Những doanh nghiệp thua lỗ trong nửa đầu năm 2019

Theo FILI/ndh.vn

Theo thống kê của Vietstock tính đến ngày 26/07/2019, có 53 doanh nghiệp niêm yết đã báo lỗ sau nửa đầu năm 2019.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sau 6 tháng đầu năm 2019, “đứng đầu” nhóm thua lỗ là CTCP Thép DANA - Ý (HNX: DNY) với số lỗ hơn 171 tỷ đồng. Đến hết tháng 6/2019, DNY vẫn tiếp tục bị đình chỉ sản xuất kinh doanh (SXKD) theo quyết định xử phạt vi phạm hành chính liên quan đến vấn đề môi trường.

Doanh thu của Công ty trong nửa đầu năm 2019 chỉ đạt hơn 13 tỷ đồng, thực tế đến từ việc thanh lý, xuất trả một số vật tư thiết bị có thời gian sử dụng ngắn. Không có doanh thu chính trong khi vẫn phải gánh khoản chi phí khổng lồ, DNY ngậm ngùi ôm số lỗ hơn 171 tỷ đồng sau nửa đầu năm 2019.

Phía DNY cho biết, thời gian dừng hoạt động sản xuất kinh doanh đã là 9 tháng tính đến hết tháng 6/2019. Trong 3 quý gần nhất, doanh nghiệp này ghi nhận lỗ gần 233 tỷ đồng.

Các doanh nghiệp báo lỗ trong nửa đầu năm 2019 (Đvt: Tỷ đồng)
Các doanh nghiệp báo lỗ trong nửa đầu năm 2019 (Đvt: Tỷ đồng)

Thêm một doanh nghiệp thép cũng báo lỗ lớn trong kỳ là CTCP Thép Việt Ý (HOSE: VIS) với số lỗ gần 66 tỷ đồng. Trong khi DNY không có doanh thu chính trong kỳ, VIS lại đạt doanh thu thuần gần 2,362 tỷ đồng.

Tuy vậy, với biên lợi nhuận gộp thấp, VIS chỉ ghi nhận gần 12 tỷ đồng lợi nhuận sau 6 tháng đầu năm 2019. So với lợi nhuận gộp, VIS vẫn đang duy trì chi phí hoạt động ở mức cao, chẳng hạn chi phí tài chính ghi nhận hơn 44 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận hơn 34 tỷ đồng.

Riêng trong quý II/2019, kết quả SXKD của VIS lỗ hơn 32 tỷ đồng. Được biết do giá bán thép trong quý 2/2019 có xu hướng giảm nên Công ty đã gia tăng các chính sách chiết khấu dẫn đến sự sụt giảm doanh thu thuần.

Bên cạnh đó, VIS cho biết nhà máy phôi tiếp tục hoạt động cầm chừng do sản phẩm không cạnh tranh được về giá với các loại phôi trung tần trên thị trường, dẫn đến lỗ các chi phí phát sinh cố định. Mặt khác, Công ty cũng ghi nhận chi phí sản xuất gia tăng do các khoản chi phí đầu vào như giá điện, giá than, giá dầu tăng cao trong quý II/2019.

Mặc dù nhiều đơn vị trong ngành điện báo cáo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2019 khả quan thì CTCP Điện lực Khánh Hòa (HOSE: KHP) lại thua lỗ gần 40 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi hơn 50 tỷ đồng.

Từ ngày 01/01/2019, Tổng Công ty Điện lực Miền Trung (EVN CPC) đã quyết định điều chỉnh giá điện năm 2019 cho KHP với giá bình quân 1,718.8 đồng/kWh. Theo đó, KHP cho biết giá mua điện bình quân 6 tháng đầu năm 2019 tăng 282 đồng/kWh, tương ứng tăng 20%, trong khi giá bán điện bình quân 6 tháng đầu năm 2019 chỉ tăng 128 đồng/kWh, tương ứng tăng 7% so với cùng kỳ. Điều này dẫn đến kết quả lỗ kể trên của KHP.

Nhóm công ty chứng khoán có CTCP Chứng khoán Phố Wall (HNX: WSS) khi lỗ hơn 106 tỷ đồng sau 6 tháng. WSS cho biết, kết quả trên chủ yếu do lãi lỗ liên quan đến các khoản đầu tư tài chính và đánh giá lại giá trị hợp lý các khoản đầu tư tài chính.

Góp mặt nhóm này còn có CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (HNX: APS). Được biết, tổng doanh thu của APS trong quý 2/2019 giảm 92% so với cùng kỳ, thị phần môi giới giảm mạnh, cộng thêm việc bán cổ phiếu chưa niêm yết để giảm danh mục tự doanh đã dẫn đến kết quả lỗ hơn 18 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2019, APS thua lỗ gần 18 tỷ đồng.

Cũng trong giai đoạn nửa đầu năm nay, khó khăn tiếp tục đeo bám nhóm doanh nghiệp “họ P”. Chẳng hạn như PVB, PXS, PXT, PTL. Trong đó CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (HNX: PVB) lỗ lũy kế 6 tháng đầu năm gần 30 tỷ đồng.

Riêng trong quý II/2019, PVB ghi nhận doanh thu thuần gần 15 tỷ đồng, giảm hơn 78% so với cùng kỳ.

PVB cho biết Công ty vẫn chưa thực hiện được các hợp đồng bọc ống có giá trị cao như quý II/2018 và doanh thu không đủ bù đắp các khoản chi phí khấu hao, lương… dẫn đến việc thua lỗ gần 18 tỷ đồng trong quý II/2019. Đây là quý thứ 3 liên tiếp Công ty này phải báo lỗ kinh doanh.

Còn đối với CTCP Kết cấu Kim loại và Lắp máy Dầu khí (HOSE: PXS), tuy doanh thu thuần nửa đầu năm 2019 đạt hơn 123 tỷ đồng, tăng hơn 102% so với cùng kỳ nhưng Công ty này vẫn lỗ lũy kế hơn 50 tỷ đồng.

Điều này nguyên do từ việc Công ty kinh doanh dưới giá vốn với giá vốn trong kỳ ghi nhận đến hơn 170 tỷ đồng, chủ yếu là giá vốn xây lắp.