Sửa Luật Quản lý thuế: Thêm nguồn lực đẩy mạnh hiện đại hóa, tăng cường chuyển đối số

Thùy Linh

Việc sửa đổi Luật Quản lý thuế đang trở thành yêu cầu cấp thiết để đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa công tác quản lý thuế và hải quan. Đề xuất sửa đổi này không chỉ đảm bảo các mục tiêu thu ngân sách nhà nước (NSNN), mà còn thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, tối ưu hóa hóa đơn điện tử và cải cách thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người nộp thuế.

Việc sửa Luật Quản lý thuế sẽ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử.
Việc sửa Luật Quản lý thuế sẽ góp phần hiện đại hóa công tác quản lý thuế, đẩy mạnh triển khai chuyển đổi số, hóa đơn điện tử.

Không có cơ chế tài chính đặc thù

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập quốc tế, việc quản lý thuế theo phương thức truyền thống đã bộc lộ nhiều hạn chế. Để đáp ứng yêu cầu này, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi Luật Quản lý thuế, đặc biệt là tại Khoản 1 Điều 11, nhằm tăng cường hiện đại hóa quản lý thuế, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số và triển khai hóa đơn điện tử.

Bộ Tài chính cho biết, hiện nay, Khoản 1 Điều 11, Luật Quản lý thuế đã quy định: "Nhà nước đảm bảo các nguồn lực tài chính để thực hiện các nội dung hiện đại hóa quản lý thuế". Tuy nhiên, việc này chưa quy định cụ thể về nguồn lực từ NSNN dành cho việc hiện đại hóa cũng như hướng dẫn cụ thể từ các cấp có thẩm quyền.

Giai đoạn trước năm 2024, tại các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt cơ chế tài chính cho cơ quan quản lý thuế để thực hiện nhiệm vụ quản lý thuế. Trong những năm qua, với cơ chế này, đã giúp ngành Thuế, Hải quan hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ được giao.

Đối với ngành Thuế, nguồn lực tài chính từ NSNN cho hiện đại hóa đã thúc đẩy triển khai, đẩy mạnh điện tử hóa, số hóa công tác quản lý thuế; phát triển ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng các yêu cầu mới trong công tác quản lý thuế với mục tiêu “người nộp thuế là trung tâm phục vụ”; đồng thời, quản lý đúng đúng đối tượng, mở rộng cơ sở thu… Đối với ngành Hải quan, việc hiện đại hóa góp phần mạnh mẽ trong công tác chống gian lận thương mại, kiếm soát hàng hóa, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm.

Từ đó có thể khẳng định nguồn lực tài chính từ NSNN cho hiện đại hóa đã góp phần giúp ngành Thuế, Hải quan hoàn thành nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao: thu đúng, thu đủ theo quy định, hằng năm số thu NSNN đều vượt so với chỉ tiêu thu Quốc hội giao. Đồng thời, cũng góp phần giảm thời gian, thủ tục hành chính và chi phí trong khâu làm thủ tục được cộng đồng doanh nghiệp, người nộp thuế đánh giá cao.

Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, việc không có nguồn tài chính từ NSNN cho công tác hiện đại hóa được quy định cụ thể tại các nghị quyết khiến ngành Thuế và Hải quan sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì và nâng cấp các hệ thống quản lý hiện đại.

Cụ thể, việc không có đủ kinh phí để sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất như hệ thống thông quan điện tử hay máy móc kiểm tra sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả quản lý thuế. Ngoài ra, việc cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin theo chính sách mới để quản lý đối tượng thuế có thể gặp khó khăn, dẫn đến sót nguồn thu và làm giảm hiệu quả quản lý nhà nước.

Việc quy định nội dung nguồn lực NSNN cho hiện đại hóa công tác quản lý thuế và cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.
Việc quy định nội dung nguồn lực NSNN cho hiện đại hóa công tác quản lý thuế và cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia.

Hướng tới thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia

Tại Nghị quyết số 142/2024/NQ-QH15, Quốc hội đã giao trước ngày 31/12/2024, Chính phủ và các bộ, ngành kịp thời nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền xem xét việc sửa đổi cơ chế tài chính của các cơ quan, đơn vị đang được thực hiện cho phù hợp. Do đó, theo Bộ Tài chính, cần thiết bổ sung vào quy định đã có (khoản 1 Điều 11) trong Luật Quản lý thuế về nguồn lực tài chính từ NSNN cho hiện đại hóa của cơ quan quản lý thuế nhằm đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. Trong đó, với mục tiêu tiêp tục nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, hải quan, chuyển đổi số, hỗ trợ mạnh mẽ cho cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm chi phí xã hội, giảm phiền hà, đồng hành cùng doanh nghiệp và người nộp thuế.

Theo Bộ Tài chính, việc quy định nội dung nguồn lực NSNN cho hiện đại hóa công tác quản lý thuế và cơ sở dữ liệu về hóa đơn điện tử nhằm thực hiện Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; các giải pháp trọng tâm tại Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ. Trong đó, quyết liệt triển khai chuyển đổi số, quy định về hóa đơn điện tử, nhất là đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước; bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời. Đồng thời, việc đưa vào Luật Quản lý thuế lần này đảm bảo cơ sở pháp lý cho cơ quan quản lý thuế thực hiện ngay và đảm bảo tuân thủ chỉ đạo của Quốc hội.

Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 11 Luật Quản lý thuế về hiện đại hóa công tác quản lý thuế như sau: nguồn lực bố trí từ NSNN để thực hiện các nội dung hiện đại hóa (gồm: hệ thống công nghệ thông tin, chuyển đổi số, hóa đơn điện tử, chứng từ điện tử, cơ sở vật chất, trang thiết bị kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan, phân tích phân loại, các nhiệm vụ chuyên môn khác phục vụ công tác quản lý thuế) được tính trên cơ sở số phần trăm trên dự toán thu NSNN được Quốc hội giao hằng năm. Chính phủ quy định chi tiết khoản này. Việc bố trí dự toán hằng năm theo quy định của Luật NSNN, khả năng thực hiện và giải ngân hằng năm bảo đảm không đề nghị dự toán vượt quá mức Chính phủ quy định.

 

Theo nhận định của các chuyên gia, việc sửa đổi Luật Quản lý thuế không chỉ giúp ngành Thuế và Hải quan hoàn thành các mục tiêu thu ngân sách, mà còn đồng hành cùng doanh nghiệp và người nộp thuế. Thủ tục hành chính sẽ được cải cách, chi phí xã hội giảm thiểu, và quá trình số hóa sẽ giúp giảm phiền hà cho người nộp thuế. Đồng thời, quá trình thu NSNN sẽ được quản lý chặt chẽ hơn, bảo đảm tính kịp thời, đầy đủ và đúng quy định. Trong thời gian tới, với những cải cách pháp lý này, ngành Thuế và Hải quan sẽ có thêm nguồn lực để đẩy mạnh hiện đại hóa, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thuế, và hỗ trợ mạnh mẽ cho công tác cải cách thủ tục hành chính. Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho cơ quan nhà nước mà còn tạo động lực tăng trưởng cho toàn bộ nền kinh tế.