Giải pháp nào cho doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn?

Kim Oanh

Với đặc thù là ngành dịch vụ, Du lịch Việt Nam đã bị tác động trực tiếp, ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Làm thế nào đề các doanh nghiệp du lịch vượt qua khó khăn là vấn đề đặt ra, đang rất cần có giải pháp và triển khai sớm…

 Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, từ đầu năm đến nay, do tác động của dịch Covid-19, hoạt động kinh doanh tại cơ sở lưu trú giảm từ 20% đến 50% so với cùng kỳ năm 2019. Lượng khách tới các điểm đến quan trọng như Hà Nội, Quảng Ninh, thành phố Hồ Chí Minh… giảm khoảng 20%-50%. Ước tính của Tổng cục Du lịch, trong quý I/2020, đạt 13 triệu lượt khách. Còn lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong tháng 3/2020 ước đạt 449.923 lượt, giảm 63,8% so với tháng 2/2020 và giảm 68,1% so với cùng kỳ năm 2019. Tính chung trong 3 tháng đầu năm 2020 ước đạt 3.686.779 lượt khách, giảm 18,1% so với cùng kỳ năm 2019.

Cùng với sự sụt giảm lượng khách, tổng thu từ khách du lịch cũng giảm mạnh. Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), vừa thực hiện khảo sát về tình hình hoạt động của các DN du lịch, lữ hành do tác động tiêu cực của dịch Covid-19. Kết quả cho thấy, với 394 doanh nghiệp (DN) tham gia trả lời, 71% DN cho biết doanh thu của họ trong quý I/2020 giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm 2019; 77% DN dự kiến doanh thu quý II/2020 sẽ giảm hơn 80% so với cùng quý năm ngoái; Gần 50% DN cho hay họ sẽ không có doanh thu trong quý II/2020.

Hiện tại, trung bình mỗi ngày có 10 DN lữ hành quốc tế chấm dứt hoạt động. Số DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn quý I/2020 là 18.596 DN, tăng 26% với cùng kỳ năm 2019. Trong đó: Dịch vụ việc làm, du lịch có 1.037 DN, tăng 32,2% so với cùng kỳ năm 2019; dịch vụ lưu trú và ăn uống có 936 DN, tăng 29,3% so với cùng kỳ năm 2019. Covid-19 khiến hầu hết khách sạn, cơ sở lưu trú phải đương đầu với thách thức khắc nghiệt nhất trong lịch sử của ngành.

Để vươt qua khó khăn do những tác động xấu từ dịch Covid-19 đối với các DN ngành Du lịch trong bối cảnh hiện nay, đòi hỏi cần có nhiều giải pháp từ chính bản thân DN và Nhà nước.

Theo đó, các DN du lịch cần chủ động sắp xếp lại lao động, rà soát, cắt giảm tối đa các chi phí để duy trì hoạt động, cho nhân viên nghỉ phép hoặc nghỉ không lương trong một khoảng thời gian để chung tay cùng DN. DN du lịch nên hướng đến đối tượng khách hàng nội địa nhiều hơn trong thời điểm này vì hiện tại dịch bệnh tại các nước trên thế giới vẫn hết sức phức tạp nên việc hạn chế du khách nước ngoài nhập cảnh để đảm bảo an toàn là cần thiết.

Đồng thời, các DN Phối hợp tốt với các doanh nghiệp vận tải, hàng không, nhà hàng… để tạo nên sự hấp dẫn du lịch nội địa, cần có giải pháp đồng bộ từ việc tổ chức các hoạt động kích cầu du lịch nội địa, tổ chức liên kết các nhà cung cấp dịch vụ để hình thành những chương trình du lịch trọn gói với giá ưu đãi cho khách du lịch Việt Nam.

Cần đầu tư các tuyến du lịch nội địa mới, chú trọng khai thác du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch gắn với bảo vệ môi trường. Tận dụng thời gian này, các DN tập trung đào tạo nhân sự, bồi dưỡng chuyên môn, nâng cấp quy trình quản lý chất lượng, tiếp tục ứng dụng công nghệ 4.0 vào các hoạt động của công ty, sửa sang lại cơ sở vật chất và chuẩn bị mọi thứ tốt nhất khi dịch kết thúc để hoạt động trở lại một cách tốt nhất. Cập nhật các thông tin hỗ trợ từ Chính phủ về các chính sách thuế, bảo hiểm, chính sách cho người lao động… một cách thường xuyên để giảm thiểu khó khăn cho DN và nhân viên trong thời điểm này.

 Cùng với đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tín dụng cho DN đầu tư kinh doanh dịch vụ du lịch, giảm lãi suất vay từ 3%/năm đồng thời kéo dài thời gian ân hạn, chậm trả lãi vay, có các khoản vay ưu đãi mới,  những khoản vay ưu đãi không lãi suất hoặc lãi suất thấp… để có chi phí phục hồi hoạt động, trả lương cho đội ngũ cán bộ công nhân viên.

Nghiên cứu miễn phí cấp thị thực nhập cảnh cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, thời gian áp dụng 12 tháng từ ngày Việt Nam công bố hết dịch. Hỗ trợ gói tài chính cho các DN du lịch trong việc hoàn huỷ tour thay vì thực hiện huỷ tour, gói tài chính này sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp phát hành “phiếu mua tour” có thời hạn 12-18 tháng với giá trị tương đương tour đã đặt cho các khách hàng không thể thực hiện được chuyến đi do tình hình dịch bệnh hoặc các trường hợp bất khả kháng khác.

Mặt khác, miễn phí cấp mới, cấp đổi, cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế, nội địa; thẻ hướng dẫn viên du lịch trong năm 2020. Đầu tư cho các cơ sở đào tạo du lịch có áp dụng chương trình giáo dục trực tuyến đào tạo cấp theo Tiêu chuẩn nghề Du lịch Việt Nam.

Hỗ trợ DN tham gia xúc tiến du lịch quốc gia cụ thể: DN không phải đóng bất kỳ khoản chi phí nào; được hỗ trợ chi phí thị thực, hỗ trợ chi phí vé máy bay cho 1 cán bộ/1 doanh nghiệp du lịch tham gia chương trình.

Cho phép DN du lịch và người lao động chậm nộp bảo hiểm xã hội năm 2019, năm 2020 đến hết tháng 6 năm 2021. Điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) năm 2020 như sau: Điều kiện để nhận quyền lợi BHTN: Giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 03 tháng trong 24 tháng qua, đơn giản hóa quy trình giải quyết quyền lợi cho lao động ; Các khoản đóng góp BHTN: Miễn các khoản đóng góp cho người lao động; Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng: Tăng tỷ lệ thay thế từ 60% lên 80%.