Tác động của chuyển đổi số đến thị trường lao động các nước đang phát triển

TS. Trần Thị Thanh Huyền - Học viện Ngân hàng

Số hóa đang có tác động đến nền kinh tế và thị trường lao động trên toàn thế giới. Thông qua các kênh khác nhau, số hóa sẽ ảnh hưởng đến kết quả của thị trường lao động: việc làm, tiền lương và điều kiện làm việc. “Phân chia kỹ thuật số” từ lâu đã được thừa nhận không được phân bổ đồng đều trong phạm vi từng quốc gia và giữa các quốc gia (Worldbank, 2016). Bài viết tập trung tìm hiểu đặc điểm thị trường lao động của các quốc gia đang phát triển, những tác động của quá trình chuyển đổi số đến thị trường lao động của các quốc gia này và rút ra một số hàm ý chính sách.

Đặc điểm của thị trường lao động tại các nước đang phát triển

Hiện nay, khu vực phi chính thức và việc làm phi chính thức là hình thức phổ biến nhất trên thị trường lao động của các nước đang phát triển. Các dữ liệu thống kê của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy, việc làm phi chính thức chiếm tỷ trọng khá cao trong tổng số việc làm ở các quốc gia đang phát triển (chiếm tỷ lệ trên 50% ở các khu vực châu Á, châu Phi và châu Mỹ La tinh).

Hiện tượng đó được lý giải bởi việc khu vực kinh tế chính thức tại các quốc gia này không cung ứng đủ nhu cầu về việc làm. Người lao động, đặc biệt là lao động chưa qua đào tạo, buộc phải tham gia hoặc tự thành lập các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, hơn là được quyền lựa chọn công việc phù hợp.

Ngay cả trong khu vực chính thức, việc làm phi chính thức cũng tồn tại dưới nhiều hình thức và tên gọi khác nhau như việc làm ngầm, việc làm ngoài giờ, việc làm thêm... Sở dĩ, ranh giới giữa khu vực chính thức và phi chính thức không rõ ràng là do có sự liên kết chặt chẽ của các doanh nghiệp siêu nhỏ, thông qua hoạt động gia công thuê đã bén rễ vào quy trình sản xuất của các doanh nghiệp trong khu vực kinh tế chính thức.

Việc làm phi chính thức và khu vực phi chính thức đã không biến mất cùng với quá trình công nghiệp hóa hay tăng trưởng cao theo như nhiều dự đoán trước đây. Làm việc ở khu vực này có thể là sự lựa chọn thực sự và thận trọng của người lao động, chứ không chỉ đơn thuần là một sự lựa chọn ép buộc do thiếu cơ hội việc làm trong khu vực kinh tế chính thức. Các nghiên cứu cho thấy, khu vực phi chính thức không giảm một cách có hệ thống cùng với sự tăng trưởng ở các nước đang phát triển. Sự biến động của khu vực phi chính thức là do sự đan xen của các yếu tố nhân khẩu học, kinh tế - xã hội và văn hóa trong bối cảnh cụ thể của mỗi quốc gia. Ở các nước thuộc khu vực Mỹ La tinh, tăng trưởng là không đủ nhanh để loại bỏ tình trạng phi chính thức.

Trong khi đó, ở khu vực châu Á với những đặc trưng văn hóa lao động riêng, khu vực phi chính thức lại có sức hút nhất định bởi việc trốn thuế, các khoản chi trả đóng góp cho bảo hiểm xã hội hay đơn giản bởi sở thích được tự do, làm chủ, gần gũi với gia đình trong sản xuất kinh doanh (Sơn, 2013).

Tác động của chuyển đổi số đến thị trường lao động các nước đang phát triển

Chuyển đổi số đã kéo theo sự xuất hiện của các nền tảng số trong đó có nền tảng lao động. Nền tảng lao động số là một loại nền tảng số mà qua đó một số hình thức công việc hoặc dịch vụ được giao dịch trực tiếp. Nền tảng lao động số là một loại nền tảng giao dịch (xem Hình 1), tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác giữa người mua - người bán, (Koskinen, Bonina và Eaton, 2019).

Nền tảng giao dịch có thể được coi là một loại hình công ty mới, cung cấp cơ sở hạ tầng, làm trung gian giữa các nhóm người dùng khác nhau và do đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra giá trị. Nền tảng thường chiếm một phần giá trị giao dịch nhưng không kiểm soát hoàn toàn phạm vi tương tác giữa người dùng hoặc kết quả của các giao dịch trung gian. Ngoài nền tảng lao động số, nền tảng giao dịch còn bao gồm nhiều loại nền tảng khác nhau.

Hình 1: Nền tảng số.  Nguồn: ILO (2021); Aneja và Pragya (2021); Koskinen, Bonina, và Eaton (2019)  
Hình 1: Nền tảng số. 
Nguồn: ILO (2021); Aneja và Pragya (2021); Koskinen, Bonina, và Eaton (2019)  

Các loại nền tảng số ảnh hưởng gián tiếp đến thị trường lao động và người lao động trong các lĩnh vực khác nhau, thông qua nhiều cách thức. Trong khi đó, nền tảng lao động số (bao gồm nền tảng dựa trên vị trí và nền tảng online) đã trực tiếp chuyển đổi việc làm, điều kiện làm việc và thu nhập của nhiều người lao động.

Các nền tảng trực tuyến được sử dụng để đề xuất và cung cấp các công việc trực tuyến và từ xa. Những nền tảng này tạo thành nền kinh tế chia sẻ (GIG), nơi các cá nhân được trả tiền cho một số công việc nhất định mà họ đã ký hợp đồng trên các nền tảng trực tuyến.

Sự gia tăng của nền tảng lao động số đặt ra các vấn đề việc làm quan trọng. Mặc dù công việc dựa trên nền tảng có tiềm năng giúp người lao động hòa nhập kinh tế nhưng nó cũng thể hiện các cơ chế loại trừ. Vấn đề phụ thuộc vào việc phân loại người lao động trên nền tảng lao động số như thế nào.

Thông thường, lao động làm việc dựa trên nền tảng là những người lao động độc lập (được coi là người tự kinh doanh, người làm việc tự do hoặc nhà cung cấp dịch vụ thứ ba). Cách tiếp cận đó thường loại trừ những người lao động này khỏi một số quyền nhất định, như bảo hiểm xã hội và thương lượng tập thể (ILO, 2021). Hình thức lao động tự kinh doanh với tính linh hoạt cao hoặc không đạt tiêu chuẩn về trình độ có thể là lý do chính để người lao động tham gia các nền tảng lao động. Tuy nhiên, phần lớn lao động dựa trên nền tảng không có bảo hiểm sức khỏe và thương tật liên quan đến công việc, bảo hiểm thất nghiệp và khuyết tật, cũng như khả năng tiếp cận lương hưu và trợ cấp hưu trí.

Hơn nữa, với tư cách là những cá nhân tự kinh doanh, người lao động dựa trên nền tảng không tham gia vào thương lượng tập thể. Nhìn chung, hoạt động tập thể và tổ chức của những người làm việc trên nền tảng có xu hướng khó khăn vì họ phân tán về mặt địa lý. Những người làm việc trên nền tảng không có tổ chức thường có ít lựa chọn, ngoài việc chấp nhận các điều khoản trong thỏa thuận dịch vụ của nền tảng vốn là những điều khoản không thể thương lượng được. Người lao động trên nền tảng số thậm chí có thể bị phân biệt đối xử do dân tộc, kỹ năng ngôn ngữ, tuổi tác hoặc giới tính, mặc dù sự phân biệt đó có thể không rõ rệt hơn so với công việc “trực tiếp” không sử dụng nền tảng.

Ở góc độ tiếp cận khác, nền tảng lao động số có thể tăng cường khả năng hòa nhập của người lao động. Theo Graham, Hjorth và Lehdonvirta (2017), nền tảng lao động số cho phép những người lao động gặp phải rào cản và bất lợi trên thị trường lao động địa phương (chẳng hạn như thiếu chứng nhận hoặc giấy phép lao động) tham gia thị trường lao động. Các nền tảng dựa trên vị trí thậm chí còn có rào cản gia nhập thấp.

Mặc dù, vốn vật chất là cần thiết trong một số trường hợp (chẳng hạn kinh doanh taxi), các mô hình cho thuê và chia sẻ lợi nhuận theo hợp đồng cho phép các cá nhân bị hạn chế về nguồn tài chính có cơ hội làm việc trên các nền tảng dựa trên vị trí. Hơn nữa, công việc trên nền tảng có xu hướng rất linh hoạt vì người lao động tự quyết định thời điểm và khoảng thời gian tham gia (Aneja và Pragya, 2021).

Một số hàm ý chính sách

 

Bảng 1: Nền tảng lao động số

Nền tảng dựa trên vị trí

Nền tảng online

- Dịch vụ vận tải

- Dịch vụ giao hàng

- Dịch vụ tại nhà

- Công việc gia đình

- Dịch vụ chăm sóc

- Làm việc tự do

- Tư vấn sức khỏe

Nguồn: ILO (2021)

Trên cơ sở phân tích đặc điểm thị trường lao động của các quốc gia đang phát triển, tìm hiểu tác động của chuyển đổi số đến thị trường lao động của các quốc gia này, có thể rút ra một số hàm ý chính sách sau:

Thứ nhất, nâng cao kỹ năng số cho người lao động.

Kỹ năng số đi kèm với “kiến thức số” là điều kiện cần để sử dụng hiệu quả các dịch vụ kỹ thuật số, trong đó có dịch vụ tài chính hoặc các nền tảng lao động dựa trên vị trí. Nhu cầu đào tạo về kỹ năng số là khác nhau giữa các ngành, nghề và các quốc gia với điều kiện công nghệ và trình độ kỹ năng khác nhau (Strietska-Ilina và Chun, 2021).

Các quốc gia cần xây dựng lộ trình về kỹ năng số của quốc gia; xây dựng khung năng lực số phù hợp với từng đối tượng từ đó xây dựng chương trình đào tạo phù hợp; minh bạch hệ thống văn bằng chứng chỉ, giúp sinh viên, người lao động và người sử dụng lao động hiểu rõ hơn yêu cầu về trình độ chuyên môn cần trang bị cho từng ngành nghề/nghiệp vụ nhất định; thiết kế và triển khai chương trình nâng cao kỹ năng quốc gia, trong đó ưu tiên đầu tư vào các ngành có nhiều khả năng bị tác động bởi tự động hóa trong tương lai.

Kỹ năng số cần được đưa vào giảng dạy chính thức và bắt buộc ở các cấp học. Lực lượng lao động cần được trang bị kỹ năng số thông qua các hình thức đào tạo, bồi dưỡng với đa dạng các hình thức học tập (trực tiếp, trực tuyến, kết hợp) nhằm đáp ứng nhu cầu khác nhau của người sử dụng lao động. Đặc biệt, cần có cơ chế, chính sách đào tạo đặc thù cho nhóm lao động phi chính thức, trang bị cho họ kiến thức và kỹ năng lao động phù hợp, bao gồm cả kỹ năng số nhằm mục tiêu hỗ trợ họ chuyển đổi việc làm sang khu vực chính thức của nền kinh tế và thích ứng với sự chuyển đổi và ứng dụng công nghệ mới. Ngoài ra, cần thiết tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp, người học và các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trong việc xây dựng các chương trình đào tạo, bồi dưỡng phát triển kỹ năng số phù hợp với công việc, phù hợp với yêu cầu của thị trường.

Tăng cường tuyên truyền, phổ biến thông tin nâng cao nhận thức cho lực lượng lao động về các xu thế việc làm, tầm quan trọng của kỹ năng số để đảm bảo khả năng tuyển dụng trong tương lai cũng là việc làm cần thiết.

Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả thực hiện chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, trong đó chú trọng các hỗ trợ xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng số cho lực lượng lao động (Hà, 2023).

Thứ hai, phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số.

Các nước đang phát triển cần nhấn mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng để mở rộng phạm vi phủ sóng Internet, đặc biệt là khu vực ngoài các thành phố lớn. Cùng với việc phủ sóng Internet và tăng khả năng chi trả cho dân chúng, việc quản lý viễn thông, giao dịch điện tử, bảo vệ dữ liệu và an ninh mạng sẽ cần có các cơ quan quản lý và giám sát phù hợp. Cuối cùng, “cơ sở hạ tầng mềm” bổ sung cũng cần được triển khai vì đây là điều kiện quan trọng cho việc phát triển cơ sở hạ tầng kỹ thuật số của các quốc gia đang phát triển.

Thứ ba, xây dựng khung pháp lý cho sự phát triển của nền kinh tế số nói chung và thị trường lao động nói riêng.

Các quốc gia đang phát triển cần quan tâm đến các vấn đề pháp lý phát sinh từ quá trình số hóa, liên quan đến môi trường kinh doanh cho các lĩnh vực kỹ thuật số (khả năng tiếp cận thị trường, chống độc quyền...), quy định về dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng liên quan đến thị trường lao động, quy định làm việc trên các nền tảng. Trong số đó, các vấn đề pháp lý liên quan đến các nền tảng lao động nổi lên là vấn đề quan trọng, đã và đang thu hút sự quan tâm, chú ý của các nhà hoạch định chính sách. Vấn đề đặt ra là các nhà hoạch định chính sách sẽ phải đánh đổi giữa lợi ích thu được từ nền tảng kỹ thuật số và điều kiện làm việc cho lao động dựa trên nền tảng (Abe, 2022).

Ở nhiều nước đang phát triển, hầu hết những người tự làm chủ đều là lao động phi chính thức, nghĩa là không được liên kết hoặc chỉ được liên kết một phần với hệ thống và pháp luật chính thức, bao gồm quy định lao động, hệ thống thuế và bảo trợ xã hội. Việc xác định tình trạng việc làm cũng quan trọng đối với việc phát triển các hệ thống bảo trợ xã hội của các quốc gia (ILO, 2021).

Tài liệu tham khảo

  1. Bùi Thị Hồng Hà (2023), “Kỹ năng số của lực lượng lao động: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn tại Việt Nam”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, số 11, tr.23-32;
  2. Nguyễn Hoài Sơn (2013), “Khu vực phi chính thức ở các nước đang phát triển”, Tạp chí Khoa học xã hội Việt Nam, tr. 87-95;
  3. Abe, Nicola. 2022. “Brasilien – Arbeitsbedingungen: Wie die Stadt Rio de Janeiro Uber austrickste”, https://www.spiegel.de/ausland/brasilien‐arbeitsbedingungen‐wie‐die‐stadt‐rio‐de‐janeiro‐uber‐austrickste‐a‐d622529c‐e68d‐49ae‐a5ee‐d73247130808.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 6/2024