4 vấn đề cần quan tâm để thu hút vốn FDI

Theo GS.,TSKH. Nguyễn Mại/nhadautu.vn

Phục hồi và phát triển kinh tế, bao gồm thu hút FDI tùy thuộc vào việc thực hiện các chủ trương và giải pháp đã được ban hành, cũng như xem xét, lựa chọn bổ sung thêm các giải pháp phù hợp với tình hình mới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Triển vọng

Đầu tháng 9 vừa qua, 14 hiệp hội doanh nghiệp, tiếp đó Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN, EuroCham, AmCham, KoCham đã gửi kiến nghị đến Thủ tướng Chính phủ, đề xuất các giải pháp khá toàn diện để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh trong đó có FDI.

Dẫn số liệu từ các cuộc khảo sát mà các hiệp hội đã thực hiện, kết quả cho thấy ít nhất 20% thành viên sản xuất đã chuyển một số hoạt động sản xuất sang nước khác. Bản kiến nghị của các hiệp hội cảnh báo: “Việt Nam đang bỏ lỡ những cơ hội đầu tư có thể không quay trở lại. Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội lớn để tận dụng đa dạng hóa chuỗi cung ứng đi từ Trung Quốc nếu không thể chứng minh đây là một sự thay thế đáng tin cậy. Để duy trì khả năng cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu, kể cả so với Malaysia, Indonesia và Thái Lan, Việt Nam cần phải hành động ngay từ bây giờ”.

Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn các bộ, ngành ở trung ương, chính quyền địa phương cần rút kinh nghiệm trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống dịch và phục hồi hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp, không lặp lại những mệnh lệnh hành chính gây thêm khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh, làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm, tăng thêm chi phí sản xuất, làm giảm năng lực cạnh tranh của sản phẩm.

Các doanh nghiệp FDI và nhà đầu tư nước ngoài chờ đợi sự chuyển biến đích thực môi trường đầu tư và kinh doanh tại các địa phương đã bị phong tỏa trên diện rộng. Nếu tạo ra sự chuyển biến rõ rệt với sự hỗ trợ của chính quyền địa phương thì quá trình phục hồi, tăng trưởng kinh tế sẽ diễn ra nhanh chóng, bởi vì phần lớn doanh nghiệp đã chủ động chuyển đổi, nâng cấp, tạo ra điều kiện cần thiết để thích ứng với trạng thái bình thường mới.

Mặc dù đại dịch COVID-19 đang tác động tiêu cực đến dòng vốn FDI toàn cầu nhưng đã xuất hiện những tín hiệu tích cực về khả năng thu hút FDI vào Việt Nam. Có thể kể ra 3 điển hình từ Châu, Mỹ và Châu Á.

Vừa qua, đại diện tập đoàn AT&S của Áo đã đi khảo sát nhiều địa phương ASEAN, trong đó có tỉnh Thái Nguyên của Việt Nam để tìm kiếm địa điểm xây dựng nhà máy trị giá 1,8 tỷ USD.

Trong khuôn khổ chuyến công du tại Mỹ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa các doanh nghiệp Việt Nam với Tập đoàn Quantum (Mỹ).

Quantum cam kết đóng góp cho quá trình xây dựng, phát triển Việt Nam chuỗi các dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 20 tỷ USD như Nhà máy điện Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) khoảng 5 tỷ USD); dự án logistics tại Vũng Tàu và xây dựng tuyến đường sắt từ Vũng Tàu kết nối Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM; dự án logistics phía Bắc Việt Nam từ Lạng Sơn đến Hà Nội và Hải Phòng. Quantum cũng có ý định đầu tư xây dựng hạ tầng tại Việt Nam như đường cao tốc, xây dựng cầu, viễn thông, bất động sản công nghiệp, đầu tư tài chính và thị trường chứng khoán Việt Nam, xây dựng trung tâm công nghệ sản xuất vaccine ngừa Covid-19 tại Việt Nam.

Ông Ramesh Babu, Chủ tịch Tập đoàn dược phẩm SMS của Ấn Độ bày tỏ ý muốn của một số doanh nghiệp dược phẩm Ấn Độ hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam xây dựng Công viên phần mềm dược phẩm, làm “đòn bẩy chiến lược” để Việt Nam trở thành cứ điểm nghiên cứu, phát triển và sản xuất dược phẩm hàng đầu ASEAN. Một dự án đầu tiên với vốn đầu tư khoảng 500 triệu USD đang được hai bên xúc tiến đầu tư.

4 vấn đề cần quan tâm

Đồng tình với kiến nghị của các hiệp hội gửi Thủ tướng Chính phủ, tôi muốn nhấn mạnh bốn vấn đề:

1) Các cơ quan nhà nước cần làm tròn chức năng, nhiệm vụ của mình theo hướng chính phủ kiến tạo, hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; tôn trọng, không can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp bằng mệnh lệnh hành chính như thực hiện “ba tại chỗ”, phải trình kế hoạch sản xuất, kinh doanh cho UBND phường; bởi vì chủ doanh nghiệp là người hàng ngày vừa lo phòng, chống dịch, đồng thời ổn định sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập cho người lao động. Họ phải được quyền quyết định làm thế nào có lợi nhất cho doanh nghiệp, đồng thời thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch.

2) Cũng như nhiều nước, đến nay Việt Nam đã xác định không thể loại bỏ được dịch Covid-19, mà phải sống chung an toàn với dịch để có giải pháp dài hạn, trong đó sản xuất, nhập khẩu, tiêm vắc xin phòng dịch được coi là giải pháp quan trọng nhất, đồng thời coi trọng sản xuất và nhập khẩu thuốc phòng, chống dịch để điều trị cho người bị nhiễm. Các doanh nghiệp rất mong được tiêm vắc xin càng sớm càng tốt cho người lao động để bảo đảm an toàn trong hoạt động; tự xét nghiệm để giảm chi phí và thời gian.

3) Nước ta đã bắt đầu thực hiện một số FTA thế hệ mới như CPTPP, EVFTA với nhiều ưu đãi lớn, tạo cơ hội để gia tăng kim ngạch xuất khẩu và thu hút vốn FTA theo hướng chuyển dịch nhanh chóng từ doanh nghiệp vừa và nhỏ là chủ yếu sang các tập đoàn kinh tế lớn, nhất là tốp 500 TNCs đứng đầu thế giới; vừa tiếp tục coi trong đầu tư từ Châu Á, vừa tận dụng FTA mới để có nhiều hơn dự án FDI quy mô lớn từ Mỹ, Châu Âu. Các bộ cần hợp tác với hiệp hội doanh nghiệp để đề ra định hướng, giải pháp đồng bộ, tranh thủ tốt hơn cơ hội mới.

4) Nghiêm túc đối chiếu với Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị để đổi mới nhanh và đồng bộ hoạt động quản lý nhà nước từ hoàn thiện thể chế, luật pháp, xúc tiến đầu tư, thẩm định và phê duyệt dự án, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai dự án và đánh giá hiệu quả kinh tế- xã hội của khu vực FDI theo hướng Chính phủ số, doanh nghiệp số, hình thành hệ thống thông tin về FDI hiện đại để cập nhật chính xác diễn biến tình hình đầu tư mới, vốn thực hiện, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đóng góp cho ngân sách nhà nước.

Đất nước đang chuyển sang trạng thái bình thường mới đòi hỏi phải có các quyết sách nhanh hơn và có kết quả hơn, để Việt Nam tiếp tục được coi là điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư quốc tế.