Việt Nam hướng tới tương lai xanh và phát triển bền vững

Theo Nguyễn Linh (T/h)/kinhtemoitruong.vn

Việt Nam đã và đang tích cực tham gian thực hiện các cam kết “xanh,” được cộng đồng quốc tế đánh giá như là hình mẫu.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

“Tương lai xanh” là mục tiêu cao nhất

Để góp phần làm nên chiến thắng trước những thay đổi bất thường của biến đổi khí hậu trong thời gian tới, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26) tại Glasgow (Vương quốc Anh) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiếp tục khẳng định Việt Nam sẽ dành ưu tiên cao nhất cho việc ứng phó với biến đối khí hậu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ, mặc dù là nước đang phát triển mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn 3 thập kỉ qua, nhưng Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ; Trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050.

Một trong những phát biểu được đánh giá cao tại Hội nghị COP26, chính là cam kết của Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định Việt Nam cam kết mạnh mẽ đạt mức phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Đây là nội dung quan trọng thể hiện quyết tâm và cam kết chính trị của Đảng, Nhà nước trong việc đẩy mạnh chuyển đổi kinh tế nhằm góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu.

Thủ tướng đã đề nghị đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và người dân.

Điều đó thể hiện tầm nhìn và định hướng của người đứng đầu Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội đất nước trong giai đoạn tới, nhằm hiện thực hoá mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra. Con đường đến mục tiêu đó phải là con đường “xanh,” phù hợp xu thế phát triển chung toàn cầu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng lưu ý, biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, ảnh hưởng đến mọi người dân nên cần có cách tiếp cận toàn cầu và cả cộng đồng nên khoa học phải đi trước để dẫn dắt và nguồn lực tài chính phải là đòn bẩy, thúc đẩy chuyển đổi mô hình phát triển hướng tới kinh tế xanh, tuần hoàn…

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam kêu gọi tất cả các quốc gia cam kết mạnh mẽ về giảm phát thải khí nhà kính trên cơ sở nguyên tắc trách nhiệm chung nhưng có khác biệt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và năng lực của từng quốc gia, phải có công bằng, công lý về biến đổi khí hậu.

Bài phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính đã được lãnh đạo các nước, đối tác quốc tế đánh giá cao đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với Việt Nam trong triển khai các biện pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn và hỗ trợ các cộng đồng dân cư để tăng khả năng chống chịu và thích ứng trước các hiện tượng thời tiết bất thường và cực đoan do tác động biến đổi khí hậu.

Cũng tại COP26, Việt Nam đã thể hiện sự ủng hộ và tham gia nhiều sáng kiến rất quan trọng như: Tuyên bố Glasgow của các nhà Lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và Cam kết giảm phát thải methane toàn cầu, Tuyên bố chung toàn cầu về chuyển dịch từ than sang năng lượng sạch; Tuyên bố chính trị về rừng và sử dụng đất…

Tận dụng thời cơ để phát triển bền vững

Sau sự kiện thành công của hội nghị COP26, mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã tổ chức cuộc họp với các đơn vị trong ngành để triển khai ngay các công việc “đón đầu” sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tận dụng các cơ hội chuyển mô hình tăng trưởng đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững.

Tại cuộc họp, ông Hà cho biết cam kết chính trị và quyết tâm hành động của Việt Nam tại hội nghị COP26 đã được các nhà lãnh đạo các nước như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Australia, Canada, Ủy ban châu Âu, Đức, Hàn Quốc, Thụy Điển… tin tưởng rằng quyết tâm hành động của Việt Nam sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới, to lớn hơn trong các lĩnh vực kinh tế xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; nhất là trong bối cảnh các nước có sự quan tâm rất cao đối với biến đổi khí hậu, thay đổi mạnh mẽ về hướng phát triển, chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng xanh, tuần hoàn…

Bên cạnh các ngân hàng phát triển đa phương, các ngân hàng quốc tế như Standard Chartered cũng có những cam kết mạnh mẽ với 8 tỉ USD dành cho phát triển bền vững trong khi các tập đoàn lớn sẵn sàng và mong muốn tham gia vào các dự án năng lượng gió, công nghệ xanh hiện đại tại Việt Nam.

Tuy vậy, ông Hà cũng lưu ý rằng trên cơ sở những cam kết của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại COP26 cũng như những ký kết hợp tác với nhiều tập đoàn trên thế giới về chuyển dịch mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển kinh tế carbon thấp, kinh tế tuần hoàn, Việt Nam cần phải chuẩn bị các nguồn lực để sẵn sàng cho mục tiêu tận dụng các cơ hội chuyển đổi mô hình tăng trưởng, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, Việt Nam cần đón đầu sự dịch chuyển các dòng đầu tư, tín dụng của các tổ chức tín dụng, tài chính trên thế giới; Tận dụng các cơ hội hợp tác về chuyển giao công nghệ phát thải cácbon thấp, giảm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu hóa thạch, khơi thông tiềm năng về năng lượng tái tạo trong đó phát triển năng lượng gió ngoài khơi.

Ngoài ra có thể bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên, nâng sức chống chịu của hạ tầng cơ sở, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Với trách nhiệm đó, trong quá trình này Việt Nam luôn mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa với các thành viên APEC, các quốc gia, doanh nghiệp trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Việt Nam cũng xây dựng cơ chế ưu đãi cho các doanh nghiệp nắm bắt cơ hội tham gia cung ứng sản phẩm và dịch vụ xanh; Hoàn thiện thể chế, chính sách về phát triển các doanh nghiệp xanh, đổi mới sáng tạo, các khu công nghiệp sinh thái…

Chủ tịch nước tin tưởng rằng những chính sách nêu trên cùng với thị trường 100 triệu dân của Việt Nam và mạng lưới rộng lớn của 14 Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã tham gia là cơ hội, điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư quốc tế đến với Việt Nam để cùng hợp tác, cùng chia sẻ lợi ích và phát triển bền vững.