Tác động từ cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hоạt động củа các ngân hàng thương mại

Dương Nguyễn Thanh Tâm

Nghiên cứu này phân tích các tác động củа cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hоạt động củа các ngân hàng thương mại Việt Nаm thông qua dữ liệu bảng được thu thập từ báo cáo được kiểm toán của 28 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2022 và sử dụng phương pháp nghiên cứu định lượng với các mô hình bình phương nhỏ nhất, tác động cố định, tác động ngẫu nhiên, mô men tổng quát hệ thống. Từ các kết quả nghiên cứu, tác giả khuyến nghị các chính sách để nâng cao hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Cơ sở lý thuyết

Iannotta và cộng sự (2007) cho rằng, cấu trúc sở hữu có thể được xác định trên 02 phương diện. Thứ nhất, theo mức độ tập trung quyền sở hữu: có quyền sở hựu tập trung hay quyền sở hữu phân tán. Thứ hai, cấu trúc sở hữu có thể là sở hữu chính phủ hay sở hữu tư nhân; có thể là sở hữu trong nước hay sở hữu nước ngoài. Ngoài ra, cấu trúc sở hữu còn liên quan đến vấn đề quyền sở hữu hỗn hợp: sở hữu nước ngoài, sở hữu tư nhân, sở hữu nhà nước.

Hiệu quả hoạt động là mức độ thành công mà các nhà đầu tư thu được trong việc sử dụng các yếu tố đầu vào để tạo các yếu tố đầu ra, đáp ứng mục tiêu đã định trước. Phần lớn các nghiên cứu về tác động cấu trúc sở hữu tới hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp tiêu biểu như nghiên cứu của Short và Keasey (1999) đều cho rằng để đánh giá hiệu quả hoạt động nên sử dụng các chỉ tiêu phản ánh khả năng sinh lời như tỷ suất lợi nhuận ròng trên tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu VCSH (ROE).

Tổng quan các nghiên cứu

Các nghiên cứu cho kết quả các ngân hàng có sở hữu nhà nước có xu hướng có hiệu quả hoạt động thấp hơn và chi phí cao hơn so với các ngân hàng tư nhân như: Micco và cộng sự (2007) nghiên cứu 179 quốc gia và vùng lãnh thổ, Hapsari và Rokhim (2017) nghiên cứu 82 ngân hàng thương mại hoạt động tại Indonesia, Malik và cộng sự (2016) nghiên cứu 23 ngân hàng thương mại Việt Nam, Owusu-Antwi và cộng sự (2018) nghiên cứu từ các ngân hàng ở UAE, Gupta và Mahakud (2020) nghiên cứu cho các ngân hàng thương mại Ấn Độ, Perera (2021) nghiên cứu 15 ngân hàng thương mại Sri Lanka. Tuy nhiên, Alshammari (2021) lại cho rằng ngân hàng nhà nước làm gia tăng hiệu quả hoạt động ngân hàng thương mại của các quốc gia thuộc Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh.

Các nghiên cứu cho rằng, sở hữu nước ngoài làm gia tăng hiệu quả hoạt động như: Hapsari & Rokhim (2017) nghiên cứu 82 ngân hàng thương mại hoạt động tại Indonesia, Jiraporn và cộng sự (2019) nghiên cứu cho các ngân hàng thương mại khu vực Asean, Tuğba (2019) (giai đoạn sau khủng hoảng), Lâm Chí Dũng và Võ Hoàng Diễm Trinh (2020) nghiên cứu 25 ngân hàng thương mại Việt Nam, PERERA (2021) nghiên cứu 15 ngân hàng thương mại Sri Lanka.

Mô hình nghiên cứu

Từ cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trước, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu tác động của cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam như sau:

ROAit = β0 + β1FORit + β2STATEit + β3EQTit + β4CTIit + β5SIZEit + β6LDRit + β7LITAit + β8LTAit + β9GDPt + β10INFt + uit

ROEit = β0 + β1FORit + β2STATEit + β3EQTit + β4CTIit + β5SIZEit + β6LDRit + β7LITAit + β8LTAit + β9GDPt + β10INFt + uit

Cụ thể các biến được đề xuất trong mô hình dựa trên nghiên cứu của các tác giả theo bảng 1.

Bảng 1: Đo lường các biến và kỳ vọng dấu

Yếu tố

Chỉ tiêu

Kí hiệu

Đo lường

Kỳ vọng

Biến phụ thuộc

1

Tỷ lệ lợi nhuận trên tổng tài sản

ROA

ROA = Lợi nhuận sau thuế/Tổng tài sản bình quân

 

2

Tỷ lệ lợi nhuận trên VCSH bình quân

ROE

ROE = Lợi nhuận sau thuế/Tổng VCSH bình quân

 

Biến độc lập

Yếu tố nội tại ngân hàng

Sở hữu nước ngoài

FOR

Biến giả: FOR = 1 nếu ngân hàng có sở hữu ngước ngoài

FOR = 0 nếu ngân hàng không có sở hữu nước ngoài

+

Sở hữu nhà nước

STATE

STATE = 1 nếu ngân hàng có sở hữu nhà nước

STATE = 0 nếu ngân hàng không có sở hữu nhà nước

-

Tốc độ tăng trưởng vốn CSH

EQTi,t

(VCSH t-VCSH t-1)/(VCSH t-1)

-

Tỷ lệ chi phí trên thu nhập

CTI

Chi phí hoạt động / Tổng thu nhập hoạt động

-

Quy mô ngân hàng

SIZEi,t

Ln(Tổng tài sảni,t)

+

Tỷ lệ cho vay trên tiền gửi

LDRi,t

Dư nợ cho vay khách hàngi,t/Tiền gửi của khách hàngi,t

-

Tỷ lệ nợ phải trả trên tổng tài sản

LITA

Nợ phải trải,t/Tổng tài sảni,t

-

Cho vay trên tổng tài sản

LTAi,t

(Dư nợ khách hàng)/(Tổng tài sản)

+

Yếu tố vĩ mô

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội

GDPt

GDP t

+

Tỷ lệ lạm phát

INFt

CPI t

-

Nguồn: Tổng hợp của tác giả

Phương pháp nghiên cứu

Bài báo tiến hành thu thập dữ liệu sơ cấp của 28 ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2012 đến 2022, dữ liệu của biến GDP và INF được thu thập từ trang web ngân hàng thế giới.

Nghiên cứu này sử dụng phương pháp định lượng, phân tích hồi quy đa biến cho dữ liệu bảng (panel data) và mô hình mô men tổng quát hệ thống (System Generalized Moment Model – SGMM), chạy trên phần mềm Stata 14.0.

Mô hình GMM1 và GMM2 hệ thống sử dụng biến trễ L.ROA và L.ROE. Tác giả thực hiện kiểm định sự ngoại sinh của các biến công cụ thông qua việc kiểm định tính thỏa hơn điều kiện xác định (overidentification).

Kết quả kiểm định Hansen cho thấy, P-value = 0.938 (mô hình GMM1) và 0.262 (mô hình GMM2) >5% nên các biến công cụ không tương quan với sai số trong mô hình.

Kết quả kiểm định Abond cho thấy, P-value = 0.326 (mô hình GMM1) và 0.354 (mô hình GMM2) >5% nên mô hình không bị tự tương quan bậc 2.

Kết quả kiểm định Sargan cho thấy, P-value = 0.544 (mô hình GMM1) và 0.259 (mô hình GMM2) >5% nên các biến công cụ là biến ngoại sinh.

Với các kết quả kiểm định này thì mô hình GMM1 và GMM2 là mô hình vững và hiệu quả để phân tích tác động của cấu trúc sở hữu đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam.

Kết quả nghiên cứu

Bảng 2: Kết quả nghiên cứu và kỳ vọng của mô hình GMM1 và GMM2

Tên biến

GMM1 – ROA

GMM2 – ROE

Kỳ vọng

L1.ROA

1.4854881***

 

+

L1.ROE

 

1.4725756***

+

FOR

.01441956***

.12976583**

+

STATE

-.01842064***

-.12083433***

-

EQT

-.01517915***

-.41583664***

-

CTI

-.07497858***

-1.0092191***

-

SIZE

.00680363***

.06143259*

+

LDR

-.04630772***

-.43036685***

-

LITA

-.33729178***

-5.8007002***

-

LTA

.0960578***

.35759979***

+

GDP

.13835132***

.71236094**

+

INF

-.24920358***

-2.3251841***

-

_cons

.07533145*

4.2181032***

 

Nguồn: Kết quả trên phần mềm stata

 

Đối với biến trễ tỷ lệ ROA và ROE (L.ROA và L.ROE): Biến trễ hiệu quả hoạt động của mô hình GMM1 và GMM2 có hệ số hồi quy lần lượt là 1.47 và 1.48 với mức ý nghĩa 1% cho thấy tác động cùng chiều của hiệu quả hoạt động năm trước đến hiệu quả hoạt động năm sau.

Đối với biến sở hữu nước ngoài (FOR): Biến sở hữu nước ngoài của mô hình GMM1 và GMM2 có hệ số hồi quy lần lượt là 0.14 và 0.13 với mức ý nghĩa 1% cho thấy tác động cùng chiều của sở hữu nước ngoài trong ngân hàng thương mại đến hiệu quả hoạt động. Kết quả này phù hợp với giả thuyết về lợi thế toàn cầu (general form of the global advantage) cho rằng các ngân hàng thương mại có sở hữu nước ngoài có lợi thế so sánh tương đối so với các ngân hàng thương mại có sở hữu nội địa, từ đó dẫn đến hiệu quả tốt hơn.

Ngoài ra, cũng dựa trên lập luận về bất cân xứng thông tin, sở hữu nước ngoài thường gia tăng tính minh bạch của ngân hàng thông qua đòi hỏi cao hơn về các hoạt động kiểm soát, từ đó làm giảm chi phí đại diện và gia tăng hiệu quả hoạt động. Kết quả này đúng với kỳ vọng của tác giả.

Biến sở hữu trong nước (STATE): Biến sở hữu nhà nước của mô hình GMM1 và GMM2 có hệ số hồi quy lần lượt là - 0.18 và - 0.12 với mức ý nghĩa 1% cho thấy, tác động ngược chiều của sở hữu nhà nước trong ngân hàng thương mại đến hiệu quả hoạt động. Kết quả này phù hợp với quan điểm về vai trò chính trị của sở hữu nhà nước và lý thuyết đại diện.

Ngân hàng có sở hữu nhà nước có nhiệm vụ cung cấp các nguồn vốn với chi phí thấp cho các bên có liên quan nhằm mục đích chính trị thay vì kinh tế nên các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước nhìn bên ngoài có vẻ là thuộc sở hữu của toàn dân, song trong thực tế lại được vận hành bởi những người có quyền kiểm soát tập trung cao độ nhưng không có quyền đối với dòng tiền. Chính điều này đã khiến cho các ngân hàng có sở hữu nhà nước hoạt động không có tính hiệu quả cao. Kết quả này đúng với kỳ vọng của tác giả.

Kết quả nghiên cứu các biến kiểm soát: Các biến kiểm soát đa số là đúng với kỳ vọng ban đầu của tác giả và có ý nghĩa thống kê 1%, 5% và 10%: Biến SIZE và LTA có tác động cùng chiều đến hiệu quả hoạt động; các biến STATE, EQT, CTI, LDR, LITA, INF có tác động ngược chiều đến hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn 2012 – 2022.

Hàm ý quản trị

Từ các kết quả nghiên cứu phân tích ở trên, đề tài đề xuất một số hàm ý quản trị cho các nhà quản trị ngân hàng thương mại và các cơ quan quản lý Nhà nước như sau:

Một là, tăng tỷ lệ sở hữu cho các nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam. Cần cho phép nâng cao tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại ngân hàng thương mại lên mức tối đa 50%. Đây cũng là một trong những giải pháp để tăng nguồn lực tài chính cho các ngân hàng thương mại tại Việt Nam và cũng là giải pháp mà đề án tái cơ cấu ngân hàng thương mại đã kết thúc năm 2020 đề cập nhưng chưa thực hiện được.

Hai là, giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng thương mại nhà nước. Nên đẩy mạnh hơn nữa việc hoàn thiện pháp luật tạo tiền đề cho việc thoái vốn thoái vốn tại các ngân hàng thương mại nhanh hơn và tỷ lệ sở hữu nhà nước thấp hơn hoặc không cần thiết nắm giữ cổ phần tại ngân hàng thương mại.

Ba là, tăng cường pháp chế. Nhà nước cần đẩy mạnh hoàn thiện pháp chế trong ngành Ngân hàng, có chế tài đủ mạnh để răn đe các nhà đầu tư không chân chính, bảo vệ các nhà đầu tư chân chính trong và ngoài nước.

Bốn là, áp dụng chuẩn mực Basel II, hướng tới Basel III. Qua việc áp dụng chuẩn mực Basel II, III sẽ nâng cao giá trị của ngân hàng thương mại, thu hút được các nhà đầu tư trong và ngoài nước giúp cho các ngân hàng thương mại nhà nước thoái vốn thuận lợi hơn, thu từ thoái vốn lớn hơn. Bên cạnh đó các ngân hàng thương mại nhà nước kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài cũng thuận lợi hơn.

Năm là, nâng cao trình độ quản lý, công nghệ và chất lượng sản phẩm dịch vụ. Các nhà quản trị ngân hàng thương mại nội địa cần chú trọng đầu tư công nghệ mới, thực hiện đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ nhân viên để nâng cao chất lượng dịch vụ, giảm chi phí, giảm thiểu rủi ro để có thể cạnh tranh trực tiếp với các ngân hàng thương mại nước ngoài có tiềm lực mạnh về vốn, công nghệ và trình độ quản lý.

Tài liệu tham khảo:

  1. Lâm Chí Dũng và Võ Hoàng Diễm Trinh (2020). Tác động của cấu trúc sở hữu đến khả năng sinh lời của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tạp chí ngân hàng, số 6/2020;
  2. Sơn, N. H. (2014). Tác động của quan hệ sở hữu đến kết quả hoạt động của ngân hàng-Phân tích kiểm chứng ở Việt Nam;
  3. Farrell, M. J. (1957). The measurement of productive efficiency. Journal of the Royal Statistical Society: Series A (General), 120(3), 253-281;
  4. Micco, A., Panizza, U., & Yanez, M. (2007). Bank ownership and performance. Does politics matter?. Journal of Banking & Finance, 31(1), 219-241.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2024