Tỉnh Ninh Thuận:

Tháo gỡ khó khăn giúp doanh nghiệp khôi phục sản xuất, kinh doanh

Theo Xuân Bình/Báo Ninh Thuận

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận gặp rất nhiều khó khăn. Hiện nay, dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát, tỉnh cần tập trung đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh (SXKD), đưa hoạt động này sang trạng thái bình thường mới, nhanh chóng phục hồi nền kinh tế.

Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận thực hiện nghiêm quy định “5K” trong sản xuất để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Xuân Bình
Công nhân Công ty TNHH May Tiến Thuận thực hiện nghiêm quy định “5K” trong sản xuất để phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: Xuân Bình

Nhiều khó khăn do ảnh hưởng dịch COVID-19

Tính đến ngày 31/8, toàn tỉnh Ninh Thuận đã có 3.739 DN đang hoạt động, trong đó có khoảng 3.400 DN bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, chiếm trên 90%; đồng thời có trên 11.000 hộ kinh doanh phải ngừng hoạt động trong thời gian giãn cách xã hội.

Tổng số DN thành lập mới giảm 47,2% và giảm 36,5% số vốn; số DN giải thể tăng 19,6%, số DN tạm dừng hoạt động tăng 45,6% so với cùng kỳ. Các lĩnh vực SXKD bị ảnh hưởng rõ rệt, nhất là lĩnh vực dịch vụ thương mại, du lịch, lưu trú, ăn uống giảm sâu; lĩnh vực công nghiệp - động lực tăng trưởng trong những tháng đầu năm cũng bắt đầu chững lại và sụt giảm.

Cụ thể chỉ số phát triển công nghiệp 8 tháng tăng 34,11%, tuy nhiên do tình hình dịch bệnh bùng phát nên chỉ số công nghiệp tháng 8 giảm 8,5% so với tháng trước; tổng mức hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 8 giảm 26,32%, lũy kế 8 tháng tăng 2,5% so cùng kỳ đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 5 năm trở lại đây...

Qua khảo sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, trong đợt dịch lần thứ tư bùng phát trở lại, cùng với việc áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội đã tác động tới hoạt động SXKD của các DN. Tổng cầu giảm mạnh khiến cho các đơn hàng, hợp đồng, sản lượng đều sụt giảm.

Trung bình nhu cầu trong các ngành giảm từ 40-50%, nặng nề nhất là ngành vận chuyển hành khách, hàng hóa, du lịch, lưu trú... nhu cầu giảm đến 70-80%. Hoạt động SXKD gặp khó khăn nên không đủ trang trải các khoản chi phí để duy trì hoạt động; nhiều khoản chi phí mới phát sinh liên quan đến công tác phòng, chống dịch như chi phí xét nghiệm, chi phí trang trải phục vụ “3 tại chỗ”.

Chuỗi cung ứng sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu bị gián đoạn, đình trệ cục bộ. Nhiều DN sản xuất, xuất khẩu bị ảnh hưởng phải trì hoãn hoặc hủy đơn hàng, nếu đợt dịch bùng phát kéo dài có thể bị mất thị trường do khách hàng thay đổi chuỗi cung ứng. Nhiều DN phải thu hẹp quy mô, cắt giảm lao động. Các DN FDI còn gặp khó khăn với vấn đề nhập cảnh và việc gia hạn cấp giấy phép lao động cho chuyên gia nước ngoài.

Một số dự án đầu tư đang thi công không thực hiện được công tác tăng cường nhân lực, điều chuyển nhân lực từ các địa phương, các tỉnh khác đến dự án đã ảnh hưởng nhiều đến tiến độ thi công của dự án... Trong khi đó, vấn đề tiếp cận vắc xin tiêm cho người lao động khối DN cũng đang gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn vắc xin.

Hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp

Ông Lê Kim Hoàng - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận, cho biết: Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát, để kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho DN, sớm phục hồi hoạt động SXKD, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, thực hiện “mục tiêu kép” đề ra.

Ngành đã đề xuất, kiến nghị với UBND tỉnh cho phép DN triển khai tổ chức SXKD phù hợp với cấp độ dịch, theo nguyên tắc trao quyền tự chủ cho đơn vị SXKD triển khai mô hình hoạt động phù hợp đặc thù của đơn vị và chịu trách nhiệm về các yêu cầu an toàn phòng, chống dịch theo từng cấp độ quy định.

Việc mở cửa được thực hiện có lộ trình, theo hướng thu hẹp “vùng đỏ”, mở rộng “vùng xanh”, tăng dần tỷ lệ lao động làm việc tại DN phù hợp với năng lực của DN (chủ yếu đối với DN trên địa bàn Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Phước từ 50% lên 70% và lộ trình tăng lên 100% quy mô sản xuất).

Ưu tiên các lĩnh vực, ngành hàng quan trọng của chuỗi SXKD như dệt, may mặc, chế biến nhân điều, tôm xuất khẩu, sản xuất công nghiệp, các dự án đầu tư điện gió, điện mặt trời, du lịch, đô thị... nhằm tránh đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, đóng góp cho tăng trưởng và thu ngân sách địa phương. Các cơ quan chức năng của tỉnh cần thường xuyên hướng dẫn quy trình tổ chức hoạt động SXKD phù hợp từng vùng, từng cấp độ dịch theo quy định.

Về giải pháp được ưu tiên hàng đầu là hỗ trợ tiêm vắc xin cho người lao động, nhất là lao động làm việc tại các DN lĩnh vực sản xuất trong các khu, cụm công nghiệp, các DN sản xuất, chế biến tôm xuất khẩu, điều xuất khẩu, may mặc, các dự án năng lượng tái tạo, đô thị, du lịch và các công trình trọng điểm của tỉnh, để giúp DN sớm ổn định SXKD, bảo đảm không đứt gãy chuỗi cung ứng, giải quyết việc làm cho người lao động, thúc đẩy phục hồi tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong những tháng cuối năm 2021.

Giao DN tự xây dựng phương án sản xuất, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch theo đặc thù từng loại hình sản xuất và phải báo cáo UBND cấp huyện để theo dõi, phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật khi để xảy ra lây lan dịch bệnh và tự chịu trách nhiệm chi trả các chi phí liên quan. Cho phép DN tự xét nghiệm nhanh sàng lọc theo mẫu gộp cho người lao động 1 lần/tuần cho những đối tượng nguy cơ cao (do DN quyết định về đối tượng và phần trăm, với mục tiêu là 20% tổng lao động đang làm việc) và báo cáo kết quả xét nghiệm cho chính quyền địa phương. Tăng kiểm soát ở những khâu có độ rủi ro cao, nhất là hệ thống hậu cần thuê ngoài phục vụ hoạt động sản xuất của DN. Hàng tuần giao chính quyền địa phương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn sản xuất trong công tác phòng, chống dịch để có phương án điều chỉnh phù hợp.

Tỉnh Ninh Thuận tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu các mặt hàng, sản phẩm của tỉnh, mở rộng thị trường, kênh phân phối nội địa, các sàn thương mại điện tử. Hỗ trợ DN tăng cường ứng dụng thương mại điện tử trong hoạt động xuất nhập khẩu, nhằm giới thiệu, quảng bá và xúc tiến xuất khẩu cho những nhóm hàng hóa có lợi thế của tỉnh. Chỉ đạo Cục Thuế tỉnh rà soát, hỗ trợ, hướng dẫn DN đăng ký kê khai các thủ tục để được gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất theo quy định. Kịp thời giải quyết thủ tục hoàn thuế cho DN. Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn rà soát, kịp thời có phương án cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay.

Phối hợp với các hiệp hội DN đẩy mạnh thực hiện các chương trình kết nối ngân hàng - DN, đặc biệt quan tâm đến việc giảm lãi suất cho vay đối với các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19. Tăng cường các hoạt động kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là DN đang thiếu hụt lao động do ảnh hưởng của dịch COVID-19; có phương án hỗ trợ đào tạo nghề phù hợp để đáp ứng nhu cầu lao động của DN.

Các tổ chức chính trị, hội nghề nghiệp tăng cường tuyên truyền, vận động cộng đồng DN và Nhân dân hưởng ứng thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, khắc phục khó khăn, sớm khôi phục và phát triển kinh tế, thực hiện “mục tiêu kép” đề ra.