Vận dụng kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh Thái Bình

NCS. Đặng Nguyên Mạnh - Đại học Thái Bình

Khảo sát tại các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho thấy, các quyết định về điểm hoàn vốn, giá bán, cơ cấu mặt hàng, chấp nhận hoặc từ chối đơn đặt hàng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà quản trị và quan trọng hơn sẽ thay đổi nhận thức của nhà quản trị theo hướng tích cực nhờ sự hỗ trợ thông tin của bộ phận kế toán. Bài viết đưa ra một số gợi ý về phương án vận dụng công cụ kế toán quản trị chi phí vào doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Bình.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kết quả khảo sát tại các DN sản xuất trên địa bàn tỉnh Thái Bình cho thấy, các quyết định về điểm hoàn vốn, giá bán, cơ cấu mặt hàng, chấp nhận hoặc từ chối đơn đặt hàng nhận được sự quan tâm đặc biệt của nhà quản trị và quan trọng hơn sẽ thay đổi nhận thức của nhà quản trị theo hướng tích cực nhờ sự hỗ trợ thông tin của bộ phận kế toán.

Do đó, các DN trên địa bàn tỉnh Thái Bình có thể vận dụng công cụ kế toán quản trị (KTQT) chi phí để phân tích hoạt động sản xuất kinh doanh của mình qua các năm. Cụ thể:

Thứ nhất, phân tích – khối lượng – lợi nhuận (CVP) để xác định điểm hòa vốn. Đây là một trong những công cụ quan trọng của KTQT để hỗ trợ các DN xác định được điểm hòa vốn.

Phân tích Bảng 1 có thể thấy, DN đã đạt được mức sản lượng sản xuất và tiêu thụ hòa vốn, mỗi sản phẩm được tiêu thụ thêm sẽ mang lại biên lợi nhuận là chênh lệch giữa giá bán đơn vị và biến phí đơn vị tính cho mỗi sản phẩm. Số liệu phân tích cũng cho thấy, đòn bẩy kinh doanh của DN liên quan đến tất cả các sản phẩm ở mức khá cao.

Nghĩa là phần chi phí cố định chiếm tỷ trọng không nhỏ trong tổng chi phí của DN. Do đó, DN có thể đạt được mức lợi nhuận cao nếu hoạt động sản xuất kinh doanh vượt điểm hoàn vốn của DN. Tuy nhiên, yếu tố này cũng sẽ gây rủi ro cho DN khi đầu tư quá nhiều vào hệ thống máy móc thiết bị, hệ thống phân phối…

Đặc biệt là gây khó khăn cho DN trong việc cắt giảm các chi phí cố định trong ngắn hạn. Phân tích trên cho thấy, DN cần nghiên cứu, cân nhắc kỹ lưỡng CVP để xác định điểm hòa vốn trước khi đưa ra quyết định đầu tư trong dài hạn.

Thứ hai, các quyết định về giá bán sản phẩm trên thị trường: Chi phí của mỗi DN đã được bóc tách thành chi phí cố định và chi phí biến đổi, thì giá bán của mỗi sản phẩm có thể xác định theo công thức sau:

Vận dụng kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh Thái Bình - Ảnh 1
Từ công thức (I) ta thấy, trong tổng giá sản phẩm thì phần giá linh hoạt ở đây là phần bù đắp định phí và lợi nhuận dự kiến. Trong trường hợp thị trường tiêu thụ khó khăn, nếu đã có được doanh thu hòa vốn thì DN hoàn toàn có thể định giá bán sản phẩm với mức giá bán thấp hơn so với giá bán đã được xác định.

Ví dụ: Với sản phẩm bệt két liền có giá thành cao và quy trình sản xuất phức tạp nhất trong các DN sản xuất gốm sứ xây dựng hiện nay. Tại Công ty sản xuất kinh doanh sứ Hảo Cảnh với tổng định phí là 350.419.000 đồng, biến phí đơn vị là: 1.004.000 đồng và giá bán đơn vị là 2.000.000 đồng, thì mức giá bán linh hoạt sau khi DN đã đạt được điểm hòa vốn tại mức sản lượng 351 sản phẩm (Bảng 1) là trên 1.004.000 đồng đến 2.000.000 đồng. Theo đó, DN hoàn toàn có thể lựa chọn mức giá phù hợp để đạt được mục tiêu lợi nhuận đã được xác định.

Vận dụng kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh Thái Bình - Ảnh 2

Thứ ba, quyết định chấp nhận hoặc từ chối các đơn đặt hàng đặc biệt: Về nguyên tắc các đơn đặt hàng chỉ được chấp nhận khi có mức giá đủ để bù đắp các chi phí phát sinh khi thực hiện đơn hàng. Tuy nhiên, trong thực tế nhiều khi DN nhận được các đơn hàng với số lượng lớn, với yêu cầu chất lượng sản phẩm tương đương nhưng mức giá trả cho mỗi sản phẩm thấp hơn so với thông thường...

Nếu giả định biến phí nguyên vật liệu trực tiếp, biến phí nhân công trực tiếp là không thay đổi, thì biến phí về chi phí sản xuất chính, chi phí bảo hành, chi phí quản lý DN hoàn toàn có thể biến động theo chiều hướng giảm.

Hiểu một cách đơn giản, đối với một đơn đặt hàng với số lượng lớn, việc phát sinh ít hơn các chi phí về vận chuyển hàng bán, chi phí hoa hồng đại lý, chi phí ký kết hợp đồng… sẽ giúp các biến phí này giảm xuống.

Giả sử mức giảm này là 10%, chúng ta có thể hình dung nếu Công ty sứ Hảo Cảnh trong tháng 10/2016 nhận được một đơn hàng đặc biệt sản xuất 5.000 sản phẩm bệt két liền, với mức giá sản phẩm được trả chỉ là 1.000.000 đồng (thấp hơn biến phí đơn vị là 1.004.000 đồng và giá bán thông thường cho đại lý là 2.000.000 đồng).

Vận dụng kế toán quản trị chi phí tại doanh nghiệp sản xuất ở tỉnh Thái Bình - Ảnh 3

Theo phân tích ở Bảng 2 có thể thấy, nếu đơn hàng được thực hiện, DN vẫn thu được mức lợi nhuận là 482.000.000 đồng, không phải bị lỗ 1.000.000 đồng/sản phẩm. Do vậy, DN nên thực hiện các đơn hàng đặc biệt này.

Tóm lại, nếu các DN trên địa bàn Thái Bình phân loại được các chi phí theo mối quan hệ với mức độ hoạt động, bộ phận kế toán đủ khả năng vận dụng được các công cụ của kế toán quản trị chi phí, thì thông tin kế toán ngày càng được cải thiện và hỗ trợ tích cực cho việc ra quyết định ngắn hạn của nhà quản trị trong các DN.    

Tài liệu tham khảo:

1. Nguyễn Hải Hà (2016), “Hoàn thiện tổ chức kế toán quản trị chi phí trong các DN may Việt Nam”, Luận án Tiến sỹ, Học viện Tài chính;

2. Đặng Nguyên Mạnh (2013a), Thông tin kế toán quản trị chi phí - Khảo sát tại các DN tỉnh Thái bình, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán 09 (122);

3. Đặng Nguyên Mạnh (2013b), Bàn về hệ thống thông tin kế toán quản trị chi phí trong DN, Tạp chí Nghiên cứu Tài chính kế toán 11(124);

4. Nguyễn La Soa (2016), “Hoàn thiện kế toán quản trị chi phí cho Tổng công ty xây dựng công trình giao thông 8”, Luận án tiến sỹ, Học viện Tài chính.