Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính tại các trường đại học công lập

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1+2 Tháng 2/2020

Để đạt được mục tiêu phát triển giáo dục đại học công lập hiện đại, bên cạnh cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, phát triển nguồn lực tài chính đóng vai trò quan trọng. Phát triển nguồn lực tài chính vừa là mục tiêu, vừa là động lực nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tài chính, tạo động lực thúc đẩy phát triển bền vững tại đại học công lập.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Bài viết khái quát một số kết quả và hạn chế trong quản lý nguồn lực tài chính tại các trường đại học công lập và đề xuất một số giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính tại các đơn vị này.

Đặc điểm hoạt động quản lý nguồn lực tài chính tại các trường đại học công lập

Nguồn lực tài chính là các nguồn tiền tệ hoặc giá trị tài sản mà các chủ thể có thể khai thác, sử dụng nhằm đạt được các mục đích nhất định. Căn cứ theo chủ thể cung cấp, nguồn lực tài chính đại học công lập (ĐHCL) bao gồm nguồn lực do Nhà nước đầu tư và các nguồn lực từ xã hội hóa giáo dục đại học.

Trường ĐHCL là đơn vị sự nghiệp có thu hoạt động trong lĩnh vực giáo dục – đào tạo, là đơn vị dự toán cấp 3, thụ hưởng ngân sách nhà nước thông qua đơn vị dự toán cấp 1. Quản lý nguồn lực tài chính trong các trường ĐHCL là quản lý quá trình huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính thông qua việc lập kế hoạch, tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra kiểm soát hoạt động tài chính của nhà trường theo cơ chế quản lý tài chính của Nhà nước nhằm đảm bảo kinh phí cho việc thực hiện các hoạt động.

 Quản lý nguồn lực tài chính trong các ĐHCL có các đặc điểm chủ yếu sau: (1) Quản lý nguồn lực tài chính của trường ĐHCL không vì mục tiêu lợi nhuận mà hướng tới mục tiêu chủ yếu là giải quyết hài hòa lợi ích của người học, lợi ích của Nhà nước, của xã hội và cả lợi ích tổng thể của nhà trường; (2) Nguồn kinh phí hoạt động của trường ĐHCL phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm đầu ra là sinh viên được đánh giá trên các khía cạnh như: thương hiệu nhà trường, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo; (3) Quản lý nguồn lực tài chính trong các trường ĐHCL có sự phân cấp.

Hiện nay, việc quản lý nguồn lực tài chính tại các trường ĐHCL đang được thực hiện theo Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ thay thế Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về quy định cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và Nghị quyết số 77/NQ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ về việc thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục công lập, giai đoạn 2014-2017.

Giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính tại các trường đại học công lập - Ảnh 1

Kết quả quản lý nguồn lực tài chính tại các trường đại học công lập

Nhà nước đã xác định tự chủ đại học là xu hướng tất yếu và các trường ĐHCL buộc phải thích nghi với môi trường hoạt động mới nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo gắn với nhu cầu xã hội. Cơ chế tự chủ tài chính cho phép các trường ĐHCL tự xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, đây là căn cứ pháp lý để điều hành, quyết toán kinh phí và kiểm soát chi trong các trường ĐHCL nhưng đồng thời, các trường cũng phải chịu nhiều áp lực cạnh tranh vốn có của nền kinh tế thị trường.

Căn cứ vào các số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong giai đoạn 2012-2018, có thể ghi nhận một số kết quả trong việc quản lý nguồn lực tài chính tại các trường ĐHCL như sau:

Về huy động nguồn lực tài chính, phương thức huy động nguồn lực ngày càng đa dạng và cơ cấu nguồn lực tài chính có sự thay đổi tích cực. ĐHCL từ chỗ phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn thu từ ngân sách nhà nước đã chủ động khai thác các nguồn lực tài chính khác bằng cách tăng cường các hoạt động dịch vụ, lao động sản xuất, thực hiện các hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ, thành lập các doanh nghiệp. Tỷ trọng các nguồn thu từ học phí, lệ phí và các hoạt động dịch vụ, lao động - sản xuất tăng lên, còn nguồn tài trợ từ ngân sách nhà nước giảm xuống. Theo đó, đến nay có 23/236 trường ĐHCL thực hiện tự chủ tài chính, tự đảm bảo chi thường xuyên. Các trường ĐHCL khác cũng đang thí điểm tự chủ tài chính, có nhiều đơn vị đã đảm bảo được một phần chi thường xuyên. 

Cách thức phân bổ, sử dụng các nguồn lực tài chính tại các trường ĐHCL cũng có sự thay đổi đáng kể, cụ thể, các trường ĐHCL đã tiến hành sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn và hiệu quả; chủ động ký kết các hợp đồng lao động phù hợp với khối lượng công việc và khả năng tài chính của trường. Các trường đã tiến hành xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ, xây dựng định mức cho việc thanh toán các khối lượng công việc thực hiện trong đào tạo, xây dựng ý thức trách nhiệm của từng cá nhân trong trường về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Các trường cũng đã hoàn thiện công tác hạch toán và công khai minh bạch kết quả tài chính.

Một số tồn tại, hạn chế

Bên cạnh những kết quả đạt được, quản lý nguồn lực tài chính trong các trường (ĐHCL) còn tồn tại một số vấn đề sau:

Thứ nhất, về huy động nguồn lực tài chính. Bản thân các trường ĐHCL chưa xác định chính xác, đầy đủ mục tiêu của tự chủ tài chính, chưa huy động hợp lý các nguồn thu và chưa tận dụng tối đa các nguồn lực tài chính cho đơn vị. Nhiều trường ĐHCL thu vượt, thu sai quy định, làm thu các khoản thu ngoài quy định. Theo Kiểm toán Nhà nước, năm 2019, các trường ĐHCL thu học phí vượt quy định, thu ngoài quy định hơn 14.567 tỉ đồng.

Các nguồn lực tài chính chưa được các trường ĐHCL tận dụng tối đa, ví dụ nguồn thu từ hoạt động nghiên cứu khoa học chưa được quan tâm thích đáng; thiếu đánh giá định lượng về các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách học phí. Vì vậy, phương thức phát triển nguồn lực tài chính từ học phí chủ yếu vẫn là tăng định mức học phí và mở rộng quy mô đào tạo, chưa có những giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nhằm thu hút người học thông qua các yếu tố nội sinh.

Thứ hai, các nguồn lực tài chính được sử dụng chưa thật sự hợp lý. 

Việc quản lý và sử dụng tài sản kém hiệu quả. Hiện nay, vẫn còn tồn tại bộ phận/cá nhân được giao quản lý và sử dụng tài sản có tư tưởng đó là “của chung” dẫn đến lãng phí, thất thoát tài sản. Mặt khác, do hạn hẹp về ngân sách nên hạ tầng cơ sở vật chất kém làm tăng chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, làm giảm hiệu quả sử dụng tài sản. Bên cạnh đó, Nhà nước và ĐHCL còn thiếu chế tài xử lý, gắn trách nhiệm giải trình của các trường và các cơ quan chức năng, dẫn tới việc lập và giao dự toán cho các trường thiếu chính xác, không phù hợp với thực tế.

Các tồn tại hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, cụ thể:

Về phía Nhà nước:

- Tổng thu nhập của Việt Nam còn thấp, chưa thể đáp ứng hết những nhu cầu thực tế trong đầu tư phát triển, giáo dục đào tạo của các trường ĐHCL. Mặt khác, cơ chế phân bổ nguồn lực NSNN vẫn mang tính chất bình quân giữa các cơ sở giáo dục ĐHCL, chưa gắn với các chất lượng và kết quả đầu ra, chưa tạo ra động lực huy động nguồn lực tài chính tại các trường ĐHCL.

- Các trường ĐHCL đang chuyển dần từ phụ thuộc vào NSNN sang chia sẻ chi phí trong toàn xã hội với việc thực hiện thí điểm tự chủ đai học. Do đó, có những vấn đề thực tiễn đặt ra mà chính sách chưa theo kịp. Cơ quan chức năng chưa cập nhật thường xuyên kết quả khảo sát, đánh giá hiệu quả, tác động tích cực của đầu tư NSNN cho hoạt động nghiên cứu khoa học, giáo dục đào tạo, đầu tư phát triển… tại ĐHCL; còn thiếu nhịp nhàng và chặt chẽ của các bộ, ngành trong kiểm tra, giám sát kết quả thực hiện tự chủ tài chính cho ĐHCL.

- Vấn đề khai thác các nguồn lực tài chính khác cũng mới manh nha và bắt đầu triển khai nên chưa hình thành hệ thống chính sách cụ thể, dẫn đến việc huy động nguồn lực của các ngành, các cấp, các tổ chức và cá nhân để phát triển giáo dục ĐHCL còn nhiều khó khăn.

Về phía các trường ĐHCL: 

Nhiều trường ĐHCL chưa nhận thức đầy đủ về nội dung, mục đích và yêu cầu về tự chủ đại học, e ngại trong thay đổi quản lý, trình độ tham mưu của bộ phận cán bộ làm công tác quản lý tài chính - kế toán của các trường ĐHCL còn hạn chế, vẫn còn tâm lý trông chờ vào NSNN. Các trường ĐHCL chưa xây dựng được kế hoạch cụ thể trong vấn đề tự chủ tài chính của đơn vị mình; chưa xây dựng định hướng, kế hoạch cụ thể của riêng mình trong phát triển nguồn lực tài chính, công tác kiểm tra, kiểm soát tại các trường ĐHCL chủ yếu vẫn do các cơ quan cấp trên thực hiện, các đơn vị chưa chủ động trong thực hiện kiểm soát nội bộ.

Giải pháp tăng cường hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính tại đại học công lập

Để tăng cường hiệu quả quản lý nguồn lực tài chính tại các trường ĐHCL, cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:

Thứ nhất, về phía Nhà nước, hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm tạo thuận lợi cho việc huy động và nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn lực tài chính cho ĐHCL.

- Cần xây dựng lộ trình thích hợp và tiến tới tăng cường giao tự chủ cho các cơ sở ĐHCL trên nguyên tắc ĐHCL tự chủ cao trong các lĩnh vực tài chính, bộ máy tổ chức, đào tạo; tăng cường tính giải trình của các ĐHCL và giám sát cao của các cơ quan quản lý.

- Hoàn thiện hệ thống chính sách về phát triển nguồn lực tài chính từ xã hội hóa giáo dục đại học khác, cụ thể: (1) Thể chế hóa việc huy động các nguồn lực tài chính từ xã hội hóa giáo dục đại học; (2) Cần có chủ trương, chính sách nhằm phát triển một số hoạt động mới trong xã hội hóa giáo dục đại học và (3) Hoàn thiện hệ thống chính sách nhằm thu hút đầu tư nước ngoài vào giáo dục ĐHCL.

Thứ hai, các trường ĐHCL cần có những phương án cụ thể, phù hợp với điều kiện nguồn lực hiện có của đơn vị để có những giải pháp tốt nhất trong phát triển, quản lý và sử dụng các nguồn lực tài chính. 

- Nâng cao năng lực tự chủ tài chính trên cơ sở xác định chính xác mục tiêu tự chủ tài chính và thực hiện tự chủ hiệu quả, đúng quy định tại các trường ĐHCL.

- Tăng cường khai thác nguồn lực tài chính từ học phí thông qua các yếu tố nội sinh, như: (1) Cơ sở vật chất; kỹ năng tích lũy cho sinh viên; (2) Vai trò, thái độ của bộ phận điều phối và quản lý; (3) Nội dung chương trình và phương pháp giảng dạy; (4) Chất lượng đội ngũ giảng viên…

- Các cơ sở giáo dục ĐHCL nên thực hiện xây dựng chính sách học phí của riêng mình. Bên cạnh những giải pháp chiến lược, các trường ĐHCL cần có những giải pháp cụ thể về chính sách học phí: (1) Xác định mức học phí cụ thể trên cơ sở uy tín, vị thế và chất lượng đào tạo của trường; (2) Tăng học phí dần dần, có lộ trình phù hợp để đảm bảo sinh viên có kế hoạch tài chính hợp lý; (3) tiếp tục hoàn thiện việc công khai mức thu học phí hàng năm để phụ huynh học sinh cân nhắc lựa chọn trường phù hợp, (4) cải thiện và phát triển hệ thống công cụ hỗ trợ tài chính cho sinh viên.

- Tăng cường khai thác các nguồn lực tài chính khác bên cạnh nguồn lực tài chính từ học phí. Các trường ĐHCL nên tập trung khai thác tốt các nguồn lực tài chính khác thông qua các dịch vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và các hoạt động sự nghiệp khác hướng tới phát triển tài chính bền vững.

- Tăng cường quản lý, kiểm tra, kiểm soát nội bộ. Bộ phận quản lý nội bộ cần có kế hoạch cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát và tổng hợp đánh giá sự phát triển nguồn lực tài chính của ĐHCL.         

Tài liệu tham khảo:

Nghị định số 16/1015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24/10/2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục công lập giai đoạn 2014-2017;

Tự chủ đại học nhìn từ góc độ tự chủ tài chính ở các trường đại học công lập, http://giaoduc.net;

Trương Thị Hiên, Quản lý tài chính tại các trường đại học công lập trực thuộc Bộ Giáo dục&Đào tạo trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, Học viện Tài chính.