Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021:

Nghiên cứu chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu để không lỡ nhịp tăng trưởng kinh tế

Hà Anh (T/h)

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 tổ chức sáng 5/12, các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu chính sách phải tác động cả tổng cung và tổng cầu để không “lỡ nhịp” tăng trưởng kinh tế; đồng thời, duy trì ổn định kinh tế vĩ mô…

Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 (ngày 5/12/2021).
Toàn cảnh Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 (ngày 5/12/2021).

Phối hợp tốt chính sách tài khóa và tiền tệ để tạo động lực tăng trưởng

Đưa ra một số gợi ý chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia cho biết, đại dịch COVID-19 đã tác động mạnh tới tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Năm 2020, tăng trưởng kinh tế của nước ta đạt 2,91% và dự báo năm 2021 tăng trưởng chỉ đạt ở mức 2%.

Việt Nam đang phục hồi kinh tế theo hình “chữ U”, trong khi thế giới theo hình “chữ V” rõ nét. “Nếu không có chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ thì sẽ bị lỡ nhịp, điều đó đồng nghĩa với triển vọng kinh tế năm 2022 sẽ chỉ tăng trưởng trong khoảng từ 4% - 4,5%”, ông Cấn Văn Lực cảnh báo.

Phân tích về dư địa chính sách tài khóa và tiền tệ ở Việt Nam, ông Cấn Văn Lực cho rằng, chúng ta vẫn còn dư địa về tài khóa tương đối khả quan, do mấy năm qua đã được củng cố tương đối tốt, song phải có chính sách kiểm soát theo hướng bền vững hơn. Còn về chính sách tiền tệ vẫn có dư địa nhưng ít hơn, bởi lãi suất đã giảm tương đối thấp, trong khi xu thế thế giới bắt đầu tăng; áp lực lạm phát và nợ xấu cũng tăng lên. Chúng ta vẫn có biện pháp gián tiếp và trực tiếp để tiếp tục giảm lãi suất trong khoảng từ 0,5% - 1% trong thời gian tới.

Cũng tại Diễn đàn Kinh tế năm 2021, khái quát “bức tranh” phục hồi kinh tế của các nước châu Á trong bối cảnh dịch COVID-19, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, sự phục hồi kinh tế ở châu Á là không đồng đều. Khu vực Đông Á tiếp tục là điểm sáng được hỗ trợ bởi sự tăng trưởng của Trung Quốc, dự báo gần đạt mức tăng trưởng trước đại dịch vào năm 2022.

Trong khi đó, kinh tế khu vực Nam Á suy giảm mạnh trong năm 2020, dự báo sẽ phục hồi vào năm 2021. Khu vực Đông Nam Á, kinh tế ít suy giảm, nhưng lại chịu tác động mạnh nhất bởi làn sóng bùng phát dịch lần thứ 4 trong năm 2021, dự báo khu vực này đạt tốc độ phục hồi chậm hơn so với các khu vực: Đông Á, Trung Á và Nam Á.

Chia sẻ xu hướng chính sách tài khóa ứng phó với đại dịch COVID-19 của các nước châu Á, vị chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho biết, nhằm ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, Chính phủ các nước đã sử dụng chính sách tài khóa “nghịch” chu kỳ để chống suy thoái kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội và tạo việc làm cho người dân.

Theo đó, phần lớn các nước châu Á duy trì chính sách tài chính, tiền tệ mở rộng để phục hồi kinh tế. Đồng thời, các nước cũng hạn chế thu hẹp chính sách tài khóa quá sớm khi kinh tế bắt đầu có dấu hiệu phục hồi. Đối với Việt Nam, mức thay đổi cán cân tài khóa trong năm 2021 ít hơn so với năm 2020.

Đưa ra hàm ý chính sách cho Việt Nam, ông Nguyễn Minh Cường cho rằng, trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, trong ngắn hạn, Việt Nam có thể chấp nhận chi ngân sách nhà nước cao hơn, nợ công tăng trong giai đoạn 2021 - 2023.

Tuy nhiên, về dài hạn, khi nền kinh tế dần phục hồi, vai trò hỗ trợ của chính sách tài khóa giảm dần, Việt Nam nên có các biện pháp mở rộng cơ sở thu, tăng cường quản lý thu, siết chặt kỷ cương chính sách tài khóa.

Hiến kế gói hỗ trợ đặc biệt “kích hoạt” tăng trưởng kinh tế

Cũng tại Diễn đàn, các chuyên gia đã hiến kế gói hỗ trợ đặc biệt để phục hồi kinh tế, cũng như đưa ra khuyến nghị các giải pháp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam theo hướng bền vững.

Đề xuất gói hỗ trợ đặc biệt phục hồi kinh tế, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV Cấn Văn Lực cho rằng, có thể chia gói hỗ trợ thành 3 giai đoạn gồm: Kích hoạt; thúc đẩy và chốt chương trình (vào cuối năm 2023).

Gợi ý chi tiết hơn về gói hỗ trợ này, vị chuyên gia kinh tế trưởng BIDV khuyến nghị, nên xem xét bảo lãnh vay vốn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua Quỹ Bảo lãnh tín dụng; có gói hỗ trợ lãi suất khoảng 20.000 - 30.000 tỷ đồng theo đề xuất của Bộ Tài chính. Riêng về cơ sở hạ tầng, tăng đầu tư bổ sung khoảng 150.000 tỷ đồng. Theo đó, gói hỗ trợ tài khóa vào khảng 389.200 tỷ đồng, tương đương khoảng 4,79% GDP.

Về chính sách tiền tệ, tiếp tục thực hiện các chính sách hiện hành, đồng thời sử dụng một loạt công cụ khác để tiếp tục giảm lãi suất trong khoảng 0,5% - 1%; cho vay tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng để cho vay nhà ở quy mô 65.000 tỷ đồng; giá trị cấp bù lãi suất ước tính khoảng 6.100 tỷ đồng. Đồng thời, nghiên cứu giữ nguyên tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn, luật hóa xử lý nợ xấu…

Ông Cấn Văn Lực cũng đề xuất cần có thêm 2 gói chính sách: Hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động trở lại doanh nghiệp làm việc vào khoảng 6 nghìn tỷ đồng; hỗ trợ đào tạo nghề vào khoảng 6.800 tỷ đồng với tổng giá trị hỗ trợ khoảng gần 13 nghìn tỷ đồng. Cùng với đó, tiếp tục xem xét giảm tiền điện, nâng cao năng lực công nghệ đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp… với giá trị khoảng 38 nghìn tỷ đồng.

Như vậy, tổng thể các gói hỗ trợ tài khóa, tiền tệ, an sinh xã hội và các chính sách khác vào khoảng 844 nghìn tỷ đồng về danh nghĩa, còn về thực chi vào khoảng 445 nghìn tỷ đồng, tương đương 5,12% GDP. "Gói hỗ trợ này sẽ đủ sức hấp thụ trong thời gian tới và khi áp dụng gói chính sách này, chúng ta cần chấp nhận thâm hụt ngân sách ít nhất 0,1 điểm % cho mỗi năm", TS Cấn Văn Lực nhấn mạnh.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Nguyễn Minh Cường - Kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần ưu tiên các giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động; phân loại và xác định các mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn; tăng cường hợp tác quốc tế về y tế và phục hồi kinh tế.

Khuyến nghị các giải pháp hỗ trợ phục hồi kinh tế Việt Nam, ông Francois Painchaud - Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam cho biết, Việt Nam có không gian tài khóa dồi dào nên tăng chi tiêu cho y tế, tiêm chủng và trợ cấp; tăng cường đầu tư công, hỗ trợ đầu tư tư nhân và duy trì ổn định vĩ mô.

“Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đặt mục tiêu GDP bình quân đầu người là 4.700- 5.000 USD vào năm 2025 vẫn có thể đạt được, nhưng cần phải phục hồi kinh tế mạnh mẽ, cải thiện khả năng chống chịu, cùng với đó cần cải cách cơ cấu kinh tế và duy trình ổn định vĩ mô”, ông Francois Painchaud nhận định.

Việt Nam đang phục hồi kinh tế theo hình “chữ U”, trong khi thế giới theo hình “chữ V” rõ nét. “Nếu không có chương trình, gói hỗ trợ đặc biệt cả về tài khóa và tiền tệ thì sẽ bị lỡ nhịp, điều đó đồng nghĩa với triển vọng kinh tế năm 2022 sẽ chỉ tăng trưởng trong khoảng từ 4% - 4,5%”, ông Cấn Văn Lực cảnh báo.