Lạm phát thấp: Mừng hay lo?

Theo kinhtevadubao.vn

7 tháng đầu năm, CPI cả nước mới chỉ tăng 0,68% - đây là mức tăng thấp nhất trong vòng 10 năm gần đây. Mục tiêu 5% của cả năm có lẽ cũng dễ dàng kiểm soát. Liệu đây là điều kiện tốt để tăng trưởng kinh tế hay nền kinh tế đang có nguy cơ giảm phát trở lại?

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Dấu hiệu đáng mừng

Đánh giá về diễn biến của CPI, trả lời trên VOV, TS. Nguyễn Minh Phong, Vụ trưởng Báo Nhân dân cho biết, xu hướng CPI năm 2015 tương đối khác so với thông lệ của Việt Nam. Thông lệ CPI của Việt Nam thường theo hình sin với 2 đỉnh, đỉnh cao nhất thường là những dịp Tết và sau Tết. Đỉnh thấp nhất là sẽ vào dịp cuối quý III. Tuy nhiên, trong nửa đầu năm nay, CPI đang có xu hướng ngược lại là thấp vào đầu năm và hiện đang có xu hướng tăng nhẹ.

“Điều này được giải thích bởi 2 lý do: Thứ nhất, liên quan đến giá xăng dầu biến động và chúng ta điều chỉnh giá xăng dầu. Mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu cũng như giá điện và giá các dịch vụ công khác thì sẽ tạo xu hướng tăng CPI. Thứ hai, có một số hoạt động liên quan đến độ trễ của những chính sách kích cầu. Khi chúng ta thực hiện kích cầu mạnh, cũng như gia tăng những hoạt động hỗ trợ thì sau vài ba tháng tác động của nó sẽ phát sinh và tăng lên”, ông Phong phân tích.

Trước những lo ngại về việc chỉ số lạm phát tăng thấp là biểu hiện nền kinh tế chưa thực sự ấm lên, Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, TS. Nguyễn Bích Lâm khẳng định, CPI thấp không phải là do sức mua yếu. Đây chính là do thị trường thế giới ổn định, do quản lý điều hành của Chính phủ và do các yếu tố thị trường, các yếu tố về sản xuất.

Người đứng đầu ngành Thống kê cho rằng, mức giá tăng như thời gian vừa qua là dấu hiệu tốt cho quản lý điều hành, sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

TS. Lâm nhấn mạnh thêm: “Với toàn bộ nền kinh tế thì mức tăng CPI là phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, nên không ảnh hưởng đến các chỉ số chung. Trừ sản xuất nông nghiệp có suy giảm do thời tiết, giá cả, còn lại công nghiệp và dịch vụ đều tăng tốt”.

TS. Lê Xuân Bá, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra một nhận xét hài hước rằng, “cái khổ” là hình như Việt Nam sống trong khoảng thời gian dài nhiều chục năm lạm phát cao nên khi lạm phát thấp là khó chịu, bất an, thậm chí có tâm lý lạm phát thấp thế này thì liệu có kéo tăng trưởng xuống không và vì thế, muốn đẩy lạm phát lên để tăng trưởng.

“Chúng ta cần phải bỏ tư duy đó, từ lãnh đạo đến công chức nhà nước, thậm chí người dân. Chúng ta muốn tăng trưởng cao nhưng cần lạm phát thấp và không phải lo gì khi lạm phát thấp mà ngược lại phải mừng về diễn biến này”, ông Bá nhìn nhận.

Có cái nhìn khá lạc quan về mức lạm phát thấp trong thời gian qua, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, lạm phát thấp nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn ổn định, quý sau cao hơn quý trước thì đó là vấn đề không đáng lo ngại, thậm chí, lạm phát thấp còn là điều kiện tốt để tăng trưởng kinh tế.

“Lạm phát thấp và ổn định là một yếu tố cần thiết, không thể thiếu được để phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế. Đó cũng là yếu tố không thể thiếu được để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh và môi trường kinh doanh thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp”, TS. Nguyễn Đình Cung lý giải.

Nhưng cần hết sức thận trọng

Theo Báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á 2015 mới được Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) công bố, lạm phát được dự báo tăng 2,5% trong năm 2015 và4% trong năm 2016 khi cầu trong nước cũng nhưgiá dầu thế giới tăng lên.
Còn Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC) đưa ra dự báo lạm phát tổng thể chỉ ở mức dưới 3%. Đây là những con số không gây bất ngờ vì thời gian gần đây, cũng có nhiều con số dự báo khá tương đồng.

Trong khi đó, Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tính toán CPI năm 2015 tăng trung bình khoảng 1,7%.

Những con số dự báo nêu trên đều cho thấy, CPI cả năm sẽ ở mức khá thấp, còn cách mục tiêu 5% mà Quốc hội đặt ra khá xa.

Mới đây, Viện Kinh tế - Tài chính đã đưa ra 5 kịch bản về tương quan giữa tăng trưởng GDP và lạm phát trong 3 năm 2015-2018. Trong đó, kịch bản thấp nhất, nếu tỷ giá điều chỉnh bình quân 2% mỗi năm, GDP bình quân chỉ tăng 6%, lạm phát bình quân của Việt Nam sẽ ở con số âm 0,93%. Và kịch bản lạc quan nhất, GDP bình quân 3 năm tới đạt 7% thì lạm phát bình quân sẽ chỉ tăng cao nhất là 4,3%.

Nghiên cứu này cho thấy, nguy cơ nền kinh tế Việt Nam rơi vào giảm phát quay trở lại lớn hơn nhiều so với nguy cơ lạm phát cao. Các chuyên gia của Viện này cũng cho rằng, để xử lý câu chuyện lạm phát thì cần tìm mọi giải pháp đẩy tăng trưởng cao hơn mức 6,5%. Điều kiện tiên quyết là ngân hàng sẽ cần phải giảm lãi suất cho vay ít nhất từ 1-1,5 điểm phần trăm trong năm nay, như mục tiêu Chính phủ đã quyết.

Tuy nhiên, ngay giữa lúc tăng trưởng cao hơn cả mục tiêu và lạm phát thấp kỷ lục, nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo tránh lạc quan sớm. Bởi, ở một góc độ khác, CPI tăng thấp cho thấy sức mua của người dân thấp.

Cũng cần lưu ý, một trong những nguyên nhân khiến cho lạm phát được xem là “căn bệnh kinh niên” của Việt Nam những năm trước đây là tâm lý “té nước theo mưa”. Theo đó, mỗi khi xăng tăng, điện tăng… thì ắt kéo theo rau tăng, thịt tăng. Tâm lý này dường như không còn trong thời gian gần đây, nhưng cũng chưa ai dám khẳng định đã thực sự được loại bỏ.

Hơn nữa, trong vấn đề lạm phát thấp hiện nay, TS. Lê Đình Ân, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia lại tỏ ra lo ngại về sự ổn định này.

“Một nền kinh tế có tăng trưởng trên 6%, lạm phát lõi vẫn tăng 2,7%, 6 tháng vừa qua trong khi lạm phát chung chỉ 0,68% thì chỗ này đáng phân vân”, ông Ân nói.

TS. Ân cho biết, theo đánh giá thì cung tăng chậm hơn cầu. Nhưng cung trong thực tế cuộc sống tăng một cách đột biến và không quản lý được, làm cho CPI giảm. Đơn cử như hoa quả tràn trề hàng nhập từ Trung Quốc; thịt bò 64% nhập của Mỹ, hay thịt gà từ Úc và Hàn Quốc… Trong khi tất cả những thứ đó Việt Nam có được, sản xuất được. Đấy là chưa kể những hàng giả, hàng nhái tràn ngập. Điều này làm cho cung tăng không kiểm soát được, làm CPI giảm.

“Cái này một mặt người tiêu dùng có lợi, nhưng lại làm cho nền kinh tế có vấn đề. Doanh nghiệp trong nước khó khăn vì không bán được hàng vì giá thấp, trong khi chi phí điện, nước… tăng. Đây là vấn đề cần phân tích kỹ, vì nó liên quan đến cả một hệ thống kinh tế ngầm không quản lý được”, TS. Ân phân tích.