EVFTA: Đòn bẩy thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch

Theo PV/dangcongsan.vn

Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu - Việt Nam (EVFTA) có hiệu lực từ năm 2021 tiếp tục là đòn bẩy thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội và sức cạnh tranh cao hơn tại thị trường Đan Mạch.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Đan Mạch đạt khoảng 318,53 triệu USD. Trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đan Mạch đạt khoảng 227,2 triệu USD, tăng 53,6%, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Đan Mạch đạt 91,33 triệu USD, giảm 14,1% so với cùng kỳ năm 2021.

Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, trong năm 2021, mặc dù chịu nhiều tác động từ đại dịch COVID-19, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam - Đan Mạch vẫn đạt 842,37 triệu USD, tăng 18% so với năm 2020.

Một số mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Đan Mạch phải kể đến như: hàng dệt, may, hàng thủy sản, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, gỗ và sản phẩm gỗ, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác. Việt Nam nhập khẩu từ Đan Mạch các sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, dược phẩm, sản phẩm hóa chất, hàng thủy sản, sản phẩm từ sắt thép…

Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Na Uy, Iceland, và Latvia, Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ năm 2021 đã mang lại tác động tích cực cho hai nước, tiếp tục thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam – Đan Mạch, giúp mở rộng hơn nữa thị trường cho hàng xuất khẩu Việt Nam. Hàng hóa của Việt Nam sẽ có cơ hội và sức cạnh tranh cao hơn ở thị trường EU nói chung và Đan Mạch nói riêng.

Đối với đầu tư, Đan Mạch tiếp tục vươn lên vị trí thứ ba trong các nước đầu tư vào Việt Nam lớn nhất từ đầu năm 2022 đến nay với 3 dự án mới có tổng vốn đăng ký đạt 1,32 tỷ USD. Hiện nay, các doanh nghiệp Đan Mạch đang rất quan tâm đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực Đan Mạch có thế mạnh như năng lượng tái tạo, nông nghiệp, chăn nuôi, chế biến thực phẩm. Cùng với đó, cộng đồng doanh nghiệp Đan Mạch tại Việt Nam bày tỏ mong muốn được quay trở lại và hợp tác với Việt Nam sau khi các biện pháp phòng dịch COVID-19 phần nào được dỡ bỏ.