Doanh nghiệp chuẩn bị gì để chuyển đổi số?

Theo Việt Anh/baodauthau.vn

Tại Diễn đàn Chính sách với chủ đề: “Dữ liệu lớn (Big data) trong kinh tế và quản lý” diễn ra sáng 2/4, tại Hà Nội, nhiều ý kiến cho rằng, doanh nghiệp (DN) Việt Nam đang có cơ hội lớn với chuyển đổi số. Bởi Big data có thể đưa dữ liệu DN thành kho báu, ở đó người kinh doanh có thể khai thác để vạch ra cho DN những chiến lược, giải pháp kinh doanh phù hợp.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Nhiều DN quan tâm Big data

Ông Nguyễn Hoàng Thao, Trưởng bộ phận phân tích bán lẻ, Nhóm định lượng thuộc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho biết, việc quản lý dữ liệu trong ngân hàng có vai trò quan trọng nhất vì dữ liệu chiếm tỷ lệ lớn (70%) trong hoạt động của ngân hàng. Cách đây 6 năm, Vietcombank thành lập Nhóm định lượng chuyên phân tích dữ liệu phục vụ hoạt động kinh doanh như: DN có đang cung cấp đúng những dịch vụ mà khách hàng mong muốn; khách hàng có hài lòng về trải nghiệm khi mua dịch vụ của DN… Gần đây, Vietcombank cũng thuê tổ chức tư vấn lớn nhất thế giới hướng dẫn về mô hình chấm điểm khách hàng, thực hiện các bước phân tích dữ liệu, quy trình phân tích dữ liệu một cách chuyên nghiệp.

Cũng theo ông Thao, không chỉ Vietcombank quan tâm đến sử dụng Big data phục vụ hoạt động kinh doanh mà nhiều DN Việt Nam, nhất là các DN lớn đang rất quan tâm đến vấn đề này. Lý do là, Big data trở thành công cụ giúp DN phân tích các vấn đề của DN, của thị trường, từ đó đưa ra những chiến lược, giải pháp kinh doanh phù hợp, hiệu quả.

Nắm bắt được xu thế này, tháng 9/2019, Công ty Công nghệ Firstlink chuyên thiết kế Big data đã được thành lập. Ông Trần Quang Tân, Tổng giám đốc Firstlink cho biết, Việt Nam có rất nhiều tiềm năng về Big data để đưa dữ liệu công ty thành kho báu giúp DN phát triển kinh doanh.

Bàn thêm về tiềm năng của Big data, bên lề Diễn đàn, PGS.TS. Đào Văn Hùng, Giám đốc Học viện Chính sách và Phát triển thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: “Việt Nam có nhu cầu lớn ứng dụng Big data phục vụ sản xuất kinh doanh. Lý do là, đất nước ta có gần 100 triệu dân, nền kinh tế phát triển năng động với mức tăng trưởng kinh tế cao, và đặc biệt được đánh giá có tiềm năng phát triển tốt trong thời gian tới. Bản thân con người Việt Nam thông minh, kỹ năng toán học, phân tích rất tốt… Đây là những nền tảng quan trọng để Việt Nam bứt lên trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0)”.

Khởi đầu từ đâu?

Khẳng định Big data là một “kho báu” với phát triển kinh tế, GS. Hồ Tú Bảo, Viện trưởng Viện John von Neumann, thành viên Viện Nghiên cứu cao cấp về toán cho rằng, ẩn trong khối dữ liệu khổng lồ là kiến thức có thể thay đổi thế giới chúng ta. Song trên thực tế, các DN Việt Nam đang gặp không ít thách thức trong quá trình chuyển đổi số. Để giúp các DN xây dựng dữ liệu phục vụ phát triển kinh tế và quản lý, GS. Hồ Tú Bảo khuyến nghị, trước hết, các DN cần nhận thức rất rõ về Big data, từ đó có giải pháp phát triển phù hợp. Cùng với đó, Việt Nam cần tăng cường đào tạo đội ngũ nhân lực phục vụ cuộc cách mạng số.

Chung góc nhìn với GS. Hồ Tú Bảo, GS. Đào Văn Hùng cho biết: “Big data là ngành khoa học mới cả trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Việt Nam đang rất thiếu nhân lực về Big data”.

Theo GS. Hùng, Big data kết hợp cả 3 lĩnh vực toán - công nghệ - kinh doanh. Tuy nhiên, từ trước tới nay, chúng ta đào tạo chuyên biệt về toán, hay công nghệ, hay kinh doanh mà chưa có gắn kết, giao thoa. Do đó, nếu kết hợp tốt trong đào tạo nhân lực phục vụ CMCN 4.0 với mong muốn xây dựng những cơ sở dữ liệu hữu ích, phục vụ phát triển thì Việt Nam hoàn toàn có thể vượt lên trong cuộc cách mạng số. Với tầm nhìn này, dự kiến trong năm học 2019 - 2020, Học viện Chính sách và Phát triển sẽ có thêm chuyên ngành đào tạo Phân tích dữ liệu lớn trong kinh tế và kinh doanh.

Đối với vấn đề kiểm soát rủi ro trong Big data, ông Trần Quang Tân nhìn nhận: Dữ liệu lớn không có nghĩa là bảo mật yếu. Rủi ro về bảo mật chỉ xảy ra khi người xây dựng không có sự quan tâm, “nhắm mắt làm bừa”...