Kho bạc Nhà nước đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Lưu Hoàng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Kho bạc Nhà nước)

Trong những năm vừa qua, hệ thống Kho bạc Nhà nước đã quyết liệt triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp để cải cách, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ trong nội bộ hệ thống theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch. Nhờ đó, đã giúp giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong quá trình giao dịch thu, chi ngân sách nhà nước với các đơn vị trong hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Kho bạc Nhà nước tiếp tục ứng dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị nội bộ hệ thống. Nguồn: Internet
Kho bạc Nhà nước tiếp tục ứng dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị nội bộ hệ thống. Nguồn: Internet

Những kết quả cải cách thủ tục  hành chính trong hệ thống Kho bạc Nhà nước

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2017 với mục tiêu là: “Xây dựng KBNN hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và phát triển ổn định vững chắc trên cơ sở cải cách thể chế, chính sách, hoàn thiện tổ chức bộ máy, gắn với hiện đại hoá công nghệ và phát triển nguồn nhân lực để thực hiện tốt các chức năng: quản lý quỹ ngân sách nhà nước và các quỹ tài chính nhà nước; quản lý ngân quỹ và quản lý nợ Chính phủ; tổng kế toán nhà nước nhằm tăng cường năng lực, hiệu quả và tính công khai, minh bạch trong quản lý các nguồn lực tài chính của Nhà nước. Đến năm 2020, các hoạt động KBNN được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử”.

Để thực hiện mục tiêu của Chiến lược nêu trên, trong những năm vừa qua, hệ thống KBNN đã quyết liệt triển khai đồng bộ và có hiệu quả nhiều giải pháp để cải cách, hoàn thiện các cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ trong nội bộ hệ thống, đặc biệt là quy trình thủ tục hành chính về thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch nhằm giảm thiểu thời gian, thủ tục và chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho các đơn vị dự toán ngân sách, chủ đầu tư và người dân trong quá trình giao dịch thu, chi NSNN với các đơn vị trong hệ thống KBNN, cụ thể như sau:

- Hoàn thành việc triển khai dự án “Hiện đại hóa quy trình thu nộp thuế giữa cơ quan Thuế -  Hải quan – KBNN – cơ quan tài chính” nhằm kết nối, trao đổi và thống nhất dữ liệu về thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành Tài chính, đảm bảo dữ liệu được nhập ở một nơi và được sử dụng ở nhiều nơi.

Trên cơ sở kết quả đạt được của việc triển khai dự án Hiện đại hóa thu NSNN, KBNN đã tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai dự án tổ chức thu NSNN giữa Tổng cục Thuế - Tổng cục Hải quan - KBNN - các ngân hàng thương mại (NHTM), để kết nối và trao đổi thông tin thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành tài chính với hệ thống NHTM; đồng thời, xây dựng và trình Bộ Tài chính ban hành các văn bản hướng dẫn quản lý thu NSNN qua KBNN nhằm cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong  thu NSNN.

Đồng thời, triển khai áp dụng nhiều hình thức thu nộp NSNN văn minh, hiện đại như: từng bước mở thêm các tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN tại ngân hàng để thực hiện phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho hệ thống NHTM đảm nhận; tổ chức thu NSNN qua hệ thống ATM, qua Internet, qua thiết bị chấp nhận thẻ (POS) tại trụ sở KBNN, thu NSNN qua Cổng thông tin điện tử của cơ quan Thuế… Từ đó, góp phần giảm thời gian thực hiện 1 giao dịch nộp NSNN từ khoảng 30 phút/1 giao dịch ở giai đoạn trước đây xuống còn khoảng 5 phút/1 giao dịch.

- Xây dựng và hoàn thiện cơ chế, quy trình kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch về hồ sơ, chứng từ, nội dung kiểm soát; đồng thời, phân định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các đơn vị, cá nhân có liên quan. Cụ thể, đối với chi đầu tư đã rút ngắn thời gian kiểm soát chi (từ 7 ngày xuống còn khoảng 3 - 4 ngày làm việc), đơn giản hóa yêu cầu đối với hồ sơ đề nghị thanh toán, giảm số lượng mẫu biểu chứng từ thanh toán…

Đối với chi thường xuyên, đã bước đầu xây dựng ngưỡng để thực hiện kiểm soát chi, thực hiện kiểm soát chi theo cơ chế khoán đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; bỏ

Những thủ tục kiểm soát chi liên quan đến nhu cầu chi quý; quy định rõ thời hạn kiểm soát chi tại KBNN; thí điểm thực hiện kiểm soát chi điện tử thông qua Cổng thông tin KBNN; xây dựng và triển khai quy trình kiểm soát chi “một cửa” theo nguyên tắc mỗi giao dịch viên là một cửa, trừ các khoản chi bằng tiền mặt; thống nhất đầu mối kiểm soát chi đầu tư và chi chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong kiểm soát chi NSNN…

Xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính; trong đó, có quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kiểm soát chi NSNN qua KBNN nhằm góp phần nâng cao kỷ luật tài chính của các đơn vị dự toán, chủ đầu tư trong việc quản lý, sử dụng kinh phí NSNN cấp.

- Hiện đại hóa công tác thanh toán trong nội bộ hệ thống KBNN và với hệ thống ngân hàng. Đến nay, KBNN đã cơ bản hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử song phương tập trung với hệ thống NHTM; hoàn thành việc triển khai thanh toán điện tử liên kho bạc trong nội bộ hệ thống theo mô hình tập trung; triển khai mở rộng thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước…

Bên cạnh đó, KBNN cũng đẩy mạnh thực hiện tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt (như ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho ngân hàng thương mại, triển khai việc chi tiền mặt qua hệ thống NHTM, thực hiện chi tiêu ngân sách qua thẻ tín dụng, thanh toán chi trả cá nhân qua tài khoản, thu NSNN qua POS lắp đặt tại trụ sở KBNN…). Từ đó, vừa góp phần giảm tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN, vừa hướng tới xây dựng kho bạc không thực hiện giao dịch tiền mặt.

- Tăng cường đưa công nghệ thông tin hiện đại vào các quy trình quản trị nội bộ hệ thống thông qua việc triển khai các chương trình ứng dụng như: xây dựng và vận hành Cổng thông tin điện tử nội bộ hệ thống; chương trình quản lý tài chính nội bộ KBNN; xây dựng mạng intranet nội bộ phục vụ cho việc trao đổi thông tin, nghiệp vụ, thư điện tử… trên mạng điện tử; xây dựng hệ thống giao ban trực tuyến; triển khai chương trình quản lý văn bản và điều hành ngành Tài chính…

Một số giải pháp nhằm đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính

Để tiếp tục xây dựng và hình thành “kho bạc điện tử” vào năm 2020 theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đã đặt ra; đồng thời, tạo cơ sở cho việc xây dựng và triển khai các định hướng phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030, trong thời gian tới, hệ thống KBNN cần tiếp tục có những cải cách mạnh mẽ cả về cơ chế chính sách, quy trình nghiệp vụ cũng như ứng dụng có hiệu quả công nghệ thông tin vào các hoạt động nghiệp vụ để hướng tới việc hình thành kho bạc điện tử vào năm 2020. Trong đó, cần tập trung vào một số nội dung sau:

Một là, trên cơ sở Quyết định số 430/2017/QĐ-BTC ngày 8/3/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành kế hoạch phát triển hệ thống KBNN giai đoạn 2017 - 2020, KBNN cần cụ thể hóa thành kế hoạch thực hiện trong từng năm giai đoạn 2017 – 2020, gắn với việc thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 22/7/2016 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 5/9/2016 của Chính phủ về tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp để vừa góp phần thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020, vừa thực hiện thành công các định hướng cải cách lớn của hệ thống (trong đó, có các cải cách về thủ tục hành chính) theo đúng mục tiêu, nội dung và lộ trình đã đặt ra.

Hai là, hoàn thiện cơ chế chính sách và quy trình nghiệp vụ, đặc biệt là các quy trình nghiệp vụ về thu, chi NSNN theo hướng giảm thiểu hồ sơ, chứng từ trong quá trình các đơn vị, cá nhân giao dịch với KBNN, cụ thể:

- Đẩy mạnh việc mở tài khoản chuyên thu của các đơn vị KBNN tại các NHTM, hướng tới các đơn vị KBNN mở tài khoản chuyên thu tại tất cả các NHTM trên cùng địa bàn để tổ chức phối hợp thu và ủy nhiệm thu NSNN bằng tiền mặt cho NHTM đảm nhận.

Phát triển các ứng dụng công nghệ thông tin trong quy trình thu NSNN phù hợp với sự phát triển hạ tầng thanh toán của hệ thống ngân hàng, đặc biệt là các ứng dụng để phục vụ thu nộp NSNN theo phương thức điện tử (như nộp thuế qua Internet, qua ATM, qua POS lắp đặt tại trụ sở KBNN… để tạo thuận lợi cho việc kết nối trao đổi thông tin, dữ liệu về thu NSNN qua các hệ thống thanh toán của ngân hàng. Từ đó, giảm thiểu việc thu nộp thủ công bằng chứng từ giấy tại các đơn vị KBNN.

Bên cạnh đó, tổ chức kết nối, trao đổi thông tin thu NSNN giữa các cơ quan trong ngành Tài chính với các cơ quan có liên quan khác (như cơ quan Công an, cơ quan tài nguyên môi trường, cơ quan ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính…) để vừa tạo thuận lợi cho quá trình quản lý tại các cơ quan quản lý nhà nước, vừa tạo thuận lợi hơn nữa cho người nộp NSNN.

- Nghiên cứu cải cách cơ chế kiểm soát chi NSNN qua KBNN theo hướng chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với việc phát huy vị trí, vai trò của hệ thống thanh tra chuyên ngành KBNN đối với các đơn vị dự toán, chủ đầu tư trong quá trình quản lý, sử dụng kinh phí NSNN cấp nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị, giải ngân nhanh vốn đầu tư, vừa hỗ trợ, tạo thuận lợi cho việc triển khai các hình thức giao dịch điện tử với KBNN.

Bên cạnh đó, nghiên cứu xây dựng và triển khai mô hình kiểm soát chi theo rủi ro gắn với việc phát huy vai trò, trách nhiệm của các đơn vị trong việc quản lý sử dụng NSNN (như thực hiện phân loại nội dung các khoản chi ít có rủi ro như chi điện, nước… để đơn giản hóa việc kiểm soát, thanh toán; đánh giá phân loại đơn vị sử dụng NSNN theo mức độ chất hành chế độ kiểm soát chi NSNN qua KBNN; xác định ngưỡng giá trị chi NSNN để tiếp tục đơn giản hóa thủ tục kiểm soát chi NSNN…).

- Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các cơ chế chính sách về kiểm soát chi NSNN qua KBNN để đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong công tác kiểm soát chi NSNN.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế “ưu đãi” theo nhiều hình thức để thúc đẩy, khuyến khích các đơn vị dự toán, chủ đầu tư, người nộp thuế triển khai các hình thức giao dịch điện tử trong quá trình thu, chi NSNN với KBNN, đặc biệt là quy trình luân chuyển hồ sơ, chứng từ kiểm soát chi từ đơn vị dự toán, chủ đầu tư đến KBNN, chuyển từ việc luân chuyển thủ công hồ sơ, chứng từ giấy sang luân chuyển dưới dạng dữ liệu điện tử theo hướng:

(i) Luân chuyển hồ sơ, chứng từ qua mạng điện tử từ các đơn vị giao dịch đến KBNN thông qua Cổng thông tin điện tử KBNN, gắn với việc sử dụng chữ ký số theo quy định tại Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 23/02/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính;

(ii) Đối với các đơn vị chưa thực hiện luân chuyển chứng từ qua mạng điện tử thì tiếp tục thực hiện luân chuyển hồ sơ, chứng từ giấy, song trên chứng từ có gắn mã vạch được in từ các chương trình kế toán của đơn vị để vừa giúp thủ trưởng đơn vị kiểm soát chặt chẽ các chứng từ trong quá trình luân chuyển chứng từ từ đơn vị đến KBNN (thông tin trên hồ sơ, chứng từ không bị làm sai lệch sau khi thủ trưởng đơn vị đã kiểm soát), vừa giúp KBNN giảm thiểu thời gian, công sức trong việc nhập liệu thủ công chứng từ (KBNN sử dụng các thiết bị đọc mã vạch để tải các thông tin trên chứng từ của đơn vị vào các chương trình ứng dụng tại KBNN); đồng thời, tránh rủi ro cho cán bộ KBNN trong việc kiểm soát chữ ký của thủ trưởng các đơn vị dự toán, chủ đầu tư (do mã vạch trên chứng từ có nội dung khẳng định chứng từ đó đã được thủ trưởng đơn vị kiểm soát).

Ba là, tiếp tục hiện đại hóa hệ thống thanh toán KBNN và tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống KBNN.

Cụ thể: - Hoàn thành việc triển khai mở rộng thanh toán điện tử liên ngân hàng với Ngân hàng Nhà nước trong năm 2017, hình thành hệ thống tài khoản thanh toán tập trung (TSA) của KBNN; từ đó, vừa góp phần thanh toán nhanh chóng, chính xác, an toàn các khoản thu, chi của NSNN, vừa giúp tập trung ngân quỹ nhà nước về trung ương, tạo thuận lợi cho cải cách công tác quản lý ngân quỹ nhà nước trong những năm tiếp theo.

- Tiếp tục phối hợp với hệ thống NHTM nơi mở tài khoản (tài khoản thanh toán hoặc tài khoản chuyên thu) để tổ chức phối hợp thu và thực hiện ủy nhiệm thu bằng tiền mặt qua NHTM; phối hợp thu phạt vi phạm hành chính qua hệ thống bưu điện; phối hợp với hệ thống NHTM và các đơn vị sử dụng NSNN để tăng cường thanh toán cá nhân qua tài khoản và thực hiện chi tiêu NSNN qua thẻ tín dụng; kiểm soát chặt các nội dung chi NSNN bằng tiền mặt và thực hiện chi bằng tiền mặt qua NHTM đối với các khoản chi có giá trị lớn theo đúng quy định tại Thông tư số 13/2017/TT-BTC ngày 15/2/2017 về quản lý thu, chi bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN; đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sửa đổi cơ chế để điều chỉnh giảm dần mức giá trị, tiến tới cơ bản các đơn vị KBNN không thực hiện chi tiền mặt vào năm 2020, trừ một số khoản chi mang tính nhỏ lẻ.

Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho người nộp thuế, người nộp phạt vi phạm hành chính và nâng cao được hiệu quả quản lý NSNN; đồng thời giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt qua hệ thống KBNN.

Bốn là, tiếp tục ứng dụng có hiệu quả các ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản trị nội bộ hệ thống theo hướng tập trung hóa, tạo cơ sở để thực hiện các hoạt động quản lý, điều hành trực tuyến, đảm bảo các thông tin chỉ đạo, điều hành, trao đổi… trong nội bộ hệ thống được đầy đủ, nhanh chóng, chính xác và tiết kiệm các chi phí (cả nhân lực và tài chính) cho KBNN.

Tin tưởng rằng, những nội dung này khi được triển khai sẽ góp phần thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính và điện tử hóa các giao dịch giữa KBNN với người nộp NSNN, các đơn vị sử dụng NSNN; Góp phần xây dựng và hình thành “kho bạc điện tử” vào năm 2020 như định hướng Chiến lược phát triển KBNN đã đề ra.

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 138/2007/QĐ-TTg ngày 21/8/2017;

2. Nghị định số 192/2013/NĐ-CP ngày 21/11/2013 về xử phạt vi phạm hành chính;

3. Nghị định số 156/2016/NĐ-CP ngày 21/11/2016 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 27/2016/NĐ-CP ngày 23/02/2007 của Chính phủ về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính.