Sức xuân tài chính Việt Nam

pv.

(Tài chính) Bước vào năm 2015, năm kỷ niệm tròn bảy thập kỷ phát triển và dựng xây, cũng là năm kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước, ngành Tài chính Việt Nam đang phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo và nỗ lực vượt khó, vươn lên. Kinh nghiệm, bản lĩnh và bề dày truyền thống là hành trang, là điểm tựa để toàn Ngành nỗ lực, sáng tạo vượt qua những khó khăn, thách thức, gặt hái những thành công ngày càng lớn hơn.

Ngành Tài chính Việt Nam đang phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo và nỗ lực vượt khó, vươn lên. Nguồn: internet
Ngành Tài chính Việt Nam đang phát huy cao nhất tinh thần sáng tạo và nỗ lực vượt khó, vươn lên. Nguồn: internet

1. Dòng chảy thời gian đã khép lại năm 2014 với bức tranh kinh tế thế giới và Việt Nam đã có nhiều sắc màu tươi sáng hơn. Cả thế giới dường như đang bỏ lại sau lưng cuộc khủng hoảng và suy thoái, nhưng còn đó “hố đen” lớn đó là gánh nặng nợ công không dễ lấp đầy. Hầu hết các nền kinh tế lớn, nhỏ đều đã gượng dậy nhưng con đường phía trước vẫn không ít ghềnh thác. Cuộc xung đột địa chính trị mới khiến giá dầu liên tiếp tụt dốc ẩn chứa những bất ổn mới từ Trung Mỹ cho đến Đông Âu. Các mô hình tăng trưởng ổn định và bền vững vẫn là mục tiêu dò tìm của nhiều quốc gia, dù cơ hội hợp tác đa phương, song phương đang mở ra gần gũi và thiết thực hơn.

Nằm trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam năm 2014 tiếp tục phải trải qua những thử thách không nhỏ. Mặc dù kinh tế vĩ mô đã ổn định hơn nhưng sức cầu giảm và xu hướng thắt chặt tiêu dùng của người dân khiến cộng đồng doanh nghiệp (DN) vẫn phải đương đầu với không ít khó khăn. Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đã hiệu quả hơn nhưng còn đó “cục máu đông” nợ xấu chưa thể sớm xử lý rốt ráo. Thị trường bất động sản đã qua chu kỳ xấu nhất nhưng chưa thể sớm gượng dậy, kéo theo sự trầm lắng của khá nhiều ngành. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) gặp khó trong khi sức ép chi gia tăng đẩy gánh nặng vay nợ cao hơn. Thêm vào đó, sự kiện Biển Đông hồi tháng 5/2014 đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường tài chính, bảo hiểm và rất nhiều ngành, cả vĩ mô và vi mô của nền kinh tế...

Nổi bật lên trên bức tranh nhiều màu sắc với những “biến số” thuận, nghịch đan xen đó là thành quả ấn tượng của kinh tế vĩ mô. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng nhìn tổng thể, nền kinh tế Việt Nam một lần nữa lại chứng minh được nội lực và sức bật mạnh mẽ. GDP tăng trưởng 5,98%, với tốc độ độ quý sau luôn cao hơn quý trước và vượt mức 5,8% đề ra hồi đầu năm, chứng tỏ nền kinh tế đã thực sự “thoát đáy”. Đặc biệt, chỉ số giá tiêu dùng CPI kết thúc cả năm với mức tăng chỉ 1,84% - thấp nhất trong 13 năm qua là một thành quả vượt hơn kỳ vọng đặt ra. Cũng sau gần chục năm, lãi suất mới lại thấp đến thế, giúp giảm đáng kể chi phí vốn vay cho DN. Tỷ giá được giữ ổn định, “quả bóng” đầu cơ vàng xì hơi, dự trữ ngoại tệ tăng lên là điểm sáng của thị trường tiền tệ. “Đầu tàu” xuất khẩu tiếp tục là động lực tăng trưởng với giá trị tuyệt đối đạt hơn 150 tỷ USD, tăng gấp 1,5 lần chỉ trong vòng 3 năm (2012 - 2014) và đây cũng là năm thứ 3 liên tiếp Việt Nam có xuất siêu với giá trị gần 2 tỷ USD... Môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện và Việt Nam tiếp tục là điểm gửi vốn tin cậy của nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới...

2. Đóng góp vào thành quả chung của kinh tế đất nước năm qua, ngành Tài chính Việt Nam tiếp tục ghi điểm sáng lớn khi hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Toàn Ngành đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính NSNN của Quốc hội, Chính phủ đề ra. NSNN tiếp tục được tăng cường, đảm bảo giữ vững an ninh tài chính quốc gia, phục vụ kịp thời, có hiệu quả cho sự nghiệp phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an sinh xã hội. Công tác điều hành giá cả được thực hiện đồng bộ, chủ động, linh hoạt đã góp phần to lớn vào ổn định thị trường giá cả trong năm 2014.

Điểm sáng xây dựng hệ thống văn bản pháp luật tiếp tục được toàn Ngành phát huy với kết quả hoàn thành 100% kế hoạch xây dựng Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, trong đó có 4 Luật đã được Quốc hội thông qua. Đặc biệt, Ngành đã quyết liệt đẩy mạnh triển khai hiện đại hoá gắn với cải cách thủ tục hành chính lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho DN, người nộp thuế và công tác quản lý ngân quỹ an toàn. Hệ thống Thuế đã rà soát, hệ thống hoá 421 thủ tục hành chính, rút ngắn 54% số giờ nộp thuế, giảm 290 giờ từ 537 giờ xuống còn 247 giờ. Hệ thống Hải quan đã rà soát, hệ thống hoá 224 thủ tục, triển khai cơ chế 1 cửa quốc gia để cắt giảm 10%-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu; triển khai thành công hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS, rút ngắn đáng kể thời gian thông quan hàng hóa cho DN.

Những ngày cuối năm 2014, sự kiện Bộ Tài chính phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu quốc tế với lãi suất 4,8%, thấp hơn dự kiến và thấp hơn rất nhiều lãi suất trái phiếu Chính phủ đã phát hành trước đây giúp tăng thêm niềm tin của cộng đồng quốc tế vào công cuộc tái cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Thành công này còn giúp thiết lập mức lãi suất chuẩn mới của trái phiếu Chính phủ trên thị trường vốn quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi cho Chính phủ cũng như DN có cơ hội huy động vốn từ thị trường này, góp phần giúp quản lý nợ công thêm bền vững, an toàn.

3. Có một sự kiện diễn ra trong năm 2014 trở thành niềm tự hào của hơn 8 vạn cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đó là công trình nâng cấp xây dựng Nghĩa trang Liệt sỹ Quốc gia Đường 9 (tỉnh Quảng Trị) được thực hiện từ tâm nguyện của toàn thể người lao động trong Ngành đã chính thức hoàn tất. Đây là sự kiện không xuất hiện trong các báo cáo chuyên môn nhưng có ý nghĩa vô cùng đặc biệt, góp phần tô thắm truyền thống “uống nước nhớ nguồn” trong toàn Ngành, giáo dục truyền thống cách mạng trong các thế hệ trẻ ngành Tài chính.

Nhiều hoạt động thiết thực và ý nghĩa khác , thắp sáng thêm tình y ê u nước, trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước trong cán bộ, công chức toàn Ngành cũng đã được thực hiện hiệu quả như tổ chức đoàn thăm Trường Sa, tổ chức các chương trình hướng về biển đảo Tổ quốc cho các đơn vị trong toàn hệ thống tài chính. Đặc biệt, triển khai Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ, Bộ Tài chính đã kịp thời ban hành chính sách và phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, hướng dẫn triển khai chính sách bảo hiểm khai thác hải sản. Đây là chính sách trọng tâm của Chính phủ, bảo hiểm mọi rủi ro, nhanh chóng giúp ngư dân yên tâm bám biển, bảo vệ biển đảo cũng như các vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Tổ quốc.

Sắp tròn bảy thập kỷ phát triển và dựng xây, cũng như đất nước và mùa xuân, ngành Tài chính Việt Nam bước vào năm 2015 với một tinh thần phấn chấn, tràn đầy sinh lực và sức sống mãnh liệt. Sức mạnh không chỉ ấn chứa ở nội lực của hơn 8 vạn con người đang say sưa lao động cho “mạch máu” nguồn lực của đất nước lưu thông đến mỗi tế bào của kinh tế - xã hội mà ở trí tuệ và tư duy, ở mỗi việc làm cụ thể và thiết thực vì Tổ quốc thân yêu.

Những ngày này, hơn 8 vạn cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính đang nỗ lực lao động, sáng tạo hơn nữa nhằm lập thành tích dâng lên 85 mùa xuân có Đảng dẫn dường (3/2/1930 - 3/2/2015), dâng lên 70 năm ngày thành lập Nước (2/9/1945 - 2/9/2015) và thiết thực kỷ niệm 70 năm thành lập Ngành bằng những thành công mới trên “mặt trận” quản lý, điều hành tài chính - NSNN, trên “mặt trận” hội nhập kinh tế quốc tế nhiều cơ hội nhưng cũng lắm thách thức. Thành công của năm 2014 và truyền thống vẻ vang 70 năm chắc chắn sẽ là điểm tựa vững chắc để toàn Ngành vượt qua khó khăn, gặt hái những thành quả lớn hơn, đóng góp ngày càng hiệu quả hơn vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.