Áp dụng kế toán trách nhiệm xã hội: Kinh nghiệm quốc tế cho Việt Nam
Tại Việt Nam, kế toán trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp đã được một số công ty đại chúng triển khai thực hiện như Vingroup, Vinamilk... Tuy nhiên, bên cạnh một số doanh nghiệp bước đầu thực hiện tốt kế toán trách nhiệm xã hội, vẫn còn có không ít doanh nghiệp của Việt Nam chưa thấy được tầm quan trọng của vấn đề này. Nghiên cứu kinh nghiệm của các nước để từ đó rút ra bài học cho Việt Nam trong việc triển khai kế toán trách nhiệm là điều cần thiết.
Kinh nghiệm triển khai kế toán trách nhiệm xã hội tại doanh nghiệp của một số nước
Vương quốc Anh:
Kế toán xã hội cho các tổ chức cộng đồng nhỏ cũng như các doanh nghiệp (DN) xã hội quy mô lớn và vừa dựa trên 3 bước: (i) Lập kế hoạch - thiết kế, xác định quy trình và mục tiêu; (ii) Kế toán - quyết định phạm vi và thiết lập hệ thống kế toán xã hội; (iii) Báo cáo và phản hồi - Báo cáo lại cho các bên liên quan của công ty và phản hồi các ý kiến.
Đánh giá tác động về trách nhiệm xã hội của DN (CSR) bao gồm, việc đánh giá các mối quan hệ với tất cả các bên liên quan và báo cáo các chỉ dẫn cụ thể. Các chỉ số có thể gồm việc thiết lập mối quan hệ cá nhân với những người ra quyết định quan trọng hoặc phản hồi tích cực từ các bên liên quan. Thay đổi quan hệ với các bên liên quan có thể được giám sát bằng cách sử dụng các cuộc đối thoại hoặc cuộc điều tra. Điều này sẽ giúp DN quyết định phạm vi các hoạt động kế toán xã hội: Các giá trị và mục tiêu, các hoạt động (hoặc chương trình), các bên liên quan và mối quan hệ giữa các nhân tố này.
Tiếp theo, các công ty phát triển và đo lường Chỉ số đánh giá thực hiện công việc (KPI) cho thấy, sự cải thiện khả năng cạnh tranh của công ty do CSR quyết định. Trong mô hình tác động về CSR, KPI tập trung vào khách hàng và nhân viên. Ví dụ: Trong một cuộc khảo sát giữa 500 nhà quản lý hàng đầu ở Anh năm 2012, trách nhiệm đối với khách hàng, nhân viên và cổ đông được xếp hạng cao nhất. Các công ty xác định các chỉ số định lượng để đo lường KPI tùy thuộc vào các chiến lược và hoạt động cụ thể của CSR.
Mặc dù các KPI nên được đánh giá riêng lẻ nhưng chúng đều có mối quan hệ với nhau. Theo Tuppen (2002), CSR ảnh hưởng tới mức độ hài lòng của khách hàng. Bên cạnh đó, giá trị CSR cũng có thể đo lường được. Theo đó, giá trị CSR tiền tệ được xác định theo công thức sau:
Theo cách tính ở trên, DN sẽ phải tính toán các chi phí và các lợi ích về mặt tiền tệ mà CSR có thể mang lại. Trong đó, lợi ích tiền tệ CSR bao gồm doanh thu tăng hoặc giảm chi phí do sự tham gia của CSR. Nó có thể là doanh thu tăng thêm khi DN áp dụng CSR, các khoản trợ cấp CSR. Các khoản tiết kiệm từ giảm chi phí do CSR mang lại, tiết kiệm chi phí nội bộ do cải thiện hiệu quả hoặc do các hợp tác cụ thể về CSR. Khi đánh giá lợi ích CSR, các nhà quản lý cần cân nhắc kỹ lưỡng khoảng thời gian trong phạm vi. Bởi vì lợi ích của CSR thường xảy ra sau một thời gian trễ, đánh giá tập trung vào các khoảng thời gian dài hơn.
Chi phí CSR bao gồm các khoản quyên góp nhằm hỗ trợ phí giấy phép sử dụng nhãn hàng hoặc bằng sáng chế. Bên cạnh đó, chi phí CSR còn có chi phí định kỳ như nhân viên, vật liệu, chi phí cho các nhà quản lý điều phối các dự án hoặc chi phí vật liệu cho việc sản xuất các tài liệu quảng bá các chiến dịch tiếp thị. Kế toán chi phí thường gán chi phí cho các sản phẩm dựa trên các chỉ số khối lượng như khối lượng sản xuất. Chi phí liên quan đến rủi ro của CSR có thể bao gồm giảm doanh thu hoặc tăng chi phí so với doanh thu và chi phí dự kiến mà không có CSR.
Hiện nay, phần lớn các DN ở Anh lồng ghép báo cáo kế toán trách nhiệm xã hội vào báo cáo phát triển bền vững để công bố ra bên ngoài. Quá trình lập báo cáo phát triển bền vững được thực hiện theo hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững và Báo cáo tích hợp quốc tế.
Mỹ:
Hệ thống kế toán trách nhiệm xã hội ở Mỹ được ghi nhận bằng thẻ điểm cân bằng bền vững. Khác với thẻ điểm cân bằng thông thường chỉ gồm 4 nhóm: Tài chính, quy trình nội bộ, khách hàng, con người. Thẻ điểm cân bằng bền vững ở Mỹ được bổ sung thêm phương diện thứ 5 là môi trường và xã hội liên kết với 4 phương diện còn lại (Hình 2).
Trong quá trình ghi nhận kế toán trách nhiệm xã hội các khoản chi phí phát sinh và thu nhập của từng nhóm đối tượng trên đều được ghi nhận. Việc lập báo cáo trách nhiệm xã hội được thực hiện qua các bước sau:
Bước 1: Lập kế hoạch cho quy trình báo cáo của công ty bao gồm: Việc xác định danh sách các chủ đề phát triển bền vững có khả năng liên quan và những người ra quyết định cấp cao trong công ty muốn hành động và báo cáo trên cơ sở mục tiêu kinh doanh và bối cảnh phát triển của công ty.
Bước 2: Thu thập ý kiến đóng góp từ các bên liên quan chính về các chủ đề trên. Danh sách các chủ đề phát triển bền vững mà các bên liên quan coi trọng được xác lập. Đây là căn cứ để ra các khuyến nghị về các chủ đề được báo cáo.
Bước 3: Xác định các lĩnh vực trọng yếu cho báo cáo. Đây là các lĩnh vực phản ánh tác động đáng kể của tổ chức về mặt kinh tế, môi trường, xã hội hoặc ảnh hưởng một cách cơ bản đến các đánh giá và quyết định của các bên liên quan. Nó gắn với những mục tiêu phát triển của công ty, đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và tác động đến nền kinh tế, môi trường và xã hội.
Bước 4: Giám sát lập báo cáo kế toán trách nhiệm xã hội. Trong đó, ghi nhận từng loại doanh thu và chi phí phát sinh theo từng chỉ tiêu, đồng thời đưa ra những lý giải về các nguồn chi phí hay doanh thu đó.
Bước 5: Kiểm tra và trao đổi. Các thông tin cần thiết cho mỗi khoản dữ liệu cần để tuân thủ công bố thông tin ra bên ngoài phải đảm bảo tính chính xác.
Báo cáo phải được trình bày đầy đủ và hướng tới các nhóm liên quan cụ thể. Việc lập báo cáo kế toán trách nhiệm xã hội cần phải áp dụng các nguyên tắc báo cáo đặc biệt là các nguyên tắc về sự rõ ràng, kịp thời và cân bằng. Các số liệu kế toán chính xác và cụ thể kèm theo các ví dụ minh họa.
Đối với các DN sản xuất kinh doanh, các yếu tố về môi trường thường được coi là vấn đề trọng yếu nhất và thường được chú trọng nhiều nhất trong báo cáo. Trong khi đó, đối với các công ty dịch vụ, tài chính thì các vấn đề khác như nguồn nhân lực hay cộng đồng được đầu tư nhiều hơn. DN thể hiện mong muốn thực hiện CSR song song với phát triển bền vững, nỗ lực truyền bá khả năng đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan và tác động tổng thể của các hoạt động DN đến môi trường.
Các chỉ số hoạt động công bố trong báo cáo phát triển bền vững gồm vật liệu (tổng khối lượng vật liệu thô được sử dụng để sản xuất, đóng gói các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức trong năm và tỷ lệ phần trăm vật liệu được tái chế để sản xuất các sản phẩm và dịch vụ của tổ chức); năng lượng (lượng năng lượng tiêu thụ, mức tiết kiệm và các sáng kiến); nước (nguồn cung cấp và lượng nước sử dụng, lượng tiết kiệm và các sáng kiến); tuân thủ (số lần bị phạt và tổng số tiền bị phạt).
Australia:
Các DN Australia sử dụng công cụ kế toán với 3 phần: xã hội, môi trường và tài chính (Triple bottom line) để đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lược kinh doanh. Sự ra đời của hướng dẫn Báo cáo tính bền vững của Sáng kiến Báo cáo Toàn cầu (GRI), Hướng dẫn Báo cáo các chỉ thị môi trường và Hướng dẫn báo cáo các chỉ số xã hội (cả hai sáng kiến của Australia) là những tài liệu tham khảo đối với công tác kế toán cũng như lập báo cáo kế toán trách nhiệm xã hội. Các DN Australia ghi nhận kế toán trách nhiệm xã hội theo cách tiếp cận các bên liên quan.
Bên cạnh đó, kế toán trách nhiệm xã hội tuân thủ nguyên tắc tổng thể và các nguyên tắc: Đa chiều, toàn diện, thường xuyên, so sánh, xác minh và đảm bảo và công bố. Báo cáo kế toán xã hội của các DN Australia chủ yếu được công bố dưới dạng báo cáo phát triển bền vững. Hơn 80% báo cáo phát triển bền vững ở Australia được lập theo đúng hướng dẫn của tổ chức sáng kiến báo cáo toàn cầu.
Vấn đề đặt ra đối với Việt Nam
Qua nghiên cứu kinh nghiệm triển khai kế toán trách nhiệm xã hội tại DN của các nước, có thể gợi mở một số nội dung cho Việt Nam trong việc áp dụng kế toán trách nhiệm xã hội gồm:
Thứ nhất, nâng cao ý thức của các DN. Thực tế hiện nay, chưa có quốc gia nào yêu cầu các DN thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội. Tuy nhiên, do nền kinh tế phát triển cùng với quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội của DN ngày càng được chú trọng. Các DN cần được khuyến khích áp dụng kế toán trách nhiệm, học hỏi lẫn nhau để đưa ra một cách thức thực hiện kế toán trách nhiệm xã hội mang tính đồng nhất cao.
Thứ hai, Chính phủ xem xét ban hành các văn bản để áp dụng vào công tác kế toán trách nhiệm xã hội như Chuẩn mực kế toán phát triển bền vững của Hội đồng chuẩn mực kế toán phát triển bền vững Hoa Kỳ, hướng dẫn kế toán phát triển bền vững của dự án SIGMA của Anh, hướng dẫn Báo cáo các chỉ thị môi trường và Hướng dẫn báo cáo các chỉ số xã hội của Australia.
Thứ ba, khuyến khích DN vận dụng các hướng dẫn báo cáo phát triển bền vững của Tổ chức Sáng kiến báo cáo toàn cầu, mẫu báo cáo của Hội đồng Báo cáo Tích hợp quốc tế.
Thứ tư, sử dụng các công cụ Trible bottom line để đưa ra các mục tiêu phát triển bền vững vào chiến lượng kinh doanh, xem xét kết quả xã hội và con người, kết quả về môi trường sinh thái trong mối quan hệ mật thiết và tác động tương hỗ với kết quả tài chính của DN.
Tài liệu tham khảo:
1. Aprianto Aprianto Faculty of Economics and Business University of Muhammadiyah Palemban, 2016, Indonesia Social and Environmental Accounting: A Reflection of Indonesian Firms’Involvement;
2. Asit Bhattacharyya, 2014, Factors Associated with the Social and Environmental Reporting of AustralianCompanie;
3. Bowen, H. R. (1953). Social Responsibilities of the businessman. New York: HarperPublishers;
4. Cornelia, D., Chirata, C., Camelia, I. L., Florian, C., & Gina, R. G. (2010). The externalities in social environmental accounting. International Journal of Accounting and Information Management;
5. Crowther, D. (2000). Social and Environmental Accounting (p. 7). London: Financial Times PrenticeHall;
6. Mathews, M. R., 1993, Socially responsible Accounting, London, Chapman andHall.