TH True Milk: Nỗi lo đánh mất lợi thế dẫn đầu
Là đơn vị khởi xướng và đồng hành với chương trình Sữa học đường quốc gia tuy nhiên, TH True Milk dường như đang dần đánh mất đi lợi thế dẫn đầu của mình.
Nguy cơ "thua" trên sân nhà
Không quá khi nói Nghệ An là thị trường "sân nhà" tiêu thụ sữa cho TH True MILK, với vị thế doanh nghiệp đầu tư số một Nghệ An, TH là đơn vị tiên phong đề xuất cung cấp sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường tại đây.
Năm học 2015 - 2016 là năm đầu tiên triển khai chương trình "Sữa học đường" thí điểm do Tập đoàn TH cung cấp các sản phẩm. Đến năm 2016 - 2017, chương trình mở rộng tại 21/21 huyện, thành, thị, với 311.733 HS tại các trường mầm non và tiểu học tham gia (đạt tỉ lệ 69%).
Năm học 2018-2019, chương trình nói trên bị tạm dừng để Nghệ An hoàn thiện thủ tục đấu thầu. Theo ông Nguyễn Sỹ Cẩn - Phó phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Y tế Nghệ An - lý do là để chuẩn bị thủ tục, hồ sơ mời các đơn vị cung cấp sữa tham gia đấu thầu rộng rãi.
Việc đầu thầu rộng rãi là điều cần thiết để đảm bảo công bằng giữa doanh nghiệp sữa khác. Tuy nhiên nếu tổ chức đầu thầu chắc chắn sẽ nhiều hãng sữa quan tâm thị trường lớn như Nghệ An trong đó phải kể đề Vinamilk đồng thời cũng mang đến lo ngại cho doanh nghiệp sữa như TH True MILK.
Ngoài ra, theo Quyết định số 1340/QĐ-TTg ngày 8/7/2016, Chương trình sữa học đường sử dụng "sữa tươi" cho trẻ nhằm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, góp phần nâng cao tầm vóc trẻ mẫu giáo và tiểu học. Tuy nhiên, trong công văn số 5454/BYT-ATTP ngày 17/9 mới đây, Bộ Y tế đã đề xuất bổ sung “sữa dạng lỏng” vào Chương trình.
Theo công văn này, nếu chỉ quy định sữa tươi phục vụ Chương trình sữa học đường sẽ “dẫn tới việc hạn chế sự lựa chọn các loại sữa khác trong khi các sản phẩm sữa khác vẫn có thể đáp ứng mục tiêu dinh dưỡng”, “tạo ra rào cản tham gia thị trường của nhiều doanh nghiệp”.
Theo Hiệp hội sữa Việt Nam tiếp tục nhắc lại vấn đề bổ sung các loại sữa dạng lỏng vào Chương trình sữa học đường, vì những loại sữa này vẫn đáp ứng đầy đủ dinh dưỡng như sữa tươi, nhưng lại đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp sữa. Hiện nay, sữa tươi trên thị trường chủ yếu là sản phẩm của các doanh nghiệp lớn, có tỷ lệ đàn bò, dê cao.
Nếu công văn số 5454/BYT-ATTP đề xuất bổ sung “sữa dạng lỏng” vào Chương trình sữa học đường được thông qua thì rất có thể các hãng sữa như Vinamilk, Nestle, FrieslandCampina Việt Nam, VPMilk sẽ tham gia mạnh mẽ hơn. Như vậy cuộc chơi sữa học đường TH True MILK sẽ mất dần vị thế đi đầu bởi hãng này chỉ mạnh mảng sữa tươi.
Liệu có "thua" tiếp?
Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội vừa tổ chức buổi mở gói thầu tài chính chương trình “Sữa học đường”. Tại buổi mở thầu, ông Nguyễn Viết Cẩn, Trưởng Phòng Kế hoạch tài chính, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, có 3 đơn vị chính thức đấu thầu là Công ty Sữa Việt Nam (Vinamilk), Công ty Thực phẩm Sữa TH (TH True Milk) và Công ty TNHH Thịnh Anh.
Tuy nhiên, Công ty TNHH Thịnh Anh bị loại do hồ sơ không đáp ứng yêu cầu năng lực, trách nhiệm.
Trong khi đó, Vinamilk đã đưa ra giá dự thầu là 3.828 tỷ đồng, còn TH True Milk đưa ra mức giá cao hơn, lên đến 4.141 tỷ đồng. Sau đó, TH True Milk đưa ra giá trị giảm giá 182,6 tỷ đồng, khiến giá dự thầu giảm xuống còn 3.958 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá dự thầu của TH True milk vẫn cao hơn giá dự thầu của Vinamilk khoảng hơn 130 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT, đây mới chỉ là kết quả bước đầu. Theo vị này, doanh nghiệp đấu thầu thấp hơn chưa chắc đã trúng thầu mà vẫn cần quá trình đánh giá toàn diện các nhà thầu tham gia. Dự kiến cuối tuần này sẽ có kết quả chính thức.
Có thể nói, TH True Milk đang "lép vế" hơn so với Vinamilk. Bởi Vinamilk đã tham gia chương trình sữa học đường tại nhiều địa phương trên cả nước như Bắc Ninh, Tuyên Quang, Đồng Nai, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Tây Ninh... thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi. Còn nhà thầu Công ty CP thực phẩm sữa TH, chưa thấy doanh nghiệp này được công khai trúng gói thầu nào.
Trước đó, ngày 31/10/2018, Vietnam Report chính thức công bố Top 10 Công ty uy tín ngành thực phẩm – đồ uống năm 2018. Cụ thể, trong Top 10 Công ty thực phẩm uy tín nhất năm 2018, Vietnam Report xếp hạng Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk) đứng vị trí đầu tiên. Đứng thứ hai là Công ty TNHH Nestlé Việt Nam; thứ ba là Công ty CP Tập đoàn Kido, tiếp đến Công ty CP Thành công Biên Hòa. Xếp vị trí thứ 5 là Công ty CP sữa TH.
Trong Top 10 Công ty thực phẩm uy tín nhất năm 2018 có đến 5 sản phẩm. Trong đó Vinamilk đang là thương hiệu sữa nội vượt lên các đối thủ khác. Điển hình theo xếp hạng của Vietnam Report, sữa TH đang kém Vinamilk 4 bậc trong danh sách xếp hạng.