Một số vấn đề về gian lận thuế của các doanh nghiệp

ThS. Phạm Thị Thanh

Thuế là nguồn thu chủ yếu của ngân sách nhà nước, có vai trò quan trọng trong việc duy trì hoạt động của bộ máy quản lý nhà nước, là công cụ để điều tiết nền kinh tế, thực hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, những hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng diễn ra phức tạp, phạm vi rộng khắp, quy mô lớn với những thủ đoạn tinh vi. Việc tìm hiểu hành vi trốn thuế, gian lận thuế và đề xuất các giải pháp là thực sự cần thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tình hình trốn thuế, gian lận thuế của các doanh nghiệp

Điều 13 Thông tư số 166/2013/TT-BTC ngày 15/11/2013 của Bộ Tài chính đã quy định rõ các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của doanh nghiệp (DN). Tuy nhiên, tình trạng trốn thuế, gian lận thuế diễn ra khá phổ biến không chỉ tại các DN mà còn ở mọi thành phần kinh tế. Những hành vi mà DN thực hiện gian lận thuế, trốn thuế bị phát hiện bao gồm: Bán hàng không có hóa đơn, kê khai lỗ nhiều năm liên tiếp, mua bán hóa đơn khống.

Tình trạng DN bán hàng không xuất hóa đơn diễn ra rất phổ biến. Việc quy định xuất hóa đơn kèm hàng bán chưa thực sự là đòi hỏi bắt buộc đối với DN và nhất là với khách hàng đã tạo kẽ hở cho DN kê khai giảm doanh thu bán hàng, từ đó giảm lợi nhuận và tránh được thuế thu nhập DN. Bên cạnh đó, khi xuất hóa đơn, DN kê khai giảm giá trị hàng bán thấp hơn so với giá trị thực tế mà khách hàng thanh toán cũng là hành vi trốn thuế của DN và của chính khách hàng, chủ yếu đối với tài sản có giá trị như ô tô, nhà, đất, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo thống kê của Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương), tổng doanh thu lĩnh vực thương mại điện tử và công nghệ thông tin năm 2013 đạt 2,2 tỷ USD, năm 2014 đạt khoảng 4 tỷ USD và năm 2015 đạt khoảng 6 tỷ USD. Việc cung cấp dịch vụ tìm kiếm thông minh và quảng cáo trực tuyến (Google, Yahoo, Bing, YouTube, Facebook…) đã mang lại lợi nhuận “béo bở” cho các ông chủ sở hữu.

Tuy nhiên, các DN này thường không kê khai đủ hoặc kê khai sai doanh thu thuế giá trị gia tăng; không kê khai thuế nhà thầu đối với dịch vụ của một số công ty đa quốc gia như Google, Yahoo… có phát sinh dịch vụ ở Việt Nam. Điều này làm thất thu thuế cho ngân sách, đồng thời tạo nên sự thiếu minh bạch, thiếu tính chính xác trong nền kinh tế phát triển bền vững.

Việc các DN kê khai lỗ nhiều năm liên tiếp để trốn đóng thuế thu nhập DN cũng khá phổ biến, điển hình là các DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Thống kê những năm qua cho thấy, cả nước có khoảng 50% DN FDI kê khai lỗ, trong đó nhiều DN thua lỗ liên tục trong nhiều năm liên tiếp. Điển hình như tại TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60% trong số trên 3.500 DN FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm; tương tự tại tỉnh Lâm Đồng với 104/111 DN FDI báo cáo lỗ liên tục; tỉnh Bình Dương, một trong những Tỉnh thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% DN FDI báo cáo lỗ từ năm 2006 – 2013.

Hầu hết các hành vi trốn thuế của DN FDI thực hiện thông qua việc kê khai chi phí đầu vào cao, đặc biệt đối với nguyên liệu nhập khẩu, trong khi giá bán xuất khẩu thấp hơn nhiều, từ đó tạo ra lỗ nhưng thực chất là dòng tiền vẫn chuyển động giữa các công ty thành viên, công ty mẹ - con.

Trong Bảng xếp hạng 1000 DN nộp thuế thu nhập DN lớn nhất Việt Nam năm 2015 được Vietnam Report công bố cho thấy, một nghịch lý là khối DN FDI xuất hiện nhiều nhất (46%) và đang ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong quy mô nền kinh tế Việt Nam nhưng tỷ lệ đóng góp vào tổng thuế thu nhập DN của toàn bảng chỉ ở mức 37%.

Mặc dù kê khai lỗ nhiều năm nhưng các DN FDI vẫn tăng cường các chương trình quảng bá, khuyếch trương và mở rộng quy mô kinh doanh. Nhằm ngăn chặn các hiện tượng trên, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế tại các doanh nghiệp FDI báo lỗ nhiều năm liền và có dấu hiệu chuyển giá.

Tình trạng trốn thuế còn diễn ra phổ biến ngay ở các DN trong nước thông qua hình thức thành lập các công ty con, công ty thành viên hoặc mua bán hóa đơn khống từ các DN khác.

Theo Công an TP. Hà Nội, năm 2015 đã phát hiện đối tượng thành lập 16 công ty với các ngành nghề khác nhau, thuê in hóa đơn để bán cho hơn 2.000 cơ quan, đơn vị, DN với giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, một điểm đáng chú ý là một số DN có nợ thuế hoặc bị truy thu số thuế lớn thì họ bỏ địa điểm kinh doanh cũ, sau đó thành lập công ty khác.

Bên cạnh đó, hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật còn chưa đầy đủ, chưa theo kịp tình hình thực tế, những công cụ thực thi và kiểm soát của cơ quan Nhà nước còn hạn chế đã tạo ra môi trường kinh doanh thiếu tính công bằng, sự đối xử khác nhau về mặt pháp lý, dẫn tới hành vi trốn và gian lận thuế ở mức tối đa của các DN thuộc quy mô, thành phần có ưu thế hơn.

Trong Luật Quản lý thuế có quy định DN phải cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu ngay khi đăng ký và có hoạt động phát sinh. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động kinh doanh thì chỉ cung cấp thông tin khi cơ quan thuế yêu cầu. Vì vậy, có nhiều thông tin cần thiết nhưng cơ quan thuế không nắm được hoặc không yêu cầu cung cấp đầy đủ. Ví dụ: Thông tin về tài khoản của DN tại ngân hàng, DN chỉ cung cấp một số tài khoản mà số dư hạn chế không đủ để cơ quan thuế cưỡng chế.

Hiện nay, người tiêu dùng mua sắm, sử dụng hàng hóa có thói quen là không lấy hóa đơn bán hàng. Điều này đã tiếp tay một cách vô ý cho DN thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế.

Một số biện pháp đẩy mạnh phòng chống gian lận thuế

Thứ nhất, cần hoàn thiện tư duy về quản lý nhà nước đối với các DN thông qua những kế hoạch tổng thể, minh bạch về phát triển kinh tế - xã hội ở mọi cấp từ Chính phủ đến địa phương.

Thứ hai, cần hoàn thiện hệ thống pháp luật tinh gọn, có tính dài hạn nhằm tạo sự đảm bảo cho các DN về môi trường kinh doanh ổn định, lành mạnh. Đồng thời, các quy định của pháp luật phải thể hiện tầm nhìn, đón trước những hành vi vi phạm của DN để có những chế tài mạnh giám sát và xử lý.

Thứ ba, các cơ quan chức năng của Nhà nước như thanh tra, điều tra, kiểm toán cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan thuế trong công tác quản lý thu thuế, xử lý vi phạm pháp luật về thuế. Hiện nay, mặc dù ngành Thuế đã có nhiều biện pháp trong công tác quản lý hóa đơn bán hàng thông qua việc áp dụng công nghệ mã vạch 2 chiều hay hỗ trợ phần mềm kê khai thuế cho các DN nhưng ngành Thuế cần có sự hỗ trợ và phối hợp nhiều hơn với các cơ quan chức năng liên quan để hạn chế đến mức thấp nhất hành vi trốn thuế, gian lận thuế ngày càng tinh vi của các DN.

Thứ tư, xử lý nghiêm hành vi giúp đỡ DN thực hiện các hành vi trốn thuế, gian lận thuế của một số cán bộ quản lý nhà nước.

Thứ năm, đẩy mạnh hơn nữa việc đơn giản hóa các thủ tục về hồ sơ đăng ký thuế, tổ chức các địa điểm nộp thuế, hoàn thuế thuận lợi, công khai các đối tượng nộp thuế và mức thuế.

Thứ sáu, tăng cường giáo dục đào tạo, phát triển các giá trị văn hóa kinh doanh cho tất cả các chủ thể kinh doanh ở mọi thành phần kinh tế. Cần quy định các hành vi mang tính chuẩn tắc, tuân thủ quy định của pháp luật như là một giá trị chung của toàn xã hội, trong đó đặc biệt là những người quản lý và điều hành DN, cán bộ quản lý nhà nước.     

Tài liệu tham khảo:

1. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (2015), Báo cáo đánh giá cải cách thủ tục hành chính thuế: Mức độ hài lòng của các DN năm 2014;

2. http://cafef.vn/vi-mo-dau-tu/da-thanh-tra-kiem-tra-714-dn-fdi-co-dau-hieu-chuyen-gia-20150524080719168.chn;

3. Các webside: www.gdt.gov.vn; https://gso.gov.vn/