Ngành du lịch bắt đầu "rã đông"

Theo Linh Nga/diendandoanhnghiep.vn

Mặc dù kế hoạch mở cửa lại của Việt Nam không thực sự tham vọng như các quốc gia láng giềng trong khu vực, song ngành du lịch Việt Nam bắt đầu phục hồi chậm chạp.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo nhóm phân tích của ngân hàng HSBC, từ 1/10, TP. Hồ Chí Minh và các khu vực lân cận đã bắt đầu hoạt động trở lại sau bốn tháng siết chặt giãn cách. Tuy nhiên, tốc độ khôi phục chuỗi cung ứng và giải quyết đơn hàng tồn đọng còn chậm chạp, nguyên nhân chính yếu là tình trạng thiếu hụt lao động trầm trọng do công nhân ồ ạt đổ về quê ngay sau khi hết giãn cách. Tình hình xuất khẩu và sản xuất công nghiệp tháng 10 càng phản ánh rõ nét khó khăn này, trong khi đó, phục hồi sản xuất chậm trễ báo hiệu quý IV sẽ tăng trưởng không mạnh mẽ.

Từ tháng 3/2020, Việt Nam đã đóng cửa phần lớn biên giới, chỉ xem xét nhập cảnh cho công dân Việt Nam hồi hương, người nhập cảnh với mục đích ngoại giao, nhà đầu tư nước ngoài và chuyên gia kèm yêu cầu cách ly cụ thể. Từ quý III, quốc gia này đã bắt đầu nới lỏng các hạn chế ở biên giới khi số ca mắc mới trong ngày trở nên ổn định, nhưng vẫn còn khá thận trọng nên chưa mở cửa ồ ạt. Từ tháng 8, Việt Nam đã giảm một nửa yêu cầu về thời hạn cách ly tập trung từ 14 xuống còn 7 ngày đối với người nhập cảnh đã tiêm phòng đầy đủ.

Ngành du lịch bắt đầu "rã đông" - Ảnh 1

Tuy nhiên, Việt Nam đã không đi theo lộ trình của Thái Lan là mở cửa toàn bộ đất nước với 63 quốc gia có nguy cơ thấp từ 1/11. Trái lại, Việt Nam sẽ chỉ mở cửa 5 địa điểm thu hút du lịch là đảo Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam (nơi có phố cổ Hội An), Khánh Hòa (có thành phố biển Nha Trang) và Quảng Ninh (có Vịnh Hạ Long) từ tháng 11. Đây là một phần trong kế hoạch hồi sinh ngành du lịch của Việt Nam. Trong đó, đảo Phú Quốc được chọn làm nơi thí điểm mở cửa từ 20/11 đón du khách đã tiêm phòng đầy đủ thông qua các chuyến bay thuê bao chuyến (charter flight). Trong năm 2019, hòn đảo này đã từng thu hút 670.000 khách du lịch mang lại nguồn thu 18 tỷ USD. Giai đoạn tháng 12/2021 đến tháng 3/2022, Phú Quốc dự kiến sẽ đón 5.000 lượt khách (theo Straits Times, 23/10).

Trong giai đoạn 2, du khách sẽ được tự do đi lại tại 5 địa phương này từ tháng 1/2022, nghĩa là giai đoạn 1 sẽ chỉ mở cửa phục vụ trong phạm vi, địa điểm hạn chế. Giai đoạn cuối cùng sẽ là mở cửa toàn bộ du lịch tuy nhiên các cơ quan chức năng đã bác bỏ thông tin về thời điểm mở cửa hoàn toàn từ tháng 6/2022 với lý do cần thận trọng theo dõi tiến độ tiêm vắc-xin cũng như đánh giá tình hình kiểm soát dịch bệnh.

Mặc dù Việt Nam đang từng bước tiến tới mục tiêu mở cửa trở lại cho thấy dấu hiệu đáng mừng, tuy nhiên, nhiều tình huống khó lường thường xảy ra trong giai đoạn dịch bệnh và để hồi sinh thành công ngành du lịch phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Ngành du lịch bắt đầu "rã đông" - Ảnh 2

Yếu tố đầu tiên cần cân nhắc là những yêu cầu về nhập cảnh. Điều này đồng nghĩa không chỉ cần xem xét nới lỏng hạn chế biên giới ở phía Việt Nam mà những kiểm soát biên giới của các quốc gia khác cũng quan trọng không kém. Ví dụ, việc thiếu vắng khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam cho thấy kỳ vọng tăng trưởng ngắn hạn sẽ còn hạn chế vì Trung Quốc đại lục vẫn siết chặt các biện pháp kiểm soát biên giới với yêu cầu cách ly 14 ngày tại khách sạn, cộng thêm một số ngày tự cách ly/theo dõi sức khỏe tại nhà tùy từng địa phương.

Trong khi đó, tình hình diễn biến dịch bệnh cũng vô cùng quan trọng. Mặc dù số ca nhiễm mới trong ngày của Việt Nam đã giảm đáng kể 70% so với đỉnh dịch thời điểm giữa tháng 8, số ca nhiễm mới lại đang có dấu hiệu tăng trở lại. Tính trung bình 7 ngày, số ca nhiễm mới trong ngày gần đây đã tăng lên khoảng 5.000 ca, tốc độ tăng khá nhanh 50% so với 2 tuần trước. Mặc dù các ca mắc mới vẫn tập trung ở Đông Nam Bộ (như Đồng Nai, Bình Dương và TP. Hồ Chí Minh), khu vực không nằm trong chương trình thí điểm du lịch, những rủi ro dai dẳng do COVID-19 có thể tạo tâm lý e ngại cho cả khách du lịch lẫn chính quyền địa phương.

Bên cạnh lây nhiễm gia tăng, tỷ lệ tiêm phòng của Việt Nam còn thấp cũng là một vấn đề. Hiện mới chỉ đạt tỷ lệ phủ vắc-xin toàn quốc là 22%, còn khá chậm so với các nước láng giềng trong khu vực. Thực tế, Việt Nam đã tăng tốc tiến độ tiêm phòng từ quý III, ưu tiên các điểm đến du lịch và cụm công nghiệp. Toàn bộ các điểm đến du lịch, ngoại trừ Quảng Nam và Đà Nẵng, đều đã tiêm phòng cho ít nhất 80% người dân. Dù vậy, Việt Nam cần tính toán kỹ phương án hỗ trợ đi lại giữa các địa phương này cũng như trên cả nước trong khi vẫn phải hạn chế rủi ro tiềm tàng do virus.

Thêm nữa, theo nhóm phân tích của HSBC, Việt Nam cũng cần nỗ lực nối lại các chuyến bay quốc tế để thúc đẩy du lịch. Kể từ đầu mùa dịch, nhiều chuyến bay đã bị hủy và ngay cả khi các quy định giãn cách gần đây cũng dần được gỡ bỏ thì ngành hàng không vẫn phải mất một thời gian nữa mới lấy lại phong độ như thời trước đại dịch.

Mặc dù vậy, trong cái rủi vẫn có cái may đó là Việt Nam đã nhanh chóng chấp nhận “giấy chứng nhận vắc xin” của 72 nước và phát triển đường bay mới để thu hút nguồn khách du lịch mới. Từ tháng 11, Vietnam Airlines bắt đầu khai thác đường bay thẳng thương mại thường lệ đến Mỹ, trong khi Bamboo Airways sẽ đưa vào khai thác các chuyến bay thẳng tới Anh từ tháng 1/2022. Bộ Giao thông Vận tải cũng đang lên kế hoạch mở lại các đường bay quốc tế.