Sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng nhằm gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng trong thời điểm này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm đảm bảo an toàn hệ thống, củng cố nền tảng, gia tăng sức chống chịu cho các tổ chức tín dụng và của nền kinh tế nói chung trước các cú sốc từ bên trong và bên ngoài.
Sáng 17/3/2023 tại chương trình phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến và biểu quyết thông qua đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng lần này có ý nghĩa rất quan trọng nhằm củng cố nền tảng cho các tổ chức tín dụng của Việt Nam, đảm bảo an toàn hệ thống, gia tăng sức chống chịu của nền kinh tế nói chung và những ý tổ chức tín dụng nói riêng trước các cú sốc từ bên trong và bên ngoài.
Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách và yêu cầu việc sửa đổi phải quy định minh bạch và xử lý cơ bản, triệt để được tình trạng sở hữu chéo và sở hữu chéo núp bóng, xử lý được nợ xấu và lãi dự thu được trích lập trên cơ sở các khoản nợ xấu.
Đáng chú ý, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát các nội dung về trích lập dự phòng, xem xét trích lập dự phòng khoản nào được coi là chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập, khoản nào phải trừ vào thu nhập sau thuế của doanh nghiệp, của ngân hàng; hoạt động của các tổ chức tín dụng, các dịch vụ ra giá trị gia tăng phi tín dụng hiện hầu như không đầu tư nhất là trong điều kiện kinh tế 4.0.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng trong lần sửa đổi luật lần này cần quy định rõ nét những nội dung như fintech, ngân hàng số, cũng như vấn đề xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, thua lỗ, việc cho vay tái cấp vốn và cho vay đặc biệt rút kinh nghiệm từ vụ phá sản SVB của Mỹ, từ đó thực hiện sửa đổi Luật Tổ chức tín dụng song hành với sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi...
Trước đó, tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, qua rà soát sơ bộ, Luật Các tổ chức tín dụng liên quan trực tiếp tới khoảng 20 luật, trong đó, đã có một số luật đã trình ra Quốc hội để xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản… Do đó, cần rà soát để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật.
Liên quan đến việc việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho hay, thực tế triển khai vấn đề này hiện khá chậm, cần phải làm rõ trong quá trình đưa các tổ chức tín dụng, ngân hàng yếu kém vào mua bắt buộc, đưa vào kiểm soát đặc biệt đã xử lý được những vấn đề gì và những vướng mắc gì do pháp luật hay do quá trình tổ chức thực hiện để xem xét đưa vào luật.
Trong đó, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh bày tỏ quan ngại về cơ chế cho vay đặc biệt mà không có tài sản bảo đảm, trách nhiệm của các bên liên quan đến tiền của xã hội, tiền của Nhân dân để không xảy ra tình trạng “bịt được lỗ hổng bé, lại tạo ra một lỗ hổng lớn hơn”.