Tài chính cách mạng Việt Nam: 70 năm đồng hành cùng đất nước

ĐINH TIẾN DŨNG, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính

Năm 2015, hòa chung trong không khí vui mừng, phấn khởi của cả nước hướng tới kỷ niệm 40 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 70 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, ngành Tài chính Việt Nam đã tích cực, chủ động hoàn thành thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ của Kế hoạch 5 năm 2011 - 2015 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, thi đua sôi nổi lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn của dân tộc và 70 năm thành lập ngành Tài chính.

Ngành Tài chính vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh
Ngành Tài chính vinh dự và tự hào đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh

Gìn giữ nét son truyền thống

Ngày 28/8/1945 là mốc son ghi dấu sự ra đời của ngành Tài chính cách mạng Việt Nam và ngày này hằng năm đã trở thành ngày truyền thống để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành kế thừa và viết tiếp những trang sử vẻ vang, hào hùng, giữ vững, phát triển nền tài chính quốc gia vì sự nghiệp dân giàu nước mạnh, vì sự trường tồn của đất nước.

Ngay sau khi chính quyền cách mạng được thành lập, trong bối cảnh đất nước gặp muôn vàn khó khăn, ngân khố quốc gia gần như trống rỗng, nhiệm vụ cấp bách lúc này là phải huy động mọi nguồn lực tài chính để đáp ứng các nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng của Chính phủ, góp phần bảo vệ và củng cố chính quyền cách mạng mới thành lập. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngành tài chính đã xây dựng hệ thống chính sách tài chính theo quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào dân, phục vụ nhân dân, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia, vừa phù hợp quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân.

Để giải quyết những yêu cầu cấp thiết và hiện thực hóa các quan điểm nêu trên, ngành Tài chính đã tiến hành cải cách hệ thống thuế cũ, bãi bỏ các thứ thuế bất hợp lý và xây dựng một chế độ thuế mới. Đồng thời, khơi dậy và phát huy lòng yêu nước, sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, kêu gọi nhân dân tự nguyện đóng góp xây dựng Quỹ độc lập, Tuần lễ vàng, Hũ gạo kháng chiến, Quỹ mùa đông binh sĩ, Quỹ bình dân học vụ... để góp công sức, tiền vàng ủng hộ nền độc lập tự do, góp phần vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước.

Để chủ động về mặt tài chính, khẳng định chủ quyền và sự độc lập về chính trị, kinh tế - xã hội của Nhà nước cách mạng, ngành tài chính đã phát hành thành công đồng tiền tài chính Việt Nam hay còn gọi là “giấy bạc Cụ Hồ” trên cả ba miền bắc - trung - nam vừa làm vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả trên mặt trận kinh tế, tài chính, tín dụng, tiền tệ, vừa đáp ứng nhu cầu chi tiêu của đất nước, góp phần xây dựng nền móng vững chắc cho tài chính Việt Nam độc lập, tự chủ.

Trước sự phát triển và yêu cầu ngày càng lớn của công cuộc kháng chiến kiến quốc, ngành tài chính chủ động xây dựng và thi hành chính sách tăng thu, giảm chi, chuyển từ chính sách động viên chủ yếu dựa vào tự nguyện sang động viên theo nghĩa vụ thông qua thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp.

Năm 1953, lần đầu tiên sau Cách mạng Tháng Tám, ngân sách nhà nước (NSNN) đã bội thu 16%, tạo điều kiện thuận lợi thực hiện “lệnh tổng động viên, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”. Nhờ triển khai tích cực các chính sách thuế, ngành Tài chính đã huy động được nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, đáp ứng nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền bắc.

Tiếp tục phát huy tư tưởng tài chính dựa vào sức dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, ngành Tài chính đã vận dụng sáng tạo, linh hoạt quan điểm lấy dân làm gốc, dựa vào nhân dân và phát triển thành một hình thức tài chính độc đáo, đặc sắc riêng ở miền nam là tài chính tại chỗ. Cách mạng miền nam đã có những hoạt động tài chính thích hợp với từng giai đoạn để cùng với sự chi viện của Trung ương, của miền bắc, huy động mọi nguồn lực tài chính tại chỗ của nhân dân nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu hoạt động đấu tranh của các lực lượng cách mạng miền nam.

Sự nghiệp tài chính ở cả hai miền bắc - nam trong thời kỳ xây dựng CNXH ở miền bắc và đấu tranh giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1955 - 1975) đã phục vụ có hiệu quả công cuộc bảo vệ miền bắc XHCN, chi viện ở mức cao nhất sức người, sức của cho đồng bào miền nam ruột thịt, góp phần xứng đáng tạo nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước.

Trong giai đoạn 1976 - 1985, các mặt hoạt động của ngành Tài chính cách mạng Việt Nam hướng đến mục tiêu làm chủ các nguồn lực để bảo đảm thực hiện đường lối phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng mối quan hệ hợp lý giữa tiêu dùng và tích lũy, bảo đảm giữ gìn an ninh và củng cố quốc phòng, tái sản xuất mở rộng không ngừng.

Tiên phong trong đổi mới và hội nhập

Thành tựu đổi mới của đất nước phần nào cho thấy sự đồng hành tận tụy của ngành tài chính trong suốt 70 năm qua bằng tinh thần “cần, kiệm, liêm, chính”. Đổi mới đã bắt đầu từ tài chính và tiếp tục lấy tài chính làm nguồn lực để thực hiện công cuộc đổi mới, cải cách kinh tế. Những chính sách tài chính mới mà ngành Tài chính tham mưu với Đảng, Quốc hội và Chính phủ đều lấy lợi ích của quốc gia, của nhân dân làm trọng.

Giai đoạn 1986 - 2000, mọi đổi mới trong chính sách tài chính, giải pháp và phương thức hoạt động của ngành Tài chính đều tập trung thực hiện yêu cầu phục vụ tốt nhất cho chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, huy động tốt nhất mọi tiềm năng trong nước, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi thu hút nguồn lực bên ngoài cho đầu tư phát triển sản xuất, củng cố và ổn định nền tài chính quốc gia, mang lại cho nền kinh tế sự phát triển ổn định và năng động.

Thời kỳ này, ngành Tài chính đã tiến hành hai bước đột phá trong cải cách hệ thống chính sách thuế, tạo kết quả tích cực, giúp thu NSNN tăng nhanh qua các năm... Đặc biệt, kể từ năm 1992, đất nước ta chấm dứt việc phát hành tiền để bù đắp thâm hụt NSNN, thay vào đó là thực hiện huy động các nguồn lực trong nước và nước ngoài bằng nhiều hình thức như phát hành trái phiếu Chính phủ, tín phiếu kho bạc, trái phiếu công trình…

Thực hiện chủ trương mở cửa, đẩy nhanh quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, hệ thống tài chính chủ động, tích cực cải cách để củng cố, phát triển và đáp ứng kịp thời yêu cầu của quá trình hội nhập toàn diện với khu vực và thế giới. Những thành công của chính sách thu hút vốn ODA, FDI, chính sách vay và trả nợ nước ngoài… đã góp phần quan trọng trong việc tạo tiền đề mở đường và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng của đất nước.

Trong giai đoạn 2001 - 2015, nền tài chính cách mạng Việt Nam bước vào thời kỳ hiện đại hóa và hội nhập quốc tế toàn diện. Công tác tài chính tiếp tục được đổi mới để trở thành công cụ sắc bén trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên tối đa mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển, nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh...

Với mục tiêu xây dựng nền tài chính quốc gia lành mạnh và minh bạch, toàn ngành tài chính đã quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của ngành trong giai đoạn 2011 - 2015 và đạt được một số thành tựu rõ nét:

Một là, hệ thống pháp luật, chính sách tài chính về quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, thuế, hải quan, thị trường chứng khoán, bảo hiểm, giá cả, dự trữ nhà nước, tài chính doanh nghiệp, tài sản công... tiếp tục được đổi mới, hoàn thiện đồng bộ đáp ứng yêu cầu của Đảng là “xây dựng đồng bộ thể chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”.

Hai là, tiềm lực tài chính quốc gia ngày càng được củng cố và lớn mạnh. Tổng chi NSNN giai đoạn 2011 - 2015 đạt mức bình quân 28,4% GDP, bảo đảm các chính sách chi theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội. An ninh tài chính được giữ vững với mức bội chi ngân sách trong phạm vi kiểm soát, dư nợ chính phủ, nợ nước ngoài trong giới hạn cho phép đã góp phần ổn định cân đối vĩ mô và các cân đối lớn của Nhà nước.

Ba là, ngành Tài chính tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, tham gia có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương, đa phương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Bốn là, hệ thống thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính được hình thành và phát triển. Cơ cấu, quy mô, phạm vi hoạt động được mở rộng và đáp ứng ngày càng hiệu quả hơn các yêu cầu về phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH và hội nhập quốc tế toàn diện.

Viết tiếp những trang sử hào hùng

Thành công của hoạt động tài chính - NSNN trong giai đoạn 2011 - 2015 đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để ngành tài chính phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo. Quá trình hội nhập kinh tế, tài chính sâu rộng và toàn diện sẽ mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng đặt ra cho ngành tài chính không ít khó khăn, thách thức.

Do vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành tài chính cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo động lực mạnh mẽ trong toàn ngành, quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ chính trị của Ngành như:

Thứ nhất, cải cách thể chế tài chính theo hướng bền vững, đồng bộ, hiện đại, phù hợp với nguyên tắc và quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN tạo động lực đủ mạnh cho các chủ thể tham gia lao động, thực hiện tiết kiệm, đầu tư, tiêu dùng lành mạnh; khuyến khích đầu tư, mở rộng sản xuất - kinh doanh; thiết lập môi trường kinh tế - xã hội an toàn, ổn định với hệ thống an sinh xã hội bền vững; đồng thời bảo đảm vai trò của Nhà nước trong điều tiết, định hướng nền kinh tế.

Thứ hai, xử lý tốt mối quan hệ giữa tích lũy và tiêu dùng, giữa tiết kiệm và đầu tư; tiếp tục có chính sách khuyến khích huy động tối đa nguồn lực. Duy trì tỷ lệ động viên vào NSNN ở mức hợp lý, trên cơ sở xử lý hài hòa các lợi ích Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Thứ ba, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính công, đặc biệt nguồn vốn từ ngân sách nhà nước; tiếp tục cơ cấu lại NSNN theo hướng ưu tiên chi đầu tư cho phát triển con người, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, xây dựng và củng cố hệ thống an sinh xã hội.

Thứ tư, bảo đảm an ninh, an toàn tài chính quốc gia; cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước; duy trì dư nợ chính phủ và nợ quốc gia trong giới hạn quy định; tăng cường dự trữ nhà nước, bảo đảm đáp ứng kịp thời các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Thứ năm, phát triển đồng bộ thị trường tài chính, mở rộng và đa dạng hóa các hình thức hoạt động trên thị trường để khơi thông, động viên các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển kinh tế - xã hội; tập trung phát triển thị trường chứng khoán ổn định, hoạt động hiệu quả, vận hành an toàn, trong đó quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP và dư nợ thị trường trái phiếu đạt 30% GDP vào năm 2020. Thị trường bảo hiểm phát triển lành mạnh, ổn định, tổng doanh thu ngành bảo hiểm đạt 3 - 4% GDP vào năm 2020.

Thứ sáu, chủ động và tích cực hội nhập và hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tài chính nhằm nâng cao vị thế của Việt Nam trên các diễn đàn hợp tác khu vực và quốc tế như ASEAN, ASEAN+3, APEC, ASEM, EAS, G20... Mở rộng đối thoại chính sách và trao đổi kinh nghiệm về tài chính - tiền tệ với các chính phủ và tổ chức tài chính quốc tế, gắn hợp tác quốc tế với yêu cầu hiện đại hóa ngành tài chính. Chủ động xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, nhất quán trên cơ sở cam kết về mức độ và lộ trình đã đưa ra.

Trong lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển (28/8/1945 - 28/8/2015), ngành tài chính cách mạng Việt Nam ghi nhận sự cống hiến công sức, tâm huyết của rất nhiều bậc lão thành cách mạng và lớp lớp cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính “vừa hồng, vừa chuyên”. Trong thư gửi cán bộ ngành tài chính ngày 20/2/1952, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dành cho ngành Tài chính lời dạy lớn, còn nguyên giá trị đến hôm nay: “… Cần phải ra sức học tập quản lý tài sản quốc gia mà ngành mình phụ trách. Đồng thời phải trau dồi đạo đức cách mệnh: chí công vô tư, cần, kiệm, liêm, chính…”. Lời dạy của Người đã trở thành kim chỉ nam cho hành động của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức ngành tài chính ngay từ thời kỳ đầu thành lập cho đến bây giờ và mãi mãi về sau. Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ tài chính phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Tự hào và phát huy truyền thống vẻ vang trong 70 năm trưởng thành cùng đất nước, nhận thức rõ vai trò và nhiệm vụ trong giai đoạn mới, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính quyết tâm tranh thủ các điều kiện thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, xứng đáng với sự tin cậy của Ðảng, Nhà nước và nhân dân.

Mỗi cán bộ tài chính Việt Nam nguyện xứng đáng hơn nữa với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với truyền thống hào hùng, tốt đẹp của Ngành, luôn phấn đấu rèn luyện, giữ vững phẩm chất chính trị và đạo đức cách mạng, chung sức chung lòng đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển của đất nước ngang tầm khu vực và thế giới, trở thành nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh như ước nguyện lúc sinh thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh.