính cần tiếp tục xem xét đề xuất các chính sách miễn, giảm thuế GTGT, thuế TNDN, tiền thuê đất cho nhóm đối tượng tạm gọi là “thâm dụng lao động” để họ có nguồn lực phục hồi sản xuất, giải quyết công ăn việc làm trở lại.

Phóng viên: Vừa qua, có rất nhiều ý kiến chia sẻ rằng, gánh nặng đang đặt lên Bộ Tài chính khi vừa phải thực hiện thu ngân sách để đạt dự toán Quốc hội đề ra, vừa phải thực hiện các chính sách giảm, giãn thuế để hỗ trợ DN, người dân. Trong bối cảnh đó, Bộ Tài chính cần phải làm gì để đạt “mục tiêu kép” trên, thưa ông?

PGS.,TS. Nguyễn Anh Phong: Tôi cho rằng, ảnh hưởng của dịch lần này quá lớn, có nhiều thứ nằm ngoài tầm dự báo của chúng ta. Trước ảnh hưởng to lớn như thế, toàn bộ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ, tiêu dùng... đều suy giảm. Cho nên chắc chắn các nguồn thu từ thuế (thuế TNDN, thuế TNCN), thuế tiêu dùng (tiêu thụ đặc biệt, nhập khẩu, giá trị gia tăng),…và các khoản phí đều sẽ giảm đáng kể.

Bên cạnh đó, việc chi trả chế độ chính sách ảnh hưởng do dịch, các chính sách hỗ trợ cho các đối tượng trong và sau đại dịch cũng tăng lên. Nói cách khác, nguồn thu giảm, trong khi khoản mục chi tăng, kéo theo những khó khăn, áp lực cho ngân sách nhà nước và cũng đặt gánh nặng lên cho Bộ Tài chính. Trong bối cảnh đó, để đạt “mục tiêu kép” như trên, tôi cho rằng, Chính phủ, Bộ Tài chính nên cân nhắc các giải pháp như sau:

Thứ nhất, cắt giảm tối đa các hạng mục chi thường xuyên chưa cần thiết như hội nghị, hội thảo, đoàn ra, đoàn ngoài... Việc này phải mang tính nguyên tắt giống như “chống dịch”, tránh hô hào khẩu hiệu, hình thức.

Thứ hai, tăng cường ngoại giao các khoản viện trợ không hoàn lại phục vụ cho công tác giải quyết phục hồi sản xuất, tiêu dùng, hỗ trợ người dân và DN.

Thứ ba, Chính phủ cân nhắc phát hành trái phiếu chính phủ phục vụ phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch, huy động toàn dân cùng tham gia, vừa mang tính đầu tư, vừa mang giá trị trách nhiệm công dân.

Thứ tư, nghiên cứu sử dụng triệt để các gói dự phòng tài chính, ngân sách tích lũy để bù đắp một phần thâm hụt ngân sách.

Thứ năm, rà soát về thuế đối với các đơn vị gia tăng đột biến doanh thu (cơ hội kinh doanh trong dịch) trong đại dịch, như các ngành/doanh nghiệp kinh doanh online, các DN, cửa hàng kinh doanh tập trung được phép kinh doanh trong đại dịch… để thu đúng, thu đủ theo quy định của pháp luật.

Xin cảm ơn ông!