Mạnh tay xử lý giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu


Tuần đầu tiên của tháng 8, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành 04 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó, hầu hết là vi phạm về công bố thông tin đối với cổ đông lớn tại một số doanh nghiệp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Nhà đầu tư cần một thị trường minh bạch và lành mạnh

Thị trường chứng khoán trên thế giới, hành vi giao dịch nội gián và thao túng giá cổ phiếu là một trong các hành vi vi phạm nghiêm trọng có tác động xấu đến niềm tin, tính minh bạch trên thị trường.Tương tư, tại thị trường Việt Nam, trong giao dịch chứng khoán việc có được thông tin sớm sẽ mang đến lợi thế hàng đầu, và cũng là nguyên nhân dẫn đến những giao dịch nội gián.

Theo bà Bùi Thị Kim - Trưởng phòng kinh doanh của CTCK Yuanta Việt Nam, tình trạng giao dịch nội gián và các “đội lái” có lẽ ở thị trường nào cũng có. Tuy nhiên, thị trường việt Nam với giá trị dung lượng chưa cao cho nên dễ bị các “đội lái” thao túng đánh lên hoặc đánh xuống nhằm trục lợi. Vấn đề cốt lõi nằm ở ban lãnh đạo các doanh nghiệp niêm yết để rò rỉ thông tin ra bên ngoài trước khi công bố hoặc móc nối, cấu kết với các “đội lái” nhằm trục lợi. Tuy nhiên chế tài hiện nay còn nhẹ, các mức phạt cao nhất cũng chỉ hơn trăm triệu đồng.

Theo ông Nguyễn Duy Phương, chuyên gia phân tích của CTCK Bản Việt (VCSC), trước tình trạng giao dịch thao túng diễn biến phức tạp, nhà đầu tư, các cổ đông nhỏ tỏ ra rất bức xúc vì những cá nhân đã lợi dụng ưu thế nắm bắt thông tin sớm về “bí mật” của doanh nghiệp, tâm lý đám đông để tiến hành các giao dịch lướt sóng cổ phiếu mang lại lợi ích cho mình.

Ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBCKNN cho biết, việc xử phạt các trường hợp vi phạm diễn ra nhanh hay chậm phụ thuộc vào nhiều yếu tố, để có căn cứ xử phạt, việc chứng minh được một vụ giao dịch nội gián hay hành vi thao túng giá cổ phiếu thường tốn khá nhiều nhiều thời gian, phức tạp. Tuy nhiên, các hành vi vi phạm trên thị trường chứng khoán nhất là các vi phạm cố tình có yếu tố hình sự diễn ra ngày càng tinh vi. Với một số hành vi vi phạm, việc phát hiện và xử lý được ngay như: vi phạm quy định về quản trị công ty, công bố thông tin...

Trước tình trạng giao dịch thao túng diễn biến phức tạp, UBCKNN và cơ quan công an đã thường xuyên phối hợp triển khai các biện pháp đấu tranh, xử phạt mạnh tay.

Trong tháng 7 vừa qua, Thanh tra UBCKNN đã ban hành Quyết định xử phạt với số tiền 1,2 tỷ đồng đối với CTCP Tập đoàn Tân Thành Ðô và 550 triệu đồng đối với ông Ngô Văn Cường, đều ở TP. Hồ Chí Minh do đã sử dụng 22 tài khoản để giao dịch nhằm mục đích tạo cung cầu giả tạo, thao túng cổ phiếu CTF của CTCP City Auto đang niêm yết trên HoSE.

Tuần đầu tiên của tháng 8, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành 04 Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán, trong đó, hầu hết là vi phạm về công bố thông tin đối với cổ đông lớn tại một số doanh nghiệp.

Phạt tiền tỷ có khiến "đội lái" chứng khoán chùn tay?

Theo quan điểm của các nhà đầu tư thì việc xử phạt là giải pháp hiện nay nhưng liệu phạt bao nhiêu thì đủ sức răn đe khi mà khoản lợi ích cá nhân thu được lớn hơn rất nhiều số tiền phạt phải bỏ ra, bởi các hành vi vi phạm đều được phát hiện khá muộn.

Chia sẻ về vấn đề này, theo ông Trần Văn Dũng, tại dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán mới đây đang được lấy ý kiến rộng rãi của công chúng, ban soạn thảo đã đưa ra nhiều chế tài mới theo hướng tăng nặng đối với hành vi thao túng giá chứng khoán.

Theo đó, đối với hành vi thao túng, giao dịch sử dụng thông tin nội bộ theo quy định tại Luật Chứng khoán 2019, dự thảo Nghị định quy định mức phạt tiền bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật, nhưng không thấp hơn 3 tỷ đồng đối với tổ chức, 5 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân. So với quy định hiện hành, mức xử phạt tối đa cao hơn 1 tỷ đồng.

Cụ thể, đối với hành vi thao túng thị trường chứng khoán, mức phạt tiền theo dự thảo từ 2 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng; phạt tiền 1,5 - 2 tỷ đồng đối với việc vi phạm quy định về sử dụng thông tin nội bộ (giao dịch nội gián) với các hành vi: sử dụng thông tin nội bộ để mua bán chứng khoán cho chính mình hoặc cho người khác; vô tình hay cố ý tiết lộ, cung cấp thông tin nội bộ hoặc tư vấn cho người khác mua, bán chứng khoán trên cơ sở thông tin nội bộ.

Trong trường hợp có khoản thu trái pháp luật mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, mức phạt tiền sẽ bằng 10 lần khoản thu trái pháp luật nhưng không thấp hơn mức phạt tiền tối đa theo quy định trên.

Ðặc biệt, dự thảo là bổ sung nhiều hành vi vi phạm mới vào đối tượng bị xử phạt, như quy định về hình thức xử phạt bổ sung mang tính răn đe là đình chỉ giao dịch chứng khoán từ 1-2 năm, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 1-2 năm với đối tượng vi phạm. Hay hành vi cho người khác mượn tài khoản để giao dịch chứng khoán, đứng tên sở hữu chứng khoán hộ người khác dẫn đến hành vi thao túng thị trường chứng khoán cũng bị đề xuất mức xử phạt từ 50 triệu đến 70 triệu đồng...

Theo quy định mới tại Luật Chứng khoán 2019, cơ quan quản lý được trao quyền trong tiếp cận các thông tin về trao đổi qua điện thoại, sự biến động của dòng tiền... Điều này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho UBCKNN trong công tác điều tra, xử lý và sớm tạo minh bạch cho thị trường.