Lựa chọn doanh nghiệp nhà nước đưa vào danh mục cổ phần hóa tại TP. Hà Nội

Việt Dũng

Ông Nguyễn Xuân Sáng – Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp, Sở Tài chính TP. Hà Nội khẳng định, trong giai đoạn năm 2021-2025, TP. Hà Nội đã xây dựng kế hoạch cổ phần hóa trên cơ sở bám sát chủ trương, quy định của Đảng, Chính phủ và Quốc hội; đồng thời, rà soát đánh giá vai trò của các doanh nghiệp đối với vị thế, yêu cầu phát triển của Thành phố.

Ông Nguyễn Xuân Sáng – Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp, Sở Tài chính TP. Hà Nội tại Hội thảo..
Ông Nguyễn Xuân Sáng – Chi cục trưởng Chi cục Tài chính Doanh nghiệp, Sở Tài chính TP. Hà Nội tại Hội thảo..

Cơ sở pháp lý lựa chọn các doanh nghiệp nhà nước đưa vào kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn năm 2021-2025

Tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” tổ chức sáng ngày 17/5, ông Nguyễn Xuân Sáng cho biết, trong quá trình lựa chọn các doanh nghiệp nhà nước đưa vào danh mục cổ phần hóa kế hoạch năm 2021-2025, TP. Hà Nội đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc các văn bản pháp lý và chủ trương chung của Đảng, Nhà nước. Đồng thời, quán triệt và thực hiện nghiêm Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 02/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ ban hành về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, các doanh nghiệp nhà nước được lựa chọn đưa vào danh mục cổ phần hóa phải đáp ứng điều kiện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất; phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa theo quy định; đã xử lý dứt điểm các tồn tại, vướng mắc về tài chính, tài sản, công nợ theo chế độ quy định và còn vốn nhà nước; thuộc Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng giai đoạn...

Đặc biệt, TP. Hà Nội quán triệt sâu sắc Báo cáo số 324-BC/ĐĐQH15 ngày 03/11/2021 của Đảng đoàn Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; Báo cáo số 350/BC-UBKT15 ngày 21/10/2021 của Ủy ban Kinh tế Quốc hội về tình hình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần; trong đó có kiến nghị đối với Kế hoạch tổng thể sắp xếp các doanh nghiệp nhà nước thuộc TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 tại mục 3, phần II.

Theo đó, đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, tiếp tục làm đại diện chủ sở hữu tại: (i) Các doanh nghiệp thuộc đối tượng nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ theo quy định tại Quyết định số 22/2022/QĐ-TTg về tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn giai đoạn 2021- 2025; (ii) Các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước hoạt động trong lĩnh vực cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công hoặc sản phẩm có tính đặc thù (như cung cấp nước sạch, thoát nước, chiếu sáng đô thị, vận tải hành khách công cộng, duy trì hệ thống công viên, cây xanh...) có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm mục tiêu an sinh xã hội, an ninh chính trị, an toàn sức khoẻ cho người dân, ổn định xã hội trên địa bàn thành phố.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện sắp xếp lại các nông, lâm trường theo quy định tại Nghị định số 118/2014/NĐ-CP của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp. Đối với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh không hiệu quả, có tồn tại, vướng mắc lớn về tài chính, tài sản: thực hiện các hình thức sắp xếp khác như bán doanh nghiệp, phá sản, giải thể, sáp nhập...

Đối với các doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, chưa thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư đối với các doanh nghiệp có hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công hoặc có tính đặc thù về lịch sử, văn hoá. Đối với các doanh nghiệp không có khó khăn, vướng mắc hoặc đã đủ điều kiện thoái vốn thì tiếp tục đề xuất thực hiện thoái toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp do nhà nước đầu tư vốn được phê duyệt.

Rà soát đánh giá toàn diện vai trò của các doanh nghiệp đối với vị thế, yêu cầu phát triển của Thành phố

Chia sẻ về thực tiễn, đặc thù của TP. Hà Nội trong xác định danh mục các doanh nghiệp nhà nước đưa vào Kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025, ông Nguyễn Xuân Sáng cho biết, cùng với việc quán triệt và bám sát các chủ trương, chỉ đạo và cơ sở pháp lý nêu trên, việc lựa chọn doanh nghiệp nhà nước đưa vào Kế hoạch cổ phần hóa giai đoạn 2021-2025 của Thành phố còn xuất phát từ vị thế và yêu cầu phát triển của Thủ đô Hà Nội. Trong đó, đặc biệt là yêu cầu đảm bảo duy trì và cung cấp ổn định, có chất lượng các sản phẩm, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công trên địa bàn, đảm bảo an sinh, xã hội, an ninh chính trị; gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa, giá trị lịch sử, giá trị kiến trúc; góp phần thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố trong giai đoạn 2021-2025.

Việc đưa các doanh nghiệp đặc thù, như cấp, thoát nước, công viên, cây xanh, vận tải công cộng... vào danh mục cổ phần hóa, trong khi tại địa phương, các doanh nghiệp tư nhân chưa đáp ứng yêu cầu về cung cấp dịch vụ sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội. Bởi vậy, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần căn cứ tiêu chí phân loại doanh nghiệp cùng với kết quả rà soát và tiến độ xử lý các vấn đề về đất đai, tài chính và tài sản của doanh nghiệp để chủ động quyết định thời điểm thực hiện cổ phần hóa đảm bảo tính khả thi, phù hợp tình hình thực tế và đạt hiệu quả cao nhất theo cơ chế thị trường.

Đồng thời, việc lựa chọn các doanh nghiệp nhà nước đưa vào kế hoạch cổ phần hóa 2021-2025 còn cần bảo đảm các điều kiện và tính khả thi phù hợp với tình hình thực tế doanh nghiệp; đảm bảo doanh nghiệp tập trung vào lĩnh vực kinh doanh chính, lành mạnh về tài chính và cung cấp sản phẩm, dịch vụ công có chất lượng.

Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp thuộc UBND TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025

Tại thời điểm ngày 01/01/2021, TP. Hà Nội có 56 doanh nghiệp, gồm 27 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và 29 doanh nghiệp có vốn nhà nước. Thành phố đã lập kế hoạch sắp xếp lại các DN này giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, đối với nhóm 27 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, Thành phố sẽ cổ phần hóa 02 doanh nghiệp; thực hiện phá sản và sáp nhập 05 doanh nghiệp; chưa cổ phần hóa 20 doanh nghiệp, gồm: 07 doanh nghiệp thuộc đối tượng nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và 13 doanh nghiệp có vai trò tích cực trong lĩnh vực cung ứng dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công hoặc trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh của Thành phố.

Đối với 29 doanh nghiệp có vốn nhà nước đầu tư, Thành phố thực hiện rà soát, đánh giá, nhận định, đề xuất giải quyết tồn tại, vướng mắc để tổ chức thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 đối với 23 doanh nghiệp không thuộc đối tượng nhà nước nắm giữ vốn theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp. Đồng thời, chưa thực hiện thoái vốn nhà nước đầu tư giai đoạn 2021-2025 đối với 06 doanh nghiệp theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 2 Điều 3 Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg. Đây là các doanh nghiệp có vốn nhà nước chi phối, hoạt động trong lĩnh vực công ích, sự nghiệp công, có giá trị về lịch sử, văn hóa, kiến trúc; sản xuất kinh doanh có hiệu quả, đóng góp tích cực cho ngân sách Thành phố…