Sản xuất và tiêu dùng bền vững thích ứng với bối cảnh dịch COVID-19
Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) mới đây đã thực hiện cuộc khảo sát với 14.000 người đến từ 9 quốc gia về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.
Đại dịch COVID-19 đã và đang gây ra những tác động lớn tới mọi mặt của đời sống, ảnh hưởng tiêu cực tới nền kinh tế và an toàn sức khỏe, tính mạng của nhiều người trên thế giới. Tuy nhiên, dịch bệnh cũng mang lại một số hiệu ứng tích cực nhất định, trong đó có nhận thức của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng về sản xuất, tiêu dùng và phát triển bền vững.
Viện nghiên cứu Giá trị doanh nghiệp thuộc Tập đoàn IBM (IBM Institute for Business Value – IBV) mới đây đã thực hiện cuộc khảo sát với 14.000 người đến từ 9 quốc gia về các vấn đề liên quan đến môi trường và tiêu dùng bền vững.
Kết quả là 90% người được hỏi đều thay đổi cách nhìn nhận về vấn đề này từ khi đại dịch xảy ra; Mức độ sẵn sàng thay đổi hành vi cũng thay đổi rõ rệt khi 55% người tiêu dùng cho biết tính bền vững là yếu tố rất quan trọng hoặc cực kỳ quan trọng khi lựa chọn thương hiệu; 62% người tiêu dùng cũng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường.
Trên thế giới,sản xuất và tiêu dùng bền vững đã chuyển sang cách tiếp cận vòng đời sản phẩm (LCA) để phân tích các tác động của các sản phẩm và dịch vụ với sự tham gia của tất cả các bên liên quan và trong tất cả các giai đoạn sản xuất và tiêu dùng; và tích hợp môi trường và phát triển để giải quyết thách thức kép của khủng hoảng môi trường và cải thiện cuộc sống của người dân.
Bên cạnh đó hệ thống các tiêu chuẩn về sản xuất tiêu dùng bền vững cũng đang được các quốc gia sử dụng như một rào cản kỹ thuật, phi thuế quan để bảo hộ hàng hóa trong nước, hạn chế nhập khẩu thông qua chương trình mua sắm công của từng quốc gia. Do đó, sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng gắn liền với sự lựa chọn quỹ đạo phát triển của mỗi các quốc gia.
Tùy thuộc vào nhu cầu, lĩnh vực ưu tiên và phương thức để đạt được sản xuất và tiêu dùng bền vững hoặc phát triển bền vững sẽ khác nhau giữa các quốc gia nhưng đều tập trung vào 9 nội dung của sản xuất và tiêu dùng bền vững, cụ thể:
Quản lý tài nguyên bền vững
Khai thác, sử dụng hiệu quả tài nguyên là nội dung trọng tâm của nhiều nhiều quốc gia xác định trong chính sách về sản xuất và tiêu dùng bền vững. Trung Quốc thúc đẩy cộng sinh công nghiệp và cộng tác giữa các nhà sản xuất và các ngành công nghiệp tại các khu vực tập trung công nghiệp để sử dụng hiệu quả tài nguyên. Chương trình hiệu quả tài nguyên II của Đức có các hợp phần cụ thể hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên. Nhật Bản xây dựng Kế hoạch hướng tới một Xã hội tuần hoàn vật chất nhằm giải quyết các thách thức và tận dụng cơ hội mới hiện nay của đất nước.
Kế hoạch Môi trường 25 năm và Chiến lược Quản lý chất thải và Tài nguyên mới (2018) của Vương quốc Anh được thiết kế với mục tiêu “tối đa hóa giá trị sử dụng tài nguyên, tối thiểu phát sinh chất thải, khí thải và hướng tới một hành tinh sạch hơn, xanh hơn và khỏe mạnh hơn”.
Thiết kế có tính bền vững
Thiết kế sản phẩm bền vững giúp các nhà sản xuất nâng cao tỷ suất lợi nhuận, chất lượng, cơ hội thị trường, hiệu quả môi trường và lợi ích xã hội. Hàn Quốc triển khai chương trình thiết kế sinh thái nhằm giảm các tác động đến môi trường trong suốt vòng đời của sản phẩm. Đức và Vương quốc Anh đã phát triển một mạng lưới với các quốc gia đối tác để tạo ra sự cộng sinh công nghiệp và tăng cường đổi mới sinh thái.
Tiết kiệm năng lượng và sản xuất sạch hơn
Một số quốc gia ở châu Á đã thành lập Trung tâm sản xuất sạch hơn quốc gia, chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ chính phủ triển khai Chiến lược Sản xuất sạch hơn, thông qua các các hoạt động đào tạo về sản xuất sạch hơn cho các các công ty, ngành công nghiệp v.v... thực hiện tiết kiệm năng lượng và giảm ô nhiễm. UNEP và UNIDO triển khai chiến lược Hiệu quả tài nguyên và Sản xuất sạch hơn (RECP) để nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý môi trường và phát triển con người.
Nhãn sinh thái và Chứng nhận
Nhãn sinh thái là một công cụ quan trọng giúp người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm thân thiện với môi trường hơn và tạo động lực thúc đẩy các nhà sản xuất phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Chương trình Nhãn sinh thái tại Hàn Quốc khuyến khích người tiêu dùng đưa ra lựa chọn sản phẩm thân thiện môi trường và phát triển mô hình tiêu dùng thân thiện với môi trường, tăng khả năng tiếp thị các sản phẩm thân thiện với môi trường và khuyến khích các nhà sản xuất phát triển các sản phẩm thân thiện với môi trường. Thụy Điển thúc đẩy hiệu quả của Nhãn sinh thái thông qua việc ủng hộ các cơ chế dán nhãn sinh thái chứng nhận độc lập.
Mua sắm bền vững
Mua sắm bền vững được coi là công cụ chính để thúc đẩy nền kinh tế xanh. Tỷ lệ mua sắm công chiếm một phần đáng kể trong tổng mức tiêu thụ nội địa. Mua sắm bền vững kích thích nhu cầu về các sản phẩm xanh hơn và tạo ra một chu kỳ sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tại Nhật, Luật mua sắm xanh được ban hành vào năm 2001 thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường. Ủy ban châu Âu và một số quốc gia châu Âu đã xây dựng hướng dẫn về mua sắm bền vững với các tiêu chí cụ thể nhằm đảm bảo yêu cầu về sự tương thích giữa các quốc gia thành viên và tạo ra thị trường duy nhất cho các sản phẩm và dịch vụ xanh.
Tiếp thị bền vững
Tiếp thị bền vững giúp cung cấp thông tinh cho người tiêu dùng về hàng hóa bền vững thông qua các chương trình chia sẻ thông tin và truyền thông mở. Pháp khuyến khích các nhà sản xuất tiếp thị các sản phẩm có thiết kế sinh thái. Thông qua dữ liệu mở, người tiêu dùng có thể truy cập thông tin về sinh thái dựa trên các tiêu chuẩn công nghệ được xác nhận bởi ADEME (Cơ quan quản lý năng lượng và môi trường Pháp). Thụy Điển tích cực thúc đẩy lối sống và tiêu dùng sinh thái bằng việc khuyến khích và đưa ra sự lựa chọn thay thế dễ dàng và tốt nhất từ góc độ môi trường..
Giao thông bền vững
Đối với lĩnh vực vận chuyển, tập trung các nỗ lực để cải thiện cơ sở hạ tầng công cộng và đầu tư giao thông công cộng. Đối với hoạt động phân phối, trọng tâm hướng sang vận tải các-bon thấp và khuyến khích hợp tác giữa các nhà phân phối để nâng cao hiệu quả sử dụng. Thụy Điển xác định giao thông bền vững là một trong ba lĩnh vực chính trong lối sống bền vững. Nhật Bản thúc đẩy thực hiện hoạt động phân phối và hiệu quả (Luật hiệu quả phân phối) thông qua việc quy định việc phê duyệt các kế hoạch và các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp cải thiện hoặc thay đổi hình thức vận chuyển và chia sẻ cộng đồng. Hàn Quốc cũng cung cấp trợ cấp cho các đơn vị phân phối thực hiện chuyển đổi vận chuyển hàng hóa từ đường bộ sang đường sắt hoặc đường biển đồng thời khuyến khích thực hiện dịch vụ hậu cần với bên thứ 3.
Lối sống bền vững
Tập trung vào các chính sách nhiều hơn là nâng cao nhận thức và nâng cao kiến thức của mọi người (nhãn sinh thái, chiến dịch truyền thông), hỗ trợ người dân trong việc đưa ra các lựa chọn mua sắm bền vững dễ dàng hơn bằng việc cung cấp cơ sở hạ tầng để đảm bảo cung cấp của hàng hóa và dịch vụ. Thụy Điển ban hành “Chiến lược về tiêu dùng bền vững” phối hợp với các bên liên quan khác hỗ trợ người dân dễ dàng đưa ra quyết định tiêu dùng bền vững. Hàn Quốc đưa ra Sổ tay chính sách về Sản xuất và tiêu dùng bền vững, tập trung vào thông tin, tiêu dùng và lối sống của người tiêu dùng và kinh doanh bền vững.
Quản lý chất thải
Quản lý chất thải trong suốt vòng đời sản phẩm theo cách tiếp cận kinh tế tuần hoàn. Hàn Quốc đã triển khai chương trình 4R (giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế và phục hồi); và Thành phố Phitsanulok, Thái Lan đã thực hiện 8Rs (giảm thiểu, tái sử dụng, từ chối, nạp lại, sửa chữa, tái chế, phục hồi và suy nghĩ lại). Thông qua việc áp dụng thuế rác thải, Vương quốc Anh giảm 50-60% chất thải chôn lấp. Trung Quốc triển khai chương trình thí điểm “Thành phố không chất thải” vào năm 2019 hình thành mô hình đô thị giảm thiểu chất thải trong toàn bộ vòng đời sản phẩm.
Kế hoạch phát triển bền vững của Singapore đặt mục tiêu tăng tỷ lệ tái chế chất thải lên 70% vào năm 2030, tập trung vào Khung quản lý chất thải điện tử dựa trên Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), hỗ trợ thu gom chất thải có thể tái chế và xử lý phế thải thực phẩm tại các tòa nhà chung cư.
Các nhiệm vụ chính của Sản xuất và tiêu dùng bền vững tại Việt Nam đang được triển khai dựa trên sự nhất trí cao của Chính phủ. Tính dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu của Việt Nam cho thấy sự chuyển đổi sang Sản xuất và tiêu dùng bền vững là một nhiệm vụ quan trọng với nhằm hướng tới bền vững lâu dài.
Theo giới chuyên gia, kinh tế tuần hoàn như một công cụ thiết thực sẽ giúp ích cho Việt Nam chuyển đổi kinh tế xã hội trong quá trình thực hiện Sản xuất và tiêu dùng bền vững. Là một nền kinh tế mới nổi, Việt Nam cần tăng cường năng lực R&D của các doanh nghiệp để tạo điều kiện đổi mới sinh thái cho quá trình cạnh tranh toàn cầu và kết hợp Sản xuất và tiêu dùng bền vững vào các biện pháp thương mại xuất nhập khẩu.
Hơn nữa, khi đô thị hóa đang được mở rộng tại Việt Nam, cần tập trung hơn nữa vào các mục tiêu tiêu dùng bền vững của dân cư đô thị trong suốt quá trình chuyển đổi mô hình tiêu dùng nhanh chóng. Do đó Sản xuất và tiêu dùng bền vững có thể được thông qua trong quá trình chuyển đổi kinh tế xã hội của Việt Nam để giải quyết một cách toàn diện các cơ hội và thách thức mới nổi thông qua sự tham gia của tất cả các chủ thể trong xã hội.
Có thể nói, xu hướng tiêu dùng xanh, sản xuất và tiêu dùng bền vững đã và đang nhận được sự đồng thuận rất lớn trong cộng đồng, từ các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, cung ứng sản phầm cho đến người tiêu dùng. Không những vậy, người tiêu dùng còn có động thái thực hiện việc quay lưng, tẩy chay sử dụng sản phẩm của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường khi doanh nghiệp bị người dân tố cáo hoặc bị các cơ quan chức năng công bố.
Theo kết quả nghiên cứu của Công ty Nielsen Việt Nam cho thấy, các thương hiệu có cam kết “xanh” và “sạch” có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Chẳng hạn, đối với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Tiêu dùng bền vững có thể là khái niệm còn khá mới ở Việt Nam, tuy nhiên cũng không khó thực hiện. Hiện nay, người tiêu dùng đang dần thay đổi thói quen, hướng đến “tiêu dùng xanh” nhằm bảo vệ sức khỏe và môi trường, tăng cường việc tiêu thụ các sản phẩm địa phương, mùa nào thức nấy nhằm giảm thiểu các tác hại môi trường do vận chuyển từ nơi xa đến cũng như đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Đặc biệt, tích cực hưởng ứng các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp hướng tới tiêu dùng bền vững, như lựa chọn không lấy dụng cụ ăn uống nhựa khi mua hàng qua mạng, chọn mua từ những cửa hàng sử dụng vật liệu xanh trong kênh phân phối như túi giấy, lá chuối gói rau…