Tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống đến phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Cửu Long

Đại uý, TS. Vũ Đức Cường - Học viện Chính trị Công an nhân dân

An ninh phi truyền thống đã và đang tác động đến nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc nhận diện các tác động của mối đe dọa an ninh phi truyền thống ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết thông qua việc đánh giá các tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống đến phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long, bài viết đề xuất các hàm ý chính sách giúp vùng Đồng bằng sông Cửu Long hạn chế những tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển bền vững.

Đánh bắt cá tại cánh đồng ngập lũ cuối mùa ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Nguồn: Duy Khương
Đánh bắt cá tại cánh đồng ngập lũ cuối mùa ở huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang. Nguồn: Duy Khương

Nhận diện các mối đe dọa an ninh phi truyền thống

An ninh phi truyền thống có thể hiểu là một loại hình an ninh xuyên quốc gia do những yếu tố phi chính trị và phi quân sự gây ra, có ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định, phát triển và an ninh của mỗi nước, của khu vực và của toàn cầu. Các mối đe doạ an ninh ngày càng mang tính đa dạng và phức tạp hơn. Việc nhận diện đúng, kịp thời và chủ động phòng ngừa, ứng phó với các vấn đề, sự cố từ sớm, từ xa có tác động tích cực đến kinh tế - xã hội, góp phần ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội, giữ vững quốc phòng, an ninh và phát triển bền vững.

Nội dung chính của an ninh phi truyền thống là những vấn đề bức thiết đang nổi lên hiện nay như: cạn kiệt tài nguyên, bùng nổ dân số, môi trường sinh thái suy kiệt, xung đột tôn giáo, dân tộc, nghèo đói, bệnh tật, tội phạm rửa tiền,… Song song với quá trình toàn cầu hoá ngày càng mở rộng là vấn đề an ninh phi truyền thống cũng ngày càng đậm nét hơn. Thời gian qua, tư duy, nhận thức của Đảng ta về vấn đề an ninh phi truyền thống cũng ngày càng toàn diện, rõ nét hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu, rộng.

Từ khoá VIII Đảng ta đã chỉ ra những yếu tố thách thức đối với an ninh quốc gia, trong đó có vấn đề an ninh phi truyền thống. Đến Đại hội XI, XII, XIII của Đảng, vấn đề an ninh phi truyền thống tiếp tục được đề cập và nêu rõ hơn. Theo đó, biến đổi khí hậu, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, an ninh mạng và an ninh con người là những vấn đề trọng tâm của an ninh phi truyền thống. Ở Việt Nam, các vấn đề về an ninh phi truyền thống có thể khái quát trên 2 phương diện chủ yếu là xã hội và môi trường tự nhiên.

Trên phương diện xã hội là tổng thể các vấn đề liên quan đến con người, chế độ chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trên phương diện môi trường tự nhiên bao gồm những nội dung chủ yếu sau: ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, lũ lụt, sạt lở đất, động đất, sóng thần, nước biển dâng...

Tác động của các mối đe dọa an ninh phi truyền thống đến phát triển kinh tế - xã hội Vùng Đồng bằng sông Cửu Long

Vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng cực Nam của Việt Nam, bao gồm 1 thành phố và 12 tỉnh, nằm ở cuối dòng chảy của sông Mêkông trước khi đổ ra biển Đông và một phần nhỏ ra Vịnh Thái Lan. Đây là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của đất nước, được hình thành từ những trầm tích phù sa và bồi dần qua nhiều kỷ nguyên thay đổi mực nước biển.

ĐBSCL được đánh giá là một trong những đồng bằng lớn, phì nhiêu nhất Đông Nam Á và thế giới, là vùng sản xuất, xuất khẩu lương thực, vùng cây ăn trái nhiệt đới lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là vùng đất quan trọng đối với Nam Bộ và cả nước trong phát triển kinh tế, hợp tác đầu tư và giao thương với các nước trong khu vực và thế giới. Tuy nhiên, ĐBSCL đang đứng trước những nguy cơ thách thức lớn làm ảnh hưởng đến sản xuất và dân sinh do các yếu tố an ninh phi truyền thống.

Đối với một quốc gia, an ninh phi truyền thống có thể tác động đối với chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại. Dưới góc nhìn từ ĐBSCL có thể nhận diện những tác động đó trên 2 khía cạnh kinh tế và văn hoá - xã hội.

Các thách thức an ninh phi truyền thống không chỉ là những vấn đề mang tính cấp bách, mà bên cạnh đó còn là những vấn đề thường xuyên, lâu dài. Hiện nay, ĐBSCL đang đối mặt với 3 thách thức lớn là: Biến đổi khí hậu, các vấn đề nội tại về phát triển thiếu bền vững và tác động của thuỷ điện Mêkông. Những thách thức này gây ra các biến động không có lợi về môi trường, gây khủng hoảng sinh thái, từ đó đe doạ tới an ninh quốc gia trên 3 lĩnh vực: (i) Kinh tế; (ii) Xã hội, (iii) Môi trường.

Tác động đến phát triển kinh tế

Ngành nông nghiệp là ngành chịu tác động đầu tiên và mạnh mẽ nhất bởi biến đổi khí hậu. Nước biển dâng tác động đến sinh trưởng, năng suất cây trồng, thời vụ gieo trồng, gây nguy cơ thu hẹp diện tích đất nông nghiệp. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng cho thấy, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia chịu ảnh hưởng lớn nhất do biến đổi khí hậu. Tại Việt Nam, 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và ĐBSCL chịu ảnh hưởng nặng nhất. Khi nước biển dâng cao 1m, ước chừng 5,3% diện tích tự nhiên, 10,8% dân số, 10,2% GDP, 10,9% vùng đô thị, 7,2% diện tích nông nghiệp và 28,9% vùng đất thấp sẽ bị ảnh hưởng. Biến đổi khí hậu gây bất lợi lớn cho sản xuất, sinh kế và đời sống của người dân ĐBSCL, từ đó, kìm hãm sự phát triển kinh tế - xã hội nơi đây.

Dưới tác động của biến đổi khí hậu, hàng trăm ngàn héc ta đất bị ngập, tình trạng xâm nhập mặn gia tăng, hàng triệu người có thể bị mất nhà cửa do nước biển dâng cao, sụt lún đất, suy giảm mạch nước ngầm, khiến cho sản lượng lương thực có nguy cơ giảm sút lớn, đe doạ tới an ninh lương thực của Việt Nam.

Trong 5 năm gần đây, ĐBSCL đã xảy ra 2 đợt xâm nhập mặn lịch sử vào mùa khô năm 2015 - 2016 và 2019 - 2020 đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống dân sinh. Hạn mặn đã làm 58.400 ha lúa bị thiệt hại, 25.120 ha cây ăn trái, 96.000 hộ dân gặp khó khăn về nước sinh hoạt, gây sụt lún nghiêm trọng nhiều tuyến đê, đường giao thông, tổng thiệt hại ước tính trên 3.000 tỷ đồng. Khi đó, 6/13 tỉnh, thành thuộc ĐBSCL buộc phải công bố tình huống khẩn cấp do hạn mặn. Diện tích canh tác nông nghiệp sử dụng nguồn nước ngọt như: lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm.

Tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô 2022-2023 ở ĐBSCL xuất hiện sớm và sâu hơn trung bình nhiều năm, nhưng lại ít nghiêm trọng hơn thời điểm năm 2015-2016 và 2019-2020. Tuy nhiên, vẫn có có hàng trăm nghìn héc ta lúa ở các địa phương ven biển vẫn có nguy cơ bị ảnh hưởng. Theo đó, vào thời điểm cao nhất, xâm nhập mặn có khả năng ảnh hưởng đến 60.000 héc ta diện tích sản xuất lúa của một số địa phương ven biển. Đối với cây ăn trái, xâm nhập mặn có khả năng gây ảnh hưởng đến 43.300 héc ta.

Song song với quá trình nước biển dâng, nước mặn được đưa vào sông ngòi, đồng ruộng làm thu hẹp diện tích đất bị ngọt hoá, là quá trình phèn hoá, khiến cho đất mất khả năng canh tác. Mặt khác, nông nghiệp ĐBSCL đến nay vẫn chủ yếu sản xuất thô, giá trị thấp, tăng sản lượng bằng cách tăng các yếu tố đầu vào như đất đai, nguồn nước. Sự bất hợp lý trong phát triển kinh tế nội tại như: thâm canh lúa 3 vụ, khai thác tài nguyên cát sỏi, nguồn nước ngầm quá mức, xây dựng hạ tầng, nhà ở ven sông cùng với các hoạt động kinh tế khác gây nên tổn thương lớn đến vùng châu thổ và sự phát triển bền vững. Sử dụng quá mức thuốc bảo vệ thực vật, phân bón vô cơ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ và chất lượng, an toàn thực phẩm. Đặt trong bối cảnh đó, Việt Nam nói chung và ĐBSCL nói riêng phải đối mặt với vấn đề an ninh lương thực không phải là vấn đề xa vời.

Như vậy, dưới tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nước biển dâng, xâm nhập mặn, tình trạng sụt lún gia tăng... đã gây ra hệ quả làm tăng chi phí sản xuất, giảm năng suất và sản lượng cây trồng vật nuôi, giảm diện tích đất nông nghiệp, gây thiệt hại nặng về kinh tế.

Tác động đến con người và xã hội

Hiện tượng nóng lên của trái đất gây ảnh hưởng rất lớn đến sức khoẻ và bệnh tật của con người, đặc biệt đối với người già và trẻ em. Mặt khác, biến đổi khí hậu cũng làm lượng mưa tăng cùng với hiện tượng nước biển dâng cao, làm hư hỏng hệ thống thoát nước công cộng, bãi rác thải. Điều đó tạo điều kiện sinh sôi các loại vi khuẩn gây ảnh hưởng đến sức khoẻ người dân trong vùng.

Khi biến đổi khí hậu tác động đến phát triển kinh tế, đồng thời kéo theo những vấn đề nghèo đói, di dân và an ninh xã hội. Mất đất canh tác trong nông nghiệp và năng suất cây trồng vật nuôi suy giảm sẽ đặt ra những thách thức và đe doạ đời sống của nông dân. Hạ tầng kỹ thuật dân dụng bị thiệt hại, mất nơi ở, nguồn tài nguyên nước ngọt, rừng dần bị cạn kiệt, khiến cuộc sống của những hộ nghèo ở các vùng nông thôn, vùng ven biển của ĐBSCL gặp rất nhiều khó khăn, gia tăng tình trạng đói nghèo, dẫn đến gia tăng tình trạng mất an ninh, trật tự an toàn xã hội, cũng như tỷ lệ trẻ em đến trường có nguy cơ giảm. Nông dân, ngư dân, diêm dân và thị dân nghèo sẽ là đối tượng chịu nhiều tổn thương nặng nề do thiếu nguồn dinh dưỡng, thiếu khả năng tài chính, thiếu điều kiện tiếp cận thông tin để có thể đối phó kịp thời với sự thay đổi của thời tiết và khí hậu, cải thiện đời sống. Biến đổi khí hậu tác động đến thời vụ, làm thay đổi cấu trúc mùa. Sinh kế nông nghiệp bền vững có nguy cơ bị mai một.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng, mức đóng góp của ĐBSCL trong tỷ lệ GDP của cả nước ngày càng đi xuống, nông dân ĐBSCL đang nghèo dần do tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, sinh vật) cạn kiệt; ô nhiễm môi trường (nước, đất, rác thải) gia tăng; thu nhập nông dân ngày càng ít và đối mặt nhiều rủi ro; cuộc sống và sinh kế của nông dân vùng ĐBSCL vốn đã khó khăn càng trở nên bấp bênh hơn. Hiện nay, mức sống của người dân vùng ĐBSCL thấp hơn so với mức trung bình chung của cả nước. Thu nhập bình quân đầu người của ĐBSCL năm 2022 mới chỉ đạt 4,1 triệu đồng/tháng, thấp hơn mức 4,5 triệu đồng/tháng của cả nước.

Một bộ phận không nhỏ nông dân có khả năng phải chuyển đổi (hoặc đánh đổi) sinh kế. Trong 10 năm trở lại đây, 1,7 triệu người đã di cư ra khỏi ĐBSCL, trong khi chỉ có 700.000 người mới chuyển đến. Tỷ lệ di cư này hơn gấp đôi trung bình cả nước và thậm chí cao hơn nữa ở các khu vực chịu tác động mạnh của khí hậu.

Dự kiến sẽ có sự dịch chuyển dòng di cư của nông dân ở các vùng ven biển bị tác động nặng nề do biến đổi khí hậu và nước biển dâng lên các đô thị và khu công nghiệp ở vùng phía bắc, vùng phía Tây và vùng TP. Hồ Chí Minh. Điều này khiến các quy hoạch đô thị bị phá vỡ, trật tự xã hội sẽ là một thử thách, môi trường đô thị sẽ bị xấu đi do sự gia tăng cơ học về dân số. Việc thay đổi nơi sống và di cư cũng sẽ làm giảm khả năng đến trường, đến học tập của trẻ em.

Hàm ý chính sách cho Việt Nam

Trước những vấn đề của an ninh phi truyền thống tác động đến phát triển kinh tế - xã hội vùng ĐBSCL, có một số hàm ý chính sách cho Việt Nam như sau:

Thứ nhất, để giải quyết các vấn đề an ninh lương thực, an ninh môi trường, an ninh kinh tế, an ninh con người... cần sự tham gia, vào cuộc của tất cả người dân. Trước hết là nhận thức đúng đắn, ý thức và hành vi trong việc bảo vệ môi trường - yếu tố then chốt trong giải quyết các vấn đề mà ĐBSCL nói riêng, các quốc gia khác nói chung đang phải đối mặt.

Thứ hai, hạn chế và giải quyết với các tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế ở ĐBSCL, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp cần có sự vào cuộc của các nhà khoa học. Biến đổi khí hậu là vấn đề của tự nhiên, loài người chưa thể khắc chế được tự nhiên, do đó cần phải thích ứng với biến đổi khí hậu. Do đó, sự vào cuộc của các nhà khoa học trong việc nhận diện, cảnh báo các hiện tượng tự nhiên không có lợi tới cây trồng, vật nuôi và con người; trong việc lai tạo các giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng các hình thái cực đoan của thời tiết, khí hậu.

Thứ ba, sự vào cuộc của chính quyền các địa phương, các bộ ngành trong phát triển kinh tế - xã hội ở ĐBSCL. Điều đó được thể hiện trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương khi có dự tính các tác động của vấn đề an ninh phi truyền thống cũng như các giải pháp ứng phó, thích nghi với vấn đề đó; trong các quy chuẩn cơ sở hạ tầng phù hợp với tình hình mới do các vấn đề an ninh phi truyền thống mang lại.

Thứ tư, sự vào cuộc của Nhà nước trong việc tăng cường hợp tác quốc tế và hợp tác song phương để có các cơ chế phòng ngừa, giải quyết các vấn đề do an ninh phi truyền thống mang lại ở cấp độ khu vực và quốc tế./.Tác động của các yếu tố an ninh phi truyền thống đến phát triển kinh tế - xã hội Vùng đồng bằng sông Cửu Long  - Ảnh 1

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê, Khảo sát mức sống dân cư 2022;
  2. Lê Tuấn Anh, Trương Quốc Cần, Lê Văn Dụ, Phạm Thị Bích Ngọc (2013), Tổng hợp một số hoạt động ứng phó với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL;
  3. Việt Hùng (2020), An ninh nguồn nước cho đồng bằng sông Cửu Long, https://baotainguyenmoitruong.vn/an-ninh-nguon-nuoc-cho-dong-bang-song-cuu-long-315526.html
  4. VOV (2023), Biến đổi khí hậu ở ĐBSCL làm gì để thuận tiện, https://vov.vn/emagazine/bien-doi-khi-hau-o-dbscl-phai-lam-gi-de-thuan-thien-851184.vov.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 số tháng 6/2023