Sửa Luật Dự trữ quốc gia để tăng chủ động trong xuất hàng viện trợ
Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây về dự án Luật sửa 7 luật, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật Dự trữ quốc gia (DTQG) để cải cách thủ tục hành chính, tăng tính chủ động trong xuất hàng DTQG phục vụ đối ngoại với các nước.
Bổ sung quy định xuất hàng DTQG phục vụ đối ngoại
Mục tiêu của chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi Luật DTQG; Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện xuất hàng DTQG, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Theo đó, dự thảo Luật DTQG sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền trong việc nhập, xuất hàng DTQG. Cụ thể, bổ sung vào khoản 1 Điều 35 Luật DTQG thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định nhập, xuất hàng DTQG trong tình huống "Phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước".
Đồng thời, bổ sung vào khoản 2 Điều 35 theo hướng trường hợp xuất hàng DTQG phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao có văn bản đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung tình huống nhập, xuất hàng DTQG để phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện xuất hàng DTQG.
Luật DTQG hiện hành chưa có quy định về việc nhập, xuất hàng DTQG “phục vụ đối ngoại của Lãnh đạo Đảng và Nhà nước”. Theo đó, chưa có cơ sở pháp lý đầy đủ để sử dụng hàng DTQG phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; góp phần đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng chính là đảm bảo an ninh quốc gia.
Do đó, việc bổ sung nội dung này nhằm tạo cơ sở pháp lý rõ ràng trong các trường hợp Lãnh đạo Đảng và Nhà nước sử dụng hàng DTQG phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Theo đó, bổ sung thêm điểm d vào khoản 2 Điều 35 như sau: “Trường hợp xất hàng dự trữ quốc gia phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Bộ Ngoại giao hoặc các Bộ, ngành phối hợp với Bộ Ngoại giao có văn bản đề nghị Bộ Tài chính thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định”.
Về vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi cho biết, Bộ Tài chính đề xuất sửa Luật DTQG tăng tính chủ động trong xuất hàng DTQG phục vụ đối ngoại với các nước.
Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung tình huống xuất hàng DTQG để phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, một mặt hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng DTQG cho công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; mặt khác, giúp cho việc quản lý hàng DTQG được chặt chẽ, hiệu quả.
Bên cạnh đó, việc bổ sung quy định xuất hàng DTQG “phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước” là để cụ thể hóa biện pháp thực hiện chủ trương thúc đẩy quan hệ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, góp phần đảm bảo sự ổn định, phát triển bền vững của chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước, cũng chính là đảm bảo an ninh quốc gia; nâng cao địa vị của Đất nước trên trường quốc tế.
Đề xuất Thủ tướng quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG
Bên cạnh các nội dung trên, dự thảo Luật DTQG (sửa đổi) đề xuất chuyển thẩm quyền quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội sang Thủ tướng Chính phủ.
Cụ thể, dự thảo Luật DTQG sửa đổi đề xuất bỏ điểm b khoản 2 Điều 12; bỏ điểm d khoản 1 Điều 13; bổ sung điểm d vào sau điểm c khoản 2 Điều 13 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ như sau: “Quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp trong năm từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước”.
Điều 12 Luật DTQG quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo đó, Quốc hội có nhiệm vu, thẩm quyền quyết định mức phân bổ ngân sách trung ương cho DTQG hàng năm; Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nhiệm vụ quyết định mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho DTQG hàng năm và quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp.
Thực tế, từ năm 2013 đến năm 2023, Chính phủ đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung kinh phí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương hàng năm để mua bù hàng DTQG đã xuất cấp.
Tuy nhiên, do quy trình trình cấp có thẩm quyền quyết định kinh phí mua bù hàng DTQG còn qua nhiều cấp, mất nhiều thời gian (từ khi Chính phủ có văn bản trình đến khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết phê duyệt mất khoảng 2 tháng).
Trong khi đó, các mặt hàng DTQG mua bù thường theo thời vụ (như mặt hàng lương thực, hạt giống cây trồng), hoặc phải đặt hàng, nhập khẩu từ nước ngoài (các mặt hàng an ninh, quốc phòng; một số mặt hàng vật tư nông nghiệp).
Việc bổ sung kinh phí chưa được kịp thời dẫn tới công tác triển khai thực hiện còn kéo dài (hoặc lỡ thời vụ), không kịp thực hiện trong năm kế hoạch phải chuyển dự toán sang năm sau thực hiện.
Điều 7 Luật DTQG quy định nguyên tắc:“... Hàng DTQG sau khi đã xuất cấp phải được bù lại đủ, kịp thời”, như vậy, việc bố trí ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG là hoàn toàn phù hợp và là điều kiện cần thiết để thực hiện nguyên tắc đã được Quốc hội quy định tại Luật DTQG.
Thực tế trong nhiều năm qua, ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG được bố trí từ nguồn dự phòng ngân sách trung ương.
Theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước và Nghị định số 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Ngân sách nhà nước, việc quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương (đối với các khoản chi trên 3 tỷ đồng), do Thủ tướng Chính phủ quyết định và định kỳ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Để cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo tính kịp thời cho hoạt động DTQG và thuận lợi trong thực hiện các quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật DTQG và pháp luật ngân sách nhà nước, cần phân cấp, thẩm quyền quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp là để đảm bảo tính khoa học, thống nhất giữa các điều tại Luật DTQG và đồng bộ với quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.
Bên cạnh đó, việc quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ quyết định ngân sách trung ương mua bù hàng DTQG đã xuất cấp nhằm cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian trong quá trình thực hiện.
Bộ Tài chính cho rằng, việc bổ sung tình huống xuất hàng DTQG để phục vụ đối ngoại của Đảng và Nhà nước, một mặt hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, để đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng DTQG cho công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước; mặt khác, giúp cho việc quản lý hàng DTQG được chặt chẽ, hiệu quả.