'Sức khỏe" doanh nghiệp có "gánh" được giá cổ phiếu?
Có nhiều yếu tố có thể tác động đến giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, nhưng quan trọng nhất vẫn là hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Về mặt lý thuyết cơ bản là vậy, tuy nhiên thị trường chứng khoán là một kênh đầu tư khó đoán định, bởi nguyên tắc cung-cầu, thuận mua vừa bán.
Thị trường chứng khoán vừa có những diễn biến tích cực nằm ngoài dự đoán của nhiều nhà đầu tư với mức tăng ở vị trị “quán quân” thế giới của Vn-Index. Có tới 25% mã cổ phiếu trên cả 2 sàn niêm yết mang lại mức lợi nhuận trên 20%.
Số mã tăng giá cao này tuy thấp hơn số mã tăng giá trong đợt hồi phục tháng 4 (36%), nhưng mức độ lan tỏa rất lớn, từ các cổ phiếu vốn hóa lớn cho tới vốn hóa vừa và nhỏ. Trong đó, các mã lớn luân phiên giữ nhịp cho thị trường như VNM, SAB, HPG, các cổ phiếu ngân hàng...
Vì sao giá cổ phiếu tăng?
Trong bối cảnh thị trường vẫn còn phải đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu, đà tăng lan tỏa tại hầu hết các nhóm cổ phiếu được cho là đột biến. Vậy, điều gì đã làm nên kỳ tích này?
Cổ phiếu có tăng giá được hay không phụ thuộc khá nhiều vào quy luật cung - cầu trên thị trường. |
Thực tế, đối với nhóm bluechip, những thông tin vĩ mô và kết quả kinh doanh quý II đã không còn tác động nhiều đến giá cổ phiếu trên thị trường, thậm chí vẫn còn nhiều quan ngại liên quan đến lợi nhuận của nhóm ngân hàng do chưa phải trích lập dự phòng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Đối với nhóm thực phẩm, bán lẻ là câu chuyện hưởng lợi từ dịch bệnh đã trở nên bão hòa, trong khi nhóm được kỳ vọng “ăn theo” đầu tư công chỉ là một vài doanh nghiệp chứ chưa có sự lan tỏa.
Tuy nhiên, xét về mặt kỹ thuật, phần lớn các mã bluechip đều có sự phục hồi từ vùng giá thấp hồi cuối tháng 7 - thời điểm phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên ngoài cộng đồng tại Đà Nẵng đã đẩy thị trường xuống mức thấp nhất trong 2 tháng. Mức giá hấp dẫn cộng với diễn biến khả quan của chứng khoán thế giới được coi là động lực tăng giá cổ phiếu trong thời gian qua.
Nhìn chung, có hàng nghìn lý do để lý giải cho sự tăng giá của cổ phiếu trên thị trường chứng khoán: do thị trường chung tăng, "đội lái", câu chuyện riêng, kỳ vọng tăng trưởng dựa trên yếu tố cơ bản của doanh nghiệp....
Tuy nhiên, dưới con mắt của nhà đầu tư, những kỳ vọng về sự tăng trưởng, tiềm lực của doanh nghiệp luôn là yếu tố quan trọng nhất tác động đến mức tăng của giá cổ phiếu. Một doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, nền tảng cơ bản tốt luôn ẩn chứa tiềm năng “bay xa” của cổ phiếu.
Nhiệm vụ của những nhà đầu tư là phải đánh giá và định lượng tốt các yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong tương lai, như việc xây nhà máy mới, tung ra sản phẩm mới, mở rộng thị trường mới… để có thể đón đầu cơ hội mua vào sớm những cổ phiếu này và chờ đợi khoản lợi nhuận khi giá cổ phiếu bật tăng.
Nhìn vào đây có thể thấy, lựa chọn một cổ phiếu của doanh nghiệp với những chỉ số tài chính an toàn, doanh nghiệp đầu ngành được xem như một “kim bài miễn tử” trên thị trường chứng khoán. Nhưng thực tế có như vậy?
Quy luật cung - cầu
Mỗi nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán đều mong muốn hưởng lợi từ sự chênh lệch giữa giá mua và giá bán hơn là mua cổ phiếu để kỳ vọng nhận cổ tức. Vì nếu chỉ để nhận cổ tức, chắc khó có nhà đầu tư nào lại đi mua cổ phiếu của VNM với giá hơn 100.000 đồng/cp chỉ để nhận 4.000 - 5.000 đồng/cp cổ tức mỗi năm.
Vì vậy, lợi nhuận mà các nhà đầu tư có được là do người đến sau chấp nhận trả một mức giá cao hơn so với người trước mua vào. Theo đó, giá mua vào sẽ không quan trọng bằng giá mà người đến sau chấp nhận trả cho người bán, nhưng không phải lúc nào người đến sau cũng chấp nhận trả giá cao cho một mã cổ phiếu nào đó.
Thực tế, không chỉ có nhà đầu tư, bản thân doanh nghiệp cũng có mối quan tâm nhất định đến giá cổ phiếu của mình. Bởi lẽ, việc giá cổ phiếu biến động tích cực song hành cùng kết quả kinh doanh khả quan sẽ khiến doanh nghiệp nhận được sự ưu ái hơn từ các tổ chức tín dụng, giới truyền thông, các nhà phân tích..., từ đó tạo niềm tin với đối tác.
Tuy nhiên, giá cổ phiếu có cao được hay không lại do nhu cầu mua bán của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Hiện nay có hàng nghìn cổ phiếu đang được niêm yết, đăng ký giao dịch, nhưng chỉ có vài phần trăm là thu hút được dòng tiền.
Có thể kể đến như CTCP Đá Núi Nhỏ (mã: NNC) luôn được đánh giá là một doanh nghiệp cơ bản tốt với lịch sử chia cổ tức ấn tượng. Tuy nhiên, cổ phiếu NNC lại khá mờ nhạt trên thị trường chứng khoán với trung bình 10 phiên gần nhất chỉ đạt hơn 10.000 đơn vị - con số quá nhỏ so với 8,8 triệu cổ phiếu lưu hành tự do của Đá Núi Nhỏ (tổng số cổ phiếu niêm yết là 22 triệu, cổ đông lớn nắm giữ hơn 60%).
Không hấp dẫn được dòng tiền đồng nghĩa với việc thanh khoản thấp sẽ khiến giá của nhiều cổ phiếu không phản ánh đúng giá trị của doanh nghiệp. Trong khi đó, không ít trường hợp cổ phiếu tăng giá “ầm ầm” nhưng thực chất doanh nghiệp lại không có gì.
Từ những thực tế này có thể thấy, bên cạnh những yếu tố nội tại doanh nghiệp, giá cổ phiếu trên thị trường còn được quyết định tùy theo nguyên tắc cung – cầu, thuận mua vừa bán dựa trên “khẩu vị rủi ro” của các nhà đầu tư.