Để khai thác hiệu quả nguồn lực tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
Tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập có tỷ trọng lớn trong khu vực hành chính sự nghiệp (chiếm 64,53% về số lượng và 69,06% về giá trị). Đây là nguồn lực tài chính hết sức quan trọng cần được bảo vệ, khai thác hiệu quả nhằm nâng cao mức độ tự chủ của đơn vị, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, tái cơ cấu ngân sách nhà nước.
Nguồn lực tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập
Để các đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cung cấp các dịch vụ sự nghiệp công cho xã hội theo nhiệm vụ được giao, trong nhiều năm qua, Nhà nước đã thực hiện trang bị tài sản, cơ sở vật chất cho các đơn vị thông qua các hình thức như: Giao tài sản bằng hiện vật, giao quyền sử dụng đất; giao ngân sách cho đơn vị để thực hiện đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản; cho phép đơn vị được sử dụng các nguồn thu được để lại và các nguồn vốn hợp pháp khác để đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản.
Theo Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước (TSNN), tổng số TSNN tại các đơn vị sự nghiệp công lập (chưa bao gồm các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lực lượng vũ trang nhân dân), tính đến ngày 31/7/2016 là 313.129 tài sản với tổng nguyên giá là 718.562 tỷ đồng, tổng giá trị còn lại là 604.534 tỷ đồng.
Tài sản, cơ sở vật chất này, được hình thành, tích lũy qua nhiều thế hệ, là điều kiện cần thiết để các đơn vị sự nghiệp công thực hiện nhiệm vụ chính trị do Nhà nước giao; đồng thời, là một nguồn lực tài chính quan trọng có thể khai thác để tăng quy mô, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công phục vụ xã hội.
Cùng với quá trình đổi mới nền kinh tế, cải cách hành chính, đổi mới cơ chế hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập, chế độ và công tác tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, nhìn chung, vấn đề khai thác nguồn lực từ tài sản công chưa tương xứng với tiềm năng; Việc đầu tư, trang bị cơ sở vật chất phục vụ hoạt động sự nghiệp công của các đơn vị sự nghiệp công lập vẫn chủ yếu do Nhà nước bảo đảm.
Trước tình hình cân đối thu - chi ngân sách nhà nước (NSNN) còn nhiều khó khăn, đòi hỏi cần có những giải pháp đột phá nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực sẵn có từ tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập gắn với việc huy động các nguồn lực của xã hội cùng Nhà nước đầu tư phát triển, khai thác tài sản công.
Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản công
Một là, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc quản lý, sử dụng, khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản công. Trong đó, tập trung nghiên cứu, xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công nhằm thể chế hóa Điều 53 Hiến pháp năm 2013, đảm bảo tất cả các loại tài sản công đều được quản lý chặt chẽ, hiệu quả bằng pháp luật; quy định những nguyên tắc chung nhất trong quản lý, sử dụng tài sản công; đổi mới phương thức quản lý, sử dụng tài sản công theo hướng nắm chắc, phản ánh đầy đủ tài sản công cả về giá trị và hiện vật...
Từ đó, tạo cơ chế khai thác tài sản công hợp lý, đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; quản lý tài sản bằng các công cụ hiện đại, hiệu quả; thực hiện công khai, minh bạch về tài sản, góp phần chống lãng phí, thất thoát.
Để bảo đảm tính thống nhất về định mức trang bị tài sản chuyên dùng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập có cùng lĩnh vực hoạt động, giao Bộ trưởng bộ quản lý chuyên ngành ban hành hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành định mức sử dụng tài sản chuyên dùng. Đồng thời, giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quyết định định mức tài sản sử dụng vào mục đích có tính chất kinh doanh dịch vụ cho thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chặt chẽ tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công ngay từ khâu lập, phê duyệt kế hoạch xây dựng mới, mua sắm, nâng cấp, cải tạo công trình sự nghiệp và các tài sản khác.
Ba là, mở rộng đối tượng được Nhà nước xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp, đồng nghĩa với việc mở rộng đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng TSNN giao vào mục đích sản xuất, kinh doanh dịch vụ, cho thuê, liên doanh, liên kết gắn với tăng cường công khai, minh bạch, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm.
Đẩy nhanh tiến độ xác nhận đơn vị đủ điều kiện và xác định giá trị tài sản để giao cho đơn vị sự nghiệp công lập quản lý theo cơ chế giao vốn cho doanh nghiệp quy định tại Nghị định 04/2016/NĐ-CP ngày 06/01/2016 của Chính phủ, tạo tiền đề cho các đơn vị sự nghiệp công lập được khai thác nguồn lực tài chính từ tài sản đúng pháp luật.
Bốn là, đẩy mạnh áp dụng hình thức hợp tác công - tư trong đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, công trình sự nghiệp. Theo đó, các đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng cơ sở vật chất sẵn có, các nhà đầu tư bỏ vốn đầu tư xây dựng; trên cơ sở đó phân chia kết quả hoặc cùng nhau khai thác, vận hành tài sản.
Việc áp dụng hình thức hợp tác công - tư cho phép khai thác cơ sở vật chất sẵn có của các đơn vị sự nghiệp công, đặc biệt là quỹ nhà, đất để thu hút vốn, kinh nghiệm quản lý của các nhà đầu tư nhằm hiện đại hóa, nâng cao hiệu suất sử dụng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dịch vụ sự nghiệp công.
Công tác xã hội hóa trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, dạy nghề, thể thao, môi trường, giám định tư pháp cần được đẩy mạnh. Các bộ, ngành chuyên quản trong lĩnh vực xã hội hóa và UBND cấp tỉnh căn cứ khả năng ngân sách và nhu cầu khuyến khích xã hội hóa thực hiện đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng một phần hoặc toàn bộ công trình xã hội hóa hoặc sử dụng quỹ nhà, cơ sở hạ tầng hiện có để cho cơ sở thực hiện xã hội hóa thuê có thời hạn.
UBND cấp tỉnh khẩn trương công bố Danh mục lĩnh vực và địa bàn ưu đãi xã hội hóa, mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 69/2008/NĐ-CP ngày 30/5/2008 và Nghị định 59/2014/NĐ-CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ; Đồng thời, hoàn thành việc phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, phương án di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc di dời theo quy hoạch theo quy định tại Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 và Quyết định 86/2010/QĐ-TTg ngày 22/12/2010 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời, cần xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại phát hiện qua sắp xếp lại, xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm; Chú trọng công tác tổ chức thực hiện phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất, phương án di dời đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều chỉnh cơ chế quản lý, sử dụng tiền thu được từ bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất khi sắp xếp lại nhà, đất vừa bảo đảm phù hợp, thống nhất với Luật NSNN (có hiệu lực thi hành từ 01/01/2017), vừa bảo đảm khuyến khích, tạo động lực cho quá trình sắp xếp lại.
Năm là, triển khai thực hiện mua sắm TSNN theo phương thức tập trung theo Quyết định 08/2016/QĐ-TTg ngày 26/02/2016 của Thủ tướng Chính phủ và các quy định pháp luật liên quan. Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thành việc công bố danh mục mua sắm tập trung, tổ chức triển khai thực hiện mua sắm tập trung theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 3 (khoá X), Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí;
Nghị quyết 98/2015/NQ-QH13 ngày 10/11/2015 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2016; Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2016 và các quy định pháp luật liên quan, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
Sáu là, tổ chức kiểm kê, đánh giá lại tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập nhằm nắm chắc số lượng, chất lượng, chủ thể quản lý, sử dụng tài sản, đồng thời xác định chính xác giá trị của tài sản theo giá thực tế.
Bảy là, nâng cao chất lượng quản trị tài sản công của đơn vị sự nghiệp công lập. Các đơn vị cần ban hành quy chế quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó xác định cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm của từng bộ phận, từng cá nhân và mối quan hệ phối hợp giữa các bộ phận, cá nhân, quy trình thực hiện từng khâu, từng việc liên quan đến đầu tư xây dựng, mua sắm, thuê, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng, sử dụng, khai thác, hạch toán, báo cáo, kiểm kê, xử lý tài sản công; chế tài và thẩm quyền xử lý khi xảy ra vi phạm;
Thực hiện nghiêm việc công khai tình hình quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công trong đơn vị để giám sát; Xây dựng các tiêu chí đánh giá và tổ chức đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng, khai thác tài sản công; Thí điểm thực hiện việc thuê tổ chức có chức năng và năng lực quản lý vận hành tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Tám là, nâng cao hiệu quả xử lý tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng công khai, minh bạch. Ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện và kiểm soát việc xử lý tài sản công. Đẩy mạnh việc sử dụng các tổ chức cung cấp dịch vụ liên quan đến tài sản công trong việc xác định giá trị tài sản, lựa chọn nhà đầu tư, nhà cung cấp, tổ chức đấu giá tài sản có quyết định bán, thanh lý. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao xử lý tài sản có trách nhiệm giám sát toàn bộ quá trình xử lý tài sản, kể cả trường hợp thuê các đơn vị chuyên nghiệp thực hiện...
Chín là, tiếp tục hiện đại hóa công tác quản lý tài sản công và nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công, bảo đảm từng bước Cơ sở dữ liệu quốc gia có đầy đủ thông tin về tài sản công. Bộ Tài chính xây dựng Đề án nâng cấp Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; hướng dẫn về tiêu chuẩn, điều kiện và việc trao đổi thông tin để kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công đối với các loại tài sản công đã có cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Tạo cơ chế khai thác tài sản công hợp lý, đóng góp có hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia; quản lý tài sản bằng các công cụ hiện đại, hiệu quả; thực hiện công khai, minh bạch về tài sản, góp phần chống lãng phí.
Mười là, tăng cường xây dựng, thực hiện các hình thức công khai tình hình quản lý, sử dụng tài sản công. Quy định cụ thể nội dung công khai, hình thức công khai, trách nhiệm công khai, thời hạn công khai. Tiếp tục phát triển Cổng thông tin điện tử về tài sản công để làm công cụ công khai thông tin về bán, chuyển nhượng, cho thuê, đi thuê, sử dụng tài sản công vào các mục đích có tính chất kinh doanh dịch vụ, thanh xử lý tài sản công nói chung, tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập nói riêng.
Thường xuyên kiểm tra, rà soát, xử lý các trường hợp vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập; thu toàn bộ các khoản thu được từ việc sử dụng tài sản công không đúng quy định để nộp vào NSNN; xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra vi phạm và các tập thể, cá nhân liên quan; Tăng cường công tác giám sát của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, các đoàn Đại biểu Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức đoàn thể và cơ quan thông tấn báo chí đối với công tác quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp công lập.
Tài liệu tham khảo:
1. Báo cáo tổng kết tình hình thực hiện Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước;
3. Nghị định số 52/2009/NĐ-CP và Nghị định số 59/2014/NĐ-CP...