Sửa Luật Chứng khoán để tăng kỷ luật thị trường

Minh Lâm

Các chuyên gia cho rằng, cần thiết phải luật hóa quy định về hành vi thao túng thị trường chứng khoán, đồng bộ với Bộ luật Hình sự để tăng tính răn đe, giảm thiểu những tác động tiêu cực tới thị trường.

Thao túng, làm giá cổ phiếu "ngáng chân" sự phát triển của thị trường.
Thao túng, làm giá cổ phiếu "ngáng chân" sự phát triển của thị trường.

Chưa có chế tài mạnh tay

Thị trường chứng khoán luôn là kênh dẫn vốn quan trọng trong quá trình phân bổ hiệu quả các nguồn lực kinh tế. Tuy nhiên, khi thị trường ngày càng được mở rộng và xuất hiện thêm nhiều sự tham gia của các nhà đầu tư, số lượng giao dịch giữa người mua và người bán gia tăng khiến dần nảy sinh các hình thức thao túng thị trường. Nguyên nhân gây ra hiện tượng thao túng chủ yếu đến từ ý thức tuân thủ quy định pháp luật của một số cá nhân, tổ chức còn yếu kém, bất chấp hậu quả vì mục đích thu lợi.

Thời gian qua, cơ quan Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam nhiều đối tượng có hành vi thao túng thị trường chứng khoán. Điển hình như, vụ việc xảy ra tại Công ty cổ phần Chứng khoán Trí Việt, Công ty cổ phần Louis Holdings, Công ty cổ phần Louis Capital, Công ty cổ phần Louis Land, Công ty cổ phần Chứng khoán châu Á Thái Bình Dương, Công ty cổ phần Đầu tư châu Á Thái Bình Dương, Công ty cổ phần đầu tư IDJ Việt Nam…

Mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hà Nội đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can 7 đối tượng về hành vi thao túng thị trường chứng khoán mã cổ phiếu CMS của Công ty cổ phần Tập đoàn CMH Việt Nam. Trong khoảng 5 tháng, thông qua mạng xã hội, các đối tượng đã câu kết, lôi kéo để thao túng mã cổ phiếu này, bán thu lời hơn 10 tỷ đồng.

Lý giải về sự bất chấp vi phạm pháp luật để kiếm lời bất chính, ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Phân tích Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng, vấn đề là ở chỗ chế tài chưa đủ mạnh để tạo sức răn đe hơn.

Còn theo PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân - Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, những giải pháp ngăn chặn thao túng thị trường chứng khoán đang tập trung vào hình thức, chưa đi sâu vào thực chất. Chẳng hạn, việc bán chui cổ phiếu diễn ra rất phổ biến nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn triệt để.

"Không nên để họ mua bán chui xong rồi mới xử lý hành chính, khi đó là quá muộn vì đã gây thiệt hại cho nhà đầu tư khác rồi", PGS. TS. Nguyễn Hữu Huân chia sẻ.

Thực tế tại thị trường chứng khoán một số nước cho thấy, cá nhân hay tổ chức liên quan đến thao túng thị trường chứng khoán đều bị xử lý hình sự, tịch thu hết tài sản thu lợi bất chính và xử phạt rất nặng để răn đe. Trong khi đó, những vi phạm tương tự ở Việt Nam còn xử lý quá nhẹ.

Siết chặt để gia tăng lớp bảo vệ nhà đầu tư

Thực tiễn cho thấy, việc áp dụng các chế tài xử phạt hiện nay, mặc dù hạn chế được số vụ việc vi phạm thời gian qua, vẫn chưa đủ sức răn đe đối với trường hợp cố tình vi phạm với khối lượng giao dịch lớn.

Đồng thời, do chưa quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm trên thị trường như giao dịch chui, không công bố thông tin trước và sau giao dịch, hay liên tục mua, bán vào thời điểm mở hoặc đóng cửa thị trường… nên chưa có cơ sở áp dụng chế tài xử phạt đủ sức răn đe.

Hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây hậu quả lớn phải truy cứu trách nhiệm hình sự.
Hành vi thao túng thị trường chứng khoán gây hậu quả lớn phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Do vậy, việc bổ sung hành vi bị nghiêm cấm là cần thiết, đảm bảo thống nhất giữa Luật Chứng khoán 2019 và Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi năm 2017. Đồng thời, sửa đổi, luật hóa quy định sẽ giúp đáp ứng yêu cầu thực tiễn công tác giám sát, kiểm tra giao dịch trên thị trường chứng khoán, nâng cao hiệu quả xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư.

Việc xác định hành vi bị nghiêm cấm sẽ là cơ sở áp dụng biện pháp mạnh bảo đảm an ninh, an toàn thị trường chứng khoán như cấm giao dịch có thời hạn từ 02-05 năm, đang quy định tại Nghị định số 155/2020/NĐ-CP của Chính phủ và các công cụ xử lý khác. Hiện quy định này, chỉ áp dụng đối với các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 12, Luật Chứng khoán.

Theo ông Ngô Vĩnh Bạch Dương - Viện Nhà Nước và Pháp luật (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), hành vi thao túng thị trường chứng khoán có tính chất nghiêm trọng, gây thiệt hại cho hàng nghìn nhà đầu tư cả về tài chính và niềm tin thị trường, thậm chí hiệu ứng domino cho toàn thị trường, nên cần phải truy cứu trách nhiệm hình sự.

Một thực tế là sau mỗi hành vi thao túng thị trường chứng khoán, có hàng nghìn nhà đầu tư bị thiệt hại, bao gồm thiệt hại về tài chính và cả thiệt hại về niềm tin và thị trường.

“Vì thế, cần thiết phải luật hóa quy định chi tiết các hành vi thao túng bị nghiêm cấm để đồng bộ với Bộ luật Hình sự, đồng thời tăng tính răn đe đề giảm thiểu loại hành vi này trên thị trường”, ông Dương khẳng định.

Trước đó, ngày 10/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án một luật sửa bảy luật, trình bày tờ trình của Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết lần sửa đổi này bổ sung nhóm quy định nhằm nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong hoạt động phát hành, chào bán chứng khoán.