Sửa 7 luật về tài chính, đầu tư, khơi thông nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ
Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung 7 luật trong lĩnh vực tài chính, đầu tư nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phát triển kinh tế, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.

Mở rộng các trường hợp được chỉ định thầu
Tại phiên họp sáng 17/5 của Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã trình bày Tờ trình tóm tắt Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Luật sửa 7 luật).
Theo Bộ trưởng, trước sự thay đổi của tình hình kinh tế - xã hội, các văn bản pháp luật về đầu tư, tài chính, ngân sách cũng đã phát sinh một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện nên cần phải được rà soát, nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung. Theo đó, Chính phủ đã khẩn trương rà soát, tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các luật trong lĩnh vực đầu tư, tài chính, ngân sách và đã xác định 07 luật cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để thực hiện sắp xếp, tổ chức bộ máy chính quyền địa phương, tạo động lực góp phần thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…
Đối với Luật Đấu thầu, dự thảo Luật sửa đổi một số quy định nhằm bảo đảm quyền tự chủ, tự quyết định hoạt động lựa chọn nhà thầu của tổ chức, cá nhân chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ. Đồng thời, sửa đổi quy định về ưu đãi đối với doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; tổ chức khoa học công nghệ; sản phẩm, dịch vụ công nghệ số theo hướng ưu tiên trong đánh giá về năng lực, kinh nghiệm, cộng điểm hoặc cộng tiền cho các đối tượng này.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi quy định về phạm vi áp dụng của Luật Đấu thầu theo hướng hoạt động lựa chọn nhà thầu của doanh nghiệp nhà nước (không phân biệt nguồn vốn sử dụng) và việc lựa chọn nhà thầu của đơn vị sự nghiệp công lập nhóm 1, nhóm 2 không sử dụng ngân sách nhà nước thì doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập được tự quyết định việc lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc công khai, minh bạch, hiệu quả và trách nhiệm giải trình.
Chính phủ cũng đề xuất bổ sung, mở rộng các trường hợp áp dụng hình thức chỉ định thầu, chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với gói thầu, dự án cần bảo đảm lợi ích quốc gia hoặc có yêu cầu đặc thù về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ, đáp ứng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án lớn, quan trọng, cấp bách.
Dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP). Trong đó, sửa đổi, bổ sung quy định về chính sách hỗ trợ, ưu đãi, bảo đảm của Nhà nước đối với dự án PPP theo hướng cho phép áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án nâng cấp, mở rộng công trình. Đồng thời, bổ sung trường hợp chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với dự án PPP khoa học, công nghệ có doanh thu thực tế thấp hơn 50% so với doanh thu dự kiến; Sửa đổi cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu theo hướng giao Chính phủ quy định chi tiết tỷ lệ chia sẻ để bảo đảm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.
Dự thảo mở rộng các trường hợp chỉ định nhà đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo hướng bổ sung trường hợp chỉ định thầu đối với các trường hợp: dự án do nhà đầu tư đề xuất mà nhà đầu tư sở hữu công nghệ chiến lược; dự án hạ tầng số mà trước đó nhà đầu tư đã thực hiện nhằm bảo đảm tính kết nối; dự án do nhà đầu tư đề xuất. Đồng thời, bổ sung hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt đối với dự án PPP thuộc lĩnh vực khoa học công nghệ.
Bổ sung ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
Đối với Luật Hải quan, dự thảo sửa đổi, bổ sung quy định về điều kiện áp dụng và chế độ ưu tiên đối với doanh nghiệp công nghiệp bán dẫn, doanh nghiệp công nghệ. Cùng với đó, bổ sung một điều mới quy định về thủ tục hải quan cho hoạt động xuất khẩu tại chỗ và giao Bộ Tài chính quy định chi tiết điều này.
Sửa đổi Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, dự thảo Luật mở rộng phạm vi miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như máy móc, thiết bị, phụ tùng vất tư chuyên dùng sử dụng trực tiếp cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của dự án đầu tư để phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Nguyên liệu, vật tư, linh kiện nhập khẩu để sản xuất của tổ chức khoa học, công nghệ, tổ chức đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Hàng hóa nhập khẩu là nguyên liệu, vật tư, linh kiện trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm công nghệ số.
Liên quan đến Luật Đầu tư, dự thảo Luật bổ sung ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đối với “đầu tư xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu lớn, hạ tầng điện toán đám mây, hạ tầng di động từ 5G trở lên và hạ tầng số khác trong lĩnh vực công nghệ chiến lược theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ; đầu tư trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia theo pháp luật về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo...”. Đồng thời, bổ sung khu công nghệ số tập trung vào địa bàn ưu đãi đầu tư; quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt đối với các dự án đầu tư trong các lĩnh vực ưu đãi đầu tư về công nghệ chiến lược.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công. Trong đó, bổ sung quy định dự án đầu tư công đặc biệt là dự án thực hiện theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, được áp dụng cơ chế đặc thù và ưu tiên bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện. Dự thảo cũng bổ sung nhiệm vụ chuẩn bị giải phóng mặt bằng làm cơ sở phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho dự án. Đồng thời, bổ sung quy định về hạn mức vốn (bằng 02 lần mức vốn kế hoạch đầu tư công giai đoạn hiện tại) làm cơ sở cho các bộ, cơ quan, địa phương chủ động thẩm định vốn, phê duyệt chủ trương đầu tư, tăng tính sẵn sàng, tránh tình trạng “vốn chờ dự án".
Đối với Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đề xuất sửa đổi, bổ sung phạm vi điều chỉnh Luật theo hướng việc quản lý, sử dụng tài sản hình thành thông qua việc triển khai thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng vốn nhà nước thực hiện theo pháp luật về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, sở hữu trí tuệ để phù hơp với đặc thù của việc quản lý, sử dụng tài sản theo pháp luật khoa học và công nghệ. Trường hợp số tiền thu được từ việc khai thác tài sản không đủ để chi trả các chi phí có liên quan thì được bố trí từ dự toán ngân sách nhà nước để chi trả phần còn thiếu.