Sự linh hoạt của dòng tiền trên thị trường chứng khoán Việt Nam

Theo Khánh Phương/doanhnhansaigon.vn

Trong giai đoạn điều chỉnh mạnh từ cuối tháng 4 cho đến nửa đầu tháng 7 và sau đó là đợt phục hồi nhẹ từ nửa cuối tháng 7 cho đến nay, điểm đáng chú ý nhất là sự luân chuyển của dòng tiền trên thị trường chứng khoán.

Dòng tiền có dấu hiệu tập trung tại những mã cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Nguồn: internet
Dòng tiền có dấu hiệu tập trung tại những mã cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Nguồn: internet

Nếu như trong giai đoạn sụt giảm, dòng tiền liên tiếp bị rút ra khỏi những cổ phiếu vốn hóa lớn và làm chỉ số giảm sâu, thì trong đợt phục hồi vừa qua, dòng tiền có dấu hiệu tập trung tại những mã cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ. Theo đó, nhiều cổ phiếu đã phục hồi rất mạnh.

Bắt đáy cổ phiếu midcap và penny

Được chú ý nhiều nhất trong những ngày gần đây là cặp HAG và HNG của "bầu Đức". Từ điểm thấp nhất ở 4.400 đồng/cổ phiếu vào ngày 12/6, cổ phiếu HAG đã tăng lên 7.150 đồng/cổ phiếu, tương đương với mức tăng hơn 75%. Trong khi đó, người anh em HNG cũng đã tăng đến 140% để lên mốc 17.000 đồng/cổ phiếu.

Dù Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) vẫn đang đối mặt với những khó khăn về dòng tiền, nhưng 2 cổ phiếu này đã thu hút đáng kể vốn của các nhà đầu tư trong một tháng trở lại đây với những phiên khớp lệnh lên đến hàng chục triệu cổ phiếu.

Một doanh nghiệp bất động sản từng là một trong những cổ phiếu tăng mạnh nhất trong năm 2017 là Công ty CP Đầu tư LDG, sau khi giảm sâu trong đợt điều chỉnh vừa qua, từ mốc 22.300 đồng/cổ phiếu về tận vùng 9.600 đồng/cổ phiếu ngày 12/7, mà theo một số thông tin cho rằng bị bán giải chấp, thì trong đợt phục hồi gần đây đã tăng đáng kể, lên mốc 15.000 đồng/cổ phiếu, đánh dấu mức tăng hơn 56% chỉ trong vòng nửa tháng. Có vẻ như những nhà đầu tư bắt đáy đúng thời điểm tại cổ phiếu LDG lúc này đang mỉm cười hưởng quả ngọt.

Một cổ phiếu bất động sản khác cũng là cổ đông lớn của LDG là Tập đoàn Đất Xanh (DXG) gần đây cũng đã phục hồi lại 32% từ mức thấp 19.700 đồng/cổ phiếu trong đợt điều chỉnh trước đó. Hay như tại Công ty CP GTNFoods (GTN), sau khi rớt xuống đáy tại 8.210 đồng/cổ phiếu vào hôm 12/7, kể từ đó đến nay mã cổ phiếu này đã có nhiều phiên tăng trần liên tiếp để đạt mức tăng đến 44% chỉ trong thời gian ngắn. 

Cổ phiếu của Tập đoàn FLC cũng có sự tăng trưởng đáng chú ý kể từ nửa cuối tháng 7 đến nay, với mức tăng hơn 44% đi kèm với những thông tin tích cực về Hãng Hàng không Bamboo Airways của tập đoàn này.

Cuối tháng 6, nhiều hãng truyền thông quốc tế đưa tin Bamboo Airways và Tập đoàn Boeing của Mỹ đã ký thỏa thuận mua 20 máy bay Boeing 787-9 Dreamliner. Theo đó Bamboo Airways đã hoàn thành việc đặt cọc, dự kiến máy bay sẽ được bàn giao trong giai đoạn tháng 4/2020 đến hết năm 2021.

Điều đáng lưu ý là dòng tiền tập trung tại các mã trên với lực mua quyết đoán, đẩy giá tăng trần trong những phiên giao dịch mà khối lượng khớp lệnh có thể lên đến hàng chục triệu đơn vị.

Săn cổ phiếu mới, nhắm thị trường phái sinh

Diễn biến đáng chú ý thứ hai của dòng tiền là song song với việc bán ròng liên tiếp tại những mã lớn thì khối ngoại tập trung mua vào những cổ phiếu mới lên sàn như VHM, VRE hay TCB, trong đó phiên mua ròng hơn 28.500 tỷ đồng tại mã VHM đã trở thành phiên mua ròng lớn nhất tại một mã cổ phiếu trong lịch sử thị trường chứng khoán Việt Nam.

Việc thoái vốn tại những mã cổ phiếu đã gắn bó lâu năm và mua vào những cổ phiếu mới lên sàn với kỳ vọng mang lại suất sinh lời tốt hơn cho thấy khối ngoại vẫn phần nào tin tưởng vào sự ổn định kinh tế Việt Nam trong bối cảnh mà dòng vốn đầu tư tháo chạy khỏi các thị trường mới nổi và cận biên khác.

Cũng nhờ những phiên mua ròng lớn tập trung tại một số mã cổ phiếu mới niêm yết đã giúp cho dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường chứng khoán vẫn ghi nhận mức mua ròng trong hơn 7 tháng qua, từ đó phần nào hỗ trợ tâm lý cho thị trường.

Trong giai đoạn thị trường điều chỉnh mạnh với VN-Index có lúc rớt hơn 25% so với mức đỉnh, thanh khoản suy yếu và gần như cạn kiệt khiến cơ hội đầu tư kiếm lời là rất thấp, các nhà đầu tư đã chủ động rót tiền sang thị trường phái sinh với chiến thuật đánh nhanh thắng nhanh để tìm kiếm lợi nhuận.

Thống kê cho thấy, thanh khoản trên thị trường này liên tiếp đạt kỷ lục trong tháng 5 và tháng 6 - thời điểm mà thị trường cơ sở bị sụt giảm mạnh nhất với thanh khoản trên sàn HoSE chỉ xoay quanh 100 - 120 triệu cổ phiếu/phiên, giá trị giao dịch có lúc rớt về dưới mốc 2.000 tỷ đồng/phiên, thì trên thị trường phái sinh, giá trị giao dịch danh nghĩa của các hợp đồng có lúc đạt hơn 13.300 tỷ đồng.

Diễn biến này cũng cho thấy các nhà đầu tư hiện nay đã trở nên nhanh nhạy hơn và chủ động hơn, theo đó dòng tiền có thể luân chuyển liên tiếp từ thị trường cơ sở sang phái sinh hoặc ngược lại. Với thanh khoản ngày càng cải thiện kể từ nửa cuối tháng 7 đến nay, tâm lý của thị trường có thể tiếp tục lạc quan hơn, theo đó càng thu hút dòng tiền sớm tham gia trở lại nhiều hơn. Dự báo, thị trường có thể sớm tiếp cận trở lại mốc 1.000 điểm trong tháng 8 này.