Sửa đổi, bổ sung quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan
Nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý với các doanh nghiệp, hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao, Bộ Tài chính vừa hoàn tất và lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 81/2019/TT-BTC ngày 15/11/2019 quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi quy định về phân loại mức độ tuân thủ pháp luật đối với người khai hải quan. Theo đó, cơ quan Hải quan thực hiện đánh giá phân loại đối với người khai hải quan có hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh trong 365 ngày liên tiếp trở về trước tính từ ngày đánh giá theo một trong các mức độ tuân thủ pháp luật theo 05 mức.
Cụ thể, Mức 1 là Doanh nghiệp ưu tiên; Mức 2 là Doanh nghiệp tuân thủ mức rất cao; Mức 3 là Doanh nghiệp tuân thủ mức cao; Mức 4 là Doanh nghiệp tuân thủ mức trung bình; Mức 5 là Doanh nghiệp không tuân thủ.
Cơ quan Hải quan khuyến khích người khai hải quan tự nguyện tuân thủ bằng việc tổ chức các chương trình quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp, biên bản ghi nhớ, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo, hỗ trợ người khai hải quan tự nguyện tuân thủ pháp luật về hải quan.
Doanh nghiệp tham gia Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan là tiêu chí giảm mức độ rủi ro khi thực hiện phân loại mức độ ro đối với người khai hải quan quy định và được xem xét giảm mức độ kiểm tra, giám sát hải quan và các biện pháp nghiệp vụ.
Đối với phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan, Dự thảo sửa đổi quy định về người khai hải quan được phân loại mức độ rủi ro theo một trong 09 hạng. Cụ thể: Hạng 1: Doanh nghiệp ưu tiên; Hạng 2: Người khai hải quan rủi ro rất thấp; Hạng 3: Người khai hải quan rủi ro thấp; Hạng 4: Người khai hải quan rủi ro trung bình; Hạng 5: Người khai hải quan rủi ro cao; Hạng 6: Người khai hải quan rủi ro rất cao; Hạng 7: Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và chưa từng bị xử lý do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và các lĩnh vực khác do cơ quan Hải quan xử phạt.
Tiếo đó, Hạng 8 là Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý do có hành vi vi phạm trong lĩnh vực hải quan và các lĩnh vực khác do cơ quan hải quan xử phạt, trừ các hành vi quy định; Hạng 9 là Người khai hải quan không có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa trong 365 ngày trở về trước tính từ ngày đánh giá và đã từng bị xử lý vi phạm.
Theo dự thảo Thông tư, mức độ rủi ro người khai hải quan từ Hạng 2 đến Hạng 6 được phân loại dựa trên mức độ tuân thủ của người khai hải quan, doanh nghiệp kinh doanh cảng, kho, bãi; thời gian thành lập; trụ sở hoạt động; quy mô nhà xưởng; số lượng nhân viên; loại hình doanh nghiệp; thông tin về chủ doanh nghiệp; vốn; tham gia thị trường chứng khoán; chứng chỉ phù hợp Tiêu chuẩn Quốc tế ISO; thông tin điều kiện quan sát, lưu giữ hình ảnh, kết nối đối với hệ thống ca-mê-ra trong kho; thông tin điều kiện quản lý phần mềm quản lý hàng nhập, xuất, lưu giữ, tồn và kết nối trực tiếp với cơ quan Hải quan quản lý.
Việc phân loại còn dựa trên thời gian, tần suất hoạt động, tuyến đường; hàng hóa, loại hình xuất khẩu, nhập khẩu; kim ngạch hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tổng số thuế đã nộp; doanh thu, lợi nhuận; kết quả thực hiện các hoạt động kiểm tra, giám sát, kiểm tra sau thông quan, điều tra, thanh tra của cơ quan hải quan, cơ quan Thuế và các cơ quan khác liên quan; tần suất, tính chất, mức độ vi phạm và việc chấp hành pháp luật hải quan; chấp hành pháp luật thuế; chấp hành pháp luật bưu chính, vận tải, thương mại và pháp luật khác có liên quan đến hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh.
Lịch sử vi phạm liên quan đến chủ hàng hóa, người gửi hàng, người nhận hàng; Mục tiêu, yêu cầu quản lý hải quan trong từng thời kỳ; Dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật về hải quan; Hợp tác với cơ quan Hải quan trong việc cung cấp thông tin doanh nghiệp; Hợp tác tham gia các Chương trình quan hệ đối tác hải quan – doanh nghiệp, Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan cũng là các yếu tố để phân loại mức độ rủi ro người khai hải quan.
Dự thảo cũng sửa đổi, bổ sung quy định về phân loại, quyết định kiểm tra hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Theo đó, căn cứ các quy định của pháp luật thuế và mức độ rủi ro đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu, cơ quan Hải quan phân loại hồ sơ hoàn thuế, không thu thuế, áp dụng biện pháp quản lý và thông báo trên Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan.
Cụ thể, trường hợp rủi ro cao sẽ kiểm tra trước, hoàn thuế sau; Rủi ro trung bình sẽ hoàn thuế trước, kiểm tra sau và thực hiện kiểm tra trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế; Rủi ro thấp sẽ hoàn thuế trước, kiểm tra sau và thực hiện kiểm tra trong trường hợp đánh giá tuân thủ pháp luật người khai hải quan trong thời hạn 05 năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế...
Việc sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật và nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan hải quan với các doanh nghiệp, hàng hóa có nguy cơ rủi ro cao.