Sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP để thị trường vàng trong nước liên thông thế giới
Các chuyên gia đều cho rằng, Chính phủ cần sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 đối với những nội dung không còn phù hợp và đưa ra giải pháp quản lý để thị trường vàng trong nước liên thông với thị trường quốc tế.
Thông tin với phóng viên Tạp chí Tài chính, TS. Trần Du Lịch - Ủy viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia cho biết, trong điều kiện VND chưa tự do chuyển đổi nên việc quản lý vàng như quản lý ngoại hối bảo đảm sự an toàn của dự trữ ngoại hối và cán cân thanh toán quốc tế.
“Bỏ độc quyền vàng miếng nhưng Ngân hàng Nhà nước phải bảo đảm nguồn cung nguyên liệu vàng cho ngành công nghiệp chế tác vàng mỹ nghệ. Bảo đảm quyền cất trữ vàng làm tài sản của người dân nhưng tuyệt đối không để vàng làm phương tiện thanh toán và ảnh hưởng hoạt động tín dụng của ngân hàng thương mại. Đây là cách chống vàng hoá nền kinh tế”, TS. Trần Du Lịch chia sẻ.
Chuyên gia này cũng thông tin thêm, Chính phủ sẽ sửa Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 03/04/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng đối với những nội dung không còn phù hợp và cần có giải pháp quản lý để thị trường vàng trong nước liên thông về giá cả với thị trường quốc tế.
Cùng đề cập tới chủ đề trên, TS. Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết ông hoan nghênh đề xuất nêu trên.
“Tôi cho rằng, trong tình hình hiện nay với kinh tế vĩ mô cân đối và chúng ta có dự trữ nhất định, hội nhập sau vào thị trường quốc tế, về xuất nhập khẩu còn có xuất siêu… Vì vậy đây là điều kiện về mặt vĩ mô đủ an toàn để có thể thực hiện việc bỏ độc quyền vàng miếng”, TS. Lê Đăng Doanh cho biết.
Tuy vậy, chuyên gia cho rằng, cũng cần phải có khung pháp lý để quản lý sự tham gia vào thị trường vàng miếng, trong đó cần chú ý yếu tố truyền thống của người Việt, vốn có thói quen lấy vàng, đất đai làm tài sản quý nhất để có thể chuyển nhượng, tặng cho…
“Khung pháp luật cần xem xét một cách đầy đủ các yếu tố truyền thống trên. Kinh nghiệm trước đây chúng ta đã có thời kỳ áp dụng biện pháp rất quyết liệt, cấm buôn bán vàng nhưng sau đó việc này gây ra các biến động lớn và phải bãi bỏ. Vì vậy, tôi coi đây là một bước tiến tích cực có tính chất xây dựng. Tôi mong Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng mời các chuyên gia, các doanh nghiệp thảo luận để đi đến một khung pháp luật về quy trình quản lý phù hợp với Việt Nam”, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương chia sẻ.
Cũng có lo ngại, khi xóa bỏ độc quyền vàng miếng, doanh nghiệp được nhập khẩu sẽ “chảy máu” ngoại tệ, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, chắc chắn việc nhập khẩu vàng sẽ có một quy chế để tránh việc lãng phí ngoại tệ một cách quá mức.
“Như tôi đã đề cập ở trên, hiện nay dự trữ ngoại tệ cũng như nguồn cung ứng ngoại tệ của Việt Nam tương đối dồi dào, xuất khẩu tốt từ các mặt hàng nông sản, máy móc trang thiết bị, điện thoại di động… Tuy nhiên, cần phải tính toán, quản lý một cách chủ động, kịp thời. Theo tôi, có thể làm bước thí điểm, tức cho mua bán vàng miếng tự do ở một điểm nào đó, ở khuôn khổ hạn chế nhất định, quan sát và đánh giá hoàn thiện khung pháP luật, sau đó mở rộng ra”, chuyên gia này nêu.
Về đề xuất nên xem xét, nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách và quy định hạn chế thanh toán mua bán vàng miếng bằng tiền mặt, TS. Lê Đăng Doanh nêu, tại Trung Quốc đã có bước tiến xa về hoạt động này. Theo đó, nên tạo khuôn khổ, điều kiện thích hợp để triển khai.
“Ví dụ ở nông thôn, người dân có thể làm quen ra sao, hướng dẫn họ thanh toán không dùng tiền mặt như thế nào. Cần lưu ý vấn đề bảo đảm an ninh, tránh việc hacker đột nhập, cướp tiền trong tài khoản người dân, đó là điều cần đề phòng”.
Chiều ngày 28/3, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái - Chủ tịch Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã chủ trì cuộc họp toàn thể của Hội đồng. Tại cuộc họp, các chuyên gia, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề xuất bỏ độc quyền vàng miếng SJC. Đây là vấn đề vốn thu hút sự quan tâm của người dân trong thời gian qua, trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tiếp lập các đỉnh cao mới, đồng thời đó là tình trạng vênh giá so với giá vàng thế giới.