6 yếu tố then chốt giúp tăng năng suất chất lượng sản phẩm

Nguyễn Linh

Nhiều chuyên gia đã chỉ ra có 6 yếu tố giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa được xem là yếu tố sống còn quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp. Để giúp các doanh nghiệp nâng cao năng suất, các chuyên gia đã chỉ ra 6 yếu tố quan trọng nhất:

Một là, quản lý thượng nguồn: Mục đích của quản lý chất lượng là đảm bảo chất lượng của sản phẩm (bao gồm cả dịch vụ) khi đưa đến tay khách hàng. Vì vậy, đối tượng của quản lý chất lượng chính là chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, sản phẩm được tạo ra qua nhiều công đoạn nên đối tượng quản lý trực tiếp chính là tất cả các công đoạn tạo ra sản phẩm.

Hai là, trong quản lý chất lượng, suy nghĩ “dùng dữ liệu để thể hiện đồ vật” luôn được coi trọng. Vì thế, trước khi tiến hành lấy dữ liệu, doanh nghiệp cần làm rõ mục đích và phải lấy dữ liệu phù hợp với mục đích đã đưa ra ban đầu. Trong quản lý chất lượng có hai loại dữ liệu thường được sử dụng là dữ liệu số và dữ liệu ngôn ngữ. Do dữ liệu số thể hiện được rõ ràng cũng như khách quan hiện thực nên thường được sử dụng trong các phương pháp phân tích.

Ba là, QCD+PSME. Đây chính là 7 yếu tố chủ yếu trong công xưởng sản xuất, cũng là các yếu tố được nhiều công ty lựa chọn để quản lý.

Bốn là, tập trung vào trọng điểm. Nếu chỉ tập trung vào những vấn đề đơn giản nhìn thấy ngay thì sẽ không thể giải quyết tận gốc vấn đề. Thay vào đó, xếp những vấn đề khó nhưng có ảnh hướng lớn tới kết quả vào vị trí ưu tiên cao, rồi tiến hành giải quyết lần lượt từ trên xuống dưới.

Năm là, quản lý dựa trên sự thực. Chính là những việc xảy ra trong thực tế hay những việc đang xảy ra ở hiện tại. Trong quản lý chất lượng, suy nghĩ và phán đoán nên dựa trên sự thực, tránh những suy nghĩ cảm tính, chủ quan.

Sáu là, trực quan hoá. Điều này được định nghĩa là phương pháp biểu thị các loại thông tin một cách trực quan thông qua việc sử dụng biểu đồ hoặc đồ thị nhằm mục đích chia sẻ thông tin để sớm phát hiện cũng như giải quyết vấn đề. Trực quan hoá được kì vọng mang lại những hiệu quả như: Sớm phát hiện và giải quyết vấn đề; Công khai, chia sẻ thông tin nhằm thúc đẩy hoạt động kaizen một cách tự giác; Hiện thực hoá vấn đề để đưa ra phương án chống tái phát.