Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia châu Á


Bài viết nghiên cứu kiều hối tác động đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia châu Á. Nhóm tác giả hồi quy tuyến tính với kỹ thuật xử lý hệ thống các mô hình mô men tổng quát dữ liệu của 33 quốc gia châu Á về tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2005-2018.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Kết quả nghiên cứu cho thấy, kiều hối có tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia châu Á trong giai đoạn nghiên cứu.

Các nghiên cứu thực nghiệm về tác động  của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế

Nghiên cứu trên thế giới

Jongwanich (2007) nghiên cứu tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia châu Á- Thái Bình Dương trong giai đoạn 1993-2003, với phương pháp ước lượng mô-men tổng quát (GMM) trên dữ liệu bảng, nghiên cứu cho thấy, kiều hối có tác động lớn giúp giảm đói nghèo thông qua tăng thu nhập, hỗ trợ tiêu dùng và giảm các gánh nặng tài chính cho người nghèo và chỉ có tác động nhỏ đối với tăng trưởng kinh tế thông qua đầu tư nội địa và phát triển vốn con người.

Mô hình sử dụng để phân tích tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế có các biến số: Tốc độ tăng trường GDP bình quân đầu người, tốc độ tăng trường thu nhập ban đầu, vốn con người, đầu tư, chỉ tiêu chính phủ, tỷ lệ lạm phát, kiều hối, lãi suất thực.

Gupta, Pattillo và Wagh (2007) đánh giá tác động của sự phát triển ổn định của dòng kiều hối đến 44 quốc gia vùng miền Nam sa mạc Sa-ha-ra. Bằng sự kết hợp phương pháp OLS và hồi quy 3 giai đoạn, nghiên cứu phát hiện rằng, kiều hối ổn định có tác động làm giảm đói nghèo và thúc đẩy phát triển tài chính.

Mô hình sử dụng để phân tích tác động của kiều hối với nghèo đói sử dụng dữ liệu của một khảo sát từ năm 1980 về 76 quốc gia, gồm các biến mức độ nghèo đói, thu nhập bình quân đầu người, bất bình đẳng trong thu nhập (Chỉ số Gini) và kiều hối.

Mô hình phân tích tác động của kiều hối với sự phát triển tài chính sử dụng dữ liệu bảng không cân bằng của 44 quốc gia trong 6 giai đoạn 5 năm từ 1974-2004, gồm các biến đại diện cho GDP, GDP trên đầu người, lạm phát, xuất nhập khẩu, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và kiều hối.

Siddique, Selvanathan và Selvanathan (2012) nghiên cứu dữ liệu chuỗi thời gian trong vòng 25 năm, xem xét tác động lên nền kinh tế Bangladesh, Ấn Độ và Sri Lan-ka thông qua phương pháp phân tích nhân quả Granger trong mô hình tự hồi quy véc-tơ.

Nghiên cứu này không đưa được ra kết quả thống nhất ở 3 quốc gia. Cụ thể: Ở Bangladesh, kiều hối có tác động lớn, một chiều đến tăng trưởng kinh tế.

Tại Ấn Độ, không tìm thấy mối quan hệ giữa 2 yếu tố này. Còn đối với Sri Lan-ka, quan hệ giữa kiều hối và tăng trưởng kinh tế là quan hệ hai chiều, kiều hối góp phần vào tăng trưởng kinh tế và kinh tế tăng trưởng làm tăng kiều hối đổ về.

Pradhan (2016) nghiên cứu tác động của kiều hối đối với tăng trưởng ở các quốc gia: Liên bang Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Brazil bằng cách ước tính dữ liệu bảng giai đoạn 1994-2013.

Kết quả cho thấy tồn tại mối quan hệ tiêu cực giữa kiều hối và tăng trưởng kinh tế. Kratou và Gazdar (2015) đã lập luận về lượng kiều hối của người lao động đối với tăng trưởng kinh tế bằng cách sử dụng dữ liệu trong giai đoạn 1984 -2001 ở Tunisia.

Kết quả cho thấy, ảnh hưởng tích cực trong dài hạn và tiêu cực trong ngắn hạn nhưng ảnh hưởng ngắn hạn có ý nghĩa với tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa, kiều hối tuy làm tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhưng lại phụ thuộc vào hệ thống tài chính của đất nước. Nghiên cứu trong nước

Lê Thanh Tùng (2015) nghiên cứu sử dụng mô hình độ trễ phân phối tự hồi quy ARDL nhằm mục tiêu làm rõ mối quan hệ giữa kiều hối và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, giai đoạn 1990-2014.

Kết quả nghiên cứu đã khẳng định sự tồn tại mối quan hệ trong dài hạn giữa kiều hối và tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam. Kết quả cung cấp bằng chứng cho thấy, kiều hối tác động dương đến tăng trưởng kinh tế cả trong ngắn hạn và dài hạn.

Lê Thanh Tùng và Nguyễn Hồng Thái (2017) đã sử dụng 2 phương pháp hồi quy tác động cố định và tác động ngẫu nhiên với dữ liệu bảng gồm 7 quốc gia ASEAN trong giai đoạn 1990- 2014 nhằm làm rõ sự tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia 7 quốc gia này.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, kiều hối đã làm tăng sản lượng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia ASEAN. Bài viết phân tích tác động tiêu cực lẫn tích cực của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế ở góc độ vĩ mô; đánh giá những tác động của kiều hối đến nền kinh tế Việt Nam giai đoạn 2011-2016 và đề xuất một số khuyến nghị về quản lý nguồn kiều hối.

Với phương pháp phân tích thống kê mô tả, nghiên cứu cho rằng kiều hối có tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu.

Phương pháp nghiên cứu

Mô tả dữ liệu

Tác giả sử dụng số liệu dạng bảng cân bằng được thu thập từ 33 quốc gia châu Á trong giai đoạn 20052018. Số liệu của nghiên cứu được thu thập từ Ngân hàng Thế giới.

Mô hình nghiên cứu

Từ mô hình cơ bản Cobb-Douglas và các nghiên cứu thực nghiệm, Jongwanich (2007), Fayissa và Nsiah (2010), Gupta, Pattillo và Wagh (2007), nghiên cứu thiết lập mô hình đánh giá tác động trực tiếp của dòng vốn kiều hối như sau:

GDPit=βi+β1GDPi,t-1+β2 remit+β3 Zit+Uit

Trong đó: i = 1, 2,.., N; t = 1, 2, …, T (N là số lượng quốc gia và T là thời gian quan sát trong mô hình); Uit: các sai số ngẫu nhiên. Tăng trưởng kinh tế đo bằng tổng sản phẩm quốc nội thực (logarit tự nhiên GDP).

Kiều hối được hiểu là các khoản thu nhập từ nước ngoài chuyển về dưới hình thức tiền mặt hoặc không bằng tiền mặt, trong nghiên cứu dữ liệu kiều hối được lấy từ dữ liệu ngân hàng thế giới (WB). Các biến kiểm soát Z bao gồm: K - tổng vốn đầu tư cố định (logarit tự nhiên của  vốn đầu tư cố định), L - lao động (logarit tự nhiên lao động), gexp - chi tiêu chính phủ (chi tiêu chính phủ/GDP), open - độ mở thương mại (tổng xuất nhập khẩu/GDP), fdi đầu tư trực tiếp nước ngoài (fdi/GDP).

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp ước lượng hệ thống GMM với dữ liệu bảng gồm 33 quốc gia châu Á giai đoạn 2005-2018, vì (1) Giữa biến độc lập REM và biến phụ thuộc GDP có mối quan hệ tương hỗ 2 chiều.

Và đây cũng là một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng nội sinh trong mô hình nghiên cứu; (2) Mô hình nghiên cứu là mô hình có biến trễ của biến phụ thuộc đóng vai trò là biến độc lập, tức là dạng mô hình động. Và đối với mô hình động thì có hai loại GMM đặc  thù  là  hệ thống GMM và GMM sai phân.

Antoniou và cộng sự (2006) đã chứng minh hệ thống GMM là phương pháp phù hợp để ước lượng mô hình động. Các tác giả này khuyến nghị sử dụng hệ thống GMM để loại bỏ các vấn đề nội sinh, và phương pháp này cũng cho các ước lượng vững khi có hiện tượng phương sai thay đổi và tự tương quan.

Kết quả nghiên cứu

Thống kê mô tả các biến

Thống kê mô tả các biến, đo lường các đại lượng đặc trưng đối với các biến nghiên cứu được thể hiện ở Bảng 1. Trong giai đoạn 2005 - 2018, tỷ lệ trung bình kiều hối/GDP của khu vực châu Á đạt mức 6.39, cao nhất là 32.51.

Kết quả nghiên cứu tác động của kiều hối  đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia châu Á

Trong tiếp cận xem xét tác động trực tiếp của dòng vốn kiều hối như là một nguồn lực tài chính ảnh hưởng trực tiếp tăng trưởng kinh tế các nước châu Á, mô hình được thiết lập từ mô hình cơ bản Cobb-Douglas đến mô hình có yếu tố dòng vốn kiều hối, mô hình xác định vai trò của dòng kiều hối dưới ảnh hưởng của các biến kiểm soát khác nhau.

Kết quả ước lượng mô hình hồi quy cho thấy, dựa trên hàm Cobb-Douglass với các yếu tố vốn, lao động đều có tác động có ý nghĩa thống kê đến tăng trưởng GDP của các nền kinh tế châu Á giai đoạn 2005-2018.

Trong đó, ảnh hưởng của tăng trưởng vốn có tác động lớn đến tăng trưởng kinh tế cho thấy sự phụ thuộc lớn của kinh tế các nước vào dòng vốn đầu tư, dẫu vậy, kết quả thống nhất từ các mô hình cho thấy ảnh hưởng do tăng trưởng quá nhanh của dòng vốn có ảnh hưởng tiêu cực đến các năm sau đó. Quy mô dòng vốn kiều hối từ kết quả ước lượng cho thấy, tác động tiêu cực ở mức ý nghĩa 1%.

Theo đó, tăng trưởng kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng tiêu cực khoảng 0.07 đến 0.08 điểm phần trăm khi quy mô của kiều hối (trên GDP) tăng thêm 1%. Kết quả này tương đồng với kết quả Barajas và cộng sự (2009), Pradhan (2016), Kratou và Gazdar (2015), (Chami và cộng sự, 2005)…

Tác động tiêu cực xảy ra khi dòng kiều hối được gửi đến người nhận ở nước sở tại, họ có xu hướng không sử dụng tiền cho bất kỳ hoạt động kinh doanh hiệu quả nào mà sử dụng cho chi tiêu tiêu dùng, chẳng hạn như ô tô, nhà cửa và quần áo.

Điều này làm gia tăng sự bất bình đẳng về thu nhập giữa hộ gia đình nhận kiều hối và hộ gia đình không nhận tiền, có thể dẫn đến lạm phát và tăng giá các mặt hàng cơ bản ở các nước nhận kiều hối làm ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế (De Haas, 2007, 2010; Oluwafemi & Ayandibu, 2014).

Kết luận

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, kiều hối có ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng của các quốc gia châu Á trong mẫu nghiên cứu. Các kết quả này là phù hợp với các luận giải về khía cạnh lý thuyết ở khía cạnh khá bi quan về các dòng kiều hối khi sự phụ thuộc vào quá trình di cư và kiều hối sẽ tạo ra tình trạng kém phát triển ở các nước có người di cư (Oluwafemi và Ayandibu, 2014).

Quy mô dòng kiều hối càng cao làm cho nước nhận sẽ phụ thuộc vào nước gửi tiền cũng như khiến người nhận kiều hối phụ thuộc vào người gửi (Binford, 2003). Thay vì khuyến khích tăng trưởng kinh tế, kiều hối dẫn đến sự bất bình đẳng ở những khu vực có dòng kiều hối lớn (Stark và Lucas, 1988). Do vậy, các quốc gia tiếp nhận cần thiết có các chính sách hợp lý và môi trường thuận lợi để phát huy hết tác động tích cực của kiều hối.

Tài liệu tham khảo:

1. Đỗ Đức Quân (2017), Tác động từ dòng kiều hối đến kinh tế Việt Nam và một số khuyến nghị, Tạp chí Tài chính, kỳ 2(Tháng 2/2017);

2. Đỗ Thị Kim Hảo và Đinh Thị Thanh Long (2017), Tác động của kiều hối đến tăng trưởng kinh tế, Tạp chí Ngân hàng(05/2017);

3. Abdih, Y., Chami, R., Dagher, J., Montiel, P., 2012, Remittances and institutions;

4. Are remittances a curse? World Dev. 40, 657–666. doi:10.1016/j. worlddev.2011.09.014;

5. Abdelhadi, S., & Bashayreh, A. (2017), Remittances and Economic Growth Nexus: Evidence from Jordan. International Journal of Business and Social Science, 8(12), 98-102.

*Phạm Thanh Truyền, PGS., TS. Hồ Thủy Tiên Trường Đại học Tài chính - Marketing.

**Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2021.