Những vấn đề cần trao đổi xung quanh việc sử dụng ví điện tử

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 7/2020

Ví điện tử là một phương tiện thanh toán rất phổ biến hiện nay, tuy nhiên, nhiều người vẫn chưa nắm được tính năng, ưu nhược điểm của loại hình thanh toán hiện đại này cũng như các quy định liên quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Để triển khai rộng rãi phương thức thanh toán ví điện tử trước những yêu cầu thực tiễn, năm 2019, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Bài viết này, làm rõ khái niệm ví điện tử và những quy định mới được Ngân hàng Nhà nước đưa ra nhằm đưa ví điện tử ngày càng phát triển và được sử dụng rộng rãi hơn.

Ví điện tử và những tiện ích

Ví điện tử (được gọi là ví tiền online) là một tài khoản thanh toán các giao dịch trực tuyến trên internet và là loại hình thanh toán phổ biến hiện nay như: Thanh toán tiền điện, nước, cước viễn thông, học phí, nạp tiền điện thoại, mua hàng online… từ các trang thương mại điện tử bằng số tiền khả dụng trong ví.

Trước đây, khách hàng ở một số quốc gia có thể thanh toán bằng thẻ thanh toán không tiếp xúc như Mastercard, Visa, nhưng hiện nay, phương thức thanh toán qua điện thoại thông minh được cài đặt ứng dụng ví điện tử đã phổ biến và là trào lưu mới trong giao dịch thanh toán. Trên thế giới, hai "người khổng lồ" trong giới công nghệ là Apple và Samsung đã tham gia cuộc đua, cạnh tranh gay gắt trong thị trường thanh toán điện tử bằng cách liên tục cho ra mắt tính năng "chạm để thanh toán", đó là Apple Pay và Samsung Pay. Với xu thế này, những chiếc thẻ ATM có thể sẽ lép vế khi làm chiếc ví thêm chật chội và mất nhiều thủ tục pháp lý mỗi khi phải đăng ký dịch vụ.

Với công nghệ phát triển mạnh mẽ, hình thức thanh toán bằng ví điện tử có ưu điểm đơn giản, nhanh gọn, tiết kiệm về cả thời gian và tiền bạc. Tại Việt Nam, ví điện tử không còn là khái niệm mới, đang trở thành sự lựa chọn tối ưu để thực hiện các giao dịch thanh toán. Sự đa dạng của các kênh để nạp tiền, nhận và thanh toán trên ví điện tử bao gồm thông qua các trang web và ứng dụng di động rất đa dạng, nhanh chóng và thuận tiện.

Chức năng hoạt động của ví điện tử thực hiện bằng cách liên kết tài khoản ngân hàng, nạp tiền vào ví và thanh toán bất kỳ dịch vụ có liên kết một cách đơn giản, tiện lợi; Chuyển và nhận tiền được thực hiện nhanh chóng; thanh toán hoá đơn tiền điện, nước, học phí… nhằm giảm sự quản lý các giao dịch qua thẻ ngân hàng; lưu trữ tiền trên mạng internet sẽ giảm bớt sự xuất hiện của tiền mặt để tránh rủi ro về lạm phát.

Có thể khẳng định, ví điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dùng như: Tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đi lại trong quá trình thanh toán, mua sắm…; Hạn chế nguy cơ mất hoặc hư hao tài sản tiền mặt; Thống kê quản lý tài chính, chi tiêu mỗi tháng dễ dàng; Thao tác sử dụng rất đơn giản chỉ với chiếc smartphone; Có thể kết nối với tài khoản của nhiều ngân hàng…

Một số vấn đề trao đổi

Bên cạnh những tiện ích, ví điện tử cũng có những điểm hạn chế như: Hệ thống bảo mật chưa thật sự khiến người dùng tin tưởng; Nơi chấp nhận thanh toán bằng ví vẫn còn chưa nhiều; Phí dịch vụ vẫn còn cao so với các công cụ thanh toán khác…

Để ví điện tử thật sự là phương tiện thanh toán yêu thích thì người sử dụng ví điện tử cần những lưu ý sau: Không chia sẻ tài khoản của bản thân cho người khác biết, trừ khi cả hai đang giao dịch; Không để lộ mật mã OTP tài khoản kể cả với người quen; Nên cài đặt một số chương trình phòng chống virus và đánh cắp dữ liệu trên điện thoại của bạn để tránh bị mất dữ liệu và thông tin; Không để quá nhiều tiền trong ví; Không sử dụng ví để thanh toán với các bên không uy tín…

Bên cạnh việc các nhà cung cấp ứng dụng cần có các giải pháp hạn chế tối đa những rủi ro của ví điện tử thì người sử dụng ví điện tử cũng cần kiểm tra độ bảo mật của trang điện tử giao dịch, đổi mật khẩu ví khi cần, tạo mật khẩu khác email hay các tài khoản xã hội khác...

Để đảm bảo an toàn cho người sử dụng trong thanh toán điện tử, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều hướng dẫn, quy định liên quan đến hoạt động này. Cụ thể, Thông tư số 39/2014/TT-NHNN về trung gian thanh toán, Thông tư số 43/2016/TT-NHNN về cho vay tiêu dùng… Tại các văn bản quy phạm pháp luật này thì Ngân hàng Nhà nước đưa ra các hạn chế đối với phương thức giải ngân của công ty tài chính, hạn chế người dùng chỉ được mở 1 ví điện tử tại một tổ chức cung ứng dịch vụ, không được giao dịch quá 20 triệu đồng/ngày; Hay yêu cầu người dùng phải khai báo lại trong khi đã có thông tin định danh theo tài khoản ngân hàng.

Hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử, nghiên cứu cho phép nạp tiền mặt vào ví điện tử để đáp ứng nhu cầu của người dân. Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước công bố mới đây, cả nước hiện có khoảng 5 triệu tài khoản ví điện tử đang hoạt động. Giá trị giao dịch bình quân thực tế của một ví điện tử là 58.870 đồng/giao dịch và 1,7 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy, quy mô của thị trường còn khá khiêm tốn.

Trong bối cảnh này, chính sách quản lý đối với các hoạt động thanh toán như vay tiêu dùng, ví điện tử… đang nhận được sự quan tâm của chuyên gia, doanh nghiệp và xã hội. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 23/2019/TT-NHNN ngày 22/11/2019 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014/TT-NHNN hướng dẫn dịch vụ trung gian thanh toán. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra nhiều quy định mới được đánh giá là mở đường cho ví điện tử phát triển.

Thông tư số 23/2019/TT-NHNN quy định tổng hạn mức giao dịch qua các ví điện tử cá nhân của 1 khách hàng tại 1 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử tối đa là 100 triệu đồng/tháng, mà không quy định hạn mức giao dịch hàng ngày đối với cá nhân, cũng như không quy định hạn mức giao dịch đối với tổ chức.

Như vậy, đối với hàng hóa, đồ điện tử, đặt vé máy bay, tour du lịch… có giá trị lớn hơn 20 triệu đồng thì người tiêu dùng có thể sử dụng ví điện tử để thanh toán 1 lần nên người sử dụng không cần phải duy trì hai hay nhiều thẻ thanh toán cùng một lúc, gây tốn kém chi phí và không phù hợp với xu hướng kinh tế số.

Theo đó, quy định mới chỉ còn khống chế hạn mức giao dịch hàng tháng của ví điện tử cá nhân là 100 triệu đồng/tháng sẽ tạo điều kiện thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt qua ví điện tử, cũng như góp phần thúc đẩy thương mại điện tử tại Việt Nam.Với hạn mức này sẽ giảm thiểu mất mát, rủi ro cho người tiêu dùng và giúp cơ quan quản lý kiểm soát rủi ro từ hoạt động rửa tiền.

Thông tư số 23/2019/TT-NHNN cũng quy định việc nạp tiền vào ví điện tử phải qua tài khoản thanh toán, thẻ ghi nợ của khách hàng hoặc nhận tiền từ ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng. Như vậy, yêu cầu ví điện tử phải liên kết với tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chủ ví tại ngân hàng liên kết.

Khách hàng được sử dụng ví điện tử để thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; chuyển tiền cho ví điện tử khác do cùng tổ chức cung ứng và rút tiền từ ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ tại ngân hàng. Về bản chất, ví điện tử là dịch vụ thu hộ, chi hộ, hỗ trợ thu hộ chi hộ và để giao dịch qua ví điện tử thì bắt buộc phải có tài khoản thanh toán liên kết tại ngân hàng.

Quy định này là cần thiết vì nếu cho phép nộp tiền mặt có thể ví điện tử trở thành công cụ rửa tiền hữu hiệu, do đó, cần phải yêu cầu ví điện tử liên kết với tài khoản ngân hàng để kiểm soát đường đi của dòng tiền.

Tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử chỉ được sử dụng vào việc: Thanh toán vào tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của đơn vị chấp nhận thanh toán tại ngân hàng; Hoàn trả tiền vào tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng (chủ ví điện tử) trong trường hợp: Khách hàng rút tiền ra khỏi ví điện tử về tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của khách hàng, khách hàng không còn nhu cầu sử dụng ví điện tử, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử chấm dứt cung ứng dịch vụ ví điện tử cho khách hàng, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử chấm dứt hoạt động, bị thu hồi giấy phép, giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật; Thanh toán vào tài khoản thanh toán của các đơn vị cung ứng dịch vụ công trong trường hợp khách hàng sử dụng ví điện tử để thanh toán, nộp phí, lệ phí cho các dịch vụ công hợp pháp theo quy định của pháp luật; Chuyển đến các tài khoản đảm bảo thanh toán.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cấm việc sử dụng ví điện tử để thực hiện các giao dịch cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố, lừa đảo, gian lận và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Chủ ví điện tử cũng không được cho thuê, cho mượn ví điện tử hoặc mua, bán thông tin ví điện tử.

Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, không được phép cấp tín dụng cho khách hàng sử dụng ví điện tử, trả lãi trên số dư ví điện tử hoặc bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử so với giá trị tiền khách hàng nạp vào. Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải mở tài khoản đảm bảo thanh toán để đảm bảo cho việc cung ứng dịch vụ này; Tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử có nghĩa vụ duy trì tổng số dư trên tất cả các tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác không thấp hơn so với tổng số dư của tất cả các ví điện tử của các khách hàng tại cùng một thời điểm.

Ví điện tử đi lên từ xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt cho các dịch vụ truyền thống như nạp tiền điện thoại, chuyển tiền, thanh toán hoá đơn định kỳ... được dự đoán vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng đều đặn và dần thay thế lựa chọn dùng tiền mặt trong thời gian tới.

Bên cạnh quy định trên, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải cung cấp công cụ để Ngân hàng Nhà nước giám sát hoạt động cung ứng dịch vụ ví điện tử.

Theo đó, công cụ giám sát phải đảm bảo: Một là, cho phép giám sát tổng số lượng ví điện tử (đã phát hành, đã kích hoạt và đang hoạt động), tổng số dư ví điện tử của tất cả khách hàng tại thời điểm truy cập công cụ giám sát; Hai là, cho phép giám sát tổng số dư tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử, thông tin của từng tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử mở tại các ngân hàng hợp tác, bao gồm tên tài khoản, số hiệu tài khoản, số dư tại thời điểm truy cập công cụ giám sát; Ba là, cho phép khai thác số liệu theo kỳ báo cáo tháng (tính từ ngày 01 của tháng đến ngày cuối cùng của tháng) vào chậm nhất là ngày 05 tháng tiếp theo (Bao gồm: Tổng số lượng và tổng số dư ví điện tử (đã phát hành, đã kích hoạt và đang hoạt động) vào cuối ngày của ngày cuối cùng của kỳ báo cáo; tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch nạp tiền, giao dịch rút tiền, giao dịch thanh toán và các giao dịch khác của ví điện tử được thống kê theo từng ngày trong tháng; Tổng số lượng giao dịch bên Nợ, tổng giá trị giao dịch bên Nợ, tổng số lượng giao dịch bên Có, tổng giá trị giao dịch bên Có của tài khoản đảm bảo thanh toán cho dịch vụ ví điện tử được thống kê theo từng ngày trong tháng).

Tổ chức cung ứng ví điện tử phải cung cấp cho Ngân hàng Nhà nước thông tin về 10 ví điện tử có số lượng giao dịch nhiều nhất và 10 ví điện tử có giá trị giao dịch cao nhất theo từng đối tượng khách hàng (đơn vị chấp nhận thanh toán; khách hàng cá nhân, khách hàng tổ chức nhưng không bao gồm cá nhân, tổ chức là đơn vị chấp nhận thanh toán). Thông tin cung cấp bao gồm: số dư đầu kỳ, số dư cuối kỳ; tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch nạp tiền, rút tiền theo từng ngân hàng liên kết; tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch thanh toán, chuyển tiền...

Tóm lại, với những quy định mới, Thông tư số 23/2019/TT-NHNN được kỳ vọng sẽ siết chặt hoạt động của các ví điện tử, đưa hoạt động của loại hình này đi vào quỹ đạo, góp phần đóng góp lành mạnh cho hệ thống tài chính ngân hàng.

Tài liệu tham khảo:
1. Ngân hàng Nhà nước (2019), Thông tư số 23/2019/TT-NHNN;
2. https://digibank.vn/blog/digibank-93/post/rui-ro-khi-su-dung-vi-ien-tuva-cach-han-che-834;
3. https://vnba.org.vn/index.php?option=com_k2&view=item&id=10996:hoanthien-quy-dinh-quan-ly-vi-dien-tu&lang=vi.