Thu hút FDI vào Việt Nam: Cơ hội và thách thức trong bối cảnh hậu COVID-19

Nguyễn Thị Thanh Thủy - Trường Đại học Công nghệ Thông tin và Truyền thông

Đại dịch COVID-19 toàn cầu đã gây ra những tác động chưa từng có tới hầu hết các lĩnh vực kinh tế - xã hội Việt Nam nói chung và thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài nói riêng. Trong bài viết này, tác giả khái quát thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam trong 10 năm gần đây và sử dụng phương pháp phân tích SWOT để làm rõ điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức đối với thu hút nguồn vốn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong bối cảnh hậu COVID-19.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Đặt vấn đề

Đại dịch COVID-19 được xem là một cú sốc lớn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt kinh tế - xã hội của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các đối tác nước ngoài đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Dưới tác động của đại dịch COVID-19, năm 2020, lượng vốn đăng ký FDI giảm 25% và giá trị FDI thực hiện giảm 2% so với năm 2019.

Năm 2021, lượng vốn FDI đăng ký tăng 9,2% còn giá trị FDI thực hiện giảm 1,2% so với năm 2020. Năm 2022, lượng vốn FDI đăng ký giảm 11,01% nhưng giá trị FDI thực hiện tăng tới 13,5% so với năm 2021. Bối cảnh đại dịch COVID-19 tạo ra nhiều thách thức và cơ hội giúp Việt Nam trở thành điểm sáng an toàn và hấp dẫn trong thu hút FDI từ nhiều quốc gia phát triển trên thế giới.

Trên cơ sở khái quát thực trạng thu hút FDI tại Việt Nam trong 10 năm gần đây, tác giả sử dụng phương pháp phân tích SWOT kết hợp với các phương pháp thống kê mô tả, tổng hợp, đồ thị và so sánh để phân tích: vai trò (điểm mạnh), tồn tại (điểm yếu), cơ hội và thách thức đối với thu hút nguồn vốn FDI vào Việt Nam trong bối cảnh mới.

Phương pháp nghiên cứu

Tác giả phân tích số liệu bằng các phương pháp thống kê mô tả, tổng hợp, đồ thị và so sánh. Ngoài ra, tác giả còn ứng dụng phần mềm tin học Microsoft Excel và các công cụ máy tính để xử lý dữ liệu.

Bên cạnh đó, tác giả sử dụng phương pháp phân tích SWOT để chỉ ra những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong thu hút nguồn vốn FDI đối với nền kinh tế Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Thực trạng thu hút FDI tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2022

Bảng 1: Số liệu FDI tại Việt Nam trong giai đoạn 2013-2022

Năm

Số dự án

Vốn đăng ký

(tỷ USD)

Vốn thực hiện

(tỷ USD)

Vốn thực hiện/Vốn đăng ký (%)

Quy mô bình quân 1 dự án

(triệu USD)

2013

1.530

22,35

11,50

51,45

14,61

2014

1.843

21,92

12,50

57,02

11,89

2015

2.013

22,76

14,50

63,72

11,31

2016

2.503

24,86

15,80

63,56

9,93

2017

2.591

35,88

17,50

48,77

13,85

2018

3.046

35,47

19,10

53,85

11,64

2019

3.883

38,02

20,38

53,60

9,79

2020

2.523

28,53

19,98

70,03

11,31

2021

1.738

31,15

19,74

63,36

17,92

2022

2.036

27,72

22,40

80,81

13,61

Tổng số

23.706

288,66

173,40

60,07

12,18

Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng kể về thu hút nguồn vốn FDI trong khoảng 10 năm trở lại đây. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), giai đoạn 2013-2022 đã có 23.706 dự án FDI được cấp phép đăng ký đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn đăng ký 288,66 tỷ USD. Trong đó, số vốn thực hiện là 173,4 tỷ USD, chiếm 60,07% số vốn đăng ký.

Hình 1: Khu vực FDI đóng góp trong kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2013-2022 (%)

   Nguồn: Tổng cục Hải quan giai đoạn 2013-2022
   Nguồn: Tổng cục Hải quan giai đoạn 2013-2022

Trong giai đoạn 2013-2022, quy mô bình quân 1 dự án đạt giá trị không cao và không ổn định qua các năm. Nếu như năm 2013, quy mô bình quân 1 dự án đạt 14,6 triệu USD nhưng vốn thực hiện chỉ đạt 51,45% vốn đăng ký thì đến năm 2022 quy mô bình quân 1 dự án giảm xuống còn 13,61 triệu USD nhưng vốn thực hiện tăng lên đạt 80,81% vốn đăng ký. Như vậy, trong giai đoạn này; quy mô bình quân 1 dự án không tăng nhưng tỷ lệ vốn thực hiện so với vốn đăng ký có xu hướng tăng lên rất nhiều.

Năm 2022, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 27,72 tỷ USD, mức vốn FDI thực hiện đạt kỷ lục 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ năm 2021. Đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất trong 10 năm (Bảng 1).

Về đối tác đầu tư: Tính đến năm 2022, có 108 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam; trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 6,46 tỷ USD, Hàn Quốc đứng thứ hai với gần 4,88 tỷ USD, Nhật Bản đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD...

Về lĩnh vực đầu tư: Tính đến cuối năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 19/21 ngành kinh tế, trong đó: Ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 16,8 tỷ USD, chiếm 60,6% tổng vốn đầu tư đăng ký năm 2022; ngành Kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 4,45 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký; còn lại là các ngành khác.

Về địa bàn đầu tư: Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 54 tỉnh, thành phố trên cả nước trong năm 2022. TP Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,94 tỷ USD, chiếm 14,2% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư hơn 3,14 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng vốn, tăng 47,3% so với cùng kỳ năm 2021. Quảng Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 2,37 tỷ USD, chiếm 8,5% tổng vốn và tăng gấp hơn hai lần so với cùng kỳ năm 2021...

Những đóng góp của FDI đối với kinh tế Việt Nam

Đóng góp vào tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách nhà nước: Khu vực FDI có vai trò ngày càng lớn trong nền kinh tế Việt Nam. Trong 10 năm gần đây, FDI đã có đóng góp quan trọng vào GDP và NSNN với tỷ trọng ngày càng cao. Nếu như năm 2010, khu vực FDI đóng góp 15,15% vào GDP và 10,82% NSNN thì năm 2020, khu vực FDI đóng góp tăng lên 20,93% vào GDP và 14,59% NSNN.

- Nâng cao giá trị xuất khẩu: Trong giai đoạn 2013-2022, cùng với tốc độ tăng trưởng trong tổng kim ngạch xuất khẩu Việt Nam có sự đóng góp rất lớn từ các DN khu vực FDI, trung bình hàng năm khu vực FDI đóng góp 69,5% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

- Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế: FDI tác động đến cơ cấu kinh tế được thể hiện chủ yếu thông qua cơ cấu vốn đầu tư. Hiện nay, nguồn vốn FDI chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ. FDI là nhân tố quan trọng thúc đẩy phát triển nhiều ngành công nghiệp và sản phẩm mới, tạo ra trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp, làm tăng năng lực sản xuất của nền kinh tế quốc dân nhờ có cơ cấu kinh tế tiến bộ hơn.

- Góp phần tạo việc làm và tăng năng suất lao động: Số lượng công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp trong DN FDI đã được gia tăng đáng kể. Tốc độ tăng lao động của khu vực này bình quân đạt 7,72%/năm trong giai đoạn 2011-2021, cao hơn nhiều tăng trưởng lao động toàn nền kinh tế và các thành phần kinh tế khác. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, năng suất lao động khu vực FDI cao hơn khoảng 1,4 lần so với khu vực kinh tế nhà nước và cao gấp 7 đến 8 lần so với khu vực dân doanh. Ngoài ra, khu vực kinh tế FDI còn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế như: nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo tác động lan tỏa công nghệ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh…

Bên cạnh những đóng góp cho nền kinh tế, đến nay, FDI vẫn còn có nhiều tồn tại, hạn chế, cụ thể:

- FDI chưa giúp Việt Nam có những bước tiến sâu về công nghệ: Chỉ có 5% DN FDI đầu tư vào Việt Nam sử dụng công nghệ cao, 80% sử dụng công nghệ trung bình, 14% sử dụng công nghệ thấp. Một số DN FDI sử dụng công nghệ kỹ thuật lạc hậu gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường.

- Dòng vốn FDI đầu tư vào Việt Nam trong khi chủ yếu đến từ châu Á, đến từ các nước phát triển có nền khoa học công nghệ hiện đại như Mỹ và các nước Tây Âu còn khá khiêm tốn.

- Hiện tượng trốn thuế của các DN FDI còn diễn biến phức tạp, ngày càng tinh vi. Trong đó, một trong những hành vi phổ biến nhất hiện nay là DN định giá sai giá trị tài sản, tức giá chuyển nhượng trong giao dịch nội bộ giữa các chi nhánh bị định giá sai theo hướng tăng giá chuyển nhượng từ nước có thuế suất thấp sang nước có thuế suất cao và ngược lại.

- Các dự án FDI chủ yếu tập trung vào lắp ráp, giá trị gia tăng thấp.

Cơ hội và thách thức

Về cơ hội

Đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do (FTA), 2 hiệp định đang đàm phán. Trong số 15 hiệp định đã ký kết có một số FTA thế hệ mới với những cam kết sâu rộng và toàn diện. Việc ký kết và thực thi các FTA thế hệ mới đã và đang khơi thông dòng chảy thương mại cũng như vốn đầu tư giữa Việt Nam và các thị trường đối tác. Các FTA với mục tiêu xóa bỏ phần lớn hàng rào thuế quan là cơ hội giúp hàng hóa xuất khẩu Việt Nam tăng sức cạnh tranh về giá với các nước trong khu vực và trên thế giới.

Với sự tăng trưởng của dòng vốn FDI, các DN Việt Nam có một môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn và được tiếp cận với công nghệ kỹ thuật hiện đại, nguồn nguyên liệu phong phú hơn, giá rẻ hơn. Người tiêu dùng cũng được sử dụng hàng hóa và dịch vụ rẻ hơn nhưng chất lượng tốt hơn. DN Việt Nam sẽ có cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư đến từ các nước phát triển, qua đó, giúp tiếp cận với các phương thức quản lý DN hiệu quả, trình độ khoa học công nghệ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới…

Về thách thức

Bên cạnh những cơ hội, Việt Nam cũng phải đối mặt với không ít thách thức. Phần lớn nguồn vốn FDI đầu tư vào Việt Nam tập trung ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với trình độ kỹ thuật trung bình và thấp.

Việc xóa bỏ phần lớn hàng rào thuế quan nhưng hàng rào về kỹ thuật và hệ thống vệ sinh, kiểm dịch động thực vật khắt khe, tốn kém,… thì nguy cơ hàng hóa Việt Nam bị trả lại do không đáp ứng được những yêu cầu đó, khó có thể vào thị trường các nước đối tác, đặc biệt là các sản phẩm nông nghiệp lâu nay vẫn là lợi thế của Việt Nam.

Sản xuất trong nước không còn được Nhà nước bảo hộ như trước và phải thích nghi với môi trường kinh doanh cạnh tranh hơn cùng với sự đổi mới về thể chế hành chính, chính sách pháp luật mới về kinh doanh.

Các DN Việt Nam muốn tồn tại và phát triển cần phải năng động, sáng tạo, tăng cường hợp tác với các DN FDI để học hỏi kinh nghiệm quản lý, tiếp cận với khoa học công nghệ cao, bổ sung nguồn vốn kinh doanh.

Kết luận

Thu hút FDI là một trong những vấn đề quan trọng của mỗi quốc gia bởi vai trò to lớn của nó đối với sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Qua phân tích, có thể thấy, thu hút FDI trong bối cảnh hậu COVID-19 mang lại nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức. Do vậy, Việt Nam cần áp dụng một số giải pháp hiệu quả như: Ưu tiên thu hút FDI vào các lĩnh vực dịch vụ hướng tới chuyển đối số phù hợp với thời đại công nghệ 4.0; Tăng cường thu hút FDI từ các cường quốc trên thế giới; Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư trực tiếp nước ngoài; Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu các DN khu vực FDI...

Tài liệu tham khảo:

  1. Cục Đầu tư nước ngoài (2013-2022), Tình hình thu hút Đầu tư nước ngoài giai đoạn 2013 – 2022, http://fia.mpi.gov.vn;
  2. Trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội (2020), Kỷ yếu Hội thảo khoa học quốc tế: FDI toàn cầu và ứng biến của DN Việt Nam trong bối cảnh mới;
  3. Tổng cục Hải quan (2013-2022), Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 12 và 12 tháng;
  4. Tổng cục Thống kê (2013-2022), Niên giám thống kê giai đoạn 2013 - 2022. Truy cập ngày 25/02/2023, http://www.gso.gov.vn.