Sửa đổi quy định về trái phiếu doanh nghiệp: Hết thời "câu nhử" lãi suất cao?
Để giảm thiểu những rủi ro cho thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế đã sửa đổi, bổ sung quy định về mua lại trái phiếu trước hạn.
Không ít rủi ro
Theo số liệu của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), năm 2021, trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi dấu tốc độ tăng trưởng lên tới 42% so với cùng kỳ, nâng khối lượng phát hành đạt kỷ lục 658.009 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần tổng khối lượng trái phiếu Chính phủ phát hành trên thị trường (tính đến ngày 17.1.2022). Trong đó, tỷ trọng phát hành ra công chúng chỉ chiếm 4,58%, đa phần là phát hành riêng lẻ chiếm hơn 95%.
Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SHB Đỗ Đức Hải nhận định, trái phiếu doanh nghiệp là kênh dẫn vốn vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp. Tạo điều kiện giúp doanh nghiệp tiếp cận kênh vốn trung dài hạn trên thị trường, đóng góp vào việc chia sẻ bớt gánh nặng đối với hệ thống ngân hàng.
Điều 3, Mục a1, Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định: trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư thì nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn.
Tuy nhiên, sự tăng trưởng đột biến của trái phiếu doanh nghiệp cũng đã bộc lộ không ít rủi ro đối với các nhà đầu tư. Đơn cử, việc nhiều doanh nghiệp đã dựng lên những công ty rỗng ruột phát hành “cổ phiếu rác” để làm tài sản bảo đảm khi phát hành trái phiếu; sự thiếu hiểu biết và không có điều kiện tiếp cận thông tin một cách đầy đủ về nhà phát hành trong bối cảnh bị "mồi nhử" lãi suất cao thu hút…
Trước thực tế đó, Bộ Tài chính đã xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Dự thảo) nhằm bảo đảm tính minh bạch cho thị trường. Trong đó, siết chặt các quy định để bảo đảm quyền lợi cho các nhà đầu tư, hướng đến phải xếp hạng tín nhiệm.
Thêm kênh bảo vệ nhà đầu tư
Khoản 3, Điều 1, Dự thảo quy định “Trường hợp phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích tại phương án phát hành trái phiếu hoặc cam kết với nhà đầu tư thì nhà đầu tư yêu cầu doanh nghiệp phát hành trái phiếu mua lại trái phiếu trước hạn”.
Theo đó, nhà đầu tư có quyền yêu cầu doanh nghiệp mua lại trái phiếu trước hạn khi phát hiện doanh nghiệp phát hành sử dụng không đúng mục đích. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, sửa đổi này sẽ góp phần khắc phục tình trạng các doanh nghiệp phát hành trái phiếu dùng vốn không đúng mục đích, hiệu quả kinh doanh, năng lực yếu nhưng huy động nhiều khá phổ biến.
Góp ý vào quy định này, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cần làm rõ trường hợp như thế nào được xem là “phát hiện” doanh nghiệp phát hành sử dụng tiền thu từ phát hành trái phiếu không đúng mục đích? Việc phát hiện có cần phải có kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay chỉ cần nhà đầu tư đưa ra lý do trên sẽ được mua lại? Bởi, nếu không có căn cứ yêu cầu mua lại phù hợp, chỉ cần có tin đồn trên thị trường, có thể khiến một lượng nhà đầu tư yêu cầu mua lại, gây ảnh hưởng đến kế hoạch tài chính và dòng tiền của doanh nghiệp, dễ dẫn đến tình trạng đổ vỡ hệ thống.
Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) Nguyễn Hoàng Dương cho rằng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp phải giám sát trái phiếu phát hành. Bởi lẽ, đây là trái phiếu riêng lẻ và không cần cơ quan quản lý nhà nước cấp phép. Do vậy, khi thấy vốn không được sử dụng đúng mục đích, các nhà đầu tư được quyền yêu cầu doanh nghiệp phát hành mua lại trái phiếu, đây là một quyền chính đáng. Hiện, Thông tư số 16/2021/TT-NHNN và các văn bản liên quan đã quy định tổ chức tín dụng chỉ được đầu tư vào trái phiếu nếu có điều khoản cam kết mua lại sau khi phát hành.
Ngoài ra, để bảo vệ nhà đầu tư, Dự thảo cũng đã bổ sung quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với một số loại trái phiếu phát hành nhằm tăng tính công khai, minh bạch, góp phần nâng cao chất lượng trái phiếu được phát hành. Qua đó, giúp thị trường có thói quen sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm để đánh giá rủi ro của trái phiếu, tiệm cận với thông lệ quốc tế, hạn chế rủi ro cho nhà đầu tư.
Góp ý vào quy định này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp luôn có phương thức làm việc hiệu quả nhất, rẻ nhất để tiếp cận thông tin. Do đó, việc yêu cầu xếp hạng bắt buộc đôi khi chỉ tăng thêm chi phí cho doanh nghiệp phát hành. Ông Hiếu cảnh báo, trong năm 2021, con số nhà phát hành trái phiếu lên tới gần 400, trong khi thị trường chỉ có hai đơn vị xếp hạng tín nhiệm. Điều này dễ dẫn đến tình trạng doanh nghiệp xếp hạng tín nhiệm đang từ vị thế có trách nhiệm thì nay phải phục vụ thị trường.